Thursday, 16 March 2017

NGOẠI TRƯỞNG MỸ SẼ LÀM GÌ TRONG CHUYẾN CÔNG DU CHÂU Á ? (tin tổng hợp)




16 Tháng 3, 2017

Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đang có chuyến công du đầu tiên tới Á châu, nơi căng thẳng ngoại giao có xu hướng gia tăng.
Ông Tillerson, người trước đây chưa có kinh nghiệm về chính trị, sẽ thăm một số quốc gia trực tiếp liên quan khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn.
Trung Quốc với tư cách cường quốc thế giới có thể là chìa khóa cho mọi vấn đề, cũng như cho sự ổn định trong khu vực, thế nhưng quan hệ giữa nước này với Hoa Kỳ đang gặp trắc trở, một phần cũng vì các bình luận của chính ông Tillerson.
Nhiều người nhận xét thử thách đầu tiên của ông trong cương vị ngoại giao không khác gì một thùng thuốc súng.

Cao cấp nhưng kín tiếng
Rex Tillerson giữ hình ảnh vô cùng kín đáo trong tháng đầu tại vị. Suốt sáu tuần liền ông không tổ chức họp báo mà chỉ cung cấp các thông cáo đã viết sẵn.
Ngay cả chuyến đi này ông không có phóng viên tháp tùng như thông lệ.
Thay vào đó, ông Tillerson sẽ chỉ cho phép một phóng viên duy nhất của website bảo thủ Independent Journal Review đi với mình. Lý do Bộ Ngoại giao đưa ra là máy bay quá nhỏ.
Người nữ phóng viên này, Erin McPike, gần đây có viết bài về ông Tillerson tựa đề "Exxon Mobil's special treatment from the White House" ("Cách đối xử đặc biệt của Nhà Trắng dành cho Exxon Mobil").
Chuyến đi được xem là tối quan trọng vì ông Tillerson sẽ tìm cách thực hiện ngoại giao cấp cao trong một khu vực đang tranh cãi về các bình luận công khai của ông.
Tổng thống Donald Trump từng tweet rằng cần đối đầu với Trung Quốc và chỉ trích các "cơ sở quân sự" của nước này tại Biển Đông.
Ngoài ra ông tổng thống cũng cho rằng Nam Hàn đã "thu bộn tiền" từ Mỹ trong khi Washington tìm đủ cách bảo vệ Seoul. Ông Trump còn cáo buộc Nhật Bản "lũng đoạn hối đoái".
Các bình luận như vậy đã gây tình trạng bất an trong khu vực về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Vấn đề Bắc Hàn
Ông Tillerson bắt đầu chuyến đi từ Nhật Bản, được cho là chặng dễ dàng nhất trong chuyến công du lần này.
Ông có kế hoạch gặp ngoại trưởng Nhật cũng như Thủ tướng Shinzo Abe - người đã có cuộc gặp "tuyệt vời" với ông Trump.
Đe dọa quân sự từ Bắc Hàn dường như là chủ đề thống lĩnh các cuộc gặp.
Bắc Hàn đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân cho dù đã bị chế tài và đe dọa từ cộng đồng quốc tế. Hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 lần phóng hỏa tiễn trong một năm đã đẩy căng thẳng lên cao.
Cả Nhật Bản và Nam Hàn, đều là đồng minh và cho phép binh lính của Hoa Kỳ đồn trú, cùng nằm trong tầm che phủ của tên lửa Bắc Hàn.
Chỉ có Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Hàn, là có thể thay đổi tình hình.
Donald Trump từng chỉ trích Trung Quốc tảng lờ tình hình Bắc Hàn, để cho nó ngày càng tồi tệ.
Thế nhưng những tuần qua Bắc Kinh dường như có những quyết định mạnh mẽ. Đầu tháng Ba, Trung Quốc yêu cầu Bắc Hàn dừng thử hỏa tiễn để giải tỏa khủng hoảng và trước đó trừng phạt bạn đồng minh bằng cách cấm nhập khẩu than.
Ông Tillerson có lẽ sẽ yêu cầu Trung Quốc có thêm hành động nhưng cùng lúc lại phải dàn xếp làm dịu một cuộc cãi cọ khác xung quanh hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Thaad đặt ở Nam Hàn.

Vấn đề Biển Đông
Tranh cãi nổi lên lâu nay quanh chương trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hồi tháng Một, ông Tillerson nói tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện: "Chúng ta cần phải đưa ra những tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc rằng họ cần ngừng ngay việc xây đảo nhân tạo và không được tiếp cận các đảo này.
Ông cũng ví hoạt động của Trung Quốc như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Ông Tillerson nói: "Họ đã chiếm đoạt, kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát các lãnh thổ không phải thuộc về Trung Quốc".
Phát biểu của ông có thể sẽ được Nhật Bản và các nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hoan nghênh nhưng lại làm việc thương thảo với Trung Quốc khó khăn hơn.
Về phía Trung Quốc, báo chí nước này cảnh báo ông Tillerson rằng hành động như vậy có thể gây "đối đầu nguy hiểm", thậm chí "chiến tranh diện rộng".

Thương mại và chiến thuật
Ngay cả khi ông Tillerson có thể mang bình lặng lại cho vùng Biển Đông và thuyết phục được Bắc Kinh tăng sức ép với Bình Nhưỡng, vẫn còn một vấn đề cần giải quyết thuộc lĩnh vực kinh tế.
Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Trump là rút ra khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là có thể giúp mở mang thương mại với Nhật Bản và 11 quốc gia khác.
Đây là tin mừng cho Trung Quốc, vốn xem TPP như đe dọa cho sức mạnh kinh tế của mình.
Trung Quốc cũng có những vấn đề riêng về chính sách thương mại với Mỹ.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump đề xuất ý tưởng đánh thuế 45% với hàng hóa từ Trung Quốc và hồi tháng 1/2017 đã có cảnh báo rằng hệ thống thương mại hiện thời "có lợi cho Trung Quốc hơn chúng ta".

----------------------------

Minh Anh – RFI
Đăng ngày 16-03-2017 

Thứ Bảy 18/3/2017, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh, sau khi dừng chân tại Tokyo hôm qua (15/3) và thăm Seoul vào ngày mai (17/3). Đây cũng là chuyến viếng thăm Bắc Kinh của một quan chức cao cấp Hoa Kỳ đầu tiên, kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Theo giới chuyên gia được báo mạng Forbes trích dẫn, có ít nhất 5 vấn đề mà ngoại trưởng Mỹ cần phải làm sáng tỏ về mối quan hệ nhập nhằng và bấp bênh này giữa Washington và Bắc Kinh.

Thứ nhất, cũng như bao quốc gia khác, Trung Quốc trông đợi một lập trường rõ ràng và nhất quán từ ông Trump. Sau cú trao đổi điện thoại với tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, gây căng thẳng cho đôi bên, Bắc Kinh giờ muốn biết xem Hoa Kỳ nghiêm túc đến đâu trong việc giúp đỡ Nhật Bản và Hàn Quốc phòng thủ chống lại chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng tò mò muốn biết Tillerson có ý gì khi hồi tháng Giêng năm 2017 nói rằng nên ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo tại Biển Đông mà nước này đòi hỏi chủ quyền và có tranh chấp với các nước láng giềng. Ngoại trưởng Mỹ còn tuyên bố là “muốn thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các lợi ích thương mại và đầu tư của đôi bên”. Trung Quốc rất muốn biết điều đó có ý nghĩa gì cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Thứ hai, Bắc Kinh chắc chắn vẫn sẽ bổn cũ soạn lại: Đưa ra những luận điệu và cam kết cũ. Cách tiếp cận này sẽ ngày càng được dùng đến nhiều hơn cho đến khi nào Trung Quốc biết rõ là ông Trump đang dở trò gì tại châu Á. Nghĩa là, Trung Quốc vẫn cam kết gây áp lực lên Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân, nhưng phản đối Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Về căng thẳng trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn lập lại yêu sách chủ quyền tại những đảo mà họ đòi hỏi và kêu gọi hợp tác với bốn nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Lãnh đạo đảng Cộng Sản lại sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đối với các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trên cả hai phía ra sao.

Điểm thứ ba chính là quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật – Hàn. Ông Rex Tillerson đến Nhật Bản hôm qua 15/3 để trấn an đồng minh trước mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, cũng như là trước những động thái quân sự của Trung Quốc tại những đảo đang có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản. Và thứ Sáu này, ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-Ahn tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trang mạng Forbes trích nhận định của giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Úc cho rằng việc “việc Hoa Kỳ quay lại tập trung vào vùng Đông Bắc Á và viện dẫn điều khoản số 5 trong Hiệp ước song phương an ninh Mỹ - Nhật sẽ không làm cho Bắc Kinh hài lòng”.

Từ đó, người ta có thể hình dung ra bước đi thứ tư của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, kể cả hồ sơ Biển Đông : “Nhã nhặn từ chối mọi nhượng bộ”. Tất cả những lời nhạo báng chỉ trích từ Tillerson hay từ những nước xung quanh đều phải dừng tại đây. Nếu nói về hành động gây hấn trên Biển Đông ư, Trung Quốc sắp có bộ Quy Tắc Ứng Xử với các nước Đông Nam Á. Ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên ư, Bắc Kinh đồng ý nhưng từ chối gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Như nhận định của ông Sean King, phó chủ tịch Hội đồng Tư Vấn Park Strategies tại New York, những lời phàn nàn của Tillerson về những hồ sơ trên sẽ được lịch sự lắng nghe, nhưng Trung Quốc sẽ “không đưa ra một giải pháp nào khác”.

Và bước cuối cùng là đôi bên sẽ lên kế hoạch cho chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Tư sắp tới, dự kiến cho một cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung kể từ lúc Nhà Trắng có chủ nhân mới. Chuyến đi Bắc Kinh lần này của Tillerson có lẽ để thiết lập một chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh nhằm tránh những yếu tố bất ngờ có thể làm tổn hại đến mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Đó là những gì giới chuyên gia dự đoán. Tuy nhiên, năm điểm này có thành hiện thực hay không vẫn còn lệ thuộc nhiều vào chính bản thân ông Donald Trump, một người nổi tiếng với những dòng “tweet” gây bất ngờ và những phát biểu đầy khiêu khích. Rex Tillerson chỉ là người thừa hành những gì ông Trump và vị cố vấn chính của tổng thống, Stephen Bannon vạch ra. Đó là chưa kể đến mối đe dọa bị cắt giảm đến 30% ngân sách ngành ngoại giao mà ông Trump đề xuất.

---------------------------

Trần Khánh/VOV.VN
Thứ 6, 05:13, 17/03/2017

VOV.VN - Để thuyết phục các đồng minh cùng ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ phải có chiến thuật rất đa dạng.

Theo tạp chí US News&World Report, có thể dễ dàng nhận ra việc ngăn chặn tốc độ phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân “chóng mặt” của Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu hiện nay của cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sẽ không dễ để các quốc gia nói trên thống nhất một chiến lược cơ bản trong vấn đề nóng bỏng nói trên, nhất là khi các nước trong khu vực đều trải qua mối quan hệ lịch sử “hết sức phức tạp” với nhau và vẫn còn nhiều “mâu thuẫn âm ỉ”.
Việc Mỹ sẽ thể hiện quan điểm của mình như thế nào trên “bàn cờ” địa-chính trị Đông Bắc Á hiện vẫn là “một câu hỏi lớn”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến thời điểm này vẫn giữ kín chính sách ngoại giao liên quan đến châu Á của ông.
Điều này mở ra cơ hội cho tất cả các bên trong việc có thể kéo Mỹ “gần hơn với mình” để có được “câu trả lời rõ rệt nhất” trong thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đặt chân đến các nước nói trên.
Nhân dịp này tạp chí US News&World Report đã đưa ra nhận định của mình về tính toán và kỳ vọng của các nước nói trên đối với Mỹ liên quan đến vấn đề Triều Tiên nhân chuyến thăm của ông Rex Tillerson.

Nhật Bản
Đây chính là chặn dừng chân đầu tiên tại châu Á của ông Tillerson. Cho đến thời điểm này, Nhật Bản vẫn “chưa nguôi cơn giận” về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào ngày 6/3. 3 trong số 4 quả tên lửa của Triều Tiên đã rơi vào Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên được cho là một “lời thách thức trực tiếp” đối với Mỹ về khả năng phóng tên lửa đồng thời của nước này. Bằng việc phóng cùng lúc 4 quả tên lửa đạn đạo, Triều Tiên muốn cảnh báo Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản - vốn chỉ có thể đánh chặn 1 quả tên lửa 1 thời điểm.
Dù Triều Tiên tuyên bố vụ phóng thử tên lửa của nước này là nhằm đe dọa các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng “mục tiêu thứ 2” của Triều Tiên là nhằm “trừng phạt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe” vì “dám về cùng một phe với Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
Điều này là bởi, khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng thử tên lửa ngày 12/2 theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Abe đang “bận” chơi golf với ông Trump tại Mỹ. Rõ ràng, ông Kim Jong-un muốn cảnh báo 2 nhà lãnh đạo nói trên về hậu quả sẽ xảy ra nếu họ “cố tình phớt lờ” Triều Tiên.
Trong thời gian ông Tillerson thăm Nhật Bản, nước này sẽ tìm cách để nhận được lời cam kết bảo đảm an ninh cho các đồng minh từ phía Mỹ trước mối đe dọa của Triều Tiên.


Hàn Quốc
Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc muốn nhận được lời xác nhận của ông Tillerson rằng, quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn “vẫn không thay đổi” dù trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng tuyên bố Hàn Quốc là “kẻ ăn bám” hàng viện trợ quân sự của Mỹ.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn tính đến việc có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với chính sách của ông Trump đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên vốn được cho là “còn rất mơ hồ”.
Dù vẫn rất bất an về việc ông Trump chưa đưa ra một lộ trình cụ thể cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với hệ lụy nghiêm trọng từ vụ bê bối chính trị đình đám nhất lịch sử nước này dẫn đến việc bà Park Geun-hye bị phế truất.
Sự kết thúc “triều đại” Park Geun-hye đã đầy Hàn Quốc vào một vòng xoáy chuyển giao quyền lực mới khiến nước này về cơ bản “bị tê liệt chính trị” trong vòng 60 ngày cho đến khi một Tổng thống mới được bầu lên vào tháng 5 tới.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, lãnh đạo phe đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi Tổng thống tạm quyền của nước này phải dừng ngay mọi chính sách đang được thực thi dưới thời bà Park Geun-hye, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đầy tranh cãi.
Trong chuyến công du của mình diễn ra vào thời điểm Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung, ông Tillerson dự kiến sẽ thăm khu Phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Tại đây, ông Tillerson sẽ tham gia chụp ảnh để thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh của liên minh Mỹ-Hàn.


Trung Quốc
Chặng dừng chân cuối cùng của ông Tillerson tại châu Á chính là Trung Quốc, nơi ông dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và gửi đến nhà lãnh đạo Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng Chính phủ Mỹ muốn Trung Quốc “mạnh tay hơn” trong vấn đề Triều Tiên.
Dù Trung Quốc cũng đã thực hiện hành động răn đe Triều Tiên của mình thông qua việc ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên trong cả năm 2017 và thể hiện cam kết muốn là nước đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Triều Tiên và các nước khác nhưng rõ ràng, điều này không xuất phát từ “sức ép từ phía Mỹ”.
Điều này là bởi, Mỹ đã khiến Trung Quốc “cảm thấy bất an” khi đang tìm cách đẩy nhanh việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc với mục tiêu hoàn tất việc này trước khi Hàn Quốc có Tổng thống mới.
Trung Quốc từng cảnh báo Hàn Quốc rằng, việc chấp thuận để Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc “là một sai lầm” và khẳng định sẽ có những động thái “để tự vệ”. Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt về mặt thương mại và văn hóa đối với Hàn Quốc để chứng minh mình “không nói suông”.
Với những động thái nói trên của Trung Quốc, rõ ràng THAAD sẽ trở thành tâm điểm trong cuộc đối thoại giữa Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson./.

Trần Khánh/VOV.VN




No comments:

Post a Comment

View My Stats