Thursday, 9 February 2017

NHỮNG CÁI ĐẦU ĐẤT SÉT MADE IN VIETNAM (Phạm Trần)





09/02/2017

Cơn hồng thủy "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" đang lột mặt những con người cộng sản Việt Nam sống tàng hình sau tấm màn mạo danh Xã hội Chủ nghĩa.

Trò núp bóng này không đem lại bất cứ lợi ích nào cho đất nước hay người dân mà chỉ làm cho não trạng của những cái đầu đất sét made in Việt Nam thui chột thêm trước những thay đổi của nhân loại trong Thế kỷ 21.

Thiểu số người của lớp này, rất tiếc lại xuất thân từ giới có học hàm cao, đã từng được bố trí vào các chức vụ lãnh đạo then chốt hoặc đang nghêng ngang với bổng lộc trong bộ máy tuyên truyền của chế độ.

Nhiệm vụ chính của họ là phản bác lại những ý kiến nói rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiếp tục đi sai đường để ôm lấy Chủ nghĩa lỗi thời Mác-Lênin, sau sự tan rã không thuốc chữa của các nước xã hội chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và Liên bang Xô Viết từ 1989 đến 1991.

Họ ra sức tuyên truyền cho chủ trương "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" của đảng cầm quyền độc tôn cộng sản Việt Nam, nhưng lại bỏ quên cái đuôi "cộng sản" để đánh lừa mọi người.

Ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 16/01/2017 : "87 năm qua, những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối này, cớ sao vì sự sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu mà phải từ bỏ nó ?".

Nước Việt Nam đã có độc lập trên hình thức nhưng lãnh thổ không vẹn toàn là của Việt Nam. Đã có ai trong Đảng Cộng sản Việt Nam chứng minh được lãnh thổ Việt Nam không bị Trung Hoa chiếm một mảng lớn trên đất liền, sau 2 cuộc chiến tranh biên giới 1979-1990 ? Tại sao bài học lịch sử qua nhiều thời kỳ viết rằng "nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu" nay biến thành từ "Cao Bằng đến Cà Mâu" ?

Bộ máy tuyên truyền nhà nước cũng ra rả ngày đêm "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", nhưng lại không dám đụng tới Quân Tầu đang kiểm soát Hoàng Sa, sau khi chúng chiếm được từ tay Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tháng 1/1974. Quân đội cộng sản Việt Nam cũng không dám lấy lại 7 bãi đá bị Trung Hoa chiếm ở Trường Sa, bắt đầu từ cuộc chiến Gạc Ma năm 1988.

Vậy điều được gọi là "thành tựu to lớn" có bao gồm 30 năm nội chiến đẫm máu do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động đã lấy mất ngót 4 triệu người dân vô tội trong "kháng chiến chống Pháp giành độc lập" hay "giải phóng miền Nam" ?

Và có sử gia cộng sản nào dám quy tội đảng đã nhúng ta tàn sát hàng chục ngàn nạn nhân trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất từ 1953 đến 1957, hay trong cuộc tàn sát dân lành ở Huế trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 ?

Về Cải cách ruộng đất, tài liệu của Bách khoa toàn thư mở viết : "Tổng số người bị quy trong Cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172.008 người ; số người bị oan sai là 123.266 người, chiếm tỷ lệ 71,66%. Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều nông dân trong tầng lớp trung nông đã bị đấu tố là địa chủ và việc đấu tố oan là do "bị địch lũng đoạn". Những sai lầm này, như đã được đề cập đến trong bài phát biểu tháng 10 năm 1956 tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đã làm Đảng Cộng sản Việt Nam bị mất uy tín đối với nhiều người dân".

Bách khoa toàn thư ghi tiếp : "Trong tuyên bố của Hội nghị Trung ương 10 của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9 năm 1956 đã nghiêm khắc phê bình :

"Giai đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là trong cuộc cải cách nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã phân tích chi tiết các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất những biện pháp khắc phục. Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm là sự yếu kém của bộ máy lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành Trung ương nhận khuyết điểm của mình. Các ủy viên tham gia trực tiếp đã kiểm điểm trước TƯ theo tinh thần tự phê, và chấp nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc".
Nói thì như thế, nhưng hai người có trách nhiệm cao nhất là Chủ tịch nhà nước ông Hồ Chí Minh và Tổng bí thư đảng Trường Chinh đã không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào.
Nhất là đối với ân nhân của ông Hồ và nhiều Lãnh đạo đảng là bà Nguyễn Thị Năm(1906–09/07/1953, quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội).

Tài liệu của Bách khoa toàn thư mở viết : "Bà là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc Cải cách ruộng đất, bà là người đầu tiên bị xử tử. Bà nguyên là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên.
Bà còn được gọi là Cát Hanh Long vì đây là tên một hiệu buôn do bà làm chủ ở Hải Phòng.
"Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt , Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị".

Công lao lớn như thế mà chỉ vì bị áp lực của Cố vấn Trung Quốc bắt phải giết Bà Năm để làm gương nên đảng đã bịa đặt ra bài "Địa chủ ác ghê" của C.B trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 có kể tội bà là "Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người... Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân…".

"…Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được gán ghép bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953 và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động "long trời lở đất".

Tội ác lịch sử man rợ, vô ơn và không còn tính con người của hai ông Hồ Chí Minh và Trường Chinh có là "thành tựu to lớn" của Đảng Cộng sản Việt Nam như ông Hà Đăng rêu rao hay không ?

Ấy thế mà cái loa Hà Đăng còn dám viết rằng : "Mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải là mô hình Xô-viết của Liên Xô bởi sự khác biệt cơ bản là ở chỗ một bên là từ cơ sở của chế độ tư bản đi lên, một bên từ độc lập dân tộc đi lên. Bác Hồ từng nói, Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được độc lập, dân ta được tự do, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Chủ nghĩa xã hội đối với Bác như ngày nay chúng ta vẫn nói, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Thực tế, sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, nhân dân vẫn chưa có tự do, hạnh phúc chỉ thuộc về tầng lớp cai trị dân, và không phải ai cũng no cơm ấm áo như ông Hồ từng mơ.
Còn chuyện "dân giàu" đã có bao nhiêu trong số 93 triệu dân, phần đông chỉ biết làm thuê cho nước ngoài để sống ? Tất nhiên, với một đất nước có nền giáo dục lạc hậu, kinh tế phải lệ thuộc vào Trung Hoa để sống còn thì làm sao giầu mạnh được, nói chi đến những chiếc bánh vẽ "dân chủ, công bằng, văn minh" ?

Tuyên truyền Tạ Ngọc Tấn
Tiếng nói thứ hai trong thời gian qua của phe chống lại những người chống đảng đến từ bài viết 2 kỳ trên báo Nhân Dân (13-17/01/2017) của Giáo sư Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông Tấn mở màn : "Nhiều năm qua, các thế lực xấu, thù địch luôn cố gắng truyền bá luận điệu cho rằng, vì Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời cho nên không thể xây dựng xã hội mới tốt đẹp trên nền tảng học thuyết đó (!) và trên thực tế luận điệu này đã mê hoặc được một số người. Vì thế, làm sáng tỏ bản chất vấn đề là một yêu cầu bức thiết trong cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch".

Giáo đầu như thế rồi ông bảo : "Chủ nghĩa xã hội không hề diệt vong. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại không những giữ vững trận địa mà còn định hướng vững vàng cho sự phát triển tiến lên. Từ vùng Trung-Nam Mỹ đã phát sinh phong trào xã hội chủ nghĩa kiểu Mỹ La-tinh, khởi đầu từ Vê-nê-du-ê-la rồi lan ra một số nước khác, nay tuy đang gặp nhiều khó khăn và có bước thụt lùi. Chủ nghĩa tư bản thế giới không thể chứng minh được rằng nó là lực lượng thống trị toàn cầu và xã hội tư bản là xã hội tốt đẹp cuối cùng của loài người. Ngay giữa lúc thế giới tư bản chủ nghĩa huênh hoang về sức sống dài lâu của nó cũng lâm vào khủng hoảng cục bộ, rồi đến khủng hoảng toàn diện hơn, kể từ năm 2008 đến nay, vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục. Thế giới từ lưỡng cực thành đơn cực, rồi nay lại thành đa cực. Các nước thuộc các chế độ chính trị, xã hội khác nhau đều tham gia "toàn cầu hóa" và "hội nhập quốc tế", vừa cạnh tranh, vừa hợp tác dưới nhiều cung bậc khác nhau".

Ông Giáo sư trường Đảng số một của Việt Nam viết như nước chảy như thế, nhưng lại quên rằng chưa có bất cứ nước nào, dù nhỏ và nghèo đã từ bỏ bản chất tự do và nhân bản hạn chế nhất để trở thành nước cộng sản như Việt Nam, Trung Hoa, Bắc Hàn hay Cuba.

Đã có một thời các "nhà tư tưởng cộng sản Việt Nam" đã hồ hởi tưởng rằng Hugo Chavez, Tổng thống "người hùng" của Venezuela sẽ thành công trong kế họach trở thành nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa kiểu cộng sản ở Nam Mỹ. Rất tiếc, người dân Venezuela không dễ bị đánh lừa như nhân dân Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh nên họ đã từ bỏ Hugo để tiếp tục sống thân thiện với Mỹ.

Sau khi Hugo chết năm 2013, giấc mơ Venezuela sẽ là nước xã hội chủ nghĩa cộng sản ở Nam Mỹ của "nhà tư tưởng Việt Nam" cũng chết theo.

Nhưng ông Giáo sư Tấn không chịu đầu hàng mà cứ bao biện rằng : "Ở Việt Nam, chúng ta xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa sau một cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài hơn 30 năm ; sau đó là chiến tranh biên giới phía tây nam, chiến tranh biên giới phía bắc. Chúng ta xây dựng đất nước hầu như từ con số "0", hậu quả chiến tranh là vô cùng nặng nề với hàng triệu thương binh, bệnh binh, người già và trẻ em không nơi nương tựa ; đồng ruộng đầy bom, đạn, mìn. Vì thế, những gì có được hôm nay là rất đáng trân trọng và tự hào, mặc dù chưa được như mong đợi".

Phát biểu như thế nhưng ông Tấn cũng biết hơn ai khác rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã qua 30 năm "đổi mới" mà có nhúc nhích được gì đầu, ngoại trừ cứ tiếp tục nhập siêu hàng hóa từ sợi chỉ, cây kim đến con ốc vít từ Trung Quốc. Nhà nước Việt Nam chỉ biết xua dân ra nước ngoài làm thuê chưa đủ lại gia công cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam thì xã hội chủ nghĩa cộng sản tốt đẹp ở chỗ nào ?

Do đó, không khỏi buồn chán khi người ta lại phải nghe ông Tấn tiếp tục loanh quanh, khi ông bảo : "Hơn nữa, xây dựng một xã hội mới chưa từng có tiền lệ không phải là dễ dàng, không thể trong ngày một, ngày hai, bất chấp quy luật, đốt cháy giai đoạn. Như vậy, chỉ nhìn bề ngoài để so sánh rồi cho rằng chủ nghĩa tư bản ưu việt là không khách quan, không có cái nhìn lịch sử, cụ thể".

Tiền lệ hay lạc hậu ?
Nhưng "chưa có tiền lệ" là gì ? Có phải là thứ kinh tế giở giăng giở đèn chả ai hiểu nổi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" ?

Nhiều cuộc hội thảo và tranh luận công khai về chủ trương này đã được tổ chức trong vài năm qua, nhưng càng họp thì "hành" lại nhiều hơn. Lý do giải dị vì đảng và nhà nước không muốn cho dân tự do làm kinh tế mà cái gì cũng phải có bàn tay nhà nước nhúng vào định hướng và lãnh đạo.

Vì vậy, nguyên nhân của trì trệ và tắc nghẽo của kinh tế Việt Nam là do Văn kiện đảng XII viết ấm ớ rằng : "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế ; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật".

Nhưng muốn "chủ đạo" thì phải biết làm và làm khá thì mới làm đầu tầu được. Đằng này vô số kể doanh nghiệp nhà nước lại làm ăn thua lỗ năm này chồng lên năm khác mà nhà nước cứ nhắm mắt đổ tiền nuôi cho nó sống để bảo vệ các nhóm lợi ích đục khoét công qũy và rút hầu bao của dân thì chủ đạo cái gì ?

Đó là lý do mà chính ông Tấn cũng phải nghiến răng thừa nhận khi hạ bút viết rằng :
"Chúng ta không hề giấu giếm sai lầm, hạn chế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ các bài học rút ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, chúng ta liên tục nhìn thẳng vào sự thật để nhận thức, đánh giá, rút ra bài học nhằm điều chỉnh chiến lược và sách lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là cơ sở để Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng chỉ rõ : "Tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra ; năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi… Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ ; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm…" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII).

Nát như thế mà cuối cùng, Giáo sư Tạ Ngọc Tấn vẫn khăng khăng như cà cuống chết đến đít vẫn còn cay. Ông bảo : "Tóm lại, những người phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện sự lầm lạc của họ ngay từ cơ sở lý luận - thực tiễn mà họ dựa vào. Hoặc là họ hiểu lầm về tính chất của Chủ nghĩa Mác - Lênin, hoặc là dù rất biết song họ vẫn cố tình xuyên tạc vì mục đích chính trị là thay đổi nền tảng tư tưởng, đường lối, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bằng một lý thuyết khác, một mô hình xã hội khác không vì lợi ích của nhân dân, không vì lợi ích của dân tộc. Nghiên cứu chỉ ra bản chất các luận điểm sai lầm, luận điệu xuyên tạc Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ để bảo vệ tính khoa học, nhân văn của Chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn là cảnh báo để chúng ta nâng cao nhận thức của mình, tìm hiểu rõ hơn, quán triệt sâu sắc, thường xuyên hơn quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử - cụ thể, tránh các căn bệnh bảo thủ, định kiến khi vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin trong xây dựng đường lối và hoạch định chính sách phát triển đất nước".

Như vậy, khi các nhà tư tưởng hàng đầu của đảng cứ loay hoay bảo vệ Mác-Lênin và tiếp tục đốt nhang khấn vái thì các dân tộc láng giềng, kể cả Cao Miên và Lào đã bỏ Việt Nam mà cao chạy xa bay về miền đất hứa phồn vinh và hạnh phúc.

Mời hai ông Hà Đăng và Tạ Ngọc Tấn cùng nghe : "Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu không đổi mới, chỉ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam có thể bị các nước láng giềng vượt qua về thu nhập.

Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam đến năm 2025 : Cơ hội và thách thức", do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức cuối tuần qua, ông Dũng cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam bắt đầu xu thế giảm từ năm 2007. Tới 2012, con số này đã ở mức thấp nhất 15 năm. Từ 2013, tăng trưởng cao hơn trước, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng.

Nguyên nhân là các tác động tăng trưởng truyền thống đã tới hạn, nền kinh tế mất cân đối và kém hiệu quả. Tăng trưởng dựa nhiều vào vốn và lao động, hiệu quả đầu tư thấp. Thứ trưởng Dũng nêu ra hàng loạt câu hỏi, như Việt Nam đang nằm ở đâu, đi tới đâu, đi bằng cách nào trong 10 năm tới. Tại sao trong bối cảnh như nhau, các nước vẫn phát triển tốt, còn ta vẫn chậm và mong manh… ? (VnExpress,12/10/2014) .

Tiếp theo, hai ông cũng cần đọc : "Luôn sợ bị Lào và Campuchia vượt mặt nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao lại thế ? Hãy khoan bàn về góc độ vĩ mô, hãy cùng nhìn lại từ con người Việt Nam, phải chăng chúng ta đang mắc một căn bệnh nan y không thể chữa nổi : LƯỜI !

Năng suất lao động của người Việt Nam thua Lào, gạo Việt sắp nhường ngôi cho gạo Campuchia, dệt may Việt nhìn dệt may Campuchia lấy hết đơn hàng… Những tựa báo khiến cho người đọc cảm thấy Việt Nam đang ở tình thế sắp bị Lào và Campuchia vượt mặt đến nơi rồi.

Đã có hàng trăm, nghìn bài báo, hàng chục cuộc hội thảo bàn luận về vấn đề này, giới kinh tế tìm ra cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao mà đất nước chúng ta lại rơi vào tình trạng như vậy không ?(CafeBiz,15/08/2016).

Với hai đọan báo trích dẫn, thiết tưởng các "nhà tư tưởng" của đảng hãy quên bảo vệ Mác-Lenin mà tìm cách cứu nguy kinh tế và con người Việt Nam thì tốt cho đất nước hơn là phí phạm thời giờ nói chuyện viển vông.

Phạm Trần
(09/02/2017)






No comments:

Post a Comment

View My Stats