Saturday 13 May 2017

VẪN CHUYỆN ÔNG TRUMP SA THẢI ÔNG COMEY (tin tổng hợp)



Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
May 11, 2017

Theo luật, thay thế một giám đốc FBI là quyền của tổng thống. Tổng Thống Donald Trump hoàn toàn không có gì sai trái khi quyết định cách chức ông James Comey.

Tuy nhiên, việc làm này gây tranh luận sôi nổi, trước hết vì ông Trump luôn luôn là trung tâm của những phê phán chỉ trích ít nhiều mang tính cách chính trị phe đảng chứ không hẳn hoàn toàn khách quan công bằng. Mặt khác, thực tế ấy cũng là do chính từ cá nhân ông Trump, không ngừng phát ngôn và hành động một cách tùy tiện, không dựa trên dữ kiện cụ thể hay luận lý vững vàng nào, và vì thế tạo thành nghi vấn.

Chuyện đột ngột giải nhiệm Giám Ðốc Comey xảy ra trong tình huống như thế.

FBI đang trong quá trình điều tra về mối liên hệ của Nga đối với cuộc bầu cử năm ngoái ở Mỹ. Do đó, thắc mắc tự nhiên mà ai cũng phải đặt ra: Phải chăng Tổng Thống Trump định ngăn chặn, không muốn để điều gì bất lợi cho mình có thể bị phát hiện và tiết lộ.

Diễn giải nặng nề hơn, đây là hành động cản trở thi hành pháp luật.

Hệ thống truyền thông CNBC so sánh quyết định nhanh chóng bất ngờ này với chuyện Tổng Thống Richard Nixon năm 1973 cách chức công tố viên Archibald Cox, và hậu quả của việc làm vụng về ấy khiến cho vụ Watergate càng thêm nổ lớn để cuối cùng ông Nixon phải từ chức.

Thật ra, rất khó có bằng chứng gì để xác định cho tất cả những lý luận tố cáo hay bào chữa, và tranh cãi chắc chắn sẽ còn kéo dài chưa dứt. Tòa Bạch Ốc cùng những giới chức chính quyền đưa ra rất nhiều lời giải thích, trong khi phía đối lập cũng không thiếu lập luận của họ về nghi vấn: Nga có phải là lý do chính khiến Giám Ðốc James Comey bị giải nhiệm hay không?

Bà Sarah Sanders, phó phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, khẳng định: “Tổng thống đã xem xét việc giải nhiệm Giám Ðốc Comey từ lâu, ngay sau khi ông thắng cử.”

Bà cũng nói rằng Tòa Bạch Ốc hy vọng cuộc điều tra liên quan đến Nga sớm kết thúc, không còn vướng víu “để cho chúng ta tiến tới.” Nhưng đây chỉ là một cách nói, bà Sanders chắc chắn phải biết là từ Tháng Ba, ông Comey đã xác định là FBI còn đang điều tra về sự hợp tác có thể có giữa người Nga với các phụ tá của ông Trump, và ông Comey còn đang yêu cầu Bộ Tư Pháp cung cấp thêm phương tiện cho công tác này.

Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng việc cách chức ông Comey không liên hệ gì với chuyện Nga,

Tổng thống làm theo đề nghị của Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Rod Rosenstein. Ðiều này đúng, căn cứ trên bức thư tổng thống thông báo cho ông Comey. Nhưng trong một tweet đầu tiên, tối Thứ Ba, về chuyện này, tổng thống cho là ông Comey “không làm tốt nhiệm vụ.” Rồi đến khi trả lời phỏng vấn của NBC, tổng thống nói: “Dù không có đề nghị (của Bộ Tư Pháp), tôi vẫn cách chức ông Comey.” Sự kiện rắc rối ở chỗ, như mọi người biết, rất nhiều khi Tổng Thống Trump nói khác với các phụ tá!

Thêm nữa, trong cuộc điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện hôm Thứ Năm, ông Andrew McCabe, quyền giám đốc FBI, nói ngược với giải thích của Tòa Bạch Ốc về lý do ông Comey bị cách chức. Theo Tòa Bạch Ốc, ông Comey không có được sự tin cậy của các cấp chỉ huy và nhân viên FBI. Nhưng trả lời câu hỏi của các thượng nghị sĩ về lời giải thích ấy, ông McCabe đáp: “Ðiều ấy không đúng, tôi có thể xác định với quý vị rằng ông Comey được sự ủng hộ rộng rãi của mọi người, và vẫn còn như thế cho đến bây giờ.”

Quyền giám đốc FBI cũng tỏ ra nghi ngờ lời của Tổng Thống Trump.

Trong cuộc phỏng vấn của NBC, Tổng Thống Trump nói rằng: “Ông Comey ba lần xác nhận với tôi là tôi không bị điều tra, một lần trong bữa tiệc và hai lần qua điện thoại.”

Theo ông McCabe, FBI có lệ không bao giờ nói với một người nào rằng họ đang bị hay không bị điều tra.

Vậy thì, trong khi câu hỏi Nga có phải là nguyên nhân chính trong quyết định cách chức ông James Comey hay không chưa thể có lời giải đáp, thì hai thắc mắc khác vẫn còn khiến người ta quan tâm: Thời điểm cách chức ông Comey có ý nghĩa gì, và tại sao chính quyền Tổng Thống Trump và Tòa Bạch Ốc đưa ra nhiều cách giải thích không nhất quán như thế?

Thay vì cố gắng giải thích những vấn đề ấy, có lẽ chúng ta nên nhìn lại toàn bộ con đường quanh co mà Giám Ðốc James Comey trải qua trong sáu tháng gần đây để cuối cùng phải rời khỏi FBI, theo ghi nhận của tạp chí Mother Jones, phát hành mỗi tháng hai lần ở San Francisco và một số thành phố lớn khác,

Ngày 5 Tháng Sáu, 2016, ông Comey loan báo không tìm thấy bằng chứng để truy tố bà Hillary Clinton trong việc sử dụng email cá nhân khi làm ngoại trưởng. Lời công bố khác thường này khiến ông phải ra điều trần trước Hạ Viện sau đó.

Cuối Tháng Bảy, FBI mở cuộc điều tra về liên hệ có thể có của các cá nhân trong ban tranh cử Donald Trump với Nga. Việc này không được công bố lúc đó và đến Tháng Ba năm nay, Giám Ðốc Comey mới xác nhận trước Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện.

Ngày 28 Tháng Mười, ông Comey gởi thư cho Hạ Viện, cho biết FBI sẽ mở lại cuộc điều tra về bà Clinton vì tìm thấy một số email mới của các nhân viên của bà. Việc này xảy ra chỉ 10 ngày trước bầu cử và dư luận tin rằng đã gây thiệt hại nặng nề cho bà dù cuối cùng bà vẫn không bị kết lỗi gì hết.

Ngày 31 Tháng Mười, trong một cuộc vận động tranh cử, ông Donald Trump ca ngợi ông Comey “can đảm và làm đúng trách nhiệm.”

Ngày 15 Tháng Giêng, ông Reince Priebus, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, nói tổng thống tân cử không có ý định thay thế giám đốc FBI và hoàn toàn tin cậy khả năng của James Comey.

Ngày 22 Tháng Giêng, trong một buổi lễ ở Tòa Bạch Ốc, tân tổng thống nói rằng: “Ông Comey còn nổi tiếng hơn tôi.”

Ngày 4 Tháng Ba, mặc dù không có bằng chứng, Tổng Thống Trump nói là ông bị Tổng Thống Barack Obama ra lệnh nghe lén điện thoại trong thời gian tranh cử.

Ngày 20 Tháng Ba, điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, ông Comey công nhận đang điều tra về liên hệ có thể có giữa Nga và các phụ tá của ông Trump. Ông Comey cũng xác định không có bằng chứng nào cho thấy Tổng Thống Obama nghe lén điện thoại.

Ngày 12 Tháng Tư, phóng viên Maria Bartiromo của Fox Business cho rằng Tổng Thống Trump sai lầm khi không giải nhiệm ông James Comey ngay lúc đầu, và bây giờ đã quá trễ.
Tổng thống trả lời: “Không. Không quá trễ. Tôi đã tin tưởng ông. Nhưng hãy chờ xem chuyện gì xảy ra. Rất hay.”

Ngày 2 Tháng Năm, Tổng Thống Trump tweet: “Giám đốc FBI là điều tốt nhất chưa từng có cho Hillary Clinton” và “Chuyện Trump/Nga là sự biện bạch của phe Dân Chủ liên quan đến thất bại bầu cử. Có lẽ Trump đã có một cuộc tranh cử vĩ đại, phải không?”

Ngày 3 Tháng Năm, trong cuộc điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, ông Comey cho biết mở lại cuộc điều tra bà Clinton vì những email của phụ tá của bà, cô Huna Abedin.
Ngày 9 Tháng Năm, FBI gởi thư đến Thượng Viện sửa sai dữ kiện do giám đốc FBI cung cấp, xác định trong email của Abedin chỉ có một số ít thông tin mật và không có gì mới với cuộc điều tra trước kia.

Vài giờ sau, trong khi Giám Ðốc James Comey đang công tác ở văn phòng FBI tại Los Angeles, Tổng Thống Trump gởi thư báo tin ông bị giải nhiệm theo đề nghị của hai nhân vật đứng đầu Bộ Tư Pháp.

-------------------------

Nguyễn Văn Khanh
May 11, 2017

“Tôi sa thải ông ta vì ông ta không làm được việc, ông ta không làm được việc,” tổng thống Hoa Kỳ trả lời báo chí sau ngày quyết định cho ông Giám Ðốc FBI James Comey nghỉ việc. Cùng ngày, bà phát ngôn viên Sarah Huckabee Sanders tiết lộ một trong những lý do khiến ông Comey mất việc “vì nhiều nhân viên FBI (cho chúng tôi biết) họ không tin tưởng ông Comey.” Ðiều này cũng được Tổng Thống Trump nói tới khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NBC, cho biết từ lâu ông đã tính chuyện sẽ cho ông Comey nghỉ việc, không thể tiếp tục để cho “nhân viên FBI nhốn nháo” chỉ vì lối làm việc và các quyết định của người giám đốc.

Những lời tuyên bố nêu trên là bằng chứng xác nhận Tòa Bạch Ốc đang cố gắng giải thích lý do tại sao Tổng Thống Trump quyết định sa thải người điều hành cơ quan FBI. Cho đến chiều Thứ Năm (11 Tháng Năm 2017), tin tức ghi nhận được từ Washington D.C. cho thấy hành pháp càng lên tiếng giải thích bao nhiêu, sự thật lại càng trái ngược bấy nhiêu.

Ðầu tiên là chuyện nhân viên FBI than phiền với Tòa Bạch Ốc họ “mất tin tưởng” ở ông Comey. Trong buổi điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, người đang giữ quyền giám đốc là ông Andrew McCabe nói rất rõ “điều đó hoàn toàn không đúng.” Trả lời câu hỏi của Thượng Nghị Sĩ Martin Heinrich (Dân Chủ-New Mexico), ông McCabe cho biết “làm việc với ông Comey là vinh dự của đời tôi,” bảo thêm “tôi có thể nói chắc chắn là hầu hết nhân viên FBI rất hài lòng với mối quan hệ giữa họ và (người lãnh đạo là) ông Giám Ðốc Comey.”

“Theo những gì tôi được nghe, từ khi còn tranh cử Tổng Thống Trump đã không có mấy thiện cảm với ông Giám Ðốc Comey,” một người thuộc giới biết nhiều chuyện thuộc loại “thâm cung bí sử chính trường Hoa Kỳ” kể lại. “Thoạt đầu, ông Trump bực mình vì ông Comey không truy tố bà Hillary Clinton, bực mình tới mức ông ta chửi thề om tỏi, dùng những lời lẽ tệ nhất để nói về ông giám đốc FBI,” nhân vật không muốn nêu tên này nói tiếp. “Ðiều đó cũng dễ hiểu. Ông Trump tranh cử với bà Clinton, mọi cuộc thăm dò đều nói bà Clinton dẫn trước, đương nhiên ông Trump muốn bà Clinton bị còng tay, chiến thắng chắc chắn sẽ thuộc về mình. Rất tiếc, ước mong đó bị ông Comey phá vỡ.”

Phải chờ đến 11 ngày trước bầu cử, “ông Trump mới thấy cơ hội chiến thắng khi ông Comey công khai thông báo có một số chi tiết mới, cần phải mở lại cuộc điều tra bà Clinton. Lúc đó, khi đi vận động, ứng cử viên Trump hết lời ca ngợi ông Comey, nhắc đi nhắc lại câu ông giám đốc FBI là người quả cảm. Nhiều người cho rằng việc làm này của ông Comey ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử, và điều đó cũng khiến ông Trump bực bội, vì xưa nay ông Trump vẫn hãnh diện là người không cần nhờ vả ai vẫn luôn luôn chiến thắng, do đó ông ta không muốn chia sẻ thành công chính trị với ai cả, nhất là không muốn chia sẻ với ông Comey, người được chính quyền Dân Chủ Barack Obam đưa vào ghế giám đốc FBI.”

Quan hệ giữa người điều hành cơ quan FBI và Tổng Thống Trump “trở nên khó khăn hơn” sau bữa cơm tối ở Tòa Bạch Ốc “đúng một tuần lễ sau ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức,” theo tin xuất phát từ một người thuộc nhóm thân cận với ông Comey. “Ông Comey kể cho tôi và một số người khác biết là trong bữa ăn, ông Trump hai lần nêu câu hỏi nếu được giữ lại để tiếp tục điều hành FBI, ông Comey có trung thành (loyalty) với ông ta (Trump) hay không?” Ông Comey trả lời như thế nào? “Theo ông ta (Comey) nói lại thì ông trình bày với Tổng Thống Trump rằng người lãnh đạo cơ quan FBI phải là người giữ vị trí độc lập để có thể làm việc mà không bị chi phối bởi bất kỳ ai.” Sau khi trình bày điều đó “ông Comey có hứa với tổng thống là sẽ hết sức thành thật (honest) khi trình bày những gì cần phải trình bày với người lãnh đạo quốc gia.” Bữa cơm tối 27 Tháng Giêng 2017 kết thúc “trong bầu không khí chẳng mấy phấn khởi, vì ông Trump không nhận được lời cam kết như ông trông đợi.” Lúc đó, “ông Comey đã biết rất khó tồn tại, nhưng ông có nói với chúng tôi là mình cứ làm việc phải làm, và làm cho đúng với luật pháp.”

“Không may, điều ông Comey âu lo đã trở thành sự thật ngay sau buổi điều trần cuối cùng của ông trước Quốc Hội,” theo tin được đồn thổi là “rò rỉ từ Tòa Bạch Ốc.” Tin “rò rỉ” này nói rằng “tổng thống bực bội khi xem TV, thấy ông Comey trình bày với mọi người là ông xót xa mỗi khi nghĩ đến chuyện có thể điều ông làm 11 ngày trước bầu cử đã ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bỏ phiếu, kế đến ông Comey còn xác nhận cơ quan FBI vẫn tiếp tục điều tra, tìm hiểu xem những người vận động cho ông Trump có quan hệ thế nào với tình báo Nga, có ủng hộ hay khuyến khích Nga can dự vào cuộc bầu cử Tổng Thống 2016 hay không?”

Theo CNN, ông Trump “tức tối, chửi rủa” ông Comey, đồng thời nhiều nguồn tin khác nhau ghi nhận được từ giới sinh hoạt chính trị thủ đô cho biết “dàn cố vấn thân cận với Tổng Thống Trump cũng bục bội không kém, vì ông giám đốc FBI không cho Tòa Bạch Ốc biết trước những điều ông sẽ trình bày trước Quốc Hội.” Vẫn theo những nguồn tin rò rỉ, “dàn cố vấn của Tổng Thống Trump xem ông Comey là kẻ khó ưa,” tất cả đều tán thành ý kiến nên cho ông Comey về vườn.

Tin ông Giám Ðốc FBI James Comey bị đuổi việc được công bố qua bản thông cáo của Văn Phòng Báo Chí Tòa Bạch Ốc, cho hay Tổng Thống Trump đưa ra quyết định này sau khi nhận được đề nghị của ông Tổng Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions và ông Thứ Trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein, dựa vào lý do ông James Comey phạm nhiều lỗi lầm khi điều hành cơ quan FBI, cần phải tìm người “có khả năng, chính trực” để dẫn dắt cơ quan được Tổng Thống Trump ca ngợi là “cơ quan thi hành luật pháp được kính trọng” nhất của quốc gia. Nhưng theo giải thích của Tổng Thống Trump trên đài NBC, “có hay có những đề nghị này thì tôi cũng vẫn sa thải ông ta.”

Ðiều đó có nghĩa là từ lâu, ông James Comey nằm trong “tầm nhắm” của ông Trump. Ðừng quên xưa nay ông Trump luôn hãnh diện là người “bắn phát nào trúng phát đó,” thành công rực rỡ trên thương trường, bước vào chính trường cũng thành công vẻ vang, nên nếu tổng thống đã đặt ông Comey trong tầm nhắm thì sớm muộn gì ông giám đốc FBI cũng phải về vườn, không thể nào chạy thoát.





No comments:

Post a Comment

View My Stats