Neil
Gross - The
New York Times
Biên
dịch: Ngô
Việt Nguyên | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Posted
on 06/02/2017 by The Observer
Năm
1979, trong một cuốn sách ngắn có nhan đề The Future of Intellectuals
and the Rise of the New Class (Tương lai của giới trí thức và sự trỗi
dậy của giai cấp mới), nhà xã hội học Alvin Gouldner giải quyết một câu hỏi được
các nhà phân tích xã hội tranh luận sôi nổi lúc bấy giờ: Có phải các phong trào
sinh viên trong những năm 1960 là dấu hiệu cho thấy những người có trình độ
giáo dục cao đang trên đường trở thành một lực lượng chính trị lớn trong xã hội
Mỹ?
Câu
trả lời của tiến sĩ Gouldner là đúng thế. Là một người tả khuynh, ông có nhiều
cảm xúc lẫn lộn với diễn biến này, bởi ông nghĩ giới tri thức có thể sẽ muốn đặt
những quyền lợi của riêng mình lên trên quyền lợi của những nhóm ngoài lề mà họ
thường tự nhận là đại diện.
Ngày
nay, với cách biệt ý thức hệ ngày càng lớn giữa những người có trình độ giáo dục
khác nhau ở Mỹ, lập luận của tiến sĩ Gouldner đáng được xem xét lại. Giờ đây
khi đã có quá nhiều người đi học đại học, người Mỹ có bằng cử nhân không còn tạo
nên giới tinh hoa giáo dục. Nhưng những người Mỹ có trình độ học vấn cao nhất –
những người đã học bậc sau đại học hay trường nghiệp vụ (như trường y hay trường
luật) – đang bắt đầu tạo nên một khối chính trị.
Tháng
trước, Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố một nghiên cứu cho thấy gần một phần ba
những người học sau đại học hay trường nghiệp vụ có quan điểm “hoàn toàn” tự do
về các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường, trong khi điều này chỉ đúng với 1
trên 10 người Mỹ nói chung. Thêm 25% người tốt nghiệp sau đại học có quan điểm
chủ yếu là tự do. Những con số này phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ: Mặc dù giới
chuyên môn đã theo Đảng Dân chủ trong một thời gian dài, năm 1994 chỉ có 7% người
có trình độ sau đại học có tư tưởng chính trị tự do kiên định.
“Giai
cấp mới” của tiến sĩ Gouldner không hẳn là giới trí thức đương đại, như các nhà
phân tích chính sách ở Washington, các nhà biên tập ở New York, hay các nhà
nghiên cứu công nghệ sinh học ở vùng vịnh San Francisco. Nhưng nó cũng gần như
thế. Tiến sĩ Gouldner quan sát những thay đổi trong cấu trúc việc làm của Mỹ mà
ông nghĩ đang làm thay đổi cân bằng quyền lực giữa các giai cấp xã hội. Như ông
thấy, bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, sự phức tạp ngày càng lớn trong các vấn đề khoa
học, công nghệ, kinh tế và quản trị có nghĩa là giới “nhà giàu cũ” ngày trước
không còn có chuyên môn để trực tiếp quản lý quá trình làm việc hay lèo lái con
tàu quốc gia.
Các
thành viên của giai cấp cũ quay sang các nhà khoa học, kỹ sư, nhà quản lý, chuyên
gia về quan hệ con người, các nhà kinh tế và các chuyên gia khác để tìm sự giúp
đỡ. Khi số lượng những chuyên gia này gia tăng, họ nhận ra mức độ của sức mạnh
tập thể của mình. Họ đòi hỏi những mức lương và địa vị xứng đáng và nhấn mạnh
quyền tự chủ chuyên môn. Một “giai cấp mới” được sinh ra, không phải giới chủ
cũng không phải giới công nhân.
Một
đặc trưng của giai cấp mới này, theo tiến sĩ Gouldner, là cách họ nói và tranh
luận. Ngập trong kiến thức khoa học và chuyên môn, họ đón nhận một “văn hóa diễn
ngôn phê phán.” Bằng chứng và logic được đề cao; viện dẫn đến các nguồn thẩm
quyền truyền thống thì không. Các thành viên của giai cấp mới nuôi dạy con cái
trong một nền văn hóa như vậy. Và những đứa trẻ ấy, dị ứng với những giá trị
chuyên chế, lớn lên lại trở thành trọng tâm của các cuộc nổi dậy sinh viên, tìm
được nền tảng chung với các trí thức “nhân bản” bất mãn vốn quyết tâm thay đổi
thế giới.
Tiến
sĩ Gouldner cho rằng khi những sinh viên cấp tiến già đi và bắt đầu tham gia lực
lượng lao động, họ sẽ giữ lại những tình cảm cánh tả của mình. Nhưng ông thừa
nhận rằng họ cũng có thể sẽ tìm cách củng cố những đặc quyền của mình. Ông mô tả
giai cấp mới như một niềm hy vọng lớn của cánh tả trong thời kỳ phong trào lao
động của Mỹ suy thoái, nhưng cũng có điểm yếu.
Nghiên
cứu của Pew không nhất thiết chứng minh toàn bộ học thuyết của tiến sĩ
Gouldner. Nhưng nó chỉ ra rằng những người có chuyên môn và trình độ học vấn
cao nhất nếu không hình thành một giai cấp mới thì cũng đang hình thành một
nhóm chính trị tự do bền vững.
Dù
có nhiều bằng chứng cho thấy giai cấp có chuyên môn đang sử dụng vốn kinh tế và
giáo dục để bảo tồn những lợi thế của họ – hãy nghĩ đến việc những người có
chuyên môn phân nhóm vào những khu vực riêng biệt, hay con cái của giới chuyên
môn được dẫn dắt sớm vào một thế giới của văn chương, nghệ thuật và khoa học –
sự chuyển dịch sang cánh tả của họ thể hiện rõ ngay cả trong các câu hỏi về tái
phân phối kinh tế. Phân tích riêng của tôi về những dữ liệu của Tổng Khảo sát
Xã hội (GSS) cho thấy rằng trong những thập niên gần đây, khi bất bình đẳng
giai cấp gia tăng, những người Mỹ có bằng cấp cao ngày càng ủng hộ những nỗ lực
của chính phủ nhằm giảm khác biệt thu nhập, dù qua các thay đổi về thuế hay là
củng cố hệ thống phúc lợi xã hội.
Về
vấn đề này, quan điểm của những người có học vấn cao giờ đây cũng tương tự như
quan điểm của những người có học vấn thấp hơn nhiều, những người có quyền lợi vật
chất thực trong việc giảm bất bình đẳng. Ngay cả những người có bằng cấp cao có
thu nhập cao hơn cũng ngày càng có tư tưởng ủng hộ tái phân phối, tuy không nhiều
bằng các nhóm khác.
Điều
gì giải thích sự hợp nhất của những người có học vấn cao thành một khối tự do
chủ nghĩa? Số phụ nữ có bằng cấp cao ngày một lớn là một phần, do phụ nữ có học
vấn cao có xu hướng có tư tưởng thiên tả. Quan trọng không kém là sự dịch chuyển
của Đảng Cộng hòa sang cánh hữu từ những năm 1980 – đối nghịch với chủ nghĩa tự
do xã hội mà đã từ lâu là đặc trưng của những người có trình độ học vấn cao –
cùng với nhận thức rằng giới bảo thủ có tư tưởng phản trí thức, thù địch với
khoa học và xung đột với các trường đại học.
Hiện
tượng này chủ yếu có lợi cho Đảng Dân chủ. Dù chỉ 10% người Mỹ trưởng thành có
bằng cấp cao, con số này dự kiến sẽ tăng. Nhóm này hoạt động chính trị tích cực
và có ảnh hưởng.
Nhưng
học thuyết giai cấp mới của tiến sĩ Gouldner cần cảnh báo Đảng Dân chủ về một mối
nguy hiểm rình rập. Có lẽ đúng là cái gì đó như một văn hóa diễn ngôn phê phán
có thể hiện diện trong nơi làm việc và các hộ gia đình và trong những ấn phẩm
được đọc bởi những người Mỹ đã học sau đại học hay học chuyên nghiệp. Thách thức
đối với Đảng Dân chủ trong chặng đường sắp tới sẽ là xây dựng sự thu hút với những
cử tri không chỉ quan trọng với tập thể cử tri quan trọng này, mà còn với các
nhóm quan trọng khác trong liên minh Dân chủ. Một trong những lý do mà Donald
Trump thu hút cử tri nam giới da trắng trong giai cấp lao động là ví dụ như ông
không nói chuyện theo kiểu văn hóa diễn ngôn phê phán. Trái lại, ông chế nhạo
văn hóa đó, khai thác những oán giận giai cấp.
Những
người ủng hộ Đảng Dân chủ có thể sẽ nhận ra họ cần từ bỏ một chút am tường của
mình nếu muốn giành được những chiến thắng vang dội. Trở nên quá giống cái mà
nhà bình luận Pat Buchanan từng gọi là “đảng của các tiến sĩ” không phải là lợi
ích dài hạn của họ.
*
Neil
Gross, giáo sư ngành xã hội học tại Colby College, là tác giả của cuốn Why Are Professors
Liberal and Why Do Conservatives Care? (Harvard University Press,
2013).
Nguồn: Neil Gross, “Why
Are the Highly Educated So Liberal?” The New York Times,
13/05/2016.
No comments:
Post a Comment