Tuesday, 13 September 2016

NHÂN ĐỌC "BÀI VIẾT CHO CÁC VỊ CHƯA LÚ HẲN" CỦA ÁI NỮ CỰU TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH (Trần Phong Vũ)




Trần Phong Vũ


(VNTB) - Qua mạng Ba Sàm, tôi có dịp đọc bài viết với nội dung nhắn gửi những khuôn mặt lớn trong đảng và nhà nước CSVN của bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái cựu thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Với kiến thức quảng bác của một người am tường lịch sử, ngôn ngữ Trung Hoa và một thời phục vụ trong QĐ/NDVN cục Bình luận thuộc bộ phận nghiên cứu về tình hình Hoa lục, bà Bình có những nhận định sâu sát về các lãnh tụ CS Tàu, từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, cho tới “Ông Vua tân thời” của Tàu ngày nay là Tập Cận Bình. Phần đầu bài viết bà trình bày một quan điểm xuyên suốt về chính sách bá quyền, bành trướng “trước sau như một” của kẻ thù phương bắc.

Mang sẵn dòng máu yêu nước và tinh thần cảnh giác cao độ đối với Bắc Kinh của thân phụ, bà khẳng định chính sách bá/bành (tức bá quyền & bành trướng) đã trở thành truyền thống và đã nằm sẵn trong não tủy của người dân Hoa Lục, từ thượng cổ thời đại cho tới ngày nay. Thậm chí kể cả mai ngày vì xu thế chung không thể cưỡng lại mà họ phải dân chủ hóa đất nước thì cái ‘gien’ bá/bình vẫn không thể gột rửa được. Tư tưởng này được bà phát hiện không phải nơi những nhân vật đối kháng Bắc Kinh mà ngay trong bài diễn thuyết nổi tiếng của tướng Lưu Á Châu, một nhân vật được coi là có tư tưởng tiến bộ, trong đó ông hết lời ca ngợi và đề cao sức mạnh và nền dân chủ tuyệt hảo của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, để gián tiếp cho người đọc liên tưởng tới cái tinh thẩn cổ hủ, lạc hậu, cố chấp của người Tàu.

Nội dung bài viết

Cái ‘gien bá/bành’ của các ông ‘Con Trời’

Ngay từ những dòng đầu, tác giả tỏ ý ngạc nhiên trước hiện tượng những khuôn mặt lớn bé của Hà Nội đã “thủ khẩu như bình” không hề có một tiếng nói chính thức nào trong cả tháng trời về nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ở Vũng Áng.

Bà viết:
“Dư luận đã chỉ ra: đây không chỉ là họa cá chết mà sẽ là một họa diệt chủng nếu không nhận rõ nguyên nhân của mọi nguyên nhân và tìm cách rốt ráo khắc phục.”

Từ đấy, bà xác quyết:
“…nguyên nhân sâu xa của nó vẫn không tách khỏi cái ‘gien’ di truyền bành trướng bá quyền của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh.”

Bài viết của bà nhằm mục tiêu chỉ ra cho những kẻ trong tập đoàn cai trị ở Ba Đình chưa đến nỗi ‘lú’ như TBT Nguyễn Phú Trọng, biết mở mắt nhìn ra sự thật kể trên, ngõ hầu có những hành động kịp thời để cứu nguy đất nước, trước khi quá trễ. Mở vào phần thứ nhất, tác giả phân tích tỉ mỉ với những dẫn chứng về con người và sự việc để chứng minh cái ‘gien’ bá/bành trong máu người dân Hoa Lục vốn thấm nhuần lý tưởng ‘Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’.

Nhấn mạnh tới lý tương ‘bình thiên hạ”, tác giả chỉ rõ:
“… đây chỉ là cách nói tránh cho cái tham vọng muốn cướp hết đất đai của các nước khác để làm bá chủ mà thôi. Rồi đến thời cộng sản, thì họ cần phải che giấu cái ý đồ ‘bình thiên hạ’ đi. Nên ngoài miệng họ hô hào xây dựng thế giới đại đồng, chỉ để bàn tay hoạt động, tiếp tục ra sức đánh chiếm đất đai lãnh thổ, lãnh hải các nước mà họ điêu trẹo họng gọi là ‘thu hồi’ lãnh thổ bị mất”.

Lần lượt tác giả trưng ra những lời tuyên bố điển hình và những hành vi hung hãn của các lãnh tụ Trung Hoa Đỏ. Mao Trạch Đông với những câu nói trắng trợn, thô lỗ “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á” hay “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á… Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém để chiếm lấy…”.

Đến phiên Đặng Tiểu Bình thì không phải ai khác mà chính y là cái bóng đàng sau Giang Trạch Dân, cùng họ Giang và Lý Bằng thiết kế ra cái Mật nghị Thành Đô mà những rò rỉ thông tin trong thời gian qua càng ngày càng trở nên cơn ác mộng đối với dân tộc Việt Nam. Trước mắt, Tập Cận Bình chính là kẻ đang hung hãn dồn mọi nỗ lực để triển khai tinh thần mật nghị đó, mà những gì đang diễn ra ở Tây Nguyên, ở Vũng Áng, ở Biển Đông đã nói lên tất cả.

Từ vụ cá chết tới những kế sách trong Tôn Tử Binh Pháp

Chuyển qua phần hai, với tiêu đề ‘Vụ cá chết hàng loạt – Formosa và liên hoàn kế’, tác giả trưng dẫn Tôn Tử Binh Pháp (孫子兵法) [1] để lần lượt chứng minh những kế sách nham hiểm do Bắc Kinh áp dụng trong tiến trình xâm thực lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam trong những năm gần đây. Và trước mắt, ngay lúc này.

Trong phần dẫn nhập, tác giả viết:
“Có thể khẳng định vụ cá chết ở biển từ Vũng Áng kéo dài về phía Nam không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là đơn độc. Nó chính là một khâu trong chương trình đã lập sẵn của mộng bá quyền Trung Quốc, là sự thể hiện của các kế sách trong ‘tam thập lục kế’ của sách Binh Pháp Tôn Tử. Các kế sách đó đang được Bắc Kinh thi triển trong nhiều năm qua. Nhất là từ khi lãnh đạo VN sáng tác ra cái gọi là ‘nền kinh tế thị trường định hướng XHCN’, lấy đó làm phương sách phát triển cho VN. Vì ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’ chẳng qua chỉ là một nền kinh tế tư bản hoang dã được (bị) điều hành bởi một triều đình nhiều vua, bản thân nó vốn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, mong manh dễ đổ vỡ nên rất tiện cho phía Trung Quốc thao túng, lợi dụng.”

Từ cách nhìn quán triệt về chính sách bá/bành của Trung cộng và thái độ u mê, hèn kém của đảng và nhà nước CSVN trên đây, trong những phần kết tiếp của bài viết, bà Nguyễn Nguyên Bình đem những hiểu biết sâu sát về Binh Pháp Tôn Tử để lý giải cho một số những hành vi xâm lấn lần hồi mà tập đoàn Trung Quốc nhắm vào Việt Nam qua những giai đoạn, những thời điểm khác nhau… (Từ chuyện tìm mọi thủ đoạn tinh vi để hối lộ, hủ hóa các quan chức trong giới lãnh đạo đảng, nhà nước nhằm thực hiện những mưu đồ xấm lấn; tăng cường những hành vi thao túng bằng cách đễ dàng cho vay mượn tiền bạc, cung cấp phương tiện một cách hào phóng kiểu ‘hòn bấc ném qua, hòn chì nhận nhận lại’ để tính chuyện lợi hại không phải tức thời nhưng có thể cả chục năm sau; núp bóng những công ty ngoại quốc để một là thủ lợi hai là dùng tay kẻ khác để phá hoại ngầm; xâm nhập nội bộ đảng và nhà nước CSVN theo kế sách ‘con ngựa thành Troia’ [2] để bất ngờ tung ra thủ đoạn ‘ném đá giâu tay’ nhằm gây chia rẽ, tạo nghi ngờ  v.v…

Đề cập biến cố cá chết hàng loạt ở Vũng Áng hiện nay, tác giả bài viết đã dựa vào những chi tiết trong tập binh pháp cổ điển trên đây với mục tiêu nhận định, phân tích về những mưu toan tinh vi, thâm độc do Bắc Kinh áp dụng lâu nay để lần hồi tạo ảnh hưởng và thôn tính đất đai, biển đảo mà tiền nhân chúng ta đã dày công vun đắp. Căn cứ vào ‘Liên hoàn kế’ là kế thứ 35 trong 36 [3] kế trong Binh Pháp Tôn Tử, bà phân tích, hầu truy nguyên vụ cá chết vừa qua do Formosa gây ra ở Vũng Áng, trong đó Trung quốc đã móc nối nhiều kế sách tinh vi tạo thành chuỗi móc xích hoàn chỉnh, gây phản ứng dây chuyền khiến đối phương rối loạn không biết gỡ mối từ đâu (Cần hiểu ‘đối phương’ ở đây không hẳn Ba Đình, mà là dân tộc Việt Nam).

Từ nhận định nền tảng của ái nữ tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhìn vào diễn tiến dẫn tới việc Hà nội mở cửa đón tổ hợp Formosa vào là cả một chuỗi những mưu toan, tính toán từ lâu của những khối óc chỉ đạo việc thực hiện chính sách bá/bành của kẻ thù truyền kiếp Bắc phương. Qua dòng lịch sử, họ thừa hiểu tinh thần cảnh giác của dân Việt đối với những gì tổ tiên ta ngàn đời đã trải nghiệm. Vì thế, giới cầm quyền Hoa lục biết rõ nếu đưa thẳng một công ty luyện kim chuyên nghiệp với mác Trung quốc vào đấu thầu, đáp ứng nhu cầu của nhà nước CSVN xây dựng tổ hợp gang thép, cho dù nắm chắc sẽ thành công vì đã có sẵn tay chân thân tín nằm sẵn trong đảng và nhà nước CSVN, nhưng họ đã không làm. Lý do vì họ cũng thừa thông minh để biết trong nội bộ guồng máy cai trị ở Ba Đình vẫn còn sót những phần tử sáng suốt luôn đề cao cảnh giác trước những gì đến từ Bắc Kinh. Cũng vì thế họ chọn đi đường vòng. Đó là sử dụng Formosa, một công ty của Đài Loan làm cái vỏ bọc cho những âm mưu thầm kín. Trong một bài nghiên cứu công phu được phổ biến trên mạng những ngày gần đây, tác giả Mai Thái Lĩnh trong Nhóm Đà Lạt của TS Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ đã phơi bày sự thật này.

