Thursday, 9 February 2017

THÁI ĐỘ KHINH MIỆT THẨM PHÁN CỦA ÔNG TRUMP LÀM DẤY LÊN BẤT BÌNH (tin tổng hợp)




Đăng ngày 09-02-2017

Trước việc sắc lệnh nhập cư của mình bị tòa án ngăn chặn, tân tổng thống Mỹ Donald Trump ngày hôm qua, 08/02/2017, đã có phản ứng gay gắt, tố cáo tòa phúc thẩm ở San Franciso đang thụ lý hồ sơ, là có động cơ chính trị. Trước đó ông đả kích thẩm phán đã chặn sắc lệnh của ông. Thái độ của ông Trump đã khiến nhiều giới bất bình, kể cả nơi những người không hề chống ông. 

Phản ứng đáng chú ý nhất đến từ thẩm phán Neil Gorsuch, người đã được chính ông Trump đề cử làm thẩm phán tại Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ. Phát biểu với một thượng nghị sĩ Mỹ vào hôm qua, ông Gorsuch đã tỏ ý « thất vọng » và « ngán ngẩm » trước các tuyên bố của tổng thống Trump.

Thái độ coi thường tòa án và các thẩm phán còn gây khó chịu nơi các nghị sĩ, kể cả những người trong đảng Cộng Hòa của ông Trump.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio ghi nhận :

Bị chất vấn từ tứ phía, các thẩm phán San Francisco không để bị gây sức ép, và cố suy nghĩ một cách bình thản trong cơn bão tố. Trong một thông cáo, họ cho biết là các bên sẽ được báo trước, trước khi tòa thông báo phán quyết.

Không chỉ bị sức ép của truyền thông, các thẩm phán còn bị áp lực từ Nhà Trắng : Tổng thống Mỹ không che giấu thái độ khinh miệt của ông đối với tòa án sau khi nghe phiên tòa : « Tôi đã nghe tất cả. Thật đáng xấu hổ, xấu hổ… Đe dọa khủng bố nghiêm trọng hơn những gì họ hiểu ».

Báo chí Mỹ cho là các luật gia bộ Tư Pháp cũng như Nhà Trắng đã lấy làm tiếc sau những tuyên bố của tổng thống. Đại diện đảng Cộng Hòa Kizinger, tuy rất ủng hộ sắc lệnh nhập cư, cũng đánh giá là lời chỉ trích của tổng thống phản tác dụng : « Chúng ta phải tôn trọng việc các thẩm phán có trách nhiệm kềm hãm chính quyền, khi họ nghĩ là chính quyền đi quá xa. Dù có đồng ý hay không, tôi nghĩ là tấn công các thẩm phán là một chiến thuật tồi. »

Tướng Kelly, lãnh đạo bộ An Ninh Nội Địa công nhận là việc thi hành sắc lệnh quá vội vã. Trước Hạ Viện, ông đã giải thích : « Đó là lỗi của tôi. Lý ra tôi phải làm chậm lại việc áp dụng sắc lệnh. Và như thế có thể tránh được tình trạng hỗn loạn cuối tuần qua. »

Mỹ đã có bộ trưởng Tư Pháp mới
Với 52 phiếu thuận, 47 phiếu chống, ông Jeff Sessions đã được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn làm bộ trưởng Tư Pháp ngày 08/02/2017. Việc cử ông Sessions lãnh đạo bộ Tư Pháp từng gây tranh cãi, vì ông bị cáo buộc đã có những lời lẽ kỳ thị chủng tộc.

Tân ngoại trưởng Tillerson gặp hai đồng nhiệm Canada và Mêhicô
Đó là hai cuộc tiếp xúc riêng rẽ ngày 08/02 tại Washington. Sau cuộc tiếp xúc, ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định là nước ông cực lực phản đối ý định của Mỹ muốn áp đặt thuế nhập khẩu mới. Về phần mình, sau cuộc họp kín kéo dài một tiếng đồng hồ, ngoại trưởng Mêhicô Videgaray cho biết cuộc gặp diễn ra tốt đẹp. Hai bên sẽ tiếp xúc thường xuyên và lần gặp tới sẽ diễn ra tại Mêhicô.

---------------------------

9 tháng 2 2017

Tổng thống Trump ca ngợi thẩm phán Gorsuch "có trí tuệ siêu việt, và quyết tâm diễn dịch hiến pháp theo văn bản". EUROPEAN PHOTOPRESS AGENC

Người được tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào Tòa Tối cao mô tả các cuộc tấn công của ông Trump nhắm vào ngành tư pháp "làm nản lòng" và "mất tự tin".
Ông Neil Gorsuch đưa ra bình luận này với một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và được phát ngôn viên của ông xác nhận.
Tổng thống trước đó đã gọi vị thẩm phán, người chặn lệnh cấm đi lại gây tranh cãi của ông là "người mang danh thẩm phán", và nói rằng bất kỳ cuộc tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ sẽ là lỗi của ông ta.
Lệnh cấm nhập cảnh những người đến từ bảy quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo đang được tòa phúc thẩm xem xét.

