Sunday 5 February 2017

MAO TRẠCH ĐÔNG CỦA MỸ (Elizabeth M. Lynch - Foreign Policy)



Elizabeth M. Lynch - Foreign Policy
Dịch giả: Trần Văn Minh
Posted by adminbasam on 05/02/2017

Nguồn ảnh: Mark Ralston/ Getty Images

Chính quyền Donald Trump đang hỗn loạn. Lịch sử của Trung Quốc cho thấy đây là do chủ ý.

Trong khoảng hai tuần, Tổng thống Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ, đất nước đã chứng kiến việc thông qua một sắc lệnh hành chánh hoàn toàn thay đổi chính sách di dân của Mỹ mà không có kế hoạch nào để thực hiện, sa thải một viên chức chính phủ cao cấp vì bà “phản bội” chính quyền, và hàng loạt các sai lầm rõ ràng do Trump tạo ra có liên quan tới công chúng và gần như hằng ngày, lăng mạ báo chí. Qua nhiều cách, Trump hoàn toàn đảo lộn tiến trình bình thường của các sự kiện, đi kèm với việc chuyển đổi quyền lực một cách suôn sẻ ở Mỹ.

Trên phương diện nào đó, như một số người cảm thấy an ủi khi lập luận rằng, tất cả những điều này chứng tỏ sự thiếu khả năng của Trump, và càng có khả năng ông ta sẽ không phục vụ được 8 năm tổng thống, hoặc ngay cả 4 năm. Nhưng mục tiêu của Trump có vẻ khác với bất kỳ người nào đã từng sống ở Nhà Trắng trước ông. Có lẽ ông không nhất thiết muốn đạt được một mục tiêu chính sách cụ thể thích hợp với một khuôn khổ chặt chẽ. Thay vào đó, mục tiêu của ông dường như là làm xáo trộn, đã xảy ra từ các quyết định của ông cho đến nay. Và ông cho thấy, ông sẵn sàng nhờ đến phương pháp có tính cách độc đoán hơn thay vì dân chủ, để đạt được sự rối loạn này. Để hiểu được ông, tốt hơn, các chuyên gia nên so sánh ông với Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thay vì với bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào trong quá khứ. Trong khi Trump chưa làm gì có thể sánh với quy mô hoặc sự tàn bạo của chính sách của Mao, một số điểm tương đồng trong lịch sử sẽ giúp làm sáng tỏ mục tiêu và hành vi của tân tổng thống.

Mao lên nắm quyền như một nhà cách mạng dân túy, với ý định đảo lộn trật tự cũ của Trung Quốc. Xu hướng đó giúp giải thích tại sao Trung Quốc bị bao trùm trong hỗn loạn suốt 27 năm Mao cầm quyền. Đây là một số điểm tương tự được tìm thấy ở Trump, chiến dịch tranh cử của ông, và nhiệm kỳ tổng thống cho đến nay, như học giả chuyên về Trung Quốc, Orville Schell, ghi nhận tại cuộc nói chuyện ngày 19 tháng 1, được tổ chức bất vụ lợi Asia Society tổ chức. Mục tiêu hàng đầu của Trump không nhất thiết phải nâng cao lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ, hoặc thậm chí để thúc đẩy một nền tảng chính sách chặt chẽ. Thay vào đó, động lực thúc đẩy của ông là làm đảo lộn trật tự thế giới hiện hành. Ông Shell nói, “Tôi nghĩ rằng có một chút tính cách người ngoại cuộc, kẻ gây rối, đảo lộn trật tự cũ, chĩa ngón tay vào mắt của hệ thống hiện hành trong con người của Donald Trump“.

Chính tình trạng xáo trộn và đảo lộn của xã hội lôi cuốn tổng thống Hoa Kỳ. “Nếu bạn không phá hủy, bạn không thể xây dựng” là câu nói mà Mao rất thích, khi ông đưa Trung Quốc xuống con đường vô nghĩa và tự hủy hoại trầm trọng qua một cuộc cách mạng liên tục. Hiểu được khía cạnh đó của Trump là điều quan trọng trong việc tìm cách đối phó với nhiệm kỳ tổng thống của ông. Dẫn chứng logic kinh tế khi ông kêu gọi mức thuế 20% đánh vào hàng hóa Mexico và kêu gọi các giá trị của Mỹ khi ông ra lệnh cấm nhập cư Hồi giáo, sẽ không gây tiếng vang với ông ta.

Ý thức hệ, không phải lợi ích

Một phần của chế độ độc tài là chú trọng vào các dự án về ý thức hệ – thậm chí bằng cái giá phải trả là tiến bộ kinh tế và xã hội. Đối với Mao, cuộc Đại Nhảy vọt, kéo dài từ năm 1958-1962, là nổi bật. Để chứng minh rằng Trung Quốc đã thực hiện “bước đại nhảy vọt” lên xã hội cộng sản, công nghiệp hóa, thịnh vượng, Mao đã ra lệnh tập thể hóa hoàn toàn các nông trại, nhà máy, và hầu hết xã hội Trung Quốc. Những ý tưởng ngu xuẩn – như cày sâu hơn, nấu thép trong lò luyện ở sau nhà, và xây dựng các dự án thủy lợi vô dụng – dẫn đến một trong những nạn đói do con người tạo ra, lớn nhất trong lịch sử. Chỉ trong một năm, giới lãnh đạo biết rằng chương trình sẽ thất bại. Nhưng đảng Cộng sản cầm quyền đã bỏ qua thực tế này và tiếp tục chiến dịch, quyết tâm với lý tưởng đã vạch ra.

Trong tuần làm việc đầu tiên, Trump đã kêu gọi một dự án mang tính ý thức hệ, nó được đưa ra để làm hại nước Mỹ nhiều hơn có lợi: hoàn tất bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Hầu hết những người nhập cư không có giấy ở Mỹ thì đang ở trên nước Mỹ, bởi vì họ ở quá thời hạn chiếu khán hợp pháp cho phép, không phải vì họ chui qua biên giới Mexico. Trump bỏ qua thực tế này, thay vào đó đã đề xuất xây một bức tường biên giới, tốn phí khoảng 10 tỷ USD (ước tính của Trump) và 38 tỷ USD (ước tính của Viện Công nghệ Massachusetts – MIT). Trong lúc ông yêu cầu Mexico phải trả tiền để xây bức tường, đề nghị duy nhất Trump đưa ra để thực hiện là một mức thuế 20% trên hàng hóa Mexico, một khoản thuế có thể sẽ do người tiêu dùng Mỹ gánh chịu.

Tuy nhiên, sự nhấn mạnh ở đây là về vấn đề ý thức hệ, không phải thực tiễn. Vì lý do này, không phải đặc biệt quan trọng rằng các dự án lớn được hoạch định kỹ lưỡng hoặc thực hiện đúng cách. Trong cuộc Đại nhảy vọt, Mao quyết định rằng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi sản lượng thép. Để đạt được mục tiêu này, Mao dựng lên “lò luyện sau nhà”: mọi vật dụng làm bằng kim loại – tay nắm cửa, nông cụ – đều được nấu chảy. Nhưng như Mao học bài học quá muộn, kim loại nấu chảy chỉ sản xuất ra loại thép phẩm chất kém, không thể sử dụng được, chứ chưa nói tới bán ra nước ngoài.

Tương tự như vậy, khi Trump ban hành sắc lệnh ngày 27 tháng 1 năm 2017, ngăn cấm dân nhập cư người Hồi giáo đến từ một số nước, ít nhất là trong vài tháng, ông dường như không hề nghĩ tới tính hợp pháp hoặc phương cách thi hành. Sắc lệnh được ký sau 4 giờ sáng ngày thứ Sáu và có hiệu lực ngay lập tức, làm cho các cơ quan có nhiệm vụ thi hành không kịp chuẩn bị trước. Các viên chức sở di trú không được thông báo trước về nội dung chính xác của sắc lệnh hành chính, hầu như bị lạc trong bóng tối, và khi những người tỵ nạn, những người có thẻ xanh, và người có chiếu khán đến Mỹ, cảnh hỗn loạn xảy ra.

Nhưng công khai chỉ trích tất cả sự hỗn loạn khó có thể làm cho Trump thay đổi ý kiến. Sẽ thấy Trump, giống như Mao, gia tăng gấp đôi khi đối mặt với thực tế về sự thất bại của việc thực hiện một dự án lớn. Trong Đại nhảy vọt, có lần Mao nhận xét: “Khi không có đủ để ăn, người ta sẽ chết đói. Tốt hơn là để một nửa số người chết, để nửa kia có thể ăn no bụng“. Ngày 30 tháng 1, Trump đả kích, trên trang twitter của mình, về kết quả trái ngược của sắc lệnh, hiện đã trở nên nổi tiếng của ông ta. Nếu ông ta cho thời gian để mọi người thực hiện đúng cách, thì “các phần tử ‘xấu’ sẽ đổ xô vào nước Mỹ trong tuần đó. Rất nhiều ‘kẻ xấu’ ở ngoài kia!

Các cuộc thanh trừng và những kẻ xu nịnh

Từ Mao cho tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nay, chính trị Trung Quốc luôn sôi động với những cuộc thanh trừng chính trị. Điều này cho phép nhà lãnh đạo hiện hành loại bỏ các mối đe dọa đến quyền lực của mình, duy trì sự kiểm soát độc đoán, và bảo đảm rằng những người còn lại nhanh chóng đứng vào hàng ngũ. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa 1966-1976, Mao đã thanh trừng Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, hai quan chức cao cấp có được sự ủng hộ trong Đảng đối với chính sách cải cách kinh tế của họ. Họ Lưu cuối cùng chết trong tù nhưng Đặng Tiểu Bình còn sống sót. Mao qua đời vào năm 1976, và đầu thập niên 1990, Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện những cải cách kinh tế từng được đề xuất, đã làm cho họ Lưu phải bỏ mạng.

Dưới sự cầm quyền của Trump, thống đốc tiểu bang New Jersey, Chris Christie, là người đầu tiên đã phải ra đi, ông Christie bị đẩy ra khỏi ban chuyển giao quyền lực ngay cả trước khi Trump chính thức nhậm chức. Ngày 30 tháng 1, Trump thực hiện cú thanh trừng đầu tiên của chính quyền ông: sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates, bà Yates là người tương tự như tòa án, đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của sắc lệnh hành chính của Trump và kêu gọi các nhân viên của Bộ Tư pháp từ chối không bảo vệ nó. Hồi tưởng lại cách sử dụng thuật hùng biện mang tính chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chất vấn sự trung thành của một người đối với Đảng, Trump đã ban hành một tuyên bố mang tính phe phái tương tự, phang vào mặt bà Yates là “sự phản bội” của Bộ Tư pháp và của chính bà Yates là “sự yếu kém về vấn đề biên giới và rất yếu về nhập cư bất hợp pháp”.

Nhưng những cuộc thanh trừng không chỉ để loại bỏ các mối đe dọa; chúng cũng bảo đảm rằng những kẻ còn lại sẽ đứng trong hàng ngũ của đảng. Trước cuộc Đại nhảy vọt, Thủ tướng Chu Ân Lai đã không còn có được cảm tình của Mao. Trong cơn tuyệt vọng để chiếm lại cảm tình của Mao, họ Chu đã trở thành một người ủng hộ nhiệt tình dự án điên rồ của Mao, mặc dù Chu nhanh chóng nhận ra rằng chương trình này là một thất bại to lớn, với những con số khổng lồ [dân chúng] bị chết đói. Nhưng do sợ bị thanh trừng, Chu chưa từng tiết lộ sự thật với Mao, lo sợ thách thức Mao. Thay vào đó, Chu tiếp tục ra lệnh để các yêu sách của Mao được hoàn thành.

Hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa đã không lên tiếng chống sắc lệnh hành chánh của Trump ngày 27 tháng 1, lệnh cấm, ít nhất là vài tháng, người Hồi giáo từ một danh sách các nước được chọn ra, không được vào Mỹ một cách hợp pháp. Ngay cả những đảng viên đảng Cộng Hòa, những người trước đây lên án lời kêu gọi của Trump về lệnh cấm người Hồi giáo – như Phó Tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Bộ trưởng Quốc phòng vừa được bổ nhiệm, James Mattis, trong số đó – đã đứng về phía Trump. Cuối cùng, lên tiếng có nghĩa là sẽ đánh mất cảm tình của Trump.

Đây là lý do vì sao những tuyên bố của các thành viên nội các được Trump bổ nhiệm tại các phiên điều trần của Thượng viện – rằng biến đổi khí hậu là có thật, trấn nước là tra tấn – chẳng có ý nghĩa gì. Một khi đã nhậm chức, có khả năng họ sẽ giống như Pence và Mattis, sẵn sàng đứng đằng sau quan điểm cực đoan của Trump và thi hành mệnh lệnh của ông ta. Và bây giờ Trump đã bổ nhiệm Steve Bannon – chiến lược gia trưởng, tự tin, và trước đây chỉ là tay mơ về tình báo – vào Hội đồng An ninh Quốc gia, đồng thời hạ thấp Giám đốc Tình báo Quốc gia và Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ xuống mức, chỉ cần báo cho biết, Trump nói với nội các của ông ta rằng ý thức hệ ưu tiên hơn chuyên môn. Hoặc như người ta nói ở Trung Quốc, ĐỎ (tức người của đảng) mà ra đấu với CHUYÊN GIA, thì ĐỎ thắng.

Tấn công báo chí

Gọi báo chí là “đảng đối lập”, dạy bảo các phóng viên về những gì họ “nên viết,” và nói các nhà báo là “những người dối trá nhất hành tinh”, là một phần trong chiến lược của chính quyền Trump để đè bẹp các phương tiện truyền thông của Mỹ. Điều này phản chiếu một cách kỳ cục về các nỗ lực của Đảng Cộng sản, bảo đảm quyền tự do báo chí không bao giờ nảy mầm ở Trung Quốc. Làm mất uy tín của tự do báo chí là cốt lõi của nỗ lực này; như các quan chức Đảng đã viết trong một tài liệu nội bộ bị rò rỉ, “mục tiêu cuối cùng trong việc cổ động quan điểm của các phương tiện truyền thông của phương Tây là tấn công vào nguyên tắc trừu tượng và tuyệt đối của tự do báo chí, phản đối sự lãnh đạo của Đảng trong các phương tiện truyền thông, và khơi ra một lỗ hổng để qua đó mà tuyên truyền ý thức hệ của chúng ta“.

Vấn đề còn lại là chính quyền Trump sẽ đi xa cỡ nào trong cố gắng để kiểm soát báo chí ở Mỹ. Đảng Cộng sản, đặc biệt là phiên bản ngày nay, cung cấp một bản mẫu khả dĩ có hiệu quả một cách đáng sợ ngay cả trong môi trường truyền thông lan rộng khắp toàn cầu. Đảng bắt giữ và truy tố các nhà báo dựa trên các tội danh ngụy tạobắt giữ một cách ngẫu nhiên các phóng viên chỉ trích nhà nước, và đùa giỡn với tiến trình xin chiếu khán đối với những nhà báo nước ngoài không được ưa chuộng, điều mà trong một số trường hợp đã dẫn đến việc trục xuất họ.

Mặc dù với sự kiểm duyệt của chính quyền Trump, nền báo chí Hoa Kỳ sẽ cố gắng tiếp tục phục vụ vai trò như một cơ quan giám sát chính phủ. Nhưng nếu chính quyền Trump gia tăng chiến dịch chống lại báo chí giống kiểu Đảng Cộng sản [Trung Quốc], chưa biết rõ ai sẽ thắng ai.

Sự thật định hướng

Trong suốt chiến dịch tranh cử và hiện tại, trong tuần đầu tiên nhậm chức, Trump đã bị cáo buộc việc thúc đẩy phiên bản riêng của ông về sự thật. Nhưng “những thông tin định hướng” không có gì mới lạ đối với một chế độ độc tài. Chính bước Đại Nhảy Vọt – với 30 triệu người thiệt mạng – hầu như đã bị lãng quên như là kết quả của sự kiểm duyệt của Đảng [CSTQ]. Biến cố này không được giảng dạy nhiều trong các trường học ở Trung Quốc; nếu được đề cập, biến cố không được mô tả như một thảm họa như đã xảy ra. Một cuốn sách mới đây, được viết bởi một nhà báo Trung Quốc, tác giả đã truy cập vào kho hồ sơ lưu trữ của chính phủ Trung Quốc để tìm chi tiết câu chuyện về số lượng người bị thảm sát của dự án, đã bị cấm [lưu hành] ở Trung Quốc. Nhưng Đảng đã xóa bỏ một cách hiệu quả ngay cả các sự kiện gần đây hơn, như sự kiểm duyệt của nhà nước Trung Quốc đối với cuộc đàn áp bạo lực năm 1989 các cuộc biểu tình gần Quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh. Theo Đảng, đó không phải là một phong trào quần chúng kêu gọi tự do phổ quát, mà là một nhóm nhỏ những kẻ nổi loạn và côn đồ, đã xúi giục người khác làm bậy. Ngay cả trong thời đại Internet, rất ít người biết sự thật đầy đủ về những gì đã xảy ra; đến mức những gì người dân Trung Quốc chưa tới 35 tuổi, biết về Thiên An Môn, thì phần lớn bị tô màu “sự thật định hướng” của Đảng.

Chỉ trong tuần qua, chính quyền Trump đã cung cấp một loạt các “thông tin định hướng” của riêng họ. Họ khẳng định rằng đám đông trong lễ nhậm chức của họ lớn hơn của Tổng thống Barak Obama trong khi các hình ảnh và dữ liệu cho thấy rõ ràng là khác; tuyên bố sắc lệnh hành chánh không phải là lệnh cấm nhập cư Hồi giáo; và tuyên bố, không bằng chứng, rằng hàng triệu người đã bỏ phiếu bất hợp pháp trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Và cũng giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trump cũng đổ lỗi cho người khác đã “kích động” các cuộc biểu tình chống lại sự cầm quyền của ông.

Rõ ràng, Hoa Kỳ không phải là Trung Quốc. Người Mỹ nhất định sẽ không theo số mệnh chịu trận với một chế độ độc tài. Nhưng nhiều người – những người trong Quốc hội Mỹ, một số người trong truyền thông, và nhiều cử tri – quá chậm trễ trong việc nắm bắt tình hình chính quyền Trump không chia sẻ mục tiêu của các nhiệm kỳ Tổng thống nào trong suốt lịch sử. Do đó, phương cách thông thường cho và nhận hay mặc cả của chính trị sẽ không đủ [để giải quyết vấn đề]; đối với những người quan tâm, cần phải có những bước táo bạo hơn trước nguy cơ của chế độ độc tài. Sức ép của công chúng thường xuyên lên chính quyền, chắc chắn sẽ cần thiết. Nhưng hối hả đáp trả mọi khiêu khích không phải là một chiến lược. Như Mao cho thấy, ngăn chặn một nhà lãnh đạo thực sự thích sự hỗn loạn, không phải là công việc dễ dàng.

*
Bài viết này đăng tải lần đầu tiên trên tờ China Law & Policy và đã được chỉnh sửa sau đó.






No comments:

Post a Comment

View My Stats