Thursday 15 September 2016

TRỊNH XUÂN THANH. NGƯỜI ƠI ! NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ ! (Thanh Huyền - Dân Luận)




Thanh Huyền
Tác giả gửi tới Dân Luận
14/09/2016

Báo chí trong nước đang xoắn lên vụ “mất tích” đột ngột của ông Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, trước khi trung ương luân chuyển về Tỉnh Hậu Giang giữ chức Phó Chủ Tịch nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông Thanh là Vụ trưởng – Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương). Tên của ông Thanh được mọi người biết đến sau vụ “hoá kiếp” xe Lexus từ biển xanh (của công) thành biển trắng (của ông). Đây là nguyên nhân khởi đầu phanh phui hàng loạt sai phạm của ông này từ thời đương chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) với khoản thua lỗ 3.200 tỉ đồng.

Chắc chắn một mình ông Thanh không thể “nuốt” trọn số tiền trên. Con đường quan lộ của vị đại biểu Quốc hội khoá XIV cũng nhờ đó mà có tỉ lệ số phiếu bầu cao nhất tỉnh trong kỳ bầu cử vừa rồi. Xin được mượn lời phát biểu của ông Ngô Văn Minh, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật trước báo chí bên hành lang cuộc họp đại biểu quốc hội chuyên trách ngày 9/9/2016 về trường hợp này như sau: “Tôi cho rằng không phải một mình ông Trịnh Xuân Thanh làm được những việc tày trời như vậy. Một mình ông Thanh sao có thể tự chọn chỗ cho mình. Ông Thanh luân chuyển đi làm phó chủ tịch một tỉnh phải có các bên liên quan, có cá nhân cụ thể tham gia vào cả quy trình cán bộ, chứ có phải ông ấy muốn đến Hậu Giang là được đâu”.

Đúng vậy, ông Thanh có muốn cũng không được nếu như không có sự hỗ trợ từ những người có thẩm quyền khác. Vậy cái giá của đại biểu quốc hội là bao nhiêu? Giá của cái ghế Phó chủ tịch UBND tỉnh là bao nhiêu? Không nên lấy con số 1,5 triệu usd mà nguyên đại biểu quốc hội bà Châu Thị Thu Nga khai dùng để “chạy” vào để đánh đồng hết tất cả. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi ghế có chức năng khác nhau, không ai giống ai và vì thế số tiền đồng nghĩa có sự khác biệt.

Quay trở lại sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh “dứt áo” ra đi mà không lời từ biệt. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Khen chê cũng vì thế mà có nhiều cung bậc hỉ nộ ái ố. Nhưng tất cả đều chung một câu hỏi: giờ này Thanh ở đâu? Việc sống hay chết của ông Thanh có thể với người này không là mối bận tâm. Ngược lại, một số kẻ (cùng hội cùng thuyền) lại tỏ ra lo lắng hơn cho số phận của bản thân mình chứ không phải lo cho cuộc sống ông Thanh.
Lý do? Có nhiều lý do. Bởi leo lên đến cương vị tỉnh uỷ viên kiêm Phó chủ tịch Hậu Giang, cộng với nhiều năm làm Chánh văn phòng ban cán sự đảng tại Bộ Công Thương (hàm Vụ Trưởng) thì ông Thanh nắm giữ trong tay rất nhiều bí mật. Trong đó bí mật các thương vụ mua quan bán chức mới là điều “bạn bè” ông quan tâm sâu sắc. Nói cách khác, ông Thanh đang nắm trong tay sinh mạng chính trị của không ít người từ trung ương đến địa phương có liên quan.

Vậy nên, việc Trịnh Xuân Thanh quyết định trốn ở lại nước ngoài xem ra là nước cờ hay đầy toan tính. Đảng CSVN khai trừ ông ta như một thứ thủ tục hành chính. Chính quyền cách hết chức vụ của người này như một dạng thanh lý hợp đồng vì lý do xung đột lợi ích nhóm mà việc này có thể dự tính được theo mỗi nhiệm kỳ lên xuống 5 năm. Ông Thanh mất gì? Chẳng mất gì cả, mà ngược lại ông ấy bắt đầu một cuộc sống mới chẳng thiếu thứ gì với số tài sản kếch xù được dọn đường chuyển khỏi Việt Nam từ trước đó.

Việc bắt ông Thanh khi có các dấu hiệu sai phạm là nằm trong khả năng của cơ quan điều tra dù ông ta là người do trung ương quản lý. Nhưng bắt ông Thanh rồi, kết quả điều tra sẽ đi đến đâu? Và sẽ có thêm bao nhiêu trường hợp chết không rõ nguyên nhân từ lời khai của ông Thanh trong nhà giam tương tự như các vụ án trước. Do đó, “người ơi người ở đừng về” đang được rất nhiều kẻ khấn thầm trong miệng khi ám chỉ đến cái tên Trịnh Xuân Thanh.

Việt Nam có bao nhiêu Trịnh Xuân Thanh? Đây có thể là chỉ dấu cho nhiều cuộc trốn chạy ngoạn mục khác.





No comments:

Post a Comment

View My Stats