Friday, 10 March 2017

HỦY BỎ OBAMACARE (Nguyễn Đạt Thịnh)




Wednesday, 08/03/2017 - 08:58:59

Hôm thứ Hai. mùng 6 tháng Ba, Hạ Viện Cộng Hòa công bố dự luật nhằm hủy bỏ chương trình bảo hiểm y tế ObamaCare, chấm dứt chế độ cưỡng bách, bắt mọi người phải mua bảo hiểm y tế, và thay vào đó bằng các khoản thuế tín dụng (tax credit) khuyến khích mọi người dùng số tiền credit đó mua bảo hiểm y tế ngoài thị trường.

Chỉ 24 giờ đồng hồ sau khi được công bố, dự luật mới đã gây nhiều tranh cãi gay gắt, vì đạo luật ObamaCare đang giúp trên 20 triệu người Mỹ nghèo được chăm sóc y tế như mọi người Mỹ giàu có hơn họ. Tuy bị dư luận chống đối, nhưng quyết tâm của tổng thống và quốc hội Cộng Hòa vẫn là yếu tố quan trọng trong nỗ lực đập phá luật ObamaCare.

Hôm thứ Ba, mùng 7 tháng Ba, tổng thống nhắc lại giai thoại “tắm máu” mà ông đã hứa hẹn với cử tri trong lúc tranh cử; “tắm máu” là cái giá ông nhận sẽ trả -nếu cần- để dẹp bỏ ObamaCare.

Hai chữ “tắm máu” gợi lên hình ảnh khiếp đảm những lò đốt người của nhà độc tài Hitler ngày xưa; nhà lãnh tụ Đức đó khắc kỵ người Do Thái, rồi thẳng tay tàn sát; hành động bạo ngược đó khiến nước Đức trở thành vĩ đại, và Hitler được thanh niên Đức coi như thần tượng.

6 triệu người Do Thái bị đốt để Đức trở thành vĩ đại

Và Hitler thành thần tượng

Vì dự luật y tế mới -được gọi là the American Health Care Act, dự luật AHCA- là một đạo luật nên tổng thống không thể ký ban hành như một sắc lệnh, việc ông đã làm vài chục lần trong non một tháng cầm quyền, mà phải do Quốc Hội thảo luận và thông qua.

Chi tiết nhỏ đó, trao gánh nặng lớn cho Chủ Tịch Hạ Viện -Dân Biểu Paul Ryan; ông này phải tìm ra một nguyên lý đủ mạnh để tiêu hủy ObamaCare. Nguyên lý Ryan tìm ra là Tổng Thống Obama cướp đoạt quyền tự do của người Mỹ.

Ông nêu lên nguyên lý “Freedom is the ability to buy what you want to fit what you need.” (Tự do là khả năng mua những gì bạn muốn để phù hợp với những gì bạn cần) để lên án Obama bắt buộc người Mỹ phải mua ObamaCare -điều ông muốn nhưng người Mỹ không muốn mua.

Quốc Hội hể hả

Công chúng phản đối

Dự luật mới cũng được Đảng Cộng Hòa quan niệm như công cụ giúp kỹ nghệ bảo hiểm phồn thịnh trở lại như ngày xưa, giúp nền kinh tế Hoa Kỳ sống động hơn, giúp tổng số tỉ phú gia tăng, song song với sự gia tăng của tổng số người Mỹ uổng tử vì thiếu y khoa phòng ngừa, thiếu sự chăm sóc của bác sĩ, bệnh viện.

Dự luật của Hạ Viện Hoa Kỳ sẽ lật ngược việc mở rộng Medicaid -một hình thức nhánh của luật ACA (Affordable Care Act-ObamaCare); chương trình Medicaid expansion đã cung cấp bảo hiểm cho hơn 10 triệu người ở 31 tiểu bang, giảm các khoản thanh toán của liên bang cho nhiều người thụ hưởng mới.

Dự luật bảo hiểm y tế mới cũng giúp các doanh nghiệp lớn không còn bổn phận mua bảo hiểm cho công nhân làm việc full-time với họ nữa.

Tuy nhiên, những người để bảo hiểm của họ hết hiệu lực sẽ phải đối mặt với một hình phạt đáng kể: các hãng bảo hiểm có thể tăng mức lệ phí bảo hiểm của họ lên 30%, và theo nghĩa đó, đảng Cộng hòa sẽ thay thế hình phạt vì không có bảo hiểm với hình phạt mới cho phép bảo hiểm chấm dứt khế ước bảo hiểm.
Các lãnh tụ Cộng Hòa nói họ sẽ giữ lại ba điều khoản của ObamaCare: (1) cấm không cho hãng bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cho những người đang có bệnh; (2) cấm hãng bảo hiểm ấn định giới hạn số y phí trọn đời cho bệnh nhân; và (3) lưu giữ khoản “con trưởng thành, dưới 26 tuổi, vẫn được sử dụng bảo hiểm của gia đình bố mẹ.”

ObamaCare có nhiều điều khoản nâng đỡ người có lợi tức thấp; một trong những điều khoản đó là mở rộng chương trình Medicaid tài trợ đến mức $16,400 mỗi năm cho những người lợi tức dưới $30,000.

Dự luật mới của đảng Cộng Hòa -the American Health Care Act, luật AHCA- hủy bỏ gần hết những biện pháp nâng đỡ đó. Từ năm 2020, AHCA sẽ hủy bỏ ngân khoản tài trợ chương trình “Medicaid mở rộng.”

Không chỉ hủy bỏ chương trình “Medicaid mở rộng,” dự luật AHCA còn thay đổi toàn bộ luật ObamaCare bằng cách cấp cho các tiểu bang một tài khoản giới hạn cho mỗi thân chủ bảo hiểm -biện pháp này được gọi là “Mức bình quân đầu người” (per-capita cap); mức này là giới hạn tối đa của liên bang.

Những biện pháp đó tạo thiệt thòi cho người nghèo và vợ con họ, người lớn tuổi, và người tàn tật qua những hình thức giảm số người hội đủ điều kiện, giảm bớt các khoản trợ cấp hoặc cắt giảm các khoản thanh toán của bác sĩ, bệnh viện.

The American Health Care Act, luật AHCA

Voi vào bệnh viện

Dư luận chống AHCA nêu lên quan điểm “4 điều tự do” của tổng thống Franklin D. Roosevelt, để phản bác nguyên lý của Ryan “Tự do là khả năng mua những gì bạn muốn để phù hợp với những gì bạn cần.” Trong một bài diễn văn State of the Union phải đọc hàng năm trước lưỡng viện Quốc Hội, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đề cập đến quan niệm tự do của người Mỹ. Ông nói, "Tự do cá nhân không thể đứng khơi khơi trong xã hội, không thể đi đôi với tình trạng nghèo túng; do đó người nghèo không thể vừa nghèo, vừa tự do."

Từ quan điểm đó nhiều học giả nghiên cứu và công nhận, vì không có bảo hiểm y tế người nghèo khiếp sợ tai nạn, bệnh hoạn hơn người giàu; cũng từ quan điểm đó hai vị tổng thống Dân Chủ Lyndon B. Johnson và Barack Obama tìm cách giải quyết tình trạng chăm sóc y tế cho người nghèo.

Không có khả năng làm cho toàn dân Mỹ cùng hết nghèo, hai nhà lãnh đạo này tạo ra cảnh “dù nghèo, nhưng vẫn có bảo hiểm y tế.” Ông Johnson tạo ra hai loại thẻ bảo hiểm y tế: Medicare và Medicaid. Medicare giúp người già, và Medicaid giúp người nghèo.

Ông Obama tạo ra Obamacare, giúp người nghèo cũng có thẻ bảo hiểm để được bác sĩ, bệnh viện chăm sóc như những người giầu hơn họ.

Tổng Thống Trump chấp nhận tắm máu để ăn thua đủ với vài chục triệu người Mỹ nghèo, đang cầm thẻ bảo hiểm y tế; ông muốn lấy lại cái thẻ plastic nho nhỏ đó. Người nghèo không có gì cả để giúp họ chống đỡ.

Trump không thể nào thua, và khối người Mỹ khố rách áo ôm không có cách nào để tự vệ. Lần sau, họ lại cặm cụi đi bầu, lại bầu ông ở lại Bạch Cung thêm 4 năm nữa cho đủ hai nhiệm kỳ. (nđt)

----------------------
Hà Tường Cát/Người Việt
March 9, 2017

Năm 2010, California là tiểu bang đầu tiên thành lập thị trường bảo hiểm y tế – mang tên “Covered California” – theo đạo luật cải tổ y tế ACA (Affordable Care Act ) quen gọi là Obamacare.

Tuần hành trên đường phố Los Angeles, California, đòi giữ lại Obamacare. (Hình: Getty Images)

Hiện nay, khoảng 4.9 triệu người dân California đã có bảo hiểm y tế, hoặc qua thị trường bảo hiểm hoặc bằng Medi-Cal mở rộng. Chỉ còn 7.4% dân California ở tuổi làm việc không có bảo hiểm, tỷ lệ thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Giáo Sư Sabrina Corlette thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Cải Cách Bảo Hiểm Y Tế trường Georgetown University nhận xét: “ACA còn nhiều khiếm khuyết, chưa hẳn là hoàn hảo, nhưng nếu có một tiểu bang nào được áp dụng tốt thì đó là California.”

Tờ Los Angeles Times dẫn lời Bác Sĩ Gerald Kominski, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách Y Tế đại học UCLA: “Chúng ta đã giảm được hơn phân nửa số người không có bảo hiểm. Tiến bộ to lớn ấy cũng có nghĩa là California sẽ thiệt thòi nặng nhất nếu đạo luật ACA bị xóa bỏ.”

Ông Dave Jones, ủy viên bảo hiểm California, mạnh mẽ chỉ trích dự luật thay thế Obamcare của Quốc Hội Cộng Hòa, nói rằng sẽ là một đòn nặng cho thị trường bảo hiểm California và có thể làm cho 5 triệu dân tiểu bang không có bảo hiểm.

Tờ Sacramento Bee đưa tin này, dẫn lời ông Jones trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư ở Sacramento, đề cập đến một sai lầm trong dự luật mới: “Nhiều người cho rằng không cần phải bảo hiểm vì mình khỏe mạnh, và rồi sẽ không bắt buộc phải có. Như thế họ chơi trò may rủi về sinh mạng giống như trước khi có quy định của ACA và hy vọng là họ sẽ không bao giờ đau yếu.”

Ảnh hưởng như thế nào?
Nếu Obamacare bị hủy bỏ, Medi-Cal sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Obamacare tài trợ cho tiểu bang để có thể mở rộng và nhận thêm người vào chương trình này.

Medi-Cal là chương trình Medicaid của California dành cho dân nghèo thu nhập thấp.
MediCaid được lập ra năm 1965 dưới thời Tổng Thống Dân Chủ Lyndon B. Johnson. Chính phủ liên bang bồi hoàn chi phí y tế cho các chính quyền tiểu bang bất kể là tốn kém tới mức nào. Hiện nay mức tài trợ này tới $500 tỷ mỗi năm và sẽ còn lên cao hơn nữa, cho nên chương trình này bị nhiều chỉ trích là không thể tiếp tục duy trì và không hiệu quả.

Dự luật y tế mới do các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa đưa ra sẽ giới hạn số tiền các tiểu bang nhận được của liên bang. Tiểu bang California đã nghiên cứu nhiều phương pháp tiết giảm chi phí, như hạn chế quyền lợi được hưởng từ Medi-Cal, hạn chế tiền trả cho bác sĩ. Tuy nhiên nếu tài trợ liên bang bị cắt giảm quá nhiều thì sẽ không còn cách nào khác hơn là cắt giảm số người thụ hưởng Medi-Cal.

Khoảng 32.4% dân số California hay 12.5 triệu người thụ hưởng Medi-Cal, bao gồm những người đã ở trong chương trình này từ nhiều năm trước cũng như người mới được tiếp nhận.

Tờ Los Angeles Times nói rằng phân tích các chương trình tương tự cho thấy nếu cắt giảm tài trợ, số người trong Medi-Cal sẽ giảm 30% trong vài năm tới, có nghĩa là khoảng 2 triệu người dân California sẽ mất bảo hiểm y tế, và nhiều người khác bị ảnh hưởng vì chương trình bị thu hẹp, hạn chế quyền lợi.

Triển vọng Obamacare bị thay thế
Giới lãnh đạo Cộng Hòa đã nói rằng sẽ mau chóng thâu hồi và thay thế đạo luật cải tổ y tế tiêu biểu của Tổng Thống Barack Obama ngay sau khi Tổng Thống Donald Trump vào tòa Bạch Ốc.

Theo các chuyên gia thì khó hủy bỏ hoàn toàn Obamacare ngay tức khắc, vì sẽ làm cho hơn 20 triệu người đã tham gia chương trình này không còn bảo hiểm mà chưa biết giải quyết cách nào. Như thế chỉ có thể thay đổi một số điều khoản và giữ lại những điều khoản khác.
Ban đầu, dường như ông Trump tán thành đường lối này, trái với tuyên bố trong thời gian tranh cử rằng hoàn toàn bãi bỏ Obamacare sẽ là mục tiêu đầu tiên. Cuối Tháng Mười Một, sau khi gặp Tổng Thống Obama ở tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Tân Cử Donald Trump nói sẽ có thể xem xét duy trì một phần Obamacare.

Ba tháng sau, cho đến ngày Thứ Sáu tuần trước, Tổng Thống Trump còn nói với tờ Wall Street Journal rằng có thể giữ lại nhiều điều khoản trong ACA. Chẳng hạn điều khoản cấm các công ty bảo hiểm từ chối khách hàng đã sẵn có các vấn đề về bệnh lý và điều khoản cho phép thanh niên được ở lại trong chương trình bảo hiểm của bố mẹ cho tới 26 tuổi.

Nhưng bây giờ một lần nữa ông Trump lại thay đổi thái độ, lên tiếng hoàn toàn ủng hộ dự luật “American Health Care Act” (AHCA) do Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan và lãnh đạo Cộng Hòa đưa ra hôm Thứ Ba.

AHCA gặp sự chống đối từ nhiều phía, bao gồm phái bảo thủ Cộng Hòa, giới chuyên gia y khoa và các công ty bảo hiểm, chưa kể các phe đối lập khác. Cũng chưa thể đánh giá đầy đủ lợi hại của dự luật này hay khó khăn trở ngại về ngân sách liên bang. Nhưng đảng Cộng Hòa với nỗ lực tranh đấu thay đổi Obamacare suốt hơn 6 năm qua, quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội hiện nay và trông nhờ đến sự trợ lực của Tổng Thống Trump.

Sau 5 tuần lễ ở Tòa Bạch Ốc phải đương đầu với nhiều vấn đề phức tạp chưa tạo nên thành tích gì cụ thể, ngoài một loạt những sắc lệnh hành pháp đang được thi hành với kết quả còn phải chờ đợi, Tổng Thống Donald Trump có nhu cầu chứng minh được uy tín cá nhân mình. Nhiều nhà lập pháp đang ở trong tình trạng gọi là “máy bay Air Force One đáp xuống đơn vị bầu cử của mình,” có nghĩa là được đích thân tổng thống vận động bỏ phiếu ủng hộ dự luật AHCA.

Trong những hoàn cảnh ấy, nỗ lực thu hồi đạo luật cải tổ y tế ACA bằng mọi giá có nhiều triển vọng trở thành hiện thực. Tác động tới những người gia nhập chương trình Obamacare nói riêng và dân chúng Mỹ nói chung như thế nào sẽ là các chi tiết còn phải chờ đợi.

–––––––––—-
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com

*
March 7, 2017
.
March 7, 2017
.
March 6, 2017




No comments:

Post a Comment

View My Stats