Trọng Thành – RFI
Đăng ngày 17-03-2017
Hôm
nay 17/03/2017, tại Washington, diễn ra cuộc hội kiến được trông đợi giữa thủ
tướng Đức Angela Merkel và tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo các nhà quan
sát, gần như không có gì tương đồng giữa hai lãnh đạo Đức và Mỹ. Một bên là nhà
tỉ phú nổi tiếng với tính khí cực đoan, bốc đồng, mới chân ướt chân ráo tham
gia chính trường, và có quan điểm coi « nước Mỹ trên hết », bảo
hộ mậu dịch, bài Liên Hiệp Châu Âu, và bên kia là một chính trị gia kỳ cựu, nổi
tiếng thận trọng, được hy vọng là trụ cột của các quốc gia dân chủ. Câu hỏi đặt
ra là : Liệu thủ tướng Đức có thuyết phục được tân tổng thống Mỹ là hợp tác với
Liên Hiệp Châu Âu thì có lợi cho nước Mỹ, xây dựng quan hệ đối tác trên nền tảng
các bên cùng có lợi thì tốt hơn là co cụm ?
Mặc dù trước cuộc gặp này, chính quyền Mỹ tìm cách
nhấn mạnh quan hệ với Đức là rất quan trọng và cuộc gặp sắp tới sẽ « thân
thiện và rất tích cực », cũng như Mỹ rất cần đến Đức để đối xử với
Nga, nhưng nhiều người lo ngại cho triển vọng cuộc hội kiến này.
Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio từ Washington
giải thích :
« Donald Trump đã ca ngợi việc Anh Quốc rời Liên Hiệp
Châu Âu trong suốt thời gian tranh cử. Ông Trump cũng phê phán chính sách tiếp
đón người tị nạn của thủ tướng Đức. Đối với ứng cử viên Donald Trump, đây chính
là điều hoàn toàn không được làm. Việc đề cập đến chủ đề này hứa hẹn sẽ tế nhị.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng là người thân cận với
tổng thống tiền nhiệm Mỹ Barack Obama. Bà Merkel được coi là biểu tượng của một
châu Âu nỗ lực đi về phía trước trong cơn bão tố. Ngay sau khi ông Donald Trump
đắc cử, bức thư chúc mừng từ Berlin đã khiến Washington ngạc nhiên.
Thông điệp của bà Merkel gửi đến người đắc cử tổng
thống giống như một bài học đạo lý : ‘‘Nước Đức cũng như Hoa Kỳ là các nền dân
chủ, được xây dựng trên cơ sở tôn trọng phẩm giá con người, bất kể nguồn gốc xuất
thân, mầu da, tôn giáo hay giới tính’’. Thủ tướng Đức khẳng định : ‘‘Tôi sẵn
sàng làm việc với tổng thống Trump trên nền tảng này’’.
Về phần mình, Nhà Trắng khẳng định Washington muốn
thiếp lập quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước, và Hoa Kỳ không quan tâm đến các
thỏa thuận thương mại đa phương, ví dụ như với Liên Hiệp Châu Âu. Điều đó cũng
có nghĩa sẽ là dấu chấm hết cho các thương lượng với Liên Âu ».
Theo các nhà quan sát, thủ tướng Đức sẽ có thái độ
thận trọng trong cuộc gặp đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi mục tiêu
của chuyến công du này là « làm quen » với tân lãnh đạo Mỹ,
như giải thích của người phát ngôn của bà Angela Merkel. Thủ tướng Đức đã chuẩn
bị cho cuộc gặp tổng thống có tính khí thất thường này bằng cách xem kỹ các
phát biểu trước đây của ông Trump. Một số cố vấn cũng khuyên bà, nên đưa ra các
thông điệp ngắn gọn, để có thể lọt tai tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, dù gì đi chăng
nữa, theo nhiều chuyên gia, thủ tướng Đức cũng phải khẳng định được quyết tâm
chính trị hàn gắn các quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Bà Daniela Schwarzer, chuyên về các quan hệ xuyên Đại
Tây Dương, nhận định : « Để được lắng nghe, thủ tướng Đức phải đến đây
với một thông điệp mạnh. Có nghĩa là bà phải khẳng định quyết tâm chính trị tái
lập các quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn hơi bị sứt mẻ trong những tuần cầm quyền
đầu tiên của Donald Trump, cùng lúc bà cũng lại phải giải thích được với tổng
thống Mỹ Donald Trump là châu Âu và nước Đức có lợi như thế nào ».
Để thuyết phục Donald Trump về lợi ích của tự do mậu
dịch, đi cùng đoàn của bà Merkel có đại diện của ba tập đoàn lớn của Đức :
Siemens, BMW và Schaeffler. « Để làm không khí thư giãn »,
theo như các bình luận từ Berlin. Lãnh đạo các công ty này sẽ phải giải thích với
tổng thống Mỹ là doanh nghiệp Đức đã đóng góp cho nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách
tạo thêm hàng chục nghìn việc làm.
AFP trích lời một quan chức Hoa Kỳ mới đây, theo đó
Nhà Trắng vẫn chưa quyết định chôn vùi hoàn toàn thỏa thuận tự do thương mại
xuyên Đại Tây Dương TTIP, vốn được thảo luận rất cam go từ năm 2013.
Trong một động thái khác, như để bắn tiếng với tổng
thống Mỹ, hôm qua thứ Năm 16/03, thủ tướng Đức và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình đã có cuộc điện đàm. Theo một thông báo của văn phòng thủ tướng Đức, hai
bên nhất trí cổ vũ cho tự do mậu dịch toàn cầu và hợp tác trong khuôn khổ G20.
Hôm nay, bộ trưởng Thương Mại Đức tuyên bố, Berlin có thể kiện Washington lên Tổ
Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nếu tổng thống Trump thi hành dự án tăng thuế
nhập khẩu đối với xe hơi Đức.
------------------------------
17/03/2017
Hôm
nay, thứ Sáu 17/3, Thủ tướng Đức và Tổng thống Hoa Kỳ gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc.
TT Trump và Thủ Tướng Merkel gặp nhau trong Phòng Bầu dục
Theo lịch trình ban đầu, bà Angela Merkel và ông
Donald Trump lẽ ra gặp nhau sớm hơn trong tuần, nhưng hai nhà lãnh đạo thế giới
đã phải hoãn cuộc gặp vì cơn bão tuyết ở bờ biển phía Đông Hoa Kỳ.
Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà
lãnh đạo kể từ khi ông Trump giành thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống
Mỹ vào tháng 11.
Trước cuộc bầu cử, ông Trump nói quyết định của bà
Merkel nhận người tị nạn là một "sai lầm thảm khốc" và ông cáo buộc rằng
bà đang "hủy hoại nước Đức".
Ông Trump còn đề nghị các nước NATO phải trả nhiều
hơn để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của họ.
Bà Merkel, một nhân vật có thế lực đáng kể tại Châu
Âu, từng phê bình lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump đối với người tị nạn và
nhập cư. Lệnh cấm này đã bị các tòa án Hoa Kỳ chặn lại.
Tuy nhiên trong cuộc gặp ở Phòng Bầu dục, các nhà
phân tích chính trị tin rằng ông Trump có thể tham khảo ý kiến của bà Merkel về
cách tốt nhất để đối phó với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bà Merkel đã từng
đương đầu với nhà lãnh đạo Nga gây nhiều tranh cãi này, trong khi ông Trump lại
ca ngợi ông Putin – gây kinh ngạc cho các nhà lập pháp thuộc cả đảng Cộng hòa
và cả đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment