Saturday, 3 September 2016

NGÀY ĐỘC LẬP, DÂN VIỆT VẪN MƠ ĐỘC LẬP (Trà Mi - VOA)




02.09.2016

Việt Nam hôm nay kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Truyền thông nhà nước đăng bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân Lễ Độc lập năm nay kêu gọi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu mới.

Ông Quang nói sức mạnh của đảng nằm ở mối quan hệ gắn bó với nhân dân. Ông thúc giục "mọi chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước phải hợp với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân" và, vẫn theo lời ông, phải "đi vào cuộc sống."

Phát biểu được đưa ra trong lúc ngày càng xuất hiện nhiều chỉ trích và kêu gọi nhà cầm quyền lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của người dân để thực hiện những cải cách sâu rộng, cụ thể về nhiều mặt từ kinh tế, chính trị, đến đời sống xã hội và chính sách bảo vệ chủ quyền giữa những vấn nạn về tham nhũng, tai tiếng về nhân quyền của Việt Nam và mối đe dọa từ Trung Quốc.

Anh Nguyễn Đình Hà, một nhà hoạt động trẻ tại Hà Nội, chia sẻ cảm xúc nhân ngày Quốc khánh năm nay:

“Trong tiêu đề của Việt Nam rằng ‘Độc lập-Tự do-Hạnh phúc’, cả ba điều đó tại Việt Nam hiện nay gần như không đạt được điều nào cả. Quyền tự do của công dân thì bị xâm phạm. Độc lập của đất nước thì không thật sự toàn vẹn vì lãnh thổ bị xâm chiếm, kinh tế bị lệ thuộc nước ngoài. Còn về hạnh phúc thì đời sống người dân cơ cực-đau khổ, đặc biệt là người dân ở các tỉnh miền Trung hiện nay do thảm họa môi trường. Đời sống dân hết sức khó khăn mà chính quyền không có sự quan tâm đúng mức, cần thiết.”

Từ Sài Gòn, nhà thơ Đỗ Trung Quân, một trí thức trong giới văn nghệ sĩ được nhiều người biết đến, nói Lễ Độc lập đối với phần lớn dân chúng nhìn chung chỉ là một ngày nghỉ, không mấy ai háo hức chờ đón trong ý nghĩa thiêng liêng của nó:

“Đối với tôi, ngày hôm nay như là một ngày bình thường. Chính quyền vẫn làm những buổi kỷ niệm tưng bừng. Còn người dân đa phần coi đây là một ngày được nghỉ để đi du lịch, thư giãn, giải trí. Trong tình hình đất nước như thế này, với bao nhiêu biến cố từ biển đảo cho đến vấn đề Formosa thì tinh thần người dân bị tổn thương, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Lễ lạc phải đi kèm với một cuộc sống sung túc thì người ta mới đón nhận được. Còn bây giờ, trong hoàn cảnh này, người dân Hà Tĩnh vẫn xuống đường và họ vẫn bị đàn áp. Như thế, rất khó có một tâm trạng ‘vui chung’. Các vấn nạn xảy ra cho xã hội như thế, người dân không hoàn toàn tập trung vào lễ lạc được.”

Trong cảm xúc chia sẻ trên Facebook, anh Paulus Lê Sơn, một nhà hoạt động trẻ ở Nghệ An, viết rằng:

“Độc lập ơi độc lập,
Sao tên người cứ mãi xa xôi
Dân nước Nam bao giờ mới thấy
Dân chủ tự do như mấy anh Tây.”

Và anh kết thúc bài viết của mình với dòng thơ: “Ngày độc lập sao ta vẫn mơ độc lập?”
Nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ với hoài bão này:

“Đó không phải là tâm trạng của một tác giả đâu. Tôi cũng mơ như thế đấy. Tôi mơ một cái độc lập thật sự, chúng ta có một chủ quyền thật sự. Chiến tranh đã quá lâu rồi, lệ thuộc quá nhiều rồi.”

Người bạn trẻ tên Hà ở Hà Nội tiếp lời:

“Em mong muốn trong tương lai, đất nước mình được thật sự dân chủ, phát triển; người dân được thật sự độc lập, tự do, hạnh phúc, chứ không chỉ là những khẩu hiệu. Mọi mặt ở đây đều gắn liền với vấn đề chính trị. Phải dựa trên cải cách về chính trị. Chính quyền phải tôn trọng quyền tự do-dân chủ của người dân. Nền kinh tế phải được là kinh tế thị trường không có sự định hướng xã hội chủ nghĩa gì cả vì hiện nay nền kinh tế Việt Nam bị rối loạn bởi sự định hướng rất sai trái và quản lý không hiệu quả. Về mặt xã hội thì bị băng hoại bởi thực trạng giáo dục. Đạo bây giờ còn bị suy thoái. Em mong muốn những khẩu hiệu [độc lập-tự do-hạnh phúc] đó phải được thực hiện dựa trên những cải cách kinh tế, chính trị, xã hội.”

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 nhấn mạnh đến một nước Việt Nam "độc lập-tự do-hạnh phúc", sáu chữ vàng mở đầu các văn bản hành chánh chính thống và là tôn chỉ trong các khẩu hiệu tuyên truyền của đảng Cộng sản cầm quyền.


-----------------------

XEM THÊM :
06.03.2016

Một buổi sáng nọ, tôi nhâm nhi ly cà phê vỉa hè và lướt Facebook đọc newsfeed (tôi có thói quen hay cập nhật tin tức qua Facebook hơn là qua những trang thông tin “chính chủ” của nhà nước). Bỗng dưng dừng lại ở một status của anh bạn đồng nghiệp viết rằng: “Xã hội Việt Nam hiện nay là một trong những xã hội nguy hiểm nhất trên thế giới. Bạn có quyền phản biện, nhưng tôi cho là vô ích.” Tôi cảm thấy tò mò và vào gửi một tin nhắn cho anh bạn. Nhanh chóng sau đó chúng tôi có một cuộc trao đổi thật sự thú vị xoay quanh cái status của anh bạn trên trang mạng xã hội quyền lực này. Kết thúc cuộc trò chuyện, anh bạn tôi cho rằng: nền chính trị Việt Nam hiện nay không mang lại lợi ích cho quốc gia, xã hội loạn lạc và hệ thống pháp luật rối ren nhưng lỏng lẻo.

Chính trị mà không nhắm tới cái lợi thì không phải là chính trị

Lợi ích không chỉ về vật chất mà còn cả về tinh thần như nâng cao dân trí, củng cố đạo đức, tạo ra xã hội văn minh, và phải luôn nhằm tới lợi ích chung, không thiên vị cho nhóm này gây thiệt hại cho nhóm kia. Lợi ích cộng đồng luôn là đích hướng tới của các quyết định chính trị.

Nước Mỹ luôn đặt lợi ích của đất nước họ lên trên mọi lợi ích, họ sẵn sàng làm mọi chuyện để đảm bảo lợi ích đó không bị tổn hại ở hiện tại và tương lai. Bởi thế khi Trung Quốc đang đe dọa lợi ích của Mỹ ở khu vực Biển Đông thì lập tức Mỹ chuyển trục ngay sang khu vực này. Nước Nhật sau Thế chiến thứ hai đã có một hiến pháp với những điều luật cấm chiến tranh, thế mà thời gian gần đây họ đang cố gắng phá bỏ sự ràng buộc đó với hy vọng quân đội được tham chiến bên ngoài lãnh thổ Nhật. Âu cũng vì lợi ích của chính nước Nhật mà ra.

Thế nhưng chính trị Việt Nam ngày hôm nay lại đi ngược với lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng. Nền chính trị này trớ trêu thay lại chỉ có lợi cho một nhóm người mang tên "cộng sản", một giai cấp mang tên "chính quyền", và những thành phần tung hê chúng. Trớ trêu, nhiều người không hiểu hay cố tình không hiểu thực trạng này trong xã hội Việt Nam, nên thường tỏ ra cố chấp khi không tin những nhà cai trị Việt Nam tham quyền cố vị. Họ vẫn tin rằng nhà nước đang làm việc vì họ, các chính sách, các dự án, các quyết định được ban hành là vì nước, vì dân chứ không phải vì lợi ích phe nhóm.

Một xã hội loạn lạc

Tất cả mọi bất công trong xã hội có thể không phải do chính trị tạo ra nhưng chắc chắn rằng mọi quyết định chính trị đều có thể tạo ra bất công. Và sự thật thì xã hội Việt Nam đang đầy rẫy bất công vì những quyết định chính trị.

Sự loạn lạc của xã hội chính là do mâu thuẫn lợi ích hay còn gọi là bất công. Giai cấp lãnh đạo xâm phạm lợi ích chính đáng của dân đen, và lợi ích của dân tộc. Chính cách hành xử bất công này của chính quyền cũng tạo ta một bộ phận không nhỏ trong xã hội Việt Nam sẵn sàng làm mọi chuyện vì những món lợi cỏn con, bất chấp tính mạng người khác, bất chấp luân thường đạo lý.

Trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn bán phụ nữ và trẻ em, làm ăn bất chính như cung cấp thực phẩm độc hại ra thị trường... đó chính là những mặt tiêu cực mà xã hội Việt Nam đang gánh chịu suốt mấy chục năm qua. Nó đang dần dần biến thành nét đặc thù của xã hội Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới. Vì sao họ làm như vậy? Vì chính quyền lấy mất lợi ích chính đáng của họ.

Việt Nam trở thành một đất nước mà chính quyền mâu thuẫn với người dân. Chính quyền mất uy tín, mất lòng tin nơi nhân dân. Còn với nhân dân, họ thờ ơ với những vấn đề của đất nước, họ quay lưng với những quyết định của chính quyền. Mâu thuẫn lớn như vậy là cơ hội lớn để giặc ngoại xâm tấn công bất cứ lúc nào.

Hệ thống pháp luật rối ren nhưng lỏng lẻo

Chẳng có đất nước nào nhiều luật lệ như Việt Nam, luật chồng luật, luật nhiều tới mức khiến người ