Thursday, 15 September 2016

CHUYỆN TRÒ VỚI MỘT QUAN CHỨC VỀ OBAMA (Nguyễn Trần Sâm)




15/09/2016

N vốn là bạn học cũ của tôi thời học phổ thông. Lực học của N khi đó chỉ vào loại khá, nhưng khi gặp lại sau khoảng chục năm, lúc N đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành xã hội học và làm việc mấy năm ở ban tuyên huấn, thì điệu bộ của N trở nên trịnh trọng. Bước đi ra vẻ thong thả, khi nói chuyện thì hầu như không nhìn người nghe, dường như để tạo điều kiện cho người khác ngắm vẻ đường bệ quan trọng của mình.

Mấy hôm trước, tôi và N gặp nhau tại nhà một người bạn chung. Bây giờ thì N đã là PGS TS về “lý luận”, điệu bộ càng trịnh trọng, mỗi lời nói đều mang tính giáo huấn. Trao đổi xong mấy câu xã giao, N bắt đầu phổ biến tinh thần “chỉ đạo”, “định hướng” về các vấn đề thời sự gần đây. Câu chuyện có liên quan đến việc đánh giá xã hội “ta” và “tây”, và dẫn đến sự kiện Obama thăm Việt Nam vài tháng trước.

“Vừa rồi, Obama sang ta.” N nói. “Công nhận là tay này có những ưu điểm đáng kể, nhất là về ngoại giao. Nhưng mà dân ta cũng tỏ ra tôn sùng và yêu quý quá đáng. Người dân chỉ nhìn được bên ngoài. Họ đâu có điều kiện để nhìn vào hậu trường như cánh này. Những thứ mà dân ta gọi là “thành tâm”, “giản dị”, “đẫm tình người”, thực ra cũng có phần đúng, nhưng chủ yếu là dàn dựng theo kịch bản định sẵn cả thôi. Phải thừa nhận là tay này sắm vai giỏi và có một đội ngũ cố vấn và phục vụ vừa hùng hậu, vừa đắc lực.”

Mặc dù không có một tí chút nào sức chịu đựng khi nghe “lý luận”, nhưng tôi bắt đầu tò mò muốn nghe giọng lưỡi của một quan chức lý luận đang được trọng dụng này, và nảy ra ý định thử nêu vài câu hỏi hơi “xỏ xiên” chút xem ní noạn dza cắt nghĩa ra sao.

“Tôi hơi thắc mắc”, tôi nói. “Gặp ông ở đây hay quá. Được nghe giải thích từ miệng một vị lý luận gia cao cấp. Xin ông cho biết, tại sao các đồng chí lãnh đạo ta không dàn dựng những kịch bản như của Obama? Như thế dân vận sẽ rất tốt, mà đi ngoại giao cũng rất hiệu quả.”
Có vẻ như đồng chí lý luận gia này hơi bị bất ngờ bởi câu hỏi. Tuy nhiên, những vị này luôn tìm được cứu cánh ở những thứ lý luận khuôn mẫu chung chung. Sau một phút suy nghĩ để sắp xếp ý tứ, N nói:

“Cái gì cũng có nhiều lý do. Việc lãnh đạo ta không tạo ra những kịch bản như thế cũng vậy. Thứ nhất là không cần thiết. Dân ta đã theo Đảng mấy chục năm nay. Đảng với dân như tim óc với máu thịt. Không cần thiết phải thể hiện trước dân theo kịch bản có đạo diễn. Ông không thấy như thế là giả dối sao?”

“Tôi không thể đồng ý với ông được”, tôi nói. “Và tôi cũng có vài lý do. Thứ nhất, vài năm gần đây, chính các ông nhiều lần nói đến vấn đề về sự tồn vong, nói thẳng ra là nguy cơ tiêu vong của chế độ, tức là của đảng của các ông. Trong bối cảnh có nguy cơ đó, nếu tạo ra và thực hiện được những kịch bản làm dân tin yêu như Obama thì các ông sẵn sàng làm quá đi chứ. Nhưng ông thử xem, trong những đồng chí quanh ông liệu có ai có đủ tài để đưa ra một kịch bản quy mô như vậy? Rồi còn đội ngũ “diễn viên” nữa, nếu các ông thích gọi thế. Lấy đâu ra quanh ông đủ số lượng diễn viên diễn thuần thục như thế, nếu đó là diễn thật?…”
N ngắt lời tôi:

“Khoan đã, để tôi nói tiếp.” N không trả lời câu hỏi của tôi. “Lý do thứ hai là sự tốn kém. Chuyến đi của Obama tốn hàng trăm triệu đô. Có thể việc chi cho cái kịch bản ấy cũng tốn tới hàng triệu đô ấy chứ. Có thể trước khi lên đường, họ đã diễn tập tại Nhà Trắng mấy lần rồi.”

“Thì ông cũng chỉ đoán vậy.” Đến lượt tôi ngắt lời. “Diễn trước hay không, chi cho diễn tập hết bao nhiêu, dù ông là cán bộ lý luận cao cấp nhưng ông cũng đếch biết. Ông cũng chỉ đoán mò vậy thôi.”

“Thì đúng là số tiền cụ thể mình sao có thể biết được. Nhưng chắc chắn là phải tốn kém chứ. Mà cái đó thì lãnh đạo ta đâu dám làm. Nước mình còn nghèo, tiết kiệm thì dân được nhờ.” N nói.

“Cho là Obama quyết chi cho cái kịch bản ấy một triệu đô đi.” Tôi nói. “Nhưng một triệu đô là chừng hai chục tỉ tiền Việt. Cái đó thấm chi so với tiền, ví dụ các ông chi cho một cái báo cáo chính trị của đại hội, hay chi cho một đợt học tập chi chi đó, tấm gương hay nghị quyết chẳng hạn… Mà các ông vẫn nói về ưu thế của CNXH. VN ta xây dựng chế độ XHCN ưu việt, thiếu đếch gì tiền!”

“Mà theo tôi”, tôi nói tiếp. “Cái này mới là lý do chính để các ông không thể thực hiện được một kịch bản như thế này. Đó là nếu không có tâm thì kịch bản được viết ra dù có hay bao nhiêu, khi thực hiện nó vẫn sống sượng. Sống không thật thì tập diễn bao nhiêu khi diễn thật nó vẫn lòi cái giả dối ra. Ông có thấy trong phim, nếu nghệ sỹ không biết xúc động khi nhân vật mình đóng lâm vào cảnh bi thương, mà chỉ cố dùng thủ pháp để thể hiện sự xúc động, thì cảnh diễn sẽ giả tạo không?

Ở một nước như Mỹ, con người ta sống thật lòng. Ở đó không có ai bắt người ta thể hiện tình cảm theo nghị quyết, chủ trương. Mong muốn của mỗi con người cũng được phép thể hiện ra hết. Vì vậy mà ngay cả khi diễn, biểu hiện tình cảm của người ta cũng thật.

Một điều nữa mà các ông, những lý luận gia của đảng, có lẽ không biết đến, là ở phương Tây người ta không coi quan chức là loại người khác với dân. Họ quan niệm làm quan cũng là một nghề như bao nghề khác, có chăng là có được một số đặc quyền để thực thi quyền hạn và nhiệm vụ. Không có ai tự cho mình là đứng trên dân. Ở xã hội của họ, những người được tôn vinh nhiều nhất không phải là quan chức, mà là những người tạo ra các giá trị cho cuộc sống. Bản thân quan chức mỗi khi được gặp những nhân tài cũng thực sự kính nể họ. Obama hay Clinton không hề coi mình là giá trị hơn Bill Gates hay Michael Jackson. Mà chỉ cần một ông tổng thống nào tỏ ra mình cao hơn dân, ông ta phải hứng chịu những lời chỉ trích và mỉa mai ngay tức khắc.

Vì quan chức không nghĩ mình không phải là dân nên họ không cần đóng vai người giản dị, gần quần chúng. Nên sự giản dị của họ là bản chất. Họ không cần diễn. Còn quan ta, như ông chẳng hạn, ông hãy cố đóng vai một kẻ “giản dị, gần dân” xem. Sẽ không ngửi được!”
Càng nghe tôi nói, nét mặt N càng chuyển sang tức tối.

“Ông sùng bái những kẻ như Obama thế cơ à?” N nói.

“Ô không! Tôi không bao giờ sùng bái ai. Theo cảm nhận của tôi, trên đời còn có những người hơn Obama nhiều, và tôi vô cùng kính trọng họ, cố học những điều họ dạy, nếu đủ sức. Nhưng ngay cả những người đó, tôi cũng không sùng bái họ, không rưng rưng xúc động khi nhắc đến họ.
Tôi cũng không trông chờ chuyến thăm của Obama sang VN mang lại hạnh phúc cho dân Việt. Tôi chỉ ghi nhận một điều là chất con người ở ông ta đậm hơn ở các ông.”

“Ông… ông… Ông là thằng ăn phải bả của bọn tư bản.” N hổn hển nói và kết thúc cuộc chuyện trò. 

NGUYỄN TRẦN SÂM




No comments:

Post a Comment

View My Stats