Thẩm phán James Robart tuần trước chặn đứng sắc lệnh của tổng thống và lập luận đó là vi hiến.
Ông Trump phản ứng lại trên Twitter: "Quan điểm của người mang danh thẩm phán đó thật nực cười!"
Ông cũng tấn công vị thẩm phán này nhiều lần vào cuối tuần qua.
Những người thuộc đảng Dân chủ và các nhà phê bình cho rằng bình luận của ông Trump về bộ máy tư pháp làm suy yếu nguyên tắc cốt lõi của nền dân chủ Mỹ mà theo đó tòa án phải hoạt động độc lập.

'Tiến thoái lưỡng nan'
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington bình luận: "Donald Trump bổ nhiệm trọn đời ông Neil Gorsuch vào ghế trống của Tòa Tối cao Mỹ.
Tòa Tối cao có quyền tối thượng về pháp luật liên quan các vấn đề nhạy cảm nhất như phá thai, kiểm soát súng.
Tại nơi này, vị thẩm phán 49 tuổi được trao cơ hội tạo dấu ấn.
Ông Gorsuch, người được đánh giá cao hiện có vẻ không thoải mái khi giải thích lý do tại sao tổng thống, người đề cử ông, dường như có ý định làm xói mòn quyền lực của bộ máy tư pháp.
Với việc gọi một người "mang danh thẩm phán" và cảnh báo sẽ đổ lỗi cho thẩm phán về các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai, ông Trump đã gây nên mối bất đồng.

Có chứng cứ cho thấy ông Gorsuch có thể không giữ mồm giữ miệng và đóng vai chiến binh trung thành. Ông có danh tiếng để bảo vệ.
Đây là thế tiến thoái lưỡng nan với những người bảo thủ.
Tổng thống trao cơ hội cho những người đảng Cộng hòa để đạt được những mục tiêu đã bị trì hoãn sau tám năm cầm quyền của đảng Dân chủ. Tuy vậy, họ có thể không tận hưởng cuộc hành trình mà tổng thống đưa họ theo để đạt được điều đó".

*
Tin liên quan

-------------------------

news.zing.vn
10:29 09/02/2017

Ông Neil Gorsuch, người được Donald Trump đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa án tối cao, nói rằng những bình luận của tổng thống Mỹ về tư pháp là "gây nản lòng và đáng thất vọng".

Ông Gorsuch hầu như giữ im lặng kể từ khi được Tổng thống Trump đề cử vào tuần trước, song ông vừa phá lệ trong cuộc gặp gỡ Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut Richard Blumenthal mới đây.
Theo Thượng nghị sĩ Blumenthal, ông Gorsuch đã "nói rất rõ rằng" những bình luận của Trump về tư pháp là "gây nản lòng và đáng thất vọng". 
"Tôi thì nói rằng những lời đó còn hơn cả đáng thất vọng", Blumenthal cho biết. Trong cuộc gặp gỡ, ông nói với Gorsuch rằng ông ta có trách nhiệm làm rõ quan điểm trước người dân Mỹ, làm cho họ hiểu việc Tổng thống Trump kích bác tư pháp như vậy là sai trái và không thể chấp nhận được. 

Ông Neil Gorsuch (trái), người được Tổng thống Trump (phải) đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao. Ảnh: NBC News. 

Trước đó, tân tổng thống lên mạng xã hội đăng một loạt bình luận chỉ trích thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle vì đã ra phán quyết chặn lệnh tạm cấm nhập cảnh công dân 7 quốc gia Hồi giáo của ông.
"Quan điểm của người được gọi là thẩm phán kia, mà về cơ bản đã tước đi quyền thực thi luật pháp của đất nước chúng ta, thật lố bịch và sẽ bị lật ngược", ông viết trên Twitter hôm 4/2. Đơn kháng cáo của Bộ Tư pháp sau đó bị tòa phúc thẩm bác bỏ.

Theo CNN, những lời lẽ công kích thẩm phán của ông Trump gây phẫn nộ cho nhiều người trong cộng đồng tư pháp và có thể khiến cho đề cử Neil Gorsuch làm thẩm phán Tòa án Tối cao gặp bất lợi.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện, ông Gorsuch nhiều khả năng sẽ bị các thượng nghị sĩ Dân chủ chất vấn về các bình luận của ông Trump, cũng như về việc ông sẽ làm thế nào để chứng minh sự độc lập với tổng thống trong vai trò thẩm phán.

Ngày 31/1, Tổng thống Donald Trump đề cử ông Neil M. Gorsuch giữ vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, thay cho thẩm phán quá cố Antonin Scalia. Neil Gorsuch là thẩm phán theo đường lối bảo thủ của một tòa phúc thẩm liên bang ở Denver.
Ở tuổi 49, ông Gorsuch là ứng cử viên trẻ nhất cho vị trí thẩm phán trong Tòa án Tối cao Mỹ trong 25 năm qua.





No comments:

Post a Comment

View My Stats