Thursday, 2 March 2017

TRUNG QUỐC SẼ THAY THẾ VAI TRÒ ĐẦU TÀU KINH TẾ CỦA MỸ ? (Việt Hoàng - Thông Luận)




02/03/2017

Sau Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ mặc nhiên đảm nhiệm vai trò cường quốc lãnh đạo khối dân chủ và sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 thì Mỹ trở thành cường quốc số Một thế giới. Vai trò đầu tàu và lãnh đạo của nước Mỹ, dù muốn hay không, tất cả các nước còn lại đều phải thừa nhận.

70 năm sau, với sự đắc cử của Tổng thống Donald Trump và với chính sách "nước Mỹ trên hết" (America First) thì vai trò đầu tàu và dẫn dắt thế giới của Mỹ có vẻ kết thúc, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế ?

"Toàn cầu hóa" và "tự do thương mại" đã đem lại nhiều lợi ích và phồn vinh cho nhiều quốc gia trên thế giới. Chưa bao giờ dòng chảy của hàng hóa, tiền bạc, kỹ thuật và kể cả con người được khơi thông một cách rộng mở như vậy. Nhiều dân tộc đã thay đổi số phận và chổ đứng của mình trên thế giới chỉ trong vòng vài chục năm qua.

Đất nước thay đổi ngoạn mục nhất trong thời đại toàn cầu hóa không ai khác đó là Trung Quốc. Từ một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, Trung Quốc đã "lột xác" trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. GDP của Trung Quốc năm 2015 đạt mức 11.400 tỉ USD (Mỹ 18.000 tỉ USD) (1).

Donald Trump sau khi đắc cử tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đem các công ty Mỹ trở về nước, hủy bỏ lập tức Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ xét lại tất cả các hiệp định kinh tế giữa Mỹ với các nước và các khu vực. Mỹ sẽ khôi phục hệ thống bảo hộ mậu dịch, đánh thuế cao các mặt hàng nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc và các nước mà Mỹ bị thâm thủng mậu dịch thường xuyên (trong đó có Việt Nam với 30 tỉ USD mỗi năm). Như vậy có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rút lui khỏi tiến trình toàn cầu hóa và tự do Thương mại.

Trong khi đó, Trung Quốc thì ngược lại. Lần đầu tiên xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (17/1/2017), Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ toàn cầu hóa và tự do Thương mại. Ông Tập nói : "Cho dù quý vị có thích hay không, kinh tế thế giới là đại dương bao la mà không ai có thể thoát ra khỏi. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt dòng chảy của vốn, của công nghệ, của sản phẩm, của các ngành công nghiệp và của người dân giữa các nền kinh tế, đều không khả thi". Tập Cận Bình cũng nhân dịp đã chỉ trích Tổng thống Donald Trump và chính sách bảo hộ mậu dịch của ông (2).

Trung Quốc đang có tham vọng thay thế Mỹ trong vai trò đầu tàu thương mại và kinh tế quốc tế ?

Ngoài việc hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới trong thời gian qua, có thêm hai sự kiện mới cần lưu ý đó là :

- Trung Quốc đã đầu tư 50 tỉ USD cho Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) vào tháng 10 năm 2014.

- Cũng trong năm 2014, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng dự án "Một vành đai, một con đường" (One Belt, One Road, gọi tắt là OBOR), hay "Nhất đới, nhất lộ". Một vành đai kinh tế theo Con đường tơ lụa lịch sử trên bộ (Silk Road Economic Belt - SREB) kết nối Á – Âu và một Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (Maritime Silk Road - MSR). Trung Quốc chi 40 tỉ USD cho quĩ "Con đường Tơ lụa" này. Dự án bao gồm 65 quốc gia của 3 lục địa Á , Âu và Phi với tổng dân số là 4,4 tỷ người (tức hơn phân nửa dân số toàn cầu), với 30% GDP thế giới và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 5.000 tỷ USD (3).

