Monday 6 February 2017

SỰ ƯU VIỆT CỦA PHÁP LUẬT MỸ (FB Trương Nhân Tuấn)




Posted by adminbasam on 06/02/2017 

Không ai được quyền đứng trên luật pháp. Ảnh: interent

Sắc lệnh của ông Trump về di trú đã bị tạm thời bị đình chỉ, theo lệnh của thẩm phán James Robart thuộc tòa liên bang ở Seatle, (tiểu bang Wahington). Báo chí khắp nơi đã bàn tán về việc này. Dĩ nhiên, trên làng “facebook VN” rất nhiều ý kiến về việc này được biểu lộ. Ở đây tôi chỉ có một góp ý nhó.

Có người cho rằng hành vi ngăn cản sắc lệnh của thẩm phán James Robart thể hiện sự ưu việt của nền “dân chủ” ở Mỹ, là ngăn chặn được “sự độc tài của số đông”. Tôi không chia sẻ ý kiến này.

Sắc lệnh của ông Trump không phải là “ý kiến của số đông”. Ngược lại, ông Trump đắc cử nhưng thua bà Hillary Clinton về số phiếu phổ thông. (Ngay cả khi ông Trump thắng phiếu phổ thông, cũng không thể kết luận sắc lệnh của ông Trump là “nguyện vọng” của tất cả những người đã bỏ phiếu).

Vừa rồi có cuộc thăm dò dư luận nước Mỹ đưa ra kết quả là khoảng 60% dân chúng ủng hộ sắc lệnh của ông Trump (*). Nhưng kết quả này chỉ là kết quả “biểu kiến” một cuộc “thăm dò dư luận”, tự nó không có hiệu lực pháp lý (ràng buộc), như kết quả của một bầu cử hay một cuộc “trưng cầu dân ý”.

Hành động một thẩm phán ngăn chặn một sắc lệnh của một tổng thống dĩ nhiên chỉ có thể xảy ra ở một nước dân chủ tự do. Nhưng hành động này hoàn toàn không do hệ quả của “dân chủ” (như bầu bán, trưng cầu dân ý…) mà thuộc về pháp trị (rule of law), theo ý nghĩa “dựa vào pháp luật mà trị nước”.

Nhà nước Mỹ (cũng như của hầu hết các nước dân chủ tiên tiến) được đặt trên nền tảng “rule of law”. Ý nghĩa của “rule of law” được các nước Châu Âu thống nhứt với ý nghĩa của “etat de droit”, là “tính ưu việt, tối cao, của pháp luật”. Các nước TQ, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật (hay VNCH ngày trước) dịch ra là “pháp trị”.

Khi ông Trump làm lễ đăng quang, lời thề của ông khi nhậm chức vụ tổng thống (đại khái) là : “tôn trọng hiến pháp và bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ”.

Nền “pháp trị” của Mỹ (và hầu hết các nước dân chủ tự do) vì vậy đặt nền tảng lên “luật hiến định” (ngoại lệ nước Anh đặt trên thông luật). Nhà nước được thành hình theo các qui định của pháp luật. Nhà nước dựa vào pháp luật mà trị nước.

Ông Trump ra sắc lệnh hạn chế nhập cảnh là dựa trên lý do “bảo vệ nước Mỹ”, tức lý do được hiến pháp qui định là “cao nhứt”, và việc này thuộc thẩm quyền của tổng thống.

Vấn đề là sắc lệnh này “vi hiến”, theo ý kiến của thẩm phán James Robart.

Quyết định của thẩm phán Robart dĩ nhiên có hiệu lực pháp lý, có khả năng làm ngưng đọng sắc lệnh của tổng thống. Ở điểm này, ta thấy thẩm quyền của một thẩm phán liên bang có thể ngăn chặn được thẩm quyền của tổng thống. Nhưng chỉ với điều kiện hành vi của tổng thống “vi hiến”.

Đây là “đặc thù” về tính “độc lập” của luật pháp (justice) trong một chế độ pháp trị. Cần phân biệt chữ “độc lập – independance” của pháp luật và “phân lập – séparation” trong “tam quyền phân lập”.

Nhưng vấn đề này sẽ không kết thúc. Tòa án tối cao sẽ có ý kiến chung thẩm về vấn đề này.

Sắc lệnh về di trú của ông Trump rất có thể sẽ được sớm được đưa vào áp dụng trở lại, nếu nội dung sắc lệnh này thay đổi ở một số “ngôn từ” nhạy cảm (phân biệt chủng tộc, tôn giáo) để không còn “vi hiến”.

Lý do của ông Trump nại ra: “bảo vệ an ninh quốc gia”, là lý do mang tính “ưu tiên” cao nhứt. Nếu “chứng minh” được điều này, tức là nước Mỹ bị dân Hồi giáo (thuộc 7 nước đã chỉ định) đe dọa, thì ông Trump không chỉ đơn thuần có thẩm quyền ra lệnh cấm (dân các nước này) nhập cảnh vào Mỹ, mà còn có thể ban hành các biện pháp (chiến tranh) để tự bảo vệ (theo như Hiến chương LHQ). Nhưng việc “truy tìm bằng chứng” sẽ không hề đơn giản (như việc dựng bằng chứng gian trước LHQ để đánh Irak, dưới thời ông Bush con).
_____

(*) Ghi chú từ trang Ba SàmTheo thăm dò của CBS, có 51% số người phản đối sắc lệnh của Trump, 45% ủng hộ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats