Sunday, 19 March 2017

TRUY TỐ hay ĐÀN HẮC ? (Hà Tường Cát/Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
March 18, 2017

Ðây là chuyện sôi nổi trong dư luận từ hai tuần lễ qua về việc ông Donald Trump (khi đã là tổng thống) tố cáo ông Barack Obama (khi còn là tổng thống) đã nghe lén điện thoại ở Trump Tower, nơi cư ngụ của ông Trump ở New York, hồi Tháng Mười, 2016, trong thời gian trước bầu cử.

Nếu việc này là đúng, ông Obama sẽ bị truy tố vì luật Mỹ cấm việc do thám công dân nước mình. Bây giờ ông vẫn còn có thể bị truy tố vì lạm dụng quyền hành tổng thống để phạm pháp.

Nếu việc này không có, Tổng Thống Donald Trump có thể bị Quốc Hội đưa ra đàn hặc vì sự gian dối. Ðàn hặc (impeach) là hạch tội, không có nghĩa là phải đi đến truất phế. Trong lịch sử đã có hai tổng thống Mỹ bị Hạ Viện đàn hặc nhưng chưa có ai bị truất phế vì không đủ 2/3 phiếu chấp thuận ở Thượng Viện.

Sau gần nửa tháng nói qua nói lại, cho đến nay chưa có kết luận về chuyện rắc rối này, tuy nhiên, nhiều quan sát viên nhận định là rồi sẽ “huề cả làng” mà thôi.

Vụ này khởi đầu hôm 4 Tháng Ba khi ông Trump gởi đi một tweet: “Tệ biết bao khi Tổng Thống Obama nghe lén điện thoại của tôi trong thời gian tranh cử vô cùng quan trọng. Ðây là chuyện Nixon/Watergate. Một gã xấu (bệnh hoạn).”

Tại sao Tổng Thống Trump lại tố cáo ra chuyện này vào thời điểm ông đang được đánh giá tốt ngay sau bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội? Hầu hết giới truyền thông trong và ngoài nước, chẳng hạn tờ The Atlantic ở Mỹ và tờ The Guardian ở Anh, đều phỏng đoán là ông Trump dùng chiến thuật đánh lạc hướng chú ý của dư luận đối với những khó khăn đang gặp như vụ tòa án bác bỏ sắc lệnh cấm một số dân nhập cảnh hay rắc rối hơn là sự nghi ngờ về các liên hệ với Nga. Tờ New York Times đi sâu hơn, cho rằng tố cáo ông Obama nghe lén có nghĩa là chứng tỏ sự điều tra về các liên hệ của ông Trump với Nga trong thời chính quyền Obama là không khách quan trung thực mà do tính cách phe đảng.

Dù thế nào đi nữa, điểm quan trọng chính trong vụ này là Tổng Thống Trump và ban tham mưu của ông chưa nêu ra bằng cớ gì để chứng minh cho lời tố cáo ấy. Phát ngôn viên của ông Barack Obama khẳng định là hoàn toàn không có việc nghe lén điện thoại. Các giới chức tình báo cũng nói là không thấy có chuyện ấy. Quốc Hội yêu cầu Tòa Bạch Ốc đưa ra bằng chứng và Bộ Tư Pháp của chính quyền Donald Trump đề nghị hoãn lại một tuần để điều tra.

Hôm Thứ Năm, 16 Tháng Ba, Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện đưa ra một thông cáo do Chủ Tịch Richard Burr (Cộng Hòa) và Phó Chủ Tịch Mark Warner (Dân Chủ) ký tên, cho biết: “Dựa trên những thông tin có được, chúng tôi không thấy có chỉ dấu gì là Trump Tower bị bất cứ cơ quan chính phủ Mỹ nào theo dõi, trước hay sau ngày bầu cử.” Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan cũng đồng ý với nhận định ấy.

Mặc dầu vậy, hôm Thứ Sáu, đài truyền hình Al Jazeera và các hãng tin khác cho biết Tòa Bạch Ốc không thay đổi lập trường về việc ông Trump bị nghe lén. Ðến ngày thứ 12 của vụ này, phát ngôn viên Sean Spicer nói ông Trump vẫn giữ nguyên lời tố giác ấy. Nhưng để bênh vực, ông Spicer tìm cách lái qua hướng khác, cho rằng trong giai đoạn các cơ quan tình báo điều tra về liên hệ có thể có giữa ban tranh cử của ông Trump với Nga “không nghi ngờ là đã có nhiều kỹ thuật theo dõi được sử dụng.”

Ở đây có một chi tiết lý thú về tài ăn nói biện bạch của ông Spicer, một khả năng mà tất nhiên ở vai trò phát ngôn viên, người nào cũng cần phải có. Hôm Thứ Hai tuần này, cũng về chuyện nghe lén điện thoại ấy, phát ngôn viên Sean Spicer giải thích rằng khi nói “wiretap,” Tổng Thống Trump không sử dụng từ “wiretaping” theo nghĩa đen, mà “nên hiểu rộng hơn là tất cả mọi sự theo dõi và những hoạt động khác.”

Trang mạng của từ điển Merriam-Webster cho biết ngay sau lời giải thích của phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, rất nhiều người – kể cả CNN – đi tìm định nghĩa trong từ điển!

“Wire-tap” (động từ) là một tiếng có từ giữa thế kỷ 19, thời điện thoại hay điện tín còn phải dùng đường dây liên lạc. Việc nghe lén bằng cách bí mật mắc rẽ vào đường dây: nguyên thủy là “tapping the wire” rồi trở thành “wire-tapping” (danh từ).

Ngày nay, từ điển Merriam-Webster định nghĩa một cách đơn giản: Wiretap (động từ) là nghe trộm hay thâu trộm thông tin (của người khác).

Thêm một chuyện lý thú khác, khi tiếp tục minh định “wiretap” là “theo dõi nói chung chứ không phải chỉ là nghe lén điện thoại,” phát ngôn viên Sean Spicer đã dành tới gần 10 phút để đọc lên những tin tức của truyền thông cho thấy bằng chứng về việc theo dõi. Trong những thông tin ấy, có bản ghi lại nguyên văn phát biểu mới đây của phân tích gia Andrew Napolitano trên truyền hình Fox. Theo ý của ông Napolitano “có thể là GCHQ, cơ quan tình báo điện tử của Anh, đã giúp cho Obama” và như thế việc làm ngoài hệ thống bình thường này “không lưu lại dấu vết gì ở Mỹ.”

Nhưng lời bào chữa của phát ngôn viên Sean Spicer lại dẫn đến một chuyện lôi thôi khác. Sáng Thứ Sáu, phát ngôn viên James Slack của bà Theresa May, thủ tướng Anh, xác định là tình báo Anh không có dính dáng gì, và phản đối lập luận của ông Spicer: “Chúng tôi có quan hệ gắn bó đặc biệt với Tòa Bạch Ốc và điều ấy cho phép chúng tôi nêu lên mối quan tâm về những lập luận ngu xuẩn như thế cần phải được bỏ đi.”

Phủ Thủ Tướng Anh cho biết đại sứ Anh tại Washington, ông Kim Darroch, đã nói chuyện với phát ngôn viên Sean Spicer và cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster, yêu cầu dẹp bỏ lập luận ấy và hai người đồng ý.

Nhưng theo CNN, tới trưa Thứ Sáu, Tòa Bạch Ốc xác định là sẽ không có lời xin lỗi chính phủ Anh về cáo giác do thám đó. Phát ngôn viên Spicer nói với các phóng viên: “Tôi không nghĩ rằng phải hối hận điều gì,” và trả lời thêm câu hỏi của một phóng viên là có lời xin lỗi hay không: “Không, chúng tôi chỉ nói về tin tức tường trình của truyền thông.”

---------------------

TIN LIÊN QUAN :



By Steven Swinford, deputy political editor 
The Telegraph    |   17 Mar 2017, 12:48pm

----------------------------

CÁC TIN KHÁC :











No comments:

Post a Comment

View My Stats