Lê Mạnh Hùng
March 15, 2017
Tháng Sáu năm ngoái dân chúng Anh lên tiếng họ muốn
Brexit. Thế nhưng làm sao tuân thủ ý muốn của nhân dân xem ra có vẻ khó hơn người
nghĩ.
Hôm Thứ Tư tuần trước trong một cuộc bỏ phiếu 498 chống
lại 114 các dân biểu Hạ Viện Anh ủng hộ một đạo luật dẫn nước Anh tiến thêm một
bước gần hơn tới việc bước ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mặc dầu 75% các dân biểu
chống lại việc ra khỏi này trước cuộc trưng cầu dân ý vào Tháng Sáu năm 2016.
Trong hai ngày thảo luận trước khi bỏ phiếu, nhiều dân biểu nói họ cảm thấy có
trách nhiệm phải bỏ phiếu theo ý kiến của cử tri hạt bầu cử của họ. Cả hai đảng
chính, đảng Bảo Thủ của bà Thủ Tướng Theresa May và đảng Lao Ðộng của ông
Jeremy Corbin đều làm áp lực các dân biểu phải bỏ phiếu ủng hộ đạo luật Brexit.
Ở một mức nào đó cuộc đầu phiếu này chỉ có tính hình
thức: nó có nghĩa là nay các dân biểu có thể bắt đầu thảo luận việc Anh Quốc
rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu như thế nào. Nhưng ở một mức khác, nó buộc các
dân biểu phải hành động trên cái cam kết của họ đối với nền dân chủ – và biện
minh cho vai trò của họ đối với nền dân chủ – trong một khung cảnh chính trị
dân túy đang thay đổi mau chóng. Việc mỗi người trong họ giải quyết thách thức
nào có thể sẽ làm thay đổi hệ thống chính trị của Anh trong nhiều thập niên tới.
Theo Giáo Sư Steven Fielding của Viện Ðại Học
Nottingham thì những nhà chính trị đã cảm thấy mình bị mất tính chính đáng
(legitimacy) ít nhất là so với trước đây với một sự hồ nghi phổ biến của dân
chúng đối với các dân biểu. Cái sự hồ nghi này có thể thấy rõ vào tháng sáu khi
dân Anh bỏ phiếu khít khao rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Dưới áp lực của đảng
UKIP, một đảng dân túy cực hữu cũng như trong cánh hữu của đảng Bảo Thủ mình,
Thủ Tướng Anh David Cameron cho phép mở một cuộc trưng cầu dân ý rút ra hay ở lại
Liên Hiệp Châu Âu. Vào lúc đó ít ai nghĩ rằng người Anh sẽ lựa chọn rút ra và
ông Cameron cho rằng đó là một cách đỡ tốn kém về mặt chính trị để làm im miệạng
những người chỉ trích ông trong đảng. Theo Giáo Sư Fielding thì: “Tôi không
nghĩ rằng David Cameron sẽ đồng ý một cuộc trưng cầu dân ý nếu ông ta nghĩ rằng
ông sẽ thua. Nó là một lẫm lỗi tính toán lớn.”
Các nhà chính trị của cả chính quyền lẫn đối lập hợp
tác với nhau để thuyết phục dân chúng Anh bỏ phiếu ở lại. Họ còn có được sự
tham gia của nhiều nhà trí thức và hầu hết báo chí. Thành ra khi cuối cùng dân
Anh bỏ phiếu 51.9% chống 48.1% rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nó đã là một cú sốc
cho các dân biểu và làm cho thấy rõ khoảng cách chia cắt các nhà chính trị và
dân thường. Và sự chối bỏ uy quyền của giới thượng lưu truyền thống này cũng là
một phần của một trào lưu rộng lớn hơn trên thế giới đóng góp vào sự nổi lên của
các phong trào dân túy dẫn đến việc bầu ông Donald Trump lên làm tổng thống tại
Mỹ cũng như những ủng hộ gia tăng cho những tổ chức cực hữu tại Châu Âu.
Các dân biểu có thể quyết định chống lại Brexit. Cuộc
trưng cầu dân ý này chỉ có tính cách tư vấn và Tối Cao Pháp Viện của Anh đã quyết
định rằng các dân biểu phải đồng ý trước khi bà Thủ Tướng May có thể kích động
điều khoản 50 của Thỏa Hiệp Lisbon về Liên Hiệp Châu Âu, bắt đầu tiến trình ly
dị.
Nhưng nếu ban đầu nó chỉ là một thủ thuật nhằm làm
im tiếng những đối thủ của mình trong đảng Bảo Thủ khiến ông Cameron đưa ra cuộc
trưng cầu dân ý, nhưng đến nay nó đã trở thành một chuyện khác. Nhiều nhà chính
trị, Bảo Thủ cũng như Lao Ðộng e ngại rằng bỏ phiếu trái lại “chống lại ý muốn
của nhân dân” là không có lợi gì như Philip Cowley, giáo sư chính trị học tại
trường Ðại Học Queen Mary của Luân Ðôn nhận xét:
“Ðúng hay là sai, người dân đã lên tiếng và nhiều dân biểu cảm thấy rằng
nếu ý này bị bỏ mặc thì sẽ có những phản ứng đối nghịch thật sự từ phía quần
chúng.”
Nhưng mặc dầu nhiều dân biểu ủng hộ đạo luật này để
giữ cho ổn định chính trị và tìm cách lấy lại niềm tin của cử tri, cuộc đầu phiếu
lần này cũng đồng thời thách thức đến tận cùng những cơ sở căn bản của nền dân
chủ, như nhận định của Mark Shephard, giáo sư chính trị học tại Viện Ðại Học
Stratclyde ở Scotland: “Vấn đề với cái gọi
là ‘ý muốn của quần chúng’ là quần chúng nào? Phải chăng là những cử tri tại hạt
bầu cử của ta? Hay là England mà thôi? Hay là cả Vương Quốc Thống Nhất UK; Nó
tùy thuộc vào quan điểm của bạn về thế nào là đại biểu. Bạn là người được nhân
dân ủy thác quyết định hay là người đại diện nói lên quyết định của họ.”
Hôm Thứ Tư, một con số đông chưa từng thấy các dân
biểu đã bỏ phiếu chống lại đảng của họ. Trong hầu hết trường hợp họ là những dân
biểu đại diện cho những hạt mà dân chúng bỏ phiếu ở lại.
Với 62% dân chúng Scotland bỏ phiếu ở lại Liên Hiệp
Châu Âu cuộc đầu phiếu lần này cũng tạo ra nguy cơ cho tương lai của Vương Quốc
Thống Nhất như là một quốc gia. Ngay sau khi cuộc đầu phiếu về Brexit tại Hạ Viện
kết thúc lãnh tụ đảng Quốc Gia Scotland (SNP) và đương kim thủ hiến Scotland
Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ đấu tranh để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc
lập của Scotland trong vòng hai năm tới vì như Dân Biểu Hannah Bardell của đảng
SNP giải thích với đài BBC: “Nếu chính phủ không tôn trọng ý muốn của nhân dân
Scotland ở lại Liên Hiệp Châu Âu thì đó là bước đầu tan rã của Vương Quốc Không
Thống Nhất này.”
No comments:
Post a Comment