Cũng nên biết xây dựng, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, liên quan mật thiết đến sự phát triển toàn bộ sinh hoạt kinh tế của bất cứ quốc gia nào. Nói theo người Pháp, nếu ngành xây dựng phát triển thì tất cả mọi ngành nghề khác đều phát triển theo. Trung Quốc nằm trong diện đó. Với những số tiền thu được do xuất khẩu sản phẩm rẻ sang của quốc gia khác, chính quyền Trung Quốc đã đầu tư vào xây dựng đường sá, sân bay, cầu cảng, nhiều đô thị mới và hiện đại mọc lên như nấm và đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Trung Quốc trong thời gian qua.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, Trung Quốc vẫn giữ được mức tăng trưởng cao hơn những quốc gia phát triển khác nhờ vào đầu tư công cộng, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Kết quả của chính sách đầu tư không dự phòng những hệ lụy tiêu cực sẽ xảy ra sau đó là nhiều thành phố vừa xây dựng xong không có người ở, nhiều đại lộ thênh thang không có xe chạy. Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều vào các thiết bị xây dựng cơ sở hạ tầng dẫn đến khủng hoảng thừa.

Vấn đề là Trung Quốc không thể tiếp tục bỏ tiền ra xây dựng những thành phố mới rồi bỏ hoang, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc buộc phải tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng thừa này, đó là xuất khẩu những trang thiết bị và công nghệ xây dựng đó sang của quốc gia kém phát triển hơn. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, xây dựng hạ tầng cơ sở là một chiến lược quan trọng của bất cứ quốc gia nào, Bắc Kinh đã đưa ra một giải pháp đôi bên cùng có lợi, gọi là win-win, theo đó Trung Quốc xây dựng tặng không những xa lộ, phi trường, hải cảng, bù lại Trung Quốc giữ độc quyền khai thác tài nguyên khoáng sản hay lâm sản của một số quốc gia Châu Phi và Châu Á. Sau một thời gian hợp tác, những quốc gia nhận viện trợ nhận thấy rằng họ quá thiệt thòi vì không người dân nào được hưởng lợi qua những công trình xây dựng đại qui mô đó. Các công ty Trung Quốc chỉ sử dụng công nhân Trung Quốc, người dân địa phương chẳng học hỏi được gì và cũng chẳng được tuyển dụng vào làm việc ở cấp cao. Từ đó không quốc gia nào còn mặn mà với chính sách đầu tư win win của Trung Quốc nữa, và cũng chẳng muốn để những công ty Trung Quốc khai thác tài nguyên đất nước của họ nữa. Chính thế mà Trung Quốc phải thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB). Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ cho các nước vay tiền, nhưng phải để cho những công ty Trung Quốc xây dựng hạ tầng cơ sở hạ tầng.

Miếng bánh Trung Quốc đưa ra dù có hấp dẫn bao nhiêu nhưng không mấy quốc gia "thiết tha" ngoài một số nước nghèo và kém phát triển như Philippines hay Việt Nam. Trong cuộc chơi mới này, biết rằng kỹ thuật xây dựng của mình lạc hậu, không tiên tiến và còn gây ô nhiễm môi trường, giới đầu tư Trung Quốc bèn đi cửa hậu, nghĩa là mua chuộc, móc ngoặc và hối lộ những cấp lãnh đạo địa phương để trúng thầu xây cất, rồi từ đó moi tiền ngược lại. Một bài học cho Việt Nam là dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. Dự án này đã bị chậm trễ gần chục năm và đội giá gấp đôi (4).

Trung Quốc cũng đang xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng cho các nước Châu Phi nhưng khả năng trả nợ của các quốc gia này rất thấp. Như vậy có thể thấy được kế hoạch xuất khẩu kỹ nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ra nước ngoài không dễ thành công.

Quay lại với kế hoạch "Một vành đai, một con đường" chúng ta cùng phân tích xem tính khả thi của nó đến đâu. Sự tăng trưởng "thần kỳ" của Trung Quốc trong suốt 40 năm qua dựa hoàn toàn vào việc xuất khẩu hàng hóa ra thế giới với giá rẻ. Sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và ngoại thương của Trung Quốc đã bộc lộ những hạn chế như hủy hoại môi trường, tập trung tài sản vào một số khu vực và một số người, khiến hố ngăn cách giàu nghèo càng sâu thêm, gây bất ổn xã hội và có thể dẫn đến bạo loạn… Quan trọng hơn tất cả, mô hình kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu là thiếu bền vững và rủi ro cao do phụ thuộc vào bên ngoài. (Tài liệu Khai Sáng kỷ Nguyên Thứ Hai đã phân tích rõ về vấn đề này). 

Cái phao cấp cứu của Trung Quốc là hai đầu tàu thương mại và kinh tế thế giới trong suốt thời gian qua là Mỹ và Châu Âu (EU). Tất nhiên là như vậy, vì hai khối này giàu nhất nên đã mua và tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất thế giới. Mỹ và EU luôn bị thâm thủng mậu dịch với các nước đang phát triển, mà chủ yếu vẫn là với Trung Quốc.

Hệ quả của sự bất cân đối này là Mỹ và EU, hai động cơ chính cho sự phát triển thương mại quốc tế, sẽ bằng mọi cách tái cân bằng lại cán cân mậu dịch với các nước khác. Điều này có nghĩa là Mỹ và EU sẽ mua hàng ít hơn và tìm cách tự sản xuất ngay tại quốc gia của mình. Từ đó nảy sinh quan niệm bảo hộ mậu dịch và khái niệm này sẽ chỉ gia tăng chứ không giảm xuống. Một "cuộc chiến thương mại" giữa Mỹ - Trung Quốc là điều khó tránh khỏi và trong cuộc chiến này thì người thua thiệt chỉ có thể là Trung Quốc. Một thời kỳ khó khăn cho thế giới (nhất là về kinh tế) đang đến. Một khu chợ sẽ sầm uất và nhộn nhịp khi người mua nhiều hơn người bán, ngược lại khu chợ sẽ đìu hiu khi người bán nhiều hơn người mua. Trung Quốc là người bán hàng chứ không phải người mua hàng vì thế Trung Quốc không thể là động cơ cho nền kinh tế và thương mại toàn cầu.

Như vậy, việc Trung Quốc hứa hẹn tung ra một khối lượng tiền khổng lồ với những dự án hoành tráng và mời mọc khắp thế giới không chứng minh cho việc Trung Quốc đang trỗi dậy và việc Trung Quốc hô hào mở cửa với thế giới, cổ vũ cho Toàn cầu hóa… cũng chỉ là "để tự vệ" giống như nước Nga của Putin, khi can thiệp quân sự vào Syria (5). 

Nếu Trung Quốc muốn trở thành đầu tàu của nền kinh tế thế giới thì bắt buộc phải phát triển thị trường nội địa. Trong thực tế, Trung Quốc có vẻ đang cố gắng làm việc này bằng cách tăng lương cho người dân nhằm tăng sức mua cho thị trường. Tuy nhiên để người dân chi tiêu nhiều hơn thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sự tôn trọng tự do cá nhân, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chống tham nhũng và các nhóm lợi ích, bảo đảm hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… và nhất là để người dân yên tâm và tin tưởng mở rộng sản xuất và mạnh tay chi tiêu. Nếu không, người dân Trung Quốc sẽ tiếp tục dành dụm tiền bạc để đề phòng lúc ốm đau hay thất nghiệp chứ không tiêu xài như tại những quốc gia phát triển khác.

Để chống ô nhiễm, hủy hoại môi trường và phát triển thị trường nội địa thì Trung Quốc cần thay đổi cơ cấu nền kinh tế, từ chổ phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ sang nền kinh tế kỹ thuật cao. Muốn thế thì chính quyền Trung Quốc phải mở rộng tự do cho người dân, bởi vì các ý kiến và sáng kiến cũng như sự mạo hiểm chấp nhận rủi ro để tạo ra lợi nhuận và kết quả cao… chỉ có thể có được với những con người tự do trong một xã hội tự do. Hay nói cách khác, Trung Quốc phải dân chủ hóa đất nước. Và đây là điều mà Trung Quốc, cụ thể là Tập Cận Bình không có ý định thực hiện. Các chiến dịch thanh trừng khốc liệt trong nội bộ Trung Quốc thời gian qua cộng với sự trấn áp các tiếng nói đòi dân chủ từ dân chúng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình nói lên một điều rằng ban lãnh đạo đang tìm mọi cách củng cố lại sự độc tài, bảo thủ và toàn trị trong đảng.

Tham vọng thay thế Mỹ để trở thành đầu tàu cho nền kinh tế và thương mại quốc tế chỉ là một giấc mơ, như Tập Cận Bình chủ xướng '"Giấc mơ Trung Hoa". Giấc mơ này hiện nay đang khá xa vời vì Trung Quốc không phải là một nước dân chủ.

Nói tàm lại, sự cổ vũ cho toàn cầu hóa và mở cửa ra thế giới mà Tập Cận Bình kêu gọi không phải là sự trỗi dậy tất yếu của một cường quốc đang lên mà chỉ là hành động gồng mình để tự vệ trước làn sóng dân chủ đang trào dâng mãnh liệt và ước mơ có một cuộc sống bình thường như những quốc gia ot khác.

Việt Hoàng
(02/03/2017)

Ghi chú :









No comments:

Post a Comment

View My Stats