Nguyễn
Vĩnh Nguyên/Người Việt
February 11, 2017
Trên lý thuyết, những thực hành tôn giáo và lễ hội
đem đến cho con người sự cân bằng, yên ổn, cứu rỗi trong đời sống tâm linh. Tâm
linh lành mạnh giúp con người hướng thượng, ngưỡng vọng những giá trị cao đẹp.
Nhưng những gì mà mùa lễ hội Tháng Giêng hằng năm diễn
ra ở miền Bắc Việt Nam hiện nay lại đang cho thấy một thực tế khác.
Những phong tục mang tính dân gian trong các lễ hội
nay biến thành “văn hóa” mua bán, đổi chác, con người trở nên tham lam và thực
dụng hơn. (Hình: Getty Images)
“Vỡ
trận!”
Mặc dù chính quyền ra tay “siết chặt quản lý,” “chấn
chỉnh lễ hội”… thì những gì nhốn nháo, lộn xộn, nhếch nhác và nhất là bạo lực vẫn
xảy ra ở các lễ hội lớn truyền thống. Chưa nói, ở nhiều địa phương của miền Bắc,
còn có cả sự “phát sinh nhân rộng” của những lễ hội “truyền thống mới” để phục
vụ “nhu cầu đại chúng ngày càng gia tăng.”
Năm nay, tại lễ hội Chùa Hương, nơi mà thi nhân Nguyễn
Nhược Pháp từng có áng thơ “Em đi chùa Hương” (1934) rất trong trẻo, thanh tân,
đã xảy ra chuyện cười ra nước mắt: sau đêm khai mạc lễ hội, một vị sư xuất hiện
phát lộc, gây nên cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau để giành lộc nhà chùa.
Còn tại lễ hội Phết Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ), tuy được
chính quyền “bố trí lực lượng cảnh sát cơ động kiểm soát tình hình” nhưng đến
khi tung Phết cầu may vẫn diễn ra ẩu đả, đậm màu bạo lực.
Trên tờ Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch xã Hiền
Quan, trưởng ban tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan năm 2017 giải thích: “Trước khi
lễ hội Phết được diễn ra, chúng tôi đã đến các khu dân cư để tuyên truyền với
người dân về thể lệ mới và đề nghị mọi người tham gia lễ hội với tinh thần lịch
sự có văn hóa và tránh ẩu đả, lợi dụng hội Phết để trả thù cá nhân.Tuy nhiên do
lực lượng an ninh quá mỏng và số lượng người đến cướp phết quá lớn nên mong muốn
ban đầu của ban tổ chức đã không thể trở thành hiện thực.”
Tại lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định) tình hình
cũng không khá hơn. Theo tường thuật của các báo trong nước, cảnh chen lấn, la
hét, hỗn loạn ở sân Tiêu Miếu vẫn diễn ra. Dù trước đó, ban tổ chức lễ hội này
đã phát thẻ vàng cho các đại biểu để kiểm tra số lượng vào dự, nhưng do số thẻ
vàng này vượt khuôn khổ sức chứa của không gian lễ hội nên… vỡ trận!
Báo chí mô tả cảnh chen chúc cướp ấn, lột cướp các vật
dụng trên điện thờ, vo tiền ném kiệu ấn diễn ra đầy khốc liệt tại đền Trần có
tiếng linh thiêng.
Trong khi đó, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh
cũng chộn rộn manh nha cho ra đời một lễ hội Khai bút, Khai ấn với ý định “nhân
rộng truyền thống tốt đẹp,” đã ngay lập tức gặp phải sự phản ứng của dư luận
trong nước.
Nhìn vào bức tranh nhốn nháo đó, cần đặt câu hỏi điều
gì đang xảy ra với những lễ hội dân gian và cả trong thực hành tôn giáo truyền
thống đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam?
Cần nói thêm, việc phân chia hai cực Nam, Bắc vẫn biết
là điều không cần thiết, nhưng một thực tế quan sát cho thấy mùa lễ hội Tháng
Giêng ở miền Nam diễn ra êm đềm, hài hòa hơn, rất hiếm thấy xảy ra những hiện
tượng như đã nêu ở các lễ hội phía Bắc. Việc giải thích vì sao có sự khác biệt
này, người viết sẽ có quá trình suy tư, khảo cứu để đề cập trong thời gian gần
nhất.
Quá
nhiều và biến dạng
Hầu hết các lễ hội dân gian ở vùng đồng bằng Bắc Bộ
được sinh ra từ làng, rộng hơn, là sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa
phương ở quy mô nhỏ. Các lễ hội là sự thực hành biểu hiện chữ lễ, sự thành kính
với những đấng siêu nhiên – những thế lực bảo hộ đời sống trong tín ngưỡng người
dân đặt trong bối cảnh không gian xã hội nông nghiệp, đi cùng với bối cảnh văn
hóa Khổng giáo của quá khứ. Lễ hội được sinh ra từ làng và phục vụ cho đời sống
tinh thần của làng, ở quy mô làng, một nhà nghiên cứu đã đúc kết như thế về lễ
hội miền Bắc.
Và vì tính bối cảnh hóa đó, mà khi đời sống tinh thần
xã hội thay đổi, những khả năng giao lưu được mở rộng với bên ngoài, các lễ hội
đã không còn khu biệt là sinh hoạt tinh thần của làng xã, địa phương mà phải
đáp ứng cho một quy mô đại chúng rộng lớn hơn. Quá tải diễn ra ở quy mô. Thêm
vào đó, sự biến dạng về thông điệp do diễn dịch, cách hiểu của khách dự quy định
ngược trở lại đối với lễ hội cũng là một phương diện quan trọng.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh bị
dư luận lên án là quá tàn nhẫn đối với động vật. (Hình: Getty Images)
Nếu những nghi thức, thông điệp từ một lễ hội hứa hẹn
mang lại điều mà đại chúng cầu mong, thì lễ hội đó lập tức trở thành thỏi nam
châm thu hút cộng đồng mạnh mẽ. Sở dĩ có cảnh hàng trăm nghìn người chen chúc
trong lễ khai ấn đền Trần (trong đó có nhiều quan chức làm trong bộ máy nhà nước)
là bởi lễ hội có nguồn gốc từ thời nhà Trần này mang thông điệp mở đầu cho một
năm làm việc của bộ máy chính quyền, lá ấn mang kỳ vọng về đường hoạn lộ thăng
tiến, được ban thưởng…
Nghĩa là, cơn khát được thành tích, thăng quan tiến
chức, địa vị xã hội đang phóng chiếu một cách đầy đủ nhất qua cái cảnh chen lấn,
giành giật lá ấn trong lễ hội này hàng năm, dẫn dắt ý nghĩa lễ hội đi rất xa khỏi
cái lõi ý nghĩa ban đầu. Cơn khát quyền lực, địa vị đó mạnh đến mức các hàng
rào nguyên tắc ở không gian lễ hội này được dựng nên nhưng luôn bị vượt qua, đạp
đổ; cảnh giẫm đạp lên nhau để đoạt được “lá ấn công danh” xảy ra hằng năm.
Một yếu tố nữa, loại hình du lịch lễ hội ra đời kéo
du khách thập phương đến với lễ hội nhiều hơn, bản thân họ hiểu biết về nguồn gốc,
trải nghiệm truyền thống ít hơn nhưng tham vọng, thực dụng hơn.
Chính điều này cộng với việc tư duy lễ hội truyền thống
như một sản phẩm du lịch địa phương đã làm cho các lễ hội bị áp đặt nghi thức,
thương mại hóa. Lễ hội bấy giờ trở thành nơi “kiếm chác” của các ban tổ chức,
ban quản lý. Chùa chiền, đền miếu mất thiêng bởi tính “quốc doanh” đã thâm nhập
trong một quá trình cài đặt kiểm soát lâu dài của chính quyền.
Tính thiêng mất đi, tính tục được đẩy lên cao. Sự đè
đầu cưỡi cổ, tranh đoạt trong lễ hội cho thấy những giá trị cao thượng, bao
dung đang bị đảo lộn. Sự mạnh được yếu thua bất chấp trật tự nề nếp trong đời sống
được phản ánh rõ nhất qua những cuộc tranh giành trong lễ hội. Sự nhốn nháo trần
tục của lễ hội cho thấy những giá trị thực dụng đang trỗi vượt trong cộng đồng
thay thế cho giá trị hướng nội, hướng thượng và hướng tha.
Tóm lại, bức tranh cuộc sống, tâm thức bất an, các
giá trị sống tốt đẹp bị lung lay… tất cả đang phóng chiếu vào trong cái không
khí hỗn độn vô phương hóa giải.
Và
hậu quả
Quay sang đổ lỗi cho sự “xuống cấp đạo đức của một
thành phần dân chúng” là việc phổ biến. Nhưng nguyên nhân sâu xa, nguồn gốc kiến
tạo nên tâm thế sống ấy là từ đâu?
Sự chà đạp tôn miếu tâm linh bằng hệ thống can thiệp
và kiểm soát đặt trên ý hệ vô thần hơn 80 năm qua đang phơi bày những hệ lụy lớn
lao mà cộng đồng đang hứng chịu. Một đời sống tâm linh rách nát, gãy đổ, những
giá trị tinh thần tốt đẹp bị đảo lộn, truyền thống bị diễn dịch có lợi cho kẻ
có quyền lực, sự bất an lan rộng trong cộng đồng, những giả hình truyền thống,
giả hình tâm linh đang bộc phát điều hướng quần chúng đi về những phía lệch lạc.
Chùa chiền không còn làm cho người ta trở về an tịnh
trong tâm hồn mà là nơi thổi bùng ngọn lửa tham dục. Lễ hội không còn là nơi biểu
hiện sự thành kính đối với tổ tiên, nhân thần, những đấng siêu nhiên, nơi giao
cảm với cộng đồng mà trở thành nơi “cộng nghiệp” của một nhân quần hỗn loạn,
hoang mang, hung bạo.
Nguồn gốc tâm linh trong trẻo, thanh cao, thành trì
của những giá trị căn bản trong đời sống tinh thần bị truất hữu, đó là điều mà
mô hình xã hội lấy đấu tranh làm động lực phát triển đang đớn đau trải nghiệm!
-----------------------
No comments:
Post a Comment