Thursday, 9 February 2017

AI SẼ NẰM TRONG DANH SÁCH CHẾ TÀI NHÂN QUYỀN CỦA MỸ ? (Phạm Chí Dũng)




08/02/2017

Công an, dân phòng bao vây người biểu tình khi họ tuần hành trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở TPHCM, ngày 18/5/2014.

Bằng chứng ô nhục
Cho tới nay, rất nhiều nạn nhân của buổi sáng ô nhục 8/5/2016 vẫn nhớ như in vụ công an và “côn đồ công vụ” đã hành hung tập thể đối với họ tàn bạo đến thế nào.

Ngày 8/5 ấy rất xứng đáng trở thành một chứng cứ cực kỳ sống động và quá đủ thuyết phục để Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu của Hoa Kỳ chế tài giới quan chức lãnh đạo Công an TP.HCM.

Vẫn còn quá nhiều nhân chứng của cuộc tuần hành ôn hòa bảo vệ môi trường và phản đối Formosa không thể quên họ đã bị hàng ngàn công an, thanh niên xung phong thật và giả vây hãm, cô lập, tách rời, rồi bị cưỡng bức lên xe bus đưa về sân vận động Hoa Lư. Ở đó, vài trăm công an và “côn đồ công vụ” của nhà cầm quyền TP.HCM đã chờ sẵn họ với dùi cui và nắm đấm. Rất nhiều người biểu tình, kể cả phụ nữ, đã bị đánh đấm không thương tiếc. Tiếng ta thán phẫn nộ bùng lên khắp sân vận động. Nhiều tờ báo, hãng tin và tổ chức quốc tế đã phải đồng loạt lên tiếng phản đối buổi sáng ô nhục này.

Cấp công an nào phải chịu trách nhiệm?
Có rất nhiều vụ việc nhân quyền bị xâm phạm ghê gớm ở Việt Nam, bất chấp nhà nước này đã luôn hô hào rằng họ đã tham gia ký Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ năm 1982, vinh dự trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc từ năm 2013, ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn từ năm 2015…

Sau mọi chữ ký và hứa hẹn đó, tất cả đâu vẫn vào đấy. Nhân quyền ở Việt Nam càng lúc càng tồi tệ. Một cách nào đấy, Tổng thống Obama có thể tự an ủi rằng thân phận ông vẫn còn là may mắn khi 6/15 khách mời của ông đã bị công an Việt Nam thẳng tay ngăn chặn khi Obama đến Hà Nội vào tháng 5/2016. Bởi chỉ trong ít năm qua, công luận đã ghi nhận hàng trăm người dân “tự chết” trong đồn công an. Chỉ riêng trong năm 2016 và đầu năm 2017, công an một số địa phương còn công khai đánh chết dân ngoài đường sá.

Trong khi đó, số người hoạt động nhân quyền và người dân bị công an và “côn đồ công vụ” hành hung dã man thì không sao kể xiết…

Gieo nhân nào ắt gặt quả nấy. Giới quan chức công an trị Việt Nam - đối tượng chủ yếu và gây ra tuyệt đại đa số vụ hành hung và bức bách đến chết người dân - đã đến lúc phải trả giá, tương tự vài chục trường hợp quan chức Nga và Syria vi phạm nhân quyền đã bị Chính phủ Mỹ chế tài bằng cách cấm nhập cảnh vào Mỹ và đóng băng tài sản của họ ở Mỹ và những quốc gia đồng thuận với quan điểm chế tài của Mỹ.

Nếu trước đây Luật Nhân quyền Magnitsky chỉ áp dụng đối với Cộng hòa liên bang Nga và một ít quốc gia khác, thì nay bộ luật này đã được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào tháng 12/2016 và được Tổng thống Mỹ ký ban hành trong cùng tháng. Những cái tên quốc gia đặc biệt nhất nằm trong bộ luật này chắc chắn sẽ là những địa chỉ có “thành tích nhân quyền” tai tiếng nhất: Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…

Những cái tên quan chức công an và cả quan chức ngoài ngành công an cũng bởi thế rất có thể sẽ được “tôn vinh” một cách thích đáng.

Theo quy định pháp luật, các quan chức cấp Bộ Công an chịu trách nhiệm về chỉ đạo “ngành dọc” và chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình an ninh - trật tự trong phạm vi quốc gia. Tại các tỉnh, thành phố, cơ chế bảo đảm an ninh - trật tự cũng tương tự đối với giám đốc công an, phó giám đốc công an phụ trách an ninh và phụ trách cảnh sát của các tỉnh, thành phố này. Hoàn toàn có thể hiểu và áp dụng rằng những quan chức có trách nhiệm bảo vệ an ninh - trật tự này cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ bắt bớ người hoạt động nhân quyền, hành hung và sách nhiễu những người hoạt động nhân quyền và dân oan đất đai, người bảo vệ môi trường…

Thậm chí ngay cả cấp trưởng phòng hay phó phòng nghiệp vụ của công an quận, huyện và cấp tỉnh, thành phố - những nhân vật thường đặt bút ký giấy triệu tập sai quy định pháp luật (công an chỉ được triệu tập người dân khi có quyết định khởi tố vụ án) - cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan, bất kể họ nhận chỉ thị từ cấp trên nào để liều mình ký giấy triệu tập như thế.

Giấy chứng thương tại bệnh viện và hình ảnh bị thương tích do bị công an hay “côn đồ công vụ” hành hung là rất cần thiết và mang tính bằng chứng không thể phủ nhận được. Những người hoạt động nhân quyền, dân oan đất đai, người biểu tình hoàn toàn có thể gửi hồ sơ chứng thương của mình cho các tổ chức quốc tế để chứng minh rằng họ đã bị đánh đập như thế nào. Trong trận công an đánh hội đồng người biểu tình môi trường vào ngày 8/5/2016 tại TP.HCM, người dân còn chụp ảnh tận mặt vài “côn đồ công vụ” và truy rõ đó chính là một viên công an có số hiệu của lực lượng Công an TP.HCM.

Các thư khiếu nại và tố cáo mà người hoạt động nhân quyền và người dân bị hại gửi đến các cấp chính quyền cũng được coi như một bằng chứng. Cơ quan chính quyền có trả lời hay không? Nếu trả lời thì có thỏa đáng hay chỉ là thái độ tránh né trách nhiệm?

Và những bằng chứng khác như nhân chứng, vật chứng, lời chứng…

Cuối cùng, hồ sơ vi phạm nhân quyền sẽ được thiết lập và chuyển tải ra sao?

Quy trình lập hồ sơ vi phạm nhân quyền
Bộ Luật Magnitsky Toàn cầu cho phép tổng thống Hoa Kỳ trừng phạt bằng cách cấm nhập cảnh hay đóng băng tài sản trên đất Mỹ của bất cứ cá nhân hay thực thể pháp lý nào ở nước ngoài vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng như sau:

- Giết hoặc tra tấn ngoài vòng pháp luật hoặc vi phạm trầm trọng những quyền con người đã được quốc tế công nhận chống lại cá nhân ở bất cứ một nước nào chỉ vì những cá nhân này tố cáo những hành vi bất chính của những viên chức chính quyền hay thực thi hoặc khuyến khích quyền con người và các quyền tự do.

- Thi hành những vi phạm nhân quyền vừa kể theo lệnh của một người khác.

- Là một viên chức chính quyền, hay là một trợ lý cao cấp của viên chức này, chịu trách nhiệm hay a tòng trong việc ra lệnh hay trực tiếp có những hành động tham nhũng đáng kể, kể cả việc tịch thu tài sản tư nhân hay công cộng để làm lợi cho cá nhân, tham nhũng liên quan đến những hợp đồng của chính phủ hay khai thác tài nguyên thiên nhiên, hối lộ, hoặc giúp đỡ hay chuyển giao tiền hối lộ cho giới thẩm quyền nước ngoài.

- Trợ giúp đáng kể hay cung cấp tài chánh, vật liệu, hoặc yểm trợ kỹ thuật, hiện vật hay dịch vụ cho những hành động vừa kể.

Những nơi nhận báo cáo về vi phạm nhân quyền:
Tổ chức phi chính phủ: Human Rights Watch, Freedom House, Amnesty International, Human Rights Campaign, Lawyers Committee for Human Rights, BPSOS, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: Bureau of Democracy, Human Rights and Labor Affairs.
Hạ Viện Hoa Kỳ: Tom Lantos Human Rights Commission.
Thượng Viện Hoa Kỳ: Sub-committee on International Operations and Organizations, Human Rights, Democracy and Global Women’s Issues.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, người phụ trách BPSOS (Ủy ban cứu trợ người vượt biển) ở Hoa Kỳ, việc triển khai các quy định, điều lệ, tiêu chuẩn và thủ tục thích ứng của Bộ Luật Magnitsky Toàn cầu sẽ mất từ 3 đến 6 tháng, tức vào khoảng giữa năm 2017 sẽ bắt đầu có tính hiệu dụng. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ phối hợp với nhiều cơ quan chính quyền thuộc Bộ Nội an, Bộ Ngân khố… để quy định rõ ràng về định nghĩa thế nào là vi phạm nghiêm trọng; những tiêu chuẩn để chứng minh sự liên can của giới chức chính quyền với hành vi đàn áp nhân quyền; những thể thức nhận diện thủ phạm để các toà lãnh sự Hoa Kỳ ngăn chặn nhập cảnh và, quan trọng không kém, để tránh chế tài lầm người; thủ tục trục xuất các thủ phạm hay thân nhân của họ nếu đã có mặt ở Hoa Kỳ, v.v.

Đầu tháng 1/2017, BPSOS đã nộp danh sách 75 tù nhân tôn giáo và yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa vào bản phúc trình cho năm 2016, theo đòi hỏi của luật tăng cường tự do tôn giáo quốc tế mới được ban hành.

Đầu tháng 2/2017, BPSOS gửi cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khoảng 20 hồ sơ đàn áp tôn giáo và các nhân quyền khác, kèm với danh tính thủ phạm. BPSOS cũng sẽ chọn khoảng 5 hồ sơ điển hình để Quốc hội chuyển cho Bộ Ngoại giao. Hồ sơ đầu tiên được chọn là vụ đàn áp tôn giáo ở Giáo Xứ Đông Yên đã được chuyển cho Bộ Ngoại giao.

Nửa đầu 2017: Những cái tên nào?
Mặc dù cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê toàn diện nào, nhưng cần chú ý một dư luận rằng tương tự Trung Quốc, rất nhiều quan chức Việt Nam có tài sản và thân nhân ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, Canana, Anh, Pháp, Đức, Úc… Nếu vài chục năm trước số quan chức này chủ yếu là cao cấp thì nay còn có cả quan chức trung cấp. Theo đó, dàn quan chức công an từ cấp phó giám đốc, giám đốc công an tỉnh, thành phố trở lên đều thuộc loại cao cấp, còn cấp trưởng, phó phòng nghiệp vụ của công an cấp tỉnh, thành phố và cấp quận huyện thuộc loại trung cấp, đều có thể liên quan với một khối tài sản nào đó ở nước ngoài.

Chỉ riêng năm 2016, 3 vụ quan chức ngành dầu khí là Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng bỏ trốn ra nước ngoài đã chứng minh quá rõ tình trạng “vật đi theo người” của giới quan chức nói chung ở Việt Nam đậm đà ra sao.

Năm 2016, Hồ sơ Panama đã tiết lộ có đến 19 tỷ USD được người Việt Nam chuyển ra nước ngoài. Rất nhiều dư luận cho rằng phần lớn trong số tiền này có nguồn gốc từ tham nhũng và được chuyển ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền.

Riêng với các cơ quan tư pháp Mỹ, việc điều tra về tài sản và thân nhân của giới quan chức Việt Nam và Trung Quốc trên đất Mỹ là hoàn toàn không có gì khó khăn. Nghe nói một bản danh sách dài về giới quan chức Việt Nam có tài sản ở Mỹ đã được vài tổ chức người Việt hải ngoại lập ra với nội dung rất cụ thể…

Cứ với tình trạng vi phạm nhân quyền công khai, trắng trợn và ngày càng tàn bạo của giới chức ngành công an, không khó để cho rằng ngay trong nửa đầu 2017, sẽ hiện ra một số tên quan chức công an trong hồ sơ yêu cầu chế tài nhân quyền của giới hoạt động nhân quyền Việt Nam gửi cho Chính phủ Mỹ và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Lâu nay tục ngữ Việt vẫn có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”

----------------
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats