Saturday 4 March 2017

PUTIN NÊN MỪNG HAY NÊN LO ? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
March 3, 2017

Ảnh hưởng của Nga trên chính trị nước Mỹ chưa bao giờ ồn ào như bây giờ. Một cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ phải từ chức vì bị tiết lộ đã gặp đại sứ Nga ngay sau khi Tổng Thống Obama đưa ra thêm biện pháp cấm vận. Ông bộ trưởng Tư Pháp phải rút lui không can dự vào việc điều tra vụ gián điệp Nga, sau khi báo chí khám phá ra ông đã gặp đại sứ Nga hai lần trong thời gian tranh cử năm ngoái; một lần ngay sau khi tình báo Mỹ xác nhận gián điệp Nga có can thiệp đã vào cuộc tranh cử.

Từ thời còn chế độ Cộng Sản, chính quyền Nga vẫn tìm cách ảnh hưởng vào cuộc bỏ phiếu của dân Mỹ – cũng như của dân các nước Tây phương khác – nhưng chưa bao giờ vai trò Nga làm dư luận sôi nổi như hiện nay. Vậy ông Vladimir Putin đã thành công hay thất bại? Muốn biết, phải coi ông ta muốn gì.

Sau khi Tổng Thống Donald Trump nhậm chức, đài truyền hình “Băng Tần Một” (Perviy kanal) của chính phủ Nga đã bày tỏ hy vọng sẽ có bốn thay đổi trong bang giao với Mỹ. Hai nước sẽ cộng tác chống khủng bố IS. Minh Ước NATO sẽ ngưng bành trướng qua các nước Cộng Sản cũ ở Ðông Âu, sau Montenegro. Mỹ sẽ công nhận Nga có quyền chiếm Crimea và giữ ảnh hưởng trên vùng ly khai ở phía Ðông nước Ukraine. Mỹ và Nga sẽ hợp tác bình đẳng cùng bảo vệ một trật tự thế giới mới.

Từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt vị thế Nga xuống dốc, ông Putin muốn nước Nga đứng ngang hàng với Mỹ. Dân Nga sẽ ngưỡng mộ ông hơn, vì đó là điều họ vẫn khao khát! Cụ thể, ông Putin muốn Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế và để ông tiếp tục bành trướng thế lực Nga tại Châu Âu và Trung Ðông.

Ông Putin hy vọng đạt được những mục tiêu trên, nếu chỉ căn cứ vào những lời tuyên bố của Tổng Thống Trump trong thời gian tranh cử. Ông Trump thường nói muốn cộng tác với Nga hơn là đối đầu. Ông cũng quyết tiêu diệt IS (ông dọa đánh bom trải thảm) và khen Nga đang thành công ở Syria. Ông coi NATO là “lỗi thời,” và nước Mỹ có thể sẽ không cứu một nước trong minh ước khi bị tấn công. Ông còn đặt câu hỏi không chắc có quân Nga ở Ukraine hay không, và có lần chấp nhận Nga làm chủ Crimea. Ngoài ra, ông luôn luôn tỏ ý khâm phục tài lãnh đạo của ông Putin.

Nhưng Tổng Thống Trump cầm quyền được một tháng thì dư luận dân Mỹ ngày càng chống Nga mạnh hơn, đặc biệt là các nghị sĩ thâm niên thuộc đảng Cộng Hòa. Ông Putin đang thấy một thực tế, là tâm lý dân Mỹ nghi ngờ chính quyền Nga đã bắt rễ từ lâu rất khó xóa bỏ. Quyền quyết định của một vị tổng thống Mỹ lại bị hạn chế, vai trò của Quốc Hội và báo chí rất quan trọng.

Khó nhất, là quyền lợi của hai nước trên khắp thế giới vẫn xung khắc.

Tại Syria chẳng hạn. Ông Putin chỉ nhắm một mục tiêu chiến thuật, trong khi ông Trump muốn chống khủng bố trên toàn cầu. Ông Trump nhìn cả thế giới Hồi Giáo với con mắt nghi ngờ, còn Putin, với 20 triệu dân theo đạo Hồi có thể nổi loạn, nên rất mềm mỏng. Ngay trong Liên Bang Nga, các vùng theo đạo Hồi như Chechnya còn áp dụng “Thánh Luật Sharia.” Ông chưa bao giờ dùng danh hiệu “khủng bố Hồi Giáo.”

Tại Syria, Putin nói rằng Nga đang tiêu diệt tổ chức bạo loạn IS, nhưng trong thực tế ông chỉ muốn cắm dùi vĩnh viễn trên vùng đất này, qua việc bảo hộ chính quyền Bashar al-Assad. Chế độ này là một nhóm thiểu số theo phái Shi A cai trị đa số dân theo phái Sun Ni từ nửa thế kỷ. Từ năm 2011, các nước Á Rập phái Sun Ni và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp khi dân chúng vùng dậy chống Assad. Tổ chức IS là nhóm cực đoan và tàn bạo nhất, nổi lên nhờ phong trào này. Putin chỉ dùng không quân, không dám đưa bộ binh vào Syria, Assad được Iran giúp quân và khí giới vì dân Iran cũng theo phái Shi A. Chính quyền Obama vẫn đòi Assad phải từ chức để dân Syria tự do chọn người cai trị. Tổng Thống Trump chưa nói gì về vai trò của Assad, nhưng liệu ông có thể chấp nhận một bù nhìn của Nga kéo dài ách độc tài khát máu, bị các nước Á Rập và Hồi Giáo chung quanh thù ghét hay không? Mỹ và Nga không thể hợp tác quân sự ở Syria, vì không quân hai nước không thích hợp để cộng tác. Mỹ cũng không thể chia sẻ tin tình báo với Nga, sau khi đã tiêu pha hàng tỷ mỹ kim để có được. Nhất là không một chính phủ Mỹ nào có thể chấp nhận những chiến thuật vô nhân đạo giết hại thường dân mà không quân Nga và binh lính của Assad đang làm. Ngay bây giờ, Mỹ đang thắng thế trong việc tiêu diệt quân IS ỏ Iraq và cả ở Syria, dù chỉ dùng không quân yểm trợ. Những đạo quân do Mỹ ủng hộ đang sắp chiếm Raqqa, thủ đô của IS tại Syria, và chiếm lại thành phố lớn Mosul ở Iraq. Chắc chắn không một người Mỹ nào muốn đưa thêm quân vào vùng này nữa. Cả người Nga cũng không ai muốn.

Tại Trung Ðông, Mỹ và Nga cũng không thể đồng ý về vai trò của Iran. Nga muốn bán vũ khí cho Iran, cộng tác đặt ống dẫn dầu khí trong vùng biển Caspian, và chia ảnh hưởng trong vùng Trung Á giữa hai nước; nhưng quyền lợi của họ cũng khác nhau. Tổng Thống Trump đã dọa sẽ xé bản hiệp ước mà cựu Tổng Thống Obama đã ký với Iran, nhưng chính quyền Nga cần giữ hiệp ước đó, vì họ rất sợ nếu nước Iran chế bom nguyên tử. Hai nước sẽ còn tranh giành ảnh hưởng trong cả vùng Trung Á.

Nói đến Trung Á thì quyền lợi của Nga và Trung Quốc cũng xung khắc từ nhiều thế kỷ. Liệu chính quyền Mỹ có thể kết thân với ông Putin để dùng Nga chế ngự Trung Cộng hay không? Ðó là một ảo tưởng, vì hiện nay Nga rất yếu. Kinh tế Trung Quốc lớn chỉ thua Mỹ, trong khi kinh tế Nga còn thấp hơn một tiểu bang California. Khai thác dầu khí là ngành quan trọng nhất của Nga, nay cũng phải nhờ đến vốn đầu tư của Trung Cộng, sau khi bị các nước Âu Châu và Mỹ cấm vận.

Nhưng quyền lợi Mỹ và Nga xung khắc nặng nhất là tại Châu Âu. Ước muốn của ông Putin là Mỹ chấm dứt cấm vận; Mỹ công nhận Nga làm chủ Crimea mà họ chiếm của Ukraine; và làm sao cho khối NATO yếu đi để Nga tạo áp lực trên các nước vùng Baltic và các nước phía Ðông Âu trước đây khi còn chế độ Cộng Sản vẫn lệ thuộc Nga.

Chính tại Châu Âu, ông Putin sẽ bị thất vọng nhất, khi chạm vào thực tế. Trong thời gian tranh cử, ông Trump nói như thể ông sẽ bỏ rơi khối NATO, đặc biệt là các nước vùng Baltic. Ông Trump cũng hoan nghênh Anh Quốc ly khai, cho thấy ông không quan tâm giữ một Châu Âu đoàn kết. Nhưng khi ông Trump làm tổng thống, hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ cùng Phó Tổng Thống Pence đã đi một vòng nhiều nước Châu Âu để nhắc lại cam kết của nước Mỹ bảo vệ an ninh cho lục địa này. Ngoại Trưởng Tillerson đã xác nhận rằng việc quân Nga chiếm đóng Crimea và xâm lấn miền Ðông Ukraine là bất hợp pháp. Dù có muốn quay lưng lại với Châu Âu, ông Trump cũng không thể làm được. Vì Mỹ và các nước Tây Âu đã gắn bó với nhau, không phải chỉ trên các lãnh vực kinh tế, an ninh mà còn chia sẻ những giá trị tinh thần, di sản của một nền văn minh chung.

Chính ông Vladimir Putin muốn tấn công vào những giá trị tinh thần này.

Giờ này ai cũng thấy gián điệp tin học của chính quyền Nga đã can thiệp vào cuộc tranh cử năm 2016. Nhưng mục đích của ông Putin không hẳn là ủng hộ ứng cử viên Donald Trump, mặc dù ông ghét cay ghét đắng bà Hillary Clinton, từ năm 2011, khi bà hoan hô dân Nga đang biểu tình chống bầu cử gian lận. Ước vọng lớn của ông Putin là tấn công các định chế tự do dân chủ, bằng phá phách, gây rối, làm hạ thấp giá trị và nếu có thể thì làm cho lố bịch để chế nhạo. Ông Putin nhắm vào mục đích chính đó, dù hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là ai cũng không quan trọng.

Ông Putin đóng vai một “người hùng,” vì trong lịch sử người bình dân Nga vẫn thích có những “anh hùng quán thế” đứng ra lãnh đạo. Ít có một dân tộc nào đặt tên người hùng cho nhiều thành phố như thế, từ Ðại Ðế Peter, Nữ Hoàng Catherina, đến Lenin, Stalin. Chế độ dân chủ tự do không chấp nhận người hùng. Ngay trong thời lập quốc của Mỹ, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ và công kích Tổng Thống Washington là có ý định “làm vua” (ông đã chứng tỏ ngược lại, nhất định từ chức sau hai nhiệm kỳ, làm gương cho đời sau).

Ông Putin muốn chứng minh cho cả thế giới thấy những lời tuyên truyền của chế độ Cộng Sản là sự thật: Chế độ dân chủ không những là giả mạo mà còn không có hiệu quả trong việc điều hành một quốc gia!

Nếu ông Putin muốn chứng minh điều đó trong khi cho gián điệp tin học đánh phá cuộc bỏ phiếu của dân Mỹ, thì chính ông đã thất bại. Ông Donald Trump đắc cử chứng tỏ chế độ dân chủ ở nước Mỹ “có thật!” Một người chưa bao giờ làm chính trị, bị giới “thượng lưu” ngay trong đảng của mình tẩy chay, không mấy ai tin là sẽ đắc cử, nhưng cuối cùng đã thắng nhờ thu hút lá phiếu của hàng chục triệu cử tri “bị bỏ quên.”

Ông Putin có thể thành công nếu việc ông Trump đắc cử sẽ khuyến khích dân các nước Châu Âu bầu lên những lãnh tụ chủ trương dân tộc cực đoan, bảo hộ mậu dịch, chống kinh tế toàn cầu hóa, như bà Marine Le Pen ở Pháp, ông Geert Wilders ở Hòa Lan, Norbert Hofer ở nước Áo, hoặc Nikos Michaloliakos ở Hy Lạp. Nếu họ đều thắng cử, thế giới sẽ mất niềm tin vào lý tưởng tự do và thể chế dân chủ. Nước Mỹ sẽ không còn là tấm gương mà loài người muốn noi theo từ khi Liên Xô sập đổ. Dân Nga sẽ vui lòng để cho một “người hùng” cai trị mãi mãi! Nhưng trong số các lãnh tụ cực hữu trên đây nhiều người không có triển vọng thắng cử.

Một điều ông Putin có thể hy vọng là chính quyền Donald Trump chỉ lo bận tâm với các vấn đề nội bộ của nước Mỹ, sẽ lơ là những chuyện xa xôi, không phản ứng kịp nếu Nga làm tới ở vùng Baltic, ở Ukraine, vùng Balkan và Trung Ðông. Chính phủ Trump đề nghị giảm ngân sách Bộ Ngoại Giao 30% có thể là một tin vui nhưng đang bị Quốc Hội chống. Trái lại, việc gia tăng chi phí quốc phòng là một thất vọng lớn cho Nga nhưng cả hai đảng ở Quốc Hội đều ủng hộ.

Chính quyền Nga cũng nhận ra rằng nhiều người trong chính phủ Trump nêu những ý kiến trái ngược với những lời ông tổng thống nói khi tranh cử. Hơn nữa, Quốc Hội Mỹ mới là cơ quan quyết định ngân sách chi tiêu của Hành Pháp. Mà các đại biểu Quốc Hội Mỹ hiện đang tỏ ra bất bình với các hành động của tình báo Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Chính Tổng Thống Donald Trump cũng bị đặt vào một thế khó xử. Ông sẽ không thể đưa ra một hành động nào có vẻ thân thiện với Nga, dù chỉ “có vẻ” thôi; vì hàng triệu con mắt đang theo dõi. Cuộc điều tra về vụ gián điệp nước ngoài can thiệp vào một quá trình quan trọng nhất trong thể chế dân chủ, là bầu cử, sẽ khiến dư luận Mỹ chuyển động, “chống Nga” không kém thời Chiến Tranh Lạnh. Ông Putin có thể đã thắng một trận, nhưng gánh ảnh hưởng tai hại về lâu về dài. Ông Putin vừa mới ăn mừng đã bắt đầu lo lắng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats