Sunday, 12 March 2017

"NGHIỆN" FACEBOOK, LÀM SAO CAI ? (Hà Giang - Người Việt)




Hà Giang/Người Việt
March 11, 2017

WESTMINSTER, California (NV) – Trên toàn cầu, hiện đang có 1.86 tỷ người có tài khoản sử dụng Facebook và dự trù con số này sẽ tăng 17% mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, số người dùng Facebook theo trang mạng Statista.com, tính đến cuối năm 2016, là 34.7 triệu, con số này dự trù sẽ lên tới 40 triệu năm 2018.

Số người dùng ngày càng đông đảo khiến tài sản của Mark Zuckerberg, vừa lên đến $53.8 tỷ, con số đẩy vị chủ nhân của Facebook thành người giàu có thứ tư trên thế giới.

Tạp chí Forbes cho rằng tài sản của Mark Zuckerberg tăng vọt là vì Facebook thu được rất nhiều tiền quảng cáo trong mùa lễ vừa qua, điều mà tất cả những người sử dụng Facebook khắp nơi trên thế giới đang vô hình chung tích cực đóng góp.

Những người Việt thường xuyên vào Facebook ở khắp nơi là ai? Họ dùng Facebook làm gì? Họ có nghiện Facebook không? Và nếu nghiện, họ có thể làm gì để cai Facebook? Dưới đây là tâm tư một số người Việt dùng Facebook tiêu biểu.

Từ mua vui đến thay đổi xã hội
Ngoài việc vào Facebook thường xuyên để kết nối với bạn bè và gia đình, người sử dụng Facebook còn dùng trang mạng này cho những lý do rất khác biệt.

Bà Tuyết Lê Brown, một chuyên viên tham vấn tâm lý, cư ngụ ở Fresno cho biết bà dùng Facebook để post hình ảnh và liên lạc với học trò ở Việt Nam.

Tiến Sĩ Vũ Thị Phương Anh, ở Việt Nam, dùng Facebook để “chia sẻ suy nghĩ của mình như một cách để thay đổi xã hội” và để “mở rộng vòng giao tiếp với những người có cùng chí hướng.”

Blogger Thiêm Võ, một kỹ sư công chánh, ở San Diego, cho biết Facebook là nơi ông theo dõi tình hình thời sự, “nhất là tình hình Việt Nam,” và nuôi dưỡng “sở thích mần thơ mần vè, viết văn tán dóc.”

Cô Diệp Lê, ở Garden Grove, dùng Facebook để “tương tác với các bạn bè trong và ngoài nước để chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm sống, và mua sắm qua những Apps của Facebook.”

Ông Phương Đoàn, ở Garden Grove cho biết ông dùng Facebook để kết bạn, nói “nhờ Facebook mà có rất nhiều bạn trên trái đất này – đi đến những nơi xa lạ đều được các bạn Facebook đón tiếp rất nhiệt tình, ấm áp.”

Với Phương Đoàn, Facebook “còn là nơi còn là nơi buông lời vui đùa với người khác để giảm căng thẳng, quân bình tâm trạng.”

“Và tôi cũng dùng Facebook để nhận và chuyển thông tin. Hàng ngày tôi đều đọc báo bằng tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh,” ông Phương Đoàn thổ lộ.

Không phải nghiện
Nếu người dùng Facebook cho nhiều mục đích khác nhau, thì họ cũng có những thói quen dùng Facebook khác nhau. Tuy nhiên hầu như nhưng người mê Facebook đều không nghĩ là mình “nghiện,” kể cả người dùng Facebook đến sáu tiếng đồng hồ một ngày.

Tiến Sĩ Vũ Thị Phương Anh cho biết một ngày bà dùng Facebook “khoảng hai tiếng gì đó,” nhưng có vẻ không nghĩ là bà nghiện, vì: “Công việc khiến tôi phải ngồi nhiều ở bàn giấy, vì vậy, nếu rảnh tôi sẽ liếc vào trang Facebook của mình. Nhưng nếu không ngồi ở bàn làm việc tôi không thấy mình cần phải vào Facebook, trừ khi cần liên lạc với ai ở xa.”

Nhưng bà nói thêm: “Bây giờ có smart phone thì thường dùng hơn, có khi thức giấc nửa đêm, hay đang làm việc, nghỉ một chút, cũng vào Facebook.”

Bà Tuyết Lê Brown cho biết “trang Facebook của tôi cả ngày lúc nào đèn cũng sáng, nhưng không dùng lâu, trừ khi phải vào để post hình ảnh.”

Blogger Thiêm Võ cho biết ông vào Facebook “không dưới ba tiếng một ngày.”

Cô Diệp Lê thú nhận cô tốn rất nhiều thời gian cho Facebook, “hễ có được chút nào rảnh là chạy vào Facebook xem có tin tức nào mới không. Facebook với em như một thế giới thu nhỏ vậy…”

“Hiện giờ mỗi ngày tôi dùng Facebook chắc cỡ từ ba đến sáu tiếng, rảnh rỗi sinh nông nổi mà!”, anh Phương Đoàn thú nhận.

Nhiều người ví “nghiện” Facebook giống như thuốc lá. (Hình minh họa: Facebookaddiction.com)

Có bỏ được không, làm sao để bỏ?
“Làm sao để cai Facebook? Chắc phải đập bỏ iphone hay máy tính?”, Bà Tuyết Lê Brown trả lời câu hỏi này bằng câu nói đùa.

Rồi bà phân tích, đúng kiểu của một tham vấn tâm lý: “Sẽ buồn lắm chứ, sẽ nhớ cảm giác liên kết được với mọi người thông qua Facebook, nhưng không có nhu cầu phải có được Facebook bằng mọi cách. Người nghiện không chỉ buồn, mà phải đối phó với tất cả các nhu cầu về thể chất và tâm lý.”

Tiến Sĩ Vũ Thị Phương Anh lập luận: “Theo tôi thì những người bị nghiện Facebook mà không tự kiểm soát được, là những người nếu không có Facebook thì cũng sẽ nghiện một cái gì đó. Ví dụ như nghiện rượu, nghiện thuốc lá v.v… Nên không có bí quyết nào riêng cho cái nghiện Facebook cả. Còn nghiện bất cứ cái gì khác thí dụ nghiện nói về dân chủ thì phải cần tìm một thứ gì khác có ý nghĩa và tạo cảm hứng hơn, thì lúc ấy sẽ hết nghiện.”

Blogger Thiêm Võ: “Tôi không nghĩ là nếu không có Facebook tôi sẽ buồn như nghiện. Không có Facebook có khi làm việc khác vui hơn. Có lần tôi đi cruise cả tuần không đụng tới Internet, thấy relax lắm.”

Ông tâm sự: “Đôi lần cũng muốn bỏ Facebook vì mất thì giờ và nhức đầu! Nhưng chưa bỏ được vì chưa thật sự muốn! Theo tôi nghĩ, muốn cai nghiện thì trước nhất phải bỏ lý do làm mình ‘nghiện.’ Với tôi đó là thời sự Việt Nam, tức là không quan tâm những gì xảy ra bên nhà. Cái này rất khó với một số người!”

Cô Diệp Lê thú nhận nếu một ngày không được dùng Facebook thì “em nghĩ mình sẽ rất buồn vì cảm thấy thiếu thiếu đi một phần gì đó trong cuộc sống hằng ngày.”

Ông Phương Đoàn Facebook thổ lộ: “Facebook nó gây nghiện nhưng chưa đến nỗi như nghiện thuốc lá, ma túy. Hồi em phải “cai” Facebook thì thấy cũng bình thường thôi.”

Cái nhìn của giới chuyên môn
Rõ ràng là định nghĩa về cái nghiện của người dùng Facebook khác với định nghĩa của giới chuyên môn. Bà Joanna Lipari, một nhà tâm lý học lâm sàng tại đại học UCLA, (University of California, Los Angeles) đưa ra một vài tiêu chuẩn để giúp người dùng Facebook tự định bệnh.

Người nghiện Facebook, theo bà, có những dấu hiệu sau đây:

– Mang theo phone vào giường ngủ. Nửa đêm thức dậy thường xuyên mở phone ra để Facebook.

– Một ngày dùng Facebook nhiều hơn 1 giờ, trừ khi công việc đòi hỏi phải sử dụng Facebook. “Với đời sống bận rộn của chúng ta ngày nay, khó có thể hình dung ai có thể bỏ ra hơn một tiếng đồng hồ vào việc gì, trừ ra việc ấy đối với họ quan trọng,” bà Lipari nói.

Tiến Sĩ Cecilie Andraessen tại Đại Học University of Bergen (UiB), Na Uy, đưa ra một thước đo đơn giản: “Nếu bạn sao lãng những việc xung quanh vì Facebook thì chắc chắn là đã nghiện. Chẳng hạn, ở sở bạn cứ vài phút phải vào Facebook, hay đang ngồi chuyện trò với bạn bè mà cứ cầm phone để xem Facebook thì quả là bạn đang có vấn đề lớn,” Tiến Sĩ Andraessen nhận định.

Vậy làm sao để cai, hay ít nhất để bớt nghiền Facebook?
Tiến Sĩ Lipari đề nghị: “Nếu bạn nửa đêm mở phone ra xem Facebook hay mỗi ngày dành hơn 1 giờ cho Facebook thì hãy công nhận là mình nghiện. Đây là một bước quan trọng. Người nghiện Facebook sẽ không bao giờ nghĩ là mình cần phải cai, nếu không cho là mình là con nghiện.”

Bà khuyên: “Đừng phỏng đoán thời gian mình dùng mỗi ngày cho Facebook mà hãy lấy giấy bút ra ghi lại một cách chính xác. Thử làm vậy trong hai tuần lễ, bạn sẽ thấy kinh ngạc cho thời gian mình thực sự tốn cho trang mạng đầy hấp lực này.”

Tiến Sĩ Andraessen thì khuyên: “Không nên lúc nào cũng phải ôm lấy điện thoại di động. Hãy dành ra một thời gian nhất định để vào Facebook trong ngày. Và đóng trang Facebook lại ngoài những khoảng thời gian đó.”

“Phải mất bao nhiêu lâu một thói quen mới thành một thói quen, và phải mất bao nhiêu lâu nữa thói quen đó mới thôi không còn là thói quen nữa,” Tiến Sĩ Cecilie Andraessen nói.
Căn cứ vào con số hơn 1.23 tỷ người vào dùng Facebook mỗi ngày, có vẻ thói quen dùng Facebook là một thói quen hơi khó bỏ.

*
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats