Tuesday, 14 March 2017

"GẠC MA LÀ CUỘC THẢM SÁT, KHÔNG PHẢI HẢI CHIẾN" (Zing.vn)




Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

(Zing.vn 14/03/2017) 29 năm trôi qua, Gạc Ma vẫn là một phần đất Việt giữa Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng. Gạc Ma đã trở thành nỗi đau của người Việt.

Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Trung Quốc âm mưu xâm lược Trường Sa từ lâu. Năm 1986-1987, các tàu hải quân Trung Quốc giả dạng tàu cá đã thăm dò vùng biển Trường Sa rất nhiều lần.

Trung Quốc dùng súng máy bắn vào 48 cán bộ chiến sĩ 
  
Tháng 10/1987, Hải quân đã gửi báo cáo lên lãnh đạo Nhà nước về nguy cơ Trung Quốc "đi xuống" Trường Sa. Từ đó, Bộ Chính trị có lệnh tăng cường bảo vệ vùng biển này.

“Tháng 11/1987, khi đó tôi là Tham mưu phó Quân chủng Hải quân đã viết điện cho Tư lệnh Giáp Văn Cương đề nghị phải sớm có biện pháp bảo vệ chủ quyền tại một số đảo Trường Sa”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm kể.

Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn của đất nước, lực lượng hải quân mỏng. Tàu thuyền chủ yếu do Trung Quốc viện trợ hoặc là chiến lợi phẩm từ thời Việt Nam Cộng hoà đã quá cũ. Lực lượng đi ra đảo dù đã chuẩn bị nhưng tàu bị hỏng máy không thể đi được.

TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng sự kiện Trung Quốc xâm lược Gạc Ma năm 1988 cũng giống năm 1974 chiếm Hoàng Sa hay trước đó là chiếm một số đảo phía đông của Hoàng Sa năm 1956.

“Trung Quốc rất hay lợi dụng khoảng trống. Và có thể cũng là một cách để họ thử phản ứng giữa các bên”, ông Hà nói.

“Ngay cả khi Trung Quốc điều dàn khoan HD-981 xuống Biển Đông cũng là một phép thử thái độ các bên. Trước là thử phản ứng của Mỹ sau khi Tổng thống Obama đến Philippines và có những tuyên bố cứng rắn. Tiếp đó là thử phản ứng của khối ASEAN”,nguyên Viện  trưởng Viện Lịch sử Đảng phân tích.

“Thời điểm tháng 3/1988, Trung Quốc biết được Liên Xô đang lộn xộn và không quan tâm nhiều đến vấn đề ở Biển Đông. Và có thể có một chỉ dấu nào đó từ phía Liên Xô khiến cho Trung Quốc củng cố thêm quyết tâm phải đánh vào thời điểm 1988. Những gì diễn ra sau đó chứng tỏ âm mưu của Trung Quốc đã được tính toán cẩn thận. Cho dù, khi đó Hiệp ước hữu nghị hợp tác năm 1978 Việt Nam ký với Liên Xô vẫn còn có hiệu lực”, TS Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Các bãi, đá bị Trung Quốc chiếm giữ (viền trắng - đỏ) như bãi Chữ Thập, đá Gạc Ma, đá Vành Khăn có vị trí cài răng lược. Ảnh: CSIS.

Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, mặc dù quan hệ Việt Nam - Liên Xô thời điểm đó rất thân thiết; tuy nhiên, không hề có một thông báo nào từ phía Liên Xô cho thấy Trung Quốc đưa quân xuống. Rất nhiều tàu Liên Xô đang ở cảng Cam Ranh cũng không can thiệp. Và cuộc thảm sát Gạc Ma đã diễn ra vào buổi sáng ngày 14/3/1988.

"Gạc Ma là một cuộc thảm sát"

Sáng sớm 14/3, khi tổ cắm cờ và giữ cờ gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa Trung Quốc chạy đến. Hai khẩu AK-47, xà beng, cuốc xẻng… là những vũ khí ít ỏi để họ tự vệ trước dao găm và đạn pháo của kẻ thù.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Gạc Ma là cuộc thảm sát
Trao đổi với Zing.vn, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói ông chưa bao giờ ông gọi Gạc Ma là trận hải chiến mà đó là một cuộc thảm sát.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói ông chưa bao giờ ông gọi Gạc Ma là trận hải chiến.
“Hải quân Việt Nam có bắn lại quân Trung Quốc phát súng nào đâu. Hải quân Việt Nam lên đảo trước vào ban đêm. Đến sáng hôm sau, Trung Quốc mới lên. Trung Quốc dùng súng máy bắn vào 48 cán bộ chiến sĩ trên đảo Gạc Ma. Tôi gọi trận Gạc Ma là một trận thảm sát của hải quân Trung Quốc với hải quân Việt Nam”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói.

Sau cuộc thảm sát đẫm máu khiến 48 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma hy sinh, Trung Quốc tiếp tục bắn chìm 2 tàu vận tải HQ-604 và HQ-605. Đây là hai con tàu do chính Trung Quốc viện trợ, từng là tàu không số của đường Hồ Chí Minh trên biển. 18 chiến sĩ hy sinh cùng hai con tàu này. Đó là chuyến đi biển cuối cùng của 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

Báo Hà Nội Mới năm 1988 nói về Gạc Ma

Cũng trong buổi sáng ngày 14/3/1988, để bảo vệ đảo đá Cô Lin, Thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ đã có một quyết định sinh tử. Sau loạt pháo của Trung Quốc, tàu bị trúng đạn vào buồng máy bên phải, hỏng máy trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1 hải lý.

Trong thời khắc đó, vị thuyền trưởng hạ lệnh mở hết tốc lực, cho tàu phi thẳng lên đảo Cô Lin, biến HQ-505 trở thành tiền tiêu sống trước quân xâm lược Trung Quốc.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm không giấu được xúc động khi nói về những người lính bám trụ, trần mình giữ đảo. Họ dũng cảm bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ đồng đội của mình. Nhờ tinh thần đó mà Trung Quốc không thể chiếm được Len Đao và Cô Lin.

---------------
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Cảnh giác với chiến lược nước lớn
Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma nhưng Liên Xô ở Cam Ranh lại án binh bất động. Chỉ cần một tàu chiến của Liên Xô ở đó thì không bao giờ Trung Quốc dám manh động. 
Tôi cho rằng, bài học rút ra ở đây là chơi với nước lớn cũng đừng hy vọng rằng họ vì mình. Mà họ vì chiến lược nước lớn chứ không vì một nước nhỏ nào. Cũng như Mỹ giúp Việt Nam Cộng hoà nhưng năm 1974, nếu có tàu chiến của Mỹ hiện diện thì Hải quân Trung Quốc cũng không dám đánh chiếm Hoàng Sa. Nhưng Mỹ lờ đi để xâm chiếm Hoàng Sa.

*
*
Tựa gốc :
Vì sao Trung Quốc xâm chiếm Gạc Ma vào tháng 3/1988?
09:03 14/03/2017

-------------------------------

Posted by adminbasam on 14/03/2017
.
Ba người ở bìa trái theo thứ tự là các anh Thoa, Thống và Đông, từng bị Trung Quốc giam cầm. Ảnh: FB Đỗ Hùng

Cuộc giằng co và xả súng xảy ra vào buổi sáng 14 tháng 3, lúc bấy giờ trung sĩ Nguyễn Văn Thống, tiểu đội trưởng thuộc đơn vị công binh E83, đang ở trên boong tàu HQ 604. Từ chỗ đứng của mình, anh thấy rõ các đồng đội đang cầm cự với lính Trung Quốc, rồi đối phương cho thuyền nhỏ chạy vòng vòng xả súng lên tàu. Pháo lớn bắt đầu nã vào chiếc HQ 604. Lực lượng Việt Nam trên tàu liền dồn vào cabin rất đông, đạn địch vẫn không ngớt lia tới những con người hầu như không được vũ trang. Sau một vài loạt đạn, Thống gục xuống. Trong cơn mê man, anh vẫn cảm nhận được thân tàu chao đảo và chìm xuống rất nhanh, nhưng do mất máu nhiều, anh đã không đủ sức để thoát ra ngoài. Thế rồi, luồng nước mạnh tràn vào khoang tàu đã đẩy trung sĩ Thống cùng nhiều chiến sĩ khác, còn sống hoặc đã hy sinh, ra ngoài.

Khi hồi tỉnh trở lại vào buổi trưa, Thống thấy mình đang ôm một mảnh gỗ mặc cho nước cuốn đi. Bủa vây anh lúc này là những mảnh vỡ từ con tàu HQ 604 đã bị đánh chìm, thi thể các đồng đội hy sinh và màu nước biển vốn thẳm xanh giờ chuyển sang đỏ hồng vì máu. Một vài đồng đội bị thương đang gắng gượng bám vào vật trôi nổi. Nhiều người rên rỉ vì đau. Thống bị thương ở mặt, đạn phạt một phát ngay dưới mắt trái và một mảnh khác ở bàn tay phải. Máu chảy mỗi lúc một nhiều, nước biển thấm vào đau tận xương tủy, đến mức tê dại. Phía xa, tàu lớn Trung Quốc vẫn lởn vởn, trong khi xuồng nhỏ của đối phương vẫn chạy vòng vòng, đạn vẫn bắn càn xuống vùng biển có những con người chới với. Trên vùng bãi cạn chỗ nổi chỗ chìm, nhiều đồng đội của Thống bị thương nặng không bơi được, trở thành mục tiêu cho đạn chì.

Lênh đênh trên biển tới tầm giữa buổi chiều, trung sĩ Thống thầm nhủ mình cầm chắc hy sinh, điều lo lắng của anh lúc này là không biết làm thế nào để nhắn gửi về cho gia đình. Tấm gỗ trôi mãi, không biết sau bao lâu thì anh bắt gặp Lê Văn Đông, cùng quê Quảng Bình, đang bơi ngược chiều. Thống liền gọi lại, hỏi bạn có sao không, rồi anh nhắn tên mình, quê quán, người thân để lỡ mình có chết mà bạn sống sót thì về nói với gia đình mình. Nhắn xong như vậy anh thấy yên tâm phần nào, đã sẵn sàng đối mặt với cái chết. Rồi đây, thân xác anh sẽ hòa vào biển và mãi mãi ở lại nơi này. Quê hương có rất nhiều mộ gió từ những cuộc chiến trong quá khứ, giờ sẽ thêm những phần mộ gió của anh và đồng đội, sau cuộc đau thương giữa biển Trường Sa.

Bơi được khoảng hơn một tiếng nữa thì trung sĩ Thống thấy tàu Trung Quốc xuất hiện trước mặt, vứt dây câu xuống và kéo cả Thống lẫn Đông lên. Thống bị thương rất nặng, các cơn đau dồn dập quật anh tưởng như chết đi được. Đông cũng bị vài mảnh đạn cắm vào lưng, máu không ngừng túa ra.

Sau khi bị bắt lên tàu, Thống, Đông cùng nhiều anh em nữa bị trói, bịt mắt, bỏ đói trong hầm tàu. Nhiều anh em ngất đi vì đau đớn, đói khát, kiệt sức. Tàu chạy mãi miết, không biết qua bao nhiêu thời gian, theo ước tính của các anh là khoảng ba ngày hai đêm, thì cập cảng ở đảo Hải Nam, hình như là vậy, anh em chỉ đoán thôi. Sau đó các tù binh được đưa vào Quảng Đông giam giữ.

Những con người trẻ tuổi hôm nào ra đi không hề mảy may một dự cảm thiên tai, chợt nhiên thấy mình bị bủa vây bởi làn đạn thù, và rồi khi cuộc chiến kết thúc, họ bị đẩy vào ngục tù.

“Về tới Trung Quốc, chúng đòi cưa tay cưa chân tôi để cứu sống. Tôi quyết không chịu, tôi thà chết chứ không để cho chúng nó cưa tay cưa chân”, nhiều năm sau, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thống hồi tưởng.

——–

Đây là một đoạn trong các chương sách mà mình với Bùi Thư viết cho dự án sách Gạc Ma.
Cuốn sách đến nay vẫn chưa được phép ra đời. Mình trích một đoạn rất ngắn ở đây như một tưởng niệm.

Nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày đau thương ấy, tiếng đạn thù và những ngày ngục tù đã lùi xa nhưng trong lòng những người lính năm xưa vẫn còn bao day dứt. Một ngày đầu năm 2016, cựu binh Nguyễn Văn Thống nhắn tin cho mình:

“Trời lại trở gió, các vết thương tôi lại đau, tôi ngóng nhìn ra biển cả lại càng nhớ thương những người bạn thân cùng vui buồn một thời quân ngũ giờ chỉ còn lại ký ức của những thương đau mà quân thù đã tàn sát vào sáng 14 tháng 3 năm 1988 vào tàu HQ 604 ở Gạc Ma. Tôi thật chán ghét chiến tranh, mong sao đất nước mãi bình yên tươi đẹp để vong linh của những người bạn và đồng đội nơi biển khơi được trở về đất mẹ. Đồng đội ơi, mình và Tổ quốc mãi nhớ đồng đội!”.

 Thượng úy Chương gốc Lệ Thủy, Quảng Bình. Sau cuộc chiến, ông về sống âm thầm trên Tây Nguyên. Mãi tới gần đây ông mới gặp lại được các đồng đội cũ.

-----------
Related



-------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats