Saturday 11 March 2017

HỘI THẢO về TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN INTERNET TẠI VIỆT NAM ở VALENCIA, TÂY BAN NHA (Đoàn Hưng - SBTN)




7 tháng 3, 2017

Vào ngày Chủ Nhật 5 Tháng 3 2017, tại thành phố Valencia – Tây Ban Nha, buổi hội thảo mang tên Vietnam Cyber Dialogue 2017 (VCD- tạm dịch Tự Do Ngôn Luận Trên Internet Tại Việt Nam) đã chính thức diễn ra lần đầu tiên. Sự kiện này đã lôi kéo sự chú ý của thế giới đến một vấn đề đang trở nên nóng bỏng tại VIệt Nam: quyền tự do ngôn luận trên internet của công dân Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Ba tổ chức Article 19, Phóng Viên Không Biên GIới (RSF) và Việt Tân đã cùng đứng ra tổ chức buổi hội thảo này. Có khoảng 50 người đã đến tham dự VCD, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới: Mỹ, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Canada, Mexico, Úc, Phi Luật Tân, Việt Nam… Họ đến như tổ chức khác nhau như Liên Hiệp Quốc (UN), Frontline Defenders, OONI, các công ty internet, các tổ chức NGO … Họ là những chuyên gia về kỹ thuật mạng, về những giám sát viên bảo vệ nhân quyền, những nhà hoạt động, phóng viên…

VCD là một phần của đại hội Internet Freedom Festival (IFF- Hội THảo Tự Do Internet), một hội thảo có chủ đề tương tự nhưng ở tầm vóc toàn cầu: bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên internet cho cư dân mạng thuộc mọi quốc gia trên thế giới. VCD được tổ chức một ngày trước khi IFF khai mạc.

Ban tổ chức Hội Thảo về Tự Do Ngôn Luận trên Internet tại Việt Nam ở Valencia, Tây Ban Nha.

Tại Việt Nam hôm nay, người dân phải sống trong một chính thể mà quyền tự do ngôn luận của mình bị tước đoạt. Tất cả các phương tiện truyền thông chính thống như báo chí, TV, radio… đều nằm trong tay chế độ độc tài công an trị. Internet là phương tiện duy nhất mà nhiều người Việt Nam sử dụng để bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Vậy mà chính quyền CSVN cũng đang cố gắng tước đoạt đi phương tiện truyền thông duy nhất này của người dân. Hàng loạt blogger bị bắt bớ, hành hung, đe dọa. Hàng trăm các trang web bị chính quyền đánh sập, hay bị ngăn chặn. Chính quyền CSVN sử dụng các điều khoản 258, 88 để bắt bớ những người bày tỏ sự bất đồng chính kiến, bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.

Tại buổi hội thảo, người tham dự đã được nghe báo cáo lại những phương thức mà chính quyền CSVN khống chế, đe dọa cư dân mạng, nghe tường thuật những câu chuyện đàn áp, khủng bố đang diễn ra hàng ngày đối với cư dân mạng tại Việt Nam. Buổi hội thảo là một cơ hội để thế giới hiểu rõ hơn về thực trạng của quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Không phải tình cờ mà TỔ Chức Phóng Viên Không Biên GIới đã xếp Việt Nam ở thứ hạng 175/180 trong vấn đề tự do ngôn luận, và xem chính quyền CSVN là “kẻ thù” của internet.

Buổi hội thảo là một cơ hội quí báu để những cư dân mạng đang hoạt động cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam có dịp trao đổi, học hỏi từ những nhà hoạt động, tổ chức trên thế giới các phương tiện, kỹ thuật để bảo vệ an toàn cho cư dân mạng, để vượt qua những rào cản do chính quyền CSVN dựng lên để ngăn cản việc truyền thông trên mạng.

Buổi hội thảo cũng là cơ hội để những nhà hoạt động cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam trong và ngoài nước có dịp làm quen, trao đổi thông tin, mở rộng mạng lưới hoạt động. Phải làm sao để hỗ trợ hiệu quả hơn cho những blogger, cư dân mạng trong nước, trước sự đe dọa của chính quyền CSVN. Buổi hội thảo đặt nặng vai trò của những tổ chức, cư dân gốc Việt tại hải ngoại trong việc kết nối người trong nước với thế giới tự do bên ngoài. Thế giới càng để ý đến Việt Nam, thì các nhà hoạt động trong nước càng đỡ nguy hiểm hơn dưới sự kiểm soát, đàn áp của chính quyền.

Buổi hội thảo đã kết thúc trong sự đồng cảm, tin tưởng lẫn nhau của các thành viên tham dự. Mọi người đều tin tưởng với sự đoàn kết, phối hợp hành động giữa người Việt trong và ngoài nước, quyền tự do ngôn luận trên internet tại Việt Nam sẽ được cải thiện. Và các blogger, cư dân mạng Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong công cuộc đổi mới đất nước Việt Nam.

Đoàn Hưng / SBTN

*
8 tháng 3, 2017





No comments:

Post a Comment

View My Stats