Theo tác giả họ Mai thì khi được Hà nội mở cửa chính thức cho đầu tư vào Vũng Áng, Tập đoàn Formosa đã ‘chọn’ Tập đoàn MCC của Trung Quốc làm nhà thầu chính trong việc xây dựng nhà máy thép tổng hợp (integrated steel mill) tại Vũng Áng. Mà tập đoàn MCC lại trực tiếp do Bắc Kinh điều hành, không do tư nhân. Theo Mai Thái Lĩnh, MCC là “hạt nhân trung tâm” của Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Độc kế ngấm ngầm này nhắm mục tiêu gì, sau vụ cá chết hàng loạt phơi trắng mấy trăm cây số bãi biển bốn tỉnh miền Trung từ Vũng Áng tới Lăng Cô khởi phát ngày 06-4-2016, mọi người đều đã có câu trả lời. Về phương diện này, dựa theo suy nghĩ của bà Bình, chúng ta cũng có thể liên kết với kế ‘Man thiên quá hải’, kế thứ nhất trong 36 kế, nghĩa là ‘che trời để qua biển’ mà trong phần sau chính bà cũng đã phân tích.

Vẫn với mục tiêu đi sâu vào Tôn Tử Binh Pháp để phơi bày thủ đoạn tàn độc của Bắc Kinh qua vụ cá chết dẫn tới nguy cơ hủy hoại lâu dài môi trường sinh sống của hàng triệu ngư dân sống bám vào biển, bà Nguyễn Nguyên Bình viết tiếp:

“Cố gắng lần tìm riềng mối, thì thấy có lẽ phía TQ đã bắt đầu từ kế ‘Tiếu lý tàng đao’ (kế thứ 10 trong 36 kế): giấu dao trong nụ cười. Nụ cười ở đây chính là ‘4 tốt, 16 chữ vàng’, còn con dao thì chính là các dự án TQ đầu tư vào VN lâu nay. Đó là dự án Bô xít Tây Nguyên, các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lạc hậu, các dự án thuê đất trồng rừng ở những nơi hiểm yếu, và hiểm độc nhất là cụm công nghiệp Formosa cùng với cảng nước sâu Sơn Dương ở Hà Tĩnh…”.

Điều gọi là ‘4 tốt và 16 chữ vàng’ được tác giả nói tới trên đây từng đã trở thành cơn ác mộng đối với dân tộc Việt Nam từ một phần tư thế kỷ qua sau khi có Mật Nghị Thành Đô. Bởi vì đối chiếu với những gì trong thực tế tập đoàn bá/bành Trung cộng cư xử với những tên đầu sỏ ở Ba Đình, dường như tất cả ý nghĩa tốt đẹp của khẩu hiệu này chỉ để đòi buộc một phía là đảng và nhà nước CSVN phải cắm đầu áp dụng để làm lợi cho quan thày của họ mà thôi. Trong khi ấy, phía Hà Nội chỉ biết chạy theo đuôi để vâng dạ như kẻ tôi đòi! Cũng kể từ Hội Nghị Thành Đô khi Nguyễn Văn Linh với tư cách TBT đảng CSVN cùng với Phạm Văn Đồng và Đỗ Mười lặn lội qua “khấu đầu” gặp gỡ Giang Trạch Dân và Lý Bằng đầu tháng 9 năm 1990 để cầu hòa sau một thập niên coi nhau như kẻ thù vì cuộc chiến biên giới mà Đặng Tiểu Bình công khai tuyên bố là để ‘dạy cho Hà nội một bài học’, thì từ đấy, cái gọi là ‘Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ đã và đang đưa đất nước đi về đâu mọi người đều đã rõ.

Quảng diễn rõ hơn kế thứ nhất trong 36 kế của Tôn Tử Bình Pháp mà chúng tôi đã lạm bàn trên đây, bà Nguyễn Nguyên Bình viết:

“Để có thể đặt chân vào các địa điểm trên đất VN, qua mắt dư luận có phần nghi ngại, phía TQ đã có kế ‘Man thiên quá hải’, kế thứ nhất trong 36 kế, nghĩa là che trời để qua biển. TQ đã tìm cách nấp sau các nhà đầu tư không phải TQ. Ví dụ, họ đã nấp sau các nhà đầu tư Indonesia và Malaysia để vào được các dự án Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu 2 (Hậu Giang), và dự án đang bị dư luận xăm soi nhiều nhất là Formosa Hà Tĩnh. Họ đã ‘man thiên’ bằng các cách như: mua lại dự án, hối lộ để giành chân tổng thầu EPC, cho vay tiền vốn thi công hoặc liên doanh với chủ đầu tư… Đứng chân vào các dự án lớn, họ đạt được nhiều mục tiêu. Đó cũng là thủ đoạn thường thấy của những nhà chính trị TQ: ‘một mũi tên nhắm nhiều đích’, lợi cho TQ, hại cho VN, như:
* Thu lợi nhuận từ khâu thiết kế, thi công (là mục tiêu thông thường và có thể coi là chính đáng). * Bán thiết bị thế hệ cũ với giá đắt. * Giành việc làm cho lao động phổ thông TQ. * Vơ vét tài nguyên quý hiếm của VN.* Khống chế địa bàn hiểm yếu về quân sự quốc phòng. * Với dự án không thu được lợi nhuận, thậm chí bị lỗ thì lại đặt mục tiêu phá hoại đầu độc môi trường (điển hình như bô xit Tây Nguyên, Formosa).”

Thấu hiểu đến tận căn nguyên, cỗi rễ và mối liên quan, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quý kế trong ‘Tam thập lục kế” của Binh Pháp Tàu, tác giả dẫn giải thêm:

“Muốn trót lọt kế ‘man thiên’ nói trên, TQ không thể bỏ qua kế ‘Phao chuyên dẫn ngọc’, kế thứ 17, nghĩa là: ‘ném ra hòn ngói, thu về hòn ngọc’ (hay như dân ta thường nói là thả con săn sắt, bắt con cá rô). Họ có thể hối lộ một khoản tiền rất lớn so với thu nhập của cá nhân, nhưng lại là khá nhỏ so với mối lợi thu được từ dự án (mẹo này của họ không có gì lạ, có thể tìm được nhiều dẫn chứng ngay trong báo chí chính thống)”.

Rà soát lại mối tương quan ‘chủ tớ’ giữa Ba Đình và Bắc Kinh, chúng ta có thể nhắc lại những cái ‘được’ giống như ‘con săn sắt’ và những cái ‘thua’ tương tự như ‘con cá rô’ mà Giang Trạch Dân, Lý Bằng đã buộc tập đoàn Nguyễn Văn Linh phải cam kết dâng hiến tại Hội Nghị Thành Đô ngót ba thập niên trước để đổi lấy mục tiêu cầu hòa, làm dẫn chứng. Nhìn vào bối cảnh thế giới cộng sản cuối thập niên 80 thế kỷ trước ta biết: đấy là thời gian toàn bộ khối Đông Âu bị đổ vỡ sau khi quân cờ Dominô đầu tiên là Ba Lan ngã xuống. Tiếp theo, Liên Xô, cái nôi của chủ nghĩa Mác-xít/Lê-nin-nít cũng sụp đổ tan tành. Trong điều kiện ấy đã đặt vận mệnh chế độ CSVN bên bờ sinh tử.

Vì mất chỗ dựa duy nhất khi ấy là Liên Xô trong khi lại đang ở thế là kẻ thù bất cộng đái thiên với Trung cộng sau cuộc chiến 79 mười năm trước, đẩy Hà Nội vào cái thế tuyệt vọng cùng cực. Để tìm lối thoát, những tay đầu sỏ trong đảng và nhà nước CSVN đã muối mặt thui thủi lên đường qua Thành Đô phó hội với giới lãnh đạo Tàu để quỳ gối xin xá tội vì cuộc chiến đẫm máu ở biên giới 11 năm trước, cho dù VN là nạn nhân. Với thế thượng phong được coi là cực mạnh của Giang Trạch Dân và Lý Bằng ở thời điểm đầu năm 1990 so với cảnh ngộ của các lãnh đạo CSVN khi ấy, phải dùng câu tục ngữ ‘hòn bấc ném đi, hòn chì nhận lại’ thay thế cho câu ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô’ mà tác giả trưng dẫn trong bài viết của bà, mới diễn tả tạm đúng với những gì hai họ Giang/Lý đã quẳng cho bộ ba Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười để nhận lại những chữ ký bán rẻ lãnh thổ, biển đảo của một dân tộc từng nhiều phen chiến thắng quân Tàu. (Câu nói cửa miệng của người bình dân: ‘nhẹ như bấc, nặng như chì’ ai cũng biết).

Tiếp tục bàn sâu vào tập Binh Pháp cổ, tác giả viết:

“Một kế nữa đã thi hành: ‘Tá đao sát nhân’ – kế thứ 3 trong Binh Pháp Tôn Tử, nghĩa là ‘mượn dao giết người’. Cùng với việc tự tay giết chóc ngư dân VN trên biển Đông, TQ còn khiến cho ngư dân VN gặp nhiều khó khăn khi đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống, phải dạt xuống đánh bắt ở ngư trường phía Nam. Nhiều khi quá bước lọt qua lãnh hải mấy nước như Malaysia, Indonesia, liền bị các nước đó trừng trị, hoặc bắt giam, bắt phạt, thậm chí đánh chìm tàu, chết người…
Đó chẳng phải mượn dao giết người sao?”

Từ hơn nửa thế kỷ qua, nhiều học giả thế giới cũng như Việt Nam đã đưa ra không ít công trình nghiên cứu công phu và giá trị về tình trạng nguy ngập mà các quốc gia nằm ở cuối nguồn giòng Cửu Long, trong đó có Việt Nam đã, đang và sẽ phải gánh chịu do chủ trương phát triển kinh tế bằng mọi giá của nhà cầm quyển Trung cộng. Với sách lược xây đập và thiết kế những nhà máy nhiệt điện bừa bãi không đủ tiêu chuẩn an toàn dọc theo đồng bằng Cửu Long Giang trên thượng nguồn, vi phạm nặng nề môi trường sinh thái, tạo nên những tác hại vô cùng nguy hiểm cho các quốc gia lân bang miệt dưới.

Trưng dẫn kế thứ 22 trong Tôn Tử Binh Pháp là kế ‘Quan môn tróc tặc’ có nghĩa là ‘đóng cửa để bắt kẻ địch’. Tác giả viết:

“Bao nhiêu năm qua, TQ đã tìm mọi cách bao vây ngăn chặn mọi đường ra của VN. Họ đã xây nhiều nhà máy thủy điện ở đầu nguồn sông Mê kong trong đất TQ, lại dụ Lào, Campuchia và giành phần xây ‘giúp’ các nhà máy thủy điện để dần làm cạn dòng Cửu Long, triệt đường làm ăn của cư dân đồng bằng Cửu Long. Rồi lại giành phần xây các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lạc hậu cũng tại đồng bằng sông Cửu Long để phá hoại môi trường nơi đây. Vậy là họ đã đóng được cửa phía Tây và phía Nam của ta. Ở phía Tây, phía Bắc, thì đã có các dự án trồng rừng biên giới, bô xit Tây Nguyên, phía Đông thì có Nghi Sơn, Vũng Áng… còn cửa ra nào cho VN ta? Vậy họ muốn ‘bắt’ ta lúc nào chẳng được!”

Tương quan hỗ trợ lẫn nhau để đạt mục tiêu bá/bành giữa kế ‘Quan môn tróc tặc’ và kế ‘Phàn khách vi chủ’, bà Nguyễn Nguyên Bình coi hai kế này là cặp bài trùng, được Trung cộng triệt để triển khai nhằm xiết chặt gọng kìm kiểm soát để lần hồi thâu tóm Việt Nam. ‘Phàn chủ vi khách’ có nghĩa là ‘hoán đổi vị thế người khách thành chủ nhân ông’, để mặc tình thao túng ngay trên đất nước Việt Nam như chỗ không người.

Bà viết:

”Báo chính thống cũng cho biết, tất cả các nơi TQ thuê đất của VN, họ đều ngang nhiên coi như tô giới riêng, họ chiếm quyền làm chủ, còn quản lý địa phương vốn là chủ thì trở thành khách, thậm chí không bằng khách, vì họ chẳng bao giờ tỏ thiện chí mời loại khách này vào thăm, đương nhiên có muốn xin vào thăm, họ cũng chẳng cho (trừ trường hợp vừa rồi, ông Tổng Trọng bỗng dưng được họ mời vào thăm rất trân trọng).”

Về chuyện này chúng ta có thể có rất nhiều dẫn chứng cụ thể.

Trước hết là khu vực Kỳ Anh, Vũng Áng, thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi đóng chốt của Formosa với những khu cư trú riêng biệt bất khả xâm phạm của hàng chục ngàn chuyên viên và công nhân Tàu. Đến nỗi có lần nhân viên an ninh địa phương đã phải cất tiếng than là vùng cát cứ của Formosa là một thứ ‘nhượng địa’ của ngoại nhân khiến họ không được quyền vào thanh sát khi cần! Tương tự như thế, ngay giữa thị xã Bình Dương cũng tọa lạc trên vùng đất mênh mông một quần cư to lớn với khu biệt thự khang trang cho các đại gia, khu giải trí, sân golf, shopping… được mệnh danh là một ‘thành phố Tàu’ có tên Đông Đô Đại Phố. Lang thang trên mạng trong những ngày tháng gần đây, hơn một lần những đồng bào Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước, có tâm huyết còn nghĩ tới tiền đồ dân tộc, không khỏi đau lòng khi đọc được những tin về thái độ lộng hành, xấc xược của đông đảo du khách Trung cộng trong những dịp giao tiếp với đồng bào chúng ta ở thành phố Đà Nẵng. Họ công khai đốt và xé vứt vào thùng rác giấy bạc của chế độ, dùng áp lực buộc các nhà buôn Việt Nam phải cho họ trả bằng Nhân dân Tệ. Trong rất nhiều trường hợp du khách Tàu còn dùng những ngôn ngữ thô tục để lăng mạ người mình.

Đọc Đông Châu Liệt Quốc của Tàu, có lẽ không mấy ai không biết tới những cuộc đấu lực đấu trí giữa Việt Vương Câu Tiễn và Ngô Vương Phù Sai. Từ đấy người ta liên tưởng tới cái gan chịu nhục của Câu Tiễn.

Sau khi bị quân Ngô Phù Sai đánh bại, Việt Vương Câu Tiễn bị bắt, phải làm những việc hèn hạ trong hoàng cung trước mặt Phù Sai. Xét thấy cần phải sống để có ngày trở lại quê hương cũ, Câu Tiễn vui vẻ chấp nhận thân phận làm tên đầy tớ mạt hạng cho vua Ngô. Để tạo sự tin tưởng của kẻ thù, có lần Câu Tiễn đã nghiến răng chịu nhục nếm phân của Phù Sai giúp thày thuốc định bệnh cho nhà vua. Nhờ hành vi nhẫn nhục này, Câu Tiễn tạo được lòng tin của Phù Sai và ít lâu sau đã cho phép ông trở về cố quốc. Từ đấy ông ta dốc lòng xây dựng lại cơ đồ nước Việt. Sau một thời gian tạo được binh hùng tướng mạnh, Câu Tiễn cất quân trả thù khiến Ngô Vương Phù Sai thất bại phải tự vẫn.

Mưu đồ chịu nhục để lấy lòng kẻ thù của Câu Tiễn chính là ông biết áp dụng kế sách thứ 34 trong Tôn Từ Binh Pháp. Đó là ‘Khổ nhục kế’, ‘chịu khổ, chịu nhục’ để nuôi chí báo thù, rửa hận.

Bằng cái nhìn bao quát hơn, tác giả bài nhận định lấy trường hợp Việt Nam trong vụ Trung cộng ngang ngược điều giàn khoan HD891 vào vùng đặc quyền kinh tế của ta tháng 5 năm 2014 khiến đông đảo giới trẻ phẫn nộ xuống đường đòi giàn khoan khủng của Trung cộng cút khỏi Biển Đông, để làm dẫn chứng cho ‘Khổ nhục kế’. Theo suy diễn của bà, để tạo áp lực lên nhà cầm quyền CS Việt Nam cho ý đồ thâm độc, dù biết rõ đây chỉ là những cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng Việt Nam, nhưng phía TQ đã kích động một số phần tử quá khích xông vào đập phá mấy nhà máy mang yếu tố Trung Quốc để lu loa, đòi nhà cầm quyền VN phải xin lỗi, phải bồi thường thiệt hại cho những công ty của họ. Sau khi đề cập ‘Khổ nhục kế’ để lồng vào mưu toan âm độc, trí trá của phía Trung cộng như thế, bà Nguyễn Nguyên Bình không ngần ngại nêu lên trong ngoặc đơn nhận định mang tính ví von bộc trực của người bình dân:
(Cái kế này, người VN đã từng biết, và các cụ ta gọi nôm na nó là ‘cào l.. ăn vạ’).

Hai kế chót trong ‘Tam thập lục kế” của Tôn Tử Binh Pháp được bà Bình quy cho giới lãnh đạo cộng đảng Hoa Lục đã và đang triệt để ứng dụng để mở đường thôn tính nước ta cách gọn nhẹ theo kiểu ‘bất chiến tự nhiên thành’ là kế thứ 18 mang tên ‘Cầm tặc cầm Vương’, nghĩa là để ‘bắt giặc, tốt nhất nên bắt vua của chúng’ và kế thứ 25 mang tên ‘Thâu lương hoán trụ’ nghĩa là ‘giành lấy quyền thay đổi nhân sự’ để cài vào những thành phần thân tín của mình.

Hai kế này tương tác, hỗ trợ, đắp đổi lẫn cho nhau. Bắt được vua tức là nắm cổ được những tay đầu sỏ trong chế độ CSVN. Và một khi đã chiêu dụ được đầu đảng thì chuyện tạo ảnh hưởng để thay đổi nhân sự trong các cấp chính quyền từ trung ương xuống địa phương dễ như trở bàn tay.

Dẫn chứng về kế này của tập đoàn bá/bành không thiếu. Chỉ cần nhớ tới trường hợp những người ‘khách không mời mà đến’ từ Bắc Kinh trước và sau những đại hội đảng để  sắp xếp lại Bộ Chính trị, chọn TBT đảng và những vị thế hàng đầu của chế độ như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng là đủ rõ. Nếu cần có thêm dẫn chứng, có lẽ khó ai quên được câu nói trắng trợn, kẻ cả của Dương Khiết Trì khi trả lời câu hỏi của Tân Hoa Xã về mục tiêu chuyến đi Hà Nội sau vụ đưa giàn khoan HD891 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam: “Tôi đi để dắt đứa con hoang đàng về với Bắc Kinh”.

Tâm tình tác giả gửi những lãnh đạo ‘chưa lú’

“Quan trọng là những người có quyền chấp nhận hay bác bỏ dự án TQ trên đất nước mình có đủ tỉnh táo, khôn ngoan và có tâm với đất nước hay không?
Làm lãnh đạo (nhất là lãnh đạo độc quyền toàn trị như bây giờ) có chịu đọc các sách vở TQ, VN và thế giới hay không? Hay thì giờ vàng ngọc của các vị còn phải dùng để tính toán kiếm tiền ‘phao chuyên’ từ các dự án TQ, hoặc để chơi bời đàng điếm, hoặc để nghĩ mưu mẹo đối phó trấn áp những phản biện đúng đắn, những yêu cầu chính đáng của nhân dân, đối phó với cả các ‘đồng chí’ không cùng phe cánh?”

Để nhắn nhủ ‘các vị chưa lú hẳn’ trong guồng máy lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN hiện nay, ái nữ tướng hồi hưu Nguyễn Trọng Vĩnh viết:

“Xin nhắn các vị: không đọc thì là vô trách nhiệmđọc mà không hiểu thì là vô trí tuệ, đọc hiểu mà không dám ra tay hóa giải các chiêu trò cùa TQ thì là vô bản lĩnh. Các vị có muốn nhận mình là loại người lãnh đạo ‘tam vô’ đó hay không? Theo tôi, chưa có thì giờ nhiều, thì ít nhất (nếu chưa lú hẳn) các vị hãy vào mạng mà đọc cho được cuốn Binh Pháp Tôn Tử đã có bản tiếng Việt... Cũng mong các vị tìm đọc các bài của nhân vật đang nổi của TQ Lưu Á Châu, và bài nói nóng hổi của tổng thống Obama mới nói ở Mỹ Đình ngày 24-5-2016 vừa qua… (Lưu ý, bài nói của ông Obama có mấy bản dịch, xin hãy tìm bản chuẩn của Sứ quán Mỹ cung cấp)”.

Trước khi chấm dứt phần nhắn nhủ, tác giả nêu lên câu hỏi chót:
“Các vị có biết bao nhiêu người VN đồng tình và hoan nghênh bài nói đó không? Các vị nên tìm hiểu để biết lòng dân bây giờ ra sao?”

Vài suy nghĩ của người viết

Bài nhận định của bà Nguyễn Nguyên Bình xuất hiện trên NET khoảng hạ tuần tháng 5-2016. Tính đến nay, thảm họa cá chết hàng loạt đã trải qua tròn 4 tháng. Bao nhiêu dòng nước đã chảy qua cầu? Biết bao tai ương thảm khốc đã chụp xuống thân phận cả chục ngàn gia đình ngư phủ với cả triệu miệng ăn chỉ biết bám vào biển để sinh tồn? Về phần nhà nước, sau những kịch bản vụng về: tổ chức họp báo để tập đoàn Formosa xếp hàng gập mình xin lỗi nhân dân VN, nhận tội làm hủy hoại môi trường biển, cam kết bồi thường hơn 11 tỷ đồng VN tương đương 500 triệu đô la Mỹ. Tiếp theo là màn nhà cầm quyền Hà Nội đơn phương nhận ngân khoản bồi thường không cần hỏi ý kiến nạn nhân, lên giọng nhân nghĩa tuyên bố ‘tha bổng’ cho Formosa, trơ trẽn nhắc lại câu nói của tiền nhân “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.

Cho đến hôm nay, người dân Việt Nam, bao gồm những nạn nhân trực tiếp của vụ cá chết chưa hề nghe biết gì về ngân khoản bồi thường kể trên. Ai, cơ quan nào ký nhận? Ngân khoản này hiện ở đâu? Kế hoạch phân khối, sử dụng ra sao? Trong khi ấy những nạn nhân của vụ xả thải độc chất làm ô nhiễm môi trường của Formosa mới chỉ nhận được mỗi người 15 ký gạo, trong đó nhiều người phát hiện số gạo họ nhận được là gạo mốc. Cứ tạm coi như toàn bộ nạn nhân đều nhận được 15 ký gạo cho mỗi miệng ăn, thì với con số nhỏ nhoi ấy làm sao họ sống được trong suốt 150 ngày qua?

Phải chăng đấy là một trong những căn nguyên dẫn tới những cuộc biểu tình đòi hỏi nhà cầm quyền phải minh bạch vấn đề, đồng thời quyết liệt đòi trục xuất vĩnh viễn tập thể Formosa khỏi Việt Nam? Buổi cầu nguyện hôm Chúa Nhật 15-8-2016 của trên 30 ngàn giáo dân ở Xã Đoài nhân lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng Giáo phận Vinh để cầu cho công lý được thực thi và sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành hưởng ứng tiếng kêu gào thảm thiết của các nạn nhân Formosa.

Cũng trong những ngày vừa qua, dư luận trong và ngoài nước đang sôi nổi về ý nguyện của toàn dân tích cực yểm trợ cuộc vận động kiện tập đoàn Formosa và những kẻ đứng đàng sau đã gây nên thảm họa biển chết, cá chết cùng những hệ lụy kinh hoàng con người phải lãnh nhận trong nhiều thế hệ tiếp theo.

Trong tình huống ấy, bài phân tích của bà Nguyễn Nguyên Bình nếu chưa có dấu hiệu nào cho thấy tác động được tới những bộ não cùn mằn, mê muội của những khuôn mặt lớn trong BCT đảng CSVN, thì ít nhất, tác giả cũng giúp cho tuyệt đại đa số đồng bào Việt Nam yêu nước, những người đang kiên trì tranh đấu thấy rõ chân tướng và cái ‘gien’ bá/bành trong não tủy của kẻ thù phương Bắc.

Những ngày đầu tháng 9-2016 – TPV

------------------
1. Binh pháp này chuyển ngữ qua tiếng Anh là The Art of War (tạm dịch: Nghệ thuật chiến tranh) và còn được gọi là Binh pháp Ngô Tôn Tử, là sách chiến lược chiến thuật chữ Hán do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512 TCN đời Xuân Thu, không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống, mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy Binh pháp Tôn Tử được tôn xưng là Tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại. Không những rất được tôn vinh tại Trung Hoa mà kiệt tác này còn được ca ngợi ở nước Nhật Bản, được xem là một trong những binh thư kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới. Mặt khác, tuy là một bộ binh thư, nhưng tầm ảnh hưởng củaBinh pháp Tôn Tử lại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, mà còn có thể áp dụng vào những lĩnh vực khác như kinh tế học, thể dục thể thao, khoa học (Nguồn: google.com)

2. Con ngựa thành Troia là con ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã sử dụng để chiến thắng quân Troia trong cuộc chiến tranh đánh chiếm thành này. Sau 10 năm chiến đấu ở thành Troia, quân Hy Lạp không thể chiến thắng quân Troia bằng sức mạnh quân đội nên đã buộc phải làm theo kế của Odyssey là dỡ tàu ra lấy gỗ để làm thành một con ngựa, sau đó giả vờ rút khỏi và chỉ để lại một người. Người này có nhiệm vụ đánh lừa quân Troia, khiến họ tưởng rằng ngựa gỗ là món quà của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy. Thực chất trong bụng con ngựa gỗ chứa đầy binh lính. Khi quân Troia no say sau bữa tiệc chiến thắng, quân Hy Lạp trong bụng ngựa đã xông ra mở cổng thành cho quân bên ngoài vào. Nhờ vậy quân Hy Lạp đã chiến thắng và hoàn toàn đánh bại quân địch.

3. Kế 1: Man thiên quá hải (瞞天過海). Kế 2: Vây Ngụy cứu Triệu (圍魏救趙). Kế 3: Tá đao sát nhân (借刀殺人). Kế 4: Dĩ dật đãi lao (以逸待勞). Kế 5: Sấn hỏa đả kiếp (趁火打劫). Kế 6: Thanh Đông kích Tây (聲東擊西). Kế 7: Vô trung sinh hữu (無中生有). Kế 8: Ám độ Trần Thương (暗渡陳倉). Kế 9: Cách ngạn quan hỏa (隔岸觀火). Kế 10: Tiếu lý tàng đao (笑裡藏刀). Kế 11: Lý đại đào cương (李代桃僵). Kế 12 Thuận thủ khiên dương (順手牽羊). Kế 13: Đả thảo kinh xà (打草驚蛇). Kế 14: Tá thi hoàn hồn (借屍還魂). Kế 15: Điệu hổ ly sơn (調虎離山). Kế 16: Dục cầm cố túng (欲擒故縱). Kế 17: Phao chuyên dẫn ngọc (拋磚引玉). Kế 18: Cầm tặc cầm vương (擒賊擒王). Kế 19: Phủ để trừu tân (釜底抽薪). Kế 20: Hỗn thủy mạc ngư (混水摸魚). Kế 21: Kim thiền thoát xác (金蟬脫殼). Kế 22: Quan môn tróc tặc (關門捉賊). Kế 23: Viễn giao cận công (遠交近攻). Kế 24: Giả đồ phạt Quắc (假途伐虢). Kế 25: Thâu lương hoán trụ (偷梁換柱). Kế 26: Chỉ tang mạ hòe (指桑罵槐). Kế 27: Giả si bất điên (假癡不癲). Kế 28: Thượng ốc trừu thê (上屋抽梯). Kế 29: Thụ thượng khai hoa (樹上開花). Kế 30: Phản khách vi chủ (反客為主). Kế 31: Mỹ nhân kế (美人計). Kế 32: Không thành kế  (空城計). Kế 33: Phản gián kế (反間計). Kế 34: Khổ nhục kế (苦肉計). Kế 35: Liên hoàn kế (連環計). Kế 36: Tẩu vi thượng sách (走為上計) (Nguồn: Google)

 Nguyễn Nguyên Bình
Posted by adminbasam on 29/05/2016




No comments:

Post a Comment

View My Stats