Saturday, 17 September 2016

THANH CÓ THOÁT ĐƯỢC TRUY NÃ QUỐC TẾ ? AI SẼ CỨU THANH ? ( FB Phạm Lê Vương Các)





Vào khuya đêm qua 16/9, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Trịnh Xuân Thanh. Nhiều tờ báo cho biết lệnh truy nã không chỉ được thực hiện trên toàn quốc mà còn “truy nã quốc tế”.

Nói đến “truy nã quốc tế” nghe có vẻ nghê gớm, nhưng thật ra chả có quái gì nguy hiểm cho trường hợp của Thanh, vì Việt Nam làm gì có thẩm quyền phát lệnh truy nã quốc tế. Nó chẳng qua chỉ là một cái thông báo được chuyển tới một số quốc gia mà VN có ký kết tương trợ tư pháp, với nội dung đại loại như chúng tôi đang truy nã thằng Thanh, nó có ở trên đất nước của các bạn thì bắt giữ giùm chúng tôi. Việc ký kết tương trợ tư pháp của VN với các quốc gia khác về việc dẫn độ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng ăn nhằm gì vì hầu hết các quốc gia văn minh không có ký kết tương trợ tư pháp về việc dẫn độ với VN.

Trong trường hợp của Thanh, thẩm quyền truy nã quốc tế sẽ thuộc về Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Nếu Interpol phát lệnh truy nã Thanh thì lúc này nó gần như có giá trị pháp lý toàn cầu vì tổ chức này có đến 190 quốc gia thành viên, nhưng nó cũng đòi hỏi một thủ tục nhiêu khê. Giả sử trong thời gian tới, Interpol ra quyết định truy nã Thanh thì cũng chưa đủ để bắt giữ Thanh dẫn giải về lại VN . Bởi lẽ Interpol không tham gia vào việc truy tìm và bắt giữ đối tượng, mà họ cũng chỉ phát đi thông báo là thành viên VN đang truy nã ông Thanh, các quốc gia thành viên nếu phát hiện ông Thanh đang ở trên quốc gia thì họ có nghĩa vụ bắt giữ ông Thanh giùm VN. Chỉ thế thôi!

Và ngay cả khi Thanh bị cảnh sát nước sở tại túm theo quyết định truy nã của Interpol hoặc yêu cầu từ chính quyền VN , không có nghĩa là Thanh bị dẫn giải về lại VN liền, mà cảnh sát sở tại sẽ tiến hành điều tra cáo buộc, sự truy nã có chính xác không và vụ việc có mang yếu tố chính trị hay không. Nếu Thanh không nhận tội cáo buộc từ nhà nước VN, mà phản bác lại cáo buộc mang tính chất chính trị thì cũng rất khó xử cho quốc gia đã túm được Thanh. Và trong trường hợp này Thanh hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án tại quốc gia sở tại để chống lại việc dẫn giải về lại VN. Yêu cầu dẫn giải Thanh là một quá trình không dễ nuốt, vì vụ việc của Thanh giờ đây đã mang yếu tố chính trị.

Như vậy, vấn đề Thanh có bị túm đem về VN hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống pháp luật và chính trị ở quốc gia mà Thanh đang lưu trú, chứ cũng chẳng phải “truy nã quốc tế” gì nghe phát ớn.

Nhưng cũng không dễ dàng gì cho Thanh để thuyết phục chính phủ quốc gia sở tại tin rằng mình là một người đối kháng, bất đồng ly khai với hệ thống chính trị hiện hành của VN chứ không phải là người tham nhũng, sai phạm trong quản lý kinh tế như cáo buộc của nhà cầm quyền.

Vì vậy, để làm được điều này Thanh đang rất cần sự ủng hộ của người bất đồng, và người đấu tranh của Việt Nam. Nếu giới này mà quay lưng lại với Thanh, xem Thanh là “một kẻ tham nhũng hay một gã ngã ngựa vì đấu đá nội bộ chứ bất đồng chính trị con mẹ gì” thì coi như Thanh tiêu. Nhưng nếu giới này lên tiếng ủng hộ Thanh, tin tưởng Thanh là người đã quay đầu thật sự, đứng về phía Thanh thì Thanh hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai của mình và gia đình sẽ được định cư ở một quốc gia khác. Giới này thông qua các tổ chức xã hội dân sự họ sẽ tác động đến chính phủ sở tại dưới nhiều hình thức khác nhau để ngăn chặn việc Thanh bị dẫn giải về lại VN.

Đây cũng là lý do để giải thích vì sao nhóm giải cứu cho Thanh đã liên hệ với Gió, nhờ Gió hỗ trợ. Đây là một chiến lược giải cứu đúng hướng. Gió đã đồng ý hợp tác và hỗ trợ Thanh rất tốt ở bước đầu. Nhưng để các tổ chức xã hội dân sự đồng ý hỗ trợ cứu nguy cho Thanh hay không là một việc khó, vì nó không mang tư cách cá nhân dễ ra quyết định một mình như Gió. Và tính chất chưa rõ ràng trong vụ việc của Thanh sẽ làm họ cân nhắc kỹ lưỡng.
Dù khó nhưng không có nghĩa là không làm được, nếu Thanh hiểu về cách vận hành của các tổ chức xã hội dân sự và tính cách của giới đấu tranh VN. Không khó để tìm kiếm được sự tin tưởng và ủng hộ của họ. Họ là những người đấu tranh cho một thể chế dân chủ và một xã hội tôn trọng quyền con người, trong đó bao gồm cả lòng khoan dung và sự tha thứ cho những ai biết quay đầu, không phải đẩy ai vào đường cùng của cuộc sống. Tôi tin họ sẽ hỗ trợThanh như Gió đã làm trong thời gian vừa qua.

Nếu Thanh đã thật sự quay đầu thì Thanh cần làm ngay những việc sau đây:

1. Thanh không nên di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác mà ở yên một chỗ giữ bình tĩnh và chủ động đối mặt với cáo buộc từ chính quyền Việt Nam. Trong bối cảnh này, Thanh càng trốn thì càng chết. Khi Thanh có dấu hiệu lẩn trốn mà bị cảnh sát nước sở tại bắt được sẽ vô cùng bất lợi cho Thanh. Thanh cần thuê ngay một luật sư chuyên về Luật quốc tế và Nhân quyền ở nước sở tại để tư vấn, và nhờ họ hỗ trợ làm ngay một hồ sơ giải trình, trong đó phủ nhận các cáo buộc từ chính phủ liên quan vấn đề tham nhũng và quản lý kinh tế.

Cần chứng minh việc mình bị phát lệnh truy nã vì mình là một nhà ly khai với hệ thống chính trị và là nạn nhân của hành vi “thanh trừng chính trị”. Sau đó gửi hồ sơ này đến Interpol và nhà chức trách của quốc gia sở tại. Khi làm điều này nó không chỉ chứng minh Thanh chỉ chạy trốn khỏi hệ thống chính trị và pháp luật của một quốc gia độc tài, chứ Thanh không trốn chạy trong một quốc gia dân chủ và pháp quyền, mà nó còn chứng minh rằng Thanh đã quay đầu thật sự, tự tin sẵn sàng một cuộc chiến pháp lý với chính quyền VN.

Nếu tình hình diễn biến xấu, vì quan hệ ngoại giao của nước sở tại với VN, Thanh đối diện với nguy cơ bị dẫn giải về VN, thì luật sư cần áp dụng pháp luật quốc tế để tìm kiếm giải pháp khác cho vấn đề của Thanh. Chẳng hạn nếu Thanh đang ở Châu Âu khởi kiện luôn ra Tòa án Nhân quyền Châu Âu để chống lại việc bị dẫn giải về lại VN vì lý do chính trị. Chưa bàn đến việc thắng thua, việc khởi kiện này sẽ làm gián đoạn và đình chỉ tạm thời việc dẫn giải Thanh, giúp Thanh có thêm thời gian vận động tìm kiếm sự ủng hộ.

2. Công bố hồ sơ này rộng rãi trên phương tiện truyền thông một cách danh chính ngôn thuận. Tự mình làm việc này chứ không nên qua trung gian, nhờ người khác kể lể câu chuyện thay cho mình như giai đoạn vừa qua. Giai đoạn chơi trò trốn tìm, giật gân đã kết thúc. Đây là giai đoạn cất tiếng nói chính thức để xóa tan sự nghi ngờ để tìm kiếm sự ủng hộ. Chủ động liên hệ với truyền thông quốc tế để làm việc này. Chứng tỏ mình là một người đã ly khai hoàn toàn khỏi hệ thống chính trị và đang đối đầu với nó.

3. Liên hệ với các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức cộng đồng của người Việt nhờ họ giúp đỡ. Sự việc sẽ xoay đổi cục diện nếu các tổ chức này cùng với các đối tác của họ là các tổ chức phi chính phủ ra một thông cáo bày tỏ quan điểm về việc này theo chiều hướng có lợi cho Thanh. Họ sẽ tác động dưới nhiều cách khác nhau để chống lại việc dẫn giải một cách hiệu quả.

Thanh còn may mắn hơn các quan chức khác có thể làm được điều này vì Thanh không có tên trong danh sách sổ đen là kẻ thù của xã hội dân sự. Cũng không có một báo cáo nào cho thấy trong quá trình nắm quyền Thanh đã có hành vi vi phạm nhân quyền và chà đạp nhân phẩm con người. Thanh cần phải tận dụng tối đa vào điều đó.

Thanh có lợi thế, vì đối với quốc gia dân chủ trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Châu Âu, họ khá “dị ứng” với thể chế chính trị của VN hiện nay. Thanh không cần thuyết phục họ hoàn toàn tin tưởng vào Thanh, Thanh chỉ phản bác cáo buộc để chính phủ sở tại thấy rằng cáo buộc từ chính quyền VN là “không rõ ràng” và có “động cơ chính trị” trong đó, thì pháp luật quốc gia tiên tiến theo nguyên tắc “thà bỏ sót còn hơn giết nhầm” sẽ được áp dụng cho Thanh.

Nếu đã quay đầu thật sự, thì Thanh sẽ tự ý thức “những gì thuộc về người dân cần trả cho người dân”. Nếu Thanh có tham nhũng thì tự khắc hãy trả lại số tiền đó cho người dân, thông qua các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức cộng đồng, để các tổ chức này thực hiện những việc phục vụ vì người dân và vì cộng đồng. Đây không phải là mua chuộc hay đổi chác, mà là một sự sòng phẳng “có qua, có lại”, và cho họ thấy Thanh đang đứng về phía họ.

Qua sự việc của Thanh, nó như là một bài học đắt giá cho những ai đang cỗ vũ và duy trì một hệ thống chính trị độc tài. Nó chứng tỏ rằng, không một ai trong một thể chế như vậy được an toàn trước pháp luật ngay cả khi mình và gia đình qua nhiều thế hệ đã gắn chặt với nó và được nó che chở. Khi sa cơ lỡ vận mới cảm nhận và thấu hiểu giá trị của một thể chế dân chủ và pháp quyền là quan trọng như thế nào. Và nó cũng đưa ra một cảnh báo đối với những ai đang nắm quyền, nếu không muốn chừa đường thoát thân thì cứ tiếp tục làm kẻ thù của xã hội dân sự và chà đạp nhân quyền.






No comments:

Post a Comment

View My Stats