Monday, 26 September 2016

HÃY LÀM "CHÍNH TRỊ" NHƯ PHÚ YÊN & ĐÔNG YÊN ĐỂ CÓ THỂ . . . NÊN THÁNH ! (Điền Phương Thảo - GNsP)




Điền Phương Thảo  -  GNsP 
Đăng ngày 27.09.2016 - 6:20am

GNsP – Một cuộc khiếu kiện Fomosa có quy mô tổ chức rất bài bản, chu đáo. Từ việc sắp xếp thuê mướn đoàn xe chở 600 người, đến việc chuẩn bị bữa cơm trưa, sau đó đến tòa án Kỳ Nam để trình đơn và kết thúc bằng một thánh lễ cầu nguyện cho những nạn nhân của Fomosa thật trang nghiêm, sốt sắng. Tất cả đều nằm dưới sự hướng dẫn và điều hành của linh mục Anton Đặng Hữu Nam.

Vị Mục tử Antôn Đặng Hữu Nam sau hàng rào của cổng tòa án Kỳ Anh, dặn dò Đàn chiên của mình – những người phải ở lại bên ngoài – trước khi vào nộp đơn khởi kiện Formosa: Pv. GNsP

Nhà luật học Lord Acton nhận định rằng: “Quyền lực nếu không được kiểm soát sẽ trở thành tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới sự tha hóa tuyệt đối”. Đó là lý do vì sao dưới chế độ độc tài Đảng trị, đất nước Việt Nam như một cỗ máy rục rã, rệu rạo. Các bộ phận từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế …tất cả đều như những mắc xích, những ốc vít mục nát, hoen rỉ.

Sống trong hoàn cảnh như thế, tất nhiên người dân phải oằn lưng gánh chịu những sai phạm do “sự tha hóa tuyệt đối” của Đảng mang lại. Thế nhưng, nền giáo dục “thiếu triết lý giáo dục”, sự dối trá và bạo lực đã khiến người dân trở thành bầy cừu ngoan ngoãn, an phận, mọi việc phó mặc do Đảng lo. Người dân không cần phải bận tâm suy nghĩ đã có Đảng dẫn lối, chỉ đường.

Do vậy, từ bao nhiêu năm qua, người dân vẫn nhẫn nhục im lặng chấp nhận sự bất công, tổn hại từ vật chất đến tinh thần. Cuộc sống đầy những bất an nhưng rơi vào ai thì người nấy chịu, kẻ còn lại bàng quan, vô cảm. Cho đến hôm nay, cuộc tuần hành khiếu kiện Fomosa do hai giáo xứ Đông Yên và Phú Yên thực hiện, chẳng khác nào một luồng gió mới giúp nhiều người thức tỉnh sau một cơn mê dài.

Nó giúp người dân hiểu rằng quan tâm đến chính trị, làm chính trị không phải là đặc quyền của một giai tầng nào nhưng là của tất cả mọi người, kể cả người Công Giáo. Đã có một thời gian dài hai từ “chính trị” được xem là “nhạy cảm” khiến mọi người tránh né nếu không muốn rước lấy phiền phức vào cuộc sống của mình. Là người Công Giáo thì chỉ nên đọc kinh cầu nguyện và làm người công dân tốt theo cái nghĩa không nên có những phản ứng bất lợi cho nhà cầm quyền, bất chấp đường lối lãnh đạo của họ có thực sự vì dân, vì nước hay không.

Dưới những bản tin hay bài viết nói về thực trạng của xã hội Việt Nam hiên nay trên trang Tin Mừng Cho Người Nghèo cũng xuất hiện những câu bình luận có ý trách vì sao một trang mạng Công Giáo lại đăng những bài viết liên quan đến “chính trị”? Họ không biết rằng “một người công giáo không thể bằng lòng đứng ở ban công nhìn” (1) những sự việc đang có ảnh hưởng trực tiếp trên cuộc sống của con người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng: “xen vào việc chính trị” không những chỉ là một cách, một chọn lựa nhưng còn là một “bổn phận” của người công giáo (1) .

Ngài đã có những chữ đơn giản để nói lên xác quyết của mình rằng: “Làm chính trị là rất quan trọng, dù làm việc lớn hay làm việc nhỏ! Chúng ta có thể trở nên thánh khi làm chính trị.” (1)

Như vậy, với mong muốn chính quyền phải trả lại cho người dân một cuộc sống bình yên, một môi trường sống sạch sẽ, trong lành, khi tuần hoàn khiếu kiện trong ôn hòa, những người giáo dân hai xứ Đông Yên và Phú Yên không chỉ thực hiện bổn phận của người công dân nhưng còn là bổn phận của người Kitô hữu. Và thậm chí họ còn có thể “trở nên thánh” vì đã tham gia “ làm chính trị”. Vì làm chính trị không có nghĩa là tranh giành quyền lực thế gian nhưng là “nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người”. (GHXHCG số 388)

Dưới những bài tường thuật về cuộc khởi kiện Fomosa sẽ thấy nhiều bình luận của người lương lẫn giáo đã bày tỏ sự ngưỡng mộ tinh thần can đảm của những giáo dân này. Vâng! Họ can đảm khi phải rủ bỏ cái tôi nhỏ bé để cùng tham gia công việc chung. Họ can đảm vì việc họ bị đánh, bị bắt là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong một xã hội mà người thi hành công vụ có thể nhân danh công lý để đánh đập bất cứ người dân nào. Họ can đảm vì họ cũng có thể bị chính quyền địa phương khó dễ, trù dập. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô thì đó cũng là “hình thức tử đạo, tử đạo hàng ngày vì tham gia đi tìm để có lợi ích chung” .

Và, điểm tựa để tạo sức bật cho tinh thần cho 600 hộ giáo dân này chính là các vị mục tử. Có lẽ mọi từ ngữ đã trở nên bất lực để diễn tả về tấm lòng mục tử đối với đoàn chiên hôm nay. Một vị mục tử đứng giữa, vây quanh là đoàn chiên đơn sơ, nghèo khó nhưng tất cả tấm lòng và trái tim của họ đều hướng về vị mục tử của mình. Không ca đoàn, không tiếng đàn đệm nhưng bài hát Kinh Hòa Bình lại được cầu nguyện rất thiết tha, sốt mến vì đó là tiếng hòa nhịp của trái tim vị mục tử với hàng trăm con chiên của mình.

Nếu search từ khóa “linh mục Anton Đặng Hữu Nam” , chúng ta chẳng khó khăn gì để thấy những lời lẽ thóa mạc Ngài như một “con quỷ đội lốt người” , là “kẻ phản dân, hại nước”. Thế nhưng nhìn hành động cũng như những lời cha Nam nhắn nhủ và căn dặn giáo dân sau cuộc khởi kiện và trong bài giảng của thánh lễ, chúng ta sẽ hiểu ai là “con quỷ đội lốt người” và ai là “kẻ phản dân, hại nước”?

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa , chúng ta tự hào vì đã có những người Công Giáo thực sự sống “tốt đời, đẹp đạo”. Chúng ta vui mừng vì giáo hội Việt Nam đã có những mục tử can đảm dấn thân vì đoàn chiên của mình. Hành trình khiếu kiện sẽ còn dài và sẽ rất gian nan, bởi lẽ đó là cuộc chiến giữa chân lý và bạo lực. Xin Chúa chúc lành cho cuộc khởi kiện được thành công, và cho dù kết quả như thế nào cũng xin Chúa ban ơn giúp sức cho những giáo dân-ngư dân lương thiện này vững bước đi trong sự thật với niềm tin vào Lời Chúa dạy rằng: “Sự thật sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).

Điền Phương Thảo

------------------------

.





No comments:

Post a Comment

View My Stats