Saturday, 11 March 2017

TỪ BỎ NGAY PHẢN XẠ TỔNG THỐNG ! (Nguyễn Gia Kiểng)




11/03/2017

Xã luận

Tại sao người Việt Nam chúng ta phải nhận diện sự hoại loạn của chế độ tổng thống ngay từ lúc này khi chúng ta chưa có dân chủ và chế độ cộng sản toàn trị vẫn còn ngạo nghễ trước mắt ?

Bốn vị Tổng thống  đầu tiên của Hoa Kỳ : George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt et Abraham Lincoln.

Tổng thống Donald Trump có lẽ nghĩ rằng có thể quét sạch nhanh chóng bọn khủng bố nhân danh Hồi Giáo khỏi mặt đất này như ông đã hứa với cử tri Mỹ, chúng vẫn còn tiếp tục tồn tại và gây tang tóc chỉ vì Obama đã quá nhu nhược.

Quả thực là Obama đã rất nhu nhược và sự nhu nhược của ông phải bị lên án nghiêm khắc vì đã góp phần quyết định làm khoảng 300.000 người Syria, Iraq và Libya thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản trong đó nhiều người đã thiệt mạng trên đường tỵ nạn. Vấn đề là Trump cũng không hơn gì Obama.

Đã gần hai tháng từ ngày Trump lên cầm quyền nhưng các vụ khủng bố vẫn tiếp diễn tại khắp nơi và không có dấu hiệu Mỹ sắp có phản ứng mạnh. Cuộc phản công lấy lại Mosul tại Iraq vẫn tiến theo vận tốc chậm chạp và thận trọng như trước. Quân đội Mỹ không can thiệp mạnh hơn tại Trung Đông và Afghanistan. Triều Tiên vẫn thử hỏa tiễn tầm trung bất chấp những lời đe dọa của Trump trong lúc vận động tranh cử.

Trump đang khám phá ra rằng tổng thống Mỹ không phải muốn làm gì cũng được. Điều mà ông đã thực sự làm được là trưng ra hình ảnh một chính quyền Mỹ kỳ thị Hồi Giáo và gián tiếp động viên tinh thần cho bọn khủng bố mà sức mạnh chính là lòng căm thù đối với các nước phương Tây.

Trump đang khám phá ra rằng tổng thống Mỹ không phải muốn làm gì cũng được.

Trong bốn tổng thống Mỹ gần đây hai người – Clinton và Obama - không dám hành động và hai người – George W. Bush và Trump - hành động một cách thô vụng. Trong một phần tư thế kỷ qua Mỹ đã chỉ có những tổng thống dở.

Phải nói là chính trị Mỹ đã quá xuống cấp. Tại sao ?

Đó là do một tật nguyền từ bản chất của chế độ tổng thống trong đó phần lớn quyền hành tập trung trong tay một người do toàn dân bầu ra. Trong các dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 (2001) và Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (2015) Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định : "Sự thật lịch sử là cho tới nay, trừ trường hợp của Hoa Kỳ, tất cả mọi chế độ tổng thống trên thế giới đều đã thất bại". Ngày nay ngay cả tại Hoa Kỳ chế độ tổng thống cũng đã thất bại.

Tại Pháp, cường quốc dân chủ thứ hai theo chế độ tổng thống, tình trạng còn bi đát hơn. Hơn một tháng trước François Fillon, ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa, coi như chắc chắn sẽ đắc cử. Hiện nay, năm tuần trước ngày bầu cử, ông đứng hàng thứ ba, sau rất xa hai người về đầu.

Fillon tuột dốc  chỉ vì một sự kiện không quan trọng là đã dùng vợ con làm phụ tá dân biểu trong quá khứ mà không chứng minh được một cách minh bạch là họ đã thực sự làm việc, như nhiều dân biểu khác đã làm bởi vì đó là một thông lệ trước đây, một sự kiện mà nếu ông không ứng cử tổng thống thì không ai để ý. Hy vọng đắc cử của Fillon hiện nay rất mỏng manh. Ông thua khá xa hai người về đầu theo các thăm dò dư luận. Một người là lãnh tụ cực hữu Marine Le Pen. Người kia, Emmanuel Macron, là một thanh niên xuất phát từ môi trường ngân hàng, không thành tích cũng không có khuynh hướng chính trị rõ rệt.

Nếu Marine Le Pen đắc cử không phải chỉ nước Pháp điêu đứng mà Liên Hiệp Châu Âu cũng có thể tan rã. Có nhiều triển vọng Macron sẽ trở thành tổng thống Pháp. Nếu như thế thì Đảng Cộng Hòa, do tướng De Gaulle thành lập sau Thế Chiến II và đã cầm quyền trong phần lớn thời gian trong 60 năm qua, không chỉ thất bại mà còn sẽ bị xóa bỏ vì đã quá suy yếu và chia rẽ. Còn Đảng Xã Hội, đã hiện diện mạnh mẽ trên chính trị từ hơn một thế kỷ nay, chắc chắn sẽ tan biến sau cuộc bầu cử tổng thống này, dù kết quả thế nào.

Có nhiều triển vọng Macron sẽ trở thành tổng thống Pháp

Nhiều câu hỏi phải được đặt ra. Tại sao số phận của một nước lớn như nước Pháp, và cả Liên Hiệp Châu Âu, lại có thể lệ thuộc vào những sự kiện không mấy quan trọng ? Tại sao hai đảng lớn và lâu đời, gắn bó chặt chẽ với lịch sử nước Pháp lại có thể bị xóa bỏ dễ dàng như vậy ?

Thảm kịch của nước Pháp cũng có cùng một nguyên nhân với tình trạng đáng buồn của nước Mỹ, đó là sự hoại loạn của chế độ tổng thống.

Trước khi bàn thêm chúng ta hãy đặt một câu hỏi cho chính chúng ta : Nếu Pháp, một nước giầu mạnh đứng hàng đầu về truyền thống dân chủ và tư tưởng chính trị, có thể chao đảo như vậy thì điều gì sẽ xẩy ra trong một trường hợp tương tự đối với một nước nghèo, non nớt về tư tưởng chính trị, chưa có truyền thống dân chủ và còn bị chia rẽ nghiêm trọng sau một cuộc nội chiến đẫm máu và không có hòa giải dân tộc sau đó như Việt Nam ?

Như chúng tôi đã phân tích trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, hai tật nguyền cơ bản của chế độ tổng thống là trước hết đòi toàn dân bầu cho một người thay vì cho một chính đảng và sau đó dành cho người đó quá nhiều quyền trong một thời gian cố định. Tổng thống khống chế chứ không tùy thuộc đảng của mình bởi vì không do đảng chọn.
Hậu quả đầu tiên là các chính đảng vì không có quyền lực nên cũng không có vai trò và sức thu hút, vì thế không mạnh lên được và nếu vì một lý do nào đó có sức mạnh ban đầu thì sức mạnh đó cũng mất dần.

Cả hai cường quốc dân chủ theo chế độ tổng thống, Mỹ và Pháp, đều đã chứng minh điều đó.

- Hoa Kỳ ra đời với một lý tưởng dân chủ mạnh và các chính đảng lớn, nhưng sau một thế kỷ dưới chế độ tổng thống cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều yếu đi và không còn khả năng chỉ định người ra ứng cử tổng thống nên phải tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ để nhờ cử tri chọn giùm ứng cử viên.

- Tại Pháp sau hơn một nửa thế kỷ dưới chế độ tổng thống cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội đều cũng đã quá yếu và quá chia rẽ nên cũng không còn đồng thuận và kỷ luật nội bộ để chỉ định ứng cử viên tổng thống nữa và cũng phải dùng bầu cử sơ bộ. Nhưng về bản chất  của nó bầu cử sơ bộ là một sự vô lý. Đó là sự kiện một đảng nhờ người ngoài chọn giùm lãnh tụ cho đảng mình. Đó cũng là sự kiện các đảng viên, những người hiểu biết các vấn đề của đất nước và tài năng của các cấp lãnh đạo đảng, nhờ những người kém hiểu biết, nghĩa là những thường dân, chọn người có quyền giải quyết các vấn đề.

Đó là những gì đã diễn ra tại Mỹ và Pháp. Kinh nghiệm tại các nước chưa phát triển và chưa có truyền thống dân chủ còn hùng hồn hơn. Các đảng cầm quyền tan rã ngay khi tổng thống mất quyền bởi vì chúng không phải là những chính đảng đúng nghĩa, chúng chỉ là những hư cấu, những dụng cụ của tổng thống. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam trước đây dù chỉ tồn tại được hai mươi năm cũng đã cống hiến hai bài học : cả Đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu lẫn Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu đều đã tan biến hoàn toàn và tức khắc ngay sau khi lãnh tụ mất quyền. Sự kiện chế độ tổng thống không cho phép có các chính đảng đúng nghĩa không thể chối cãi.


Tại sao cần có các chính đảng lớn và mạnh ? Đó là vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước. Không có các chính đảng lớn thì tư tưởng và kiến thức chính trị nếu có cũng chỉ lẩn quẩn trong một vài trường đại học hay một vài câu lạc bộ trí thức. Sẽ không có những chính trị gia tài giỏi, dân trí sẽ thấp và nền dân chủ, nếu có, cũng sẽ chỉ là một nền dân chủ bệnh hoạn.

Cũng cần nói thêm là chế độ tổng thống bắt buộc phải là một chế độ bệnh hoạn – và thường dẫn đến độc tài - vì ít nhất hai lý do. Lý do thứ nhất là không thể đòi hỏi các công dân bình thường biểu quyết một quyết định quá khó khăn và phức tạp như việc chọn một người lãnh đạo quốc gia. Phổ thông đầu phiếu chỉ có thể sử dụng cho những chọn lựa tuy rất quan trọng nhưng nhưng cũng rất đơn giản và đã được thảo luận đầy đủ. Lý do thứ hai là do sự vắng mặt hoặc yếu kém của các chính đảng chỉ những người hoặc rất giầu có hoặc được sự đỡ đầu của giới tài phiệt mới có khả năng tài chính để vận động mạnh và đắc cử. Không có gì bảo đảm là họ có bản lĩnh chính trị.

Nhưng tại sao người Việt Nam chúng ta phải nhận diện sự hoại loạn của chế độ tổng thống ngay từ lúc này khi chúng ta chưa có dân chủ và chế độ cộng sản toàn trị vẫn còn ngạo nghễ trước mắt ?

Trước hết là để đừng dại dột thử nghiệm chế độ tổng thống sau khi đã may mắn thoát được ách cộng sản vì nó rất khó trút bỏ một khi đã được thử nghiệm.

Một kinh nghiệm lớn của thế giới là các nước Châu Mỹ La Tinh dù đã giành được độc lập từ hai thế kỷ nay vẫn lúng túng trong nghèo khổ dưới các chế độ độc tài. Họ đã chọn chế độ tổng thống và khó có thể chuyển hóa về chế độ đại nghị vì thiếu các chính đảng đúng nghĩa, hậu quả của chính chế độ tổng thống. Họ bị giam cầm trong một vòng luẩn quẩn.

Một kinh nghiệm bi đát hơn nữa là các nước Châu Phi da đen. Tất cả đều đã chọn chế độ tổng thống, tất cả đều quằn quại trong nghèo khổ dưới các chế độ độc tài, nhiều nước còn chìm đắm trong bạo loạn và nội chiến, nhưng chưa nước nào chuyển hóa được sang các chế độ đại nghị vì thiếu các chính đảng đúng nghĩa.

Cũng có một lý do khác rất gần, rất quan trọng và cụ thể. Đó là hình như đa số người Việt Nam có một thứ "phản xạ tổng thống".  Nói tới dân chủ là nhiều người nghĩ ngay đến chế độ tổng thống và chính cái phản xạ tổng thống này đã góp phần quan trọng khiến cho tới ngày nay chúng ta vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ có tầm vóc. Lý do là vì phản xạ tổng thống đi đôi với phản xạ nhân sĩ. Cả hai đều tìm những giải pháp cá nhân, làm lãnh tụ hay phò một lãnh tụ. Cả hai đều không coi trọng tổ chức trong khi giờ này ít nhất có một điều đã rõ ràng là chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi cho dân chủ nếu xây dựng được một tổ chức dân chủ mạnh.

Phải dứt khoát bác bỏ chế độ tổng thống để xây dựng đất nước một cách lành mạnh trong tương lai, nhưng cũng phải từ bỏ phản xạ tổng thống ngay từ bây giờ nếu chúng ta muốn giành được thắng lợi cho dân chủ.

Paris, 11/03/2017
Nguyễn Gia Kiểng




No comments:

Post a Comment

View My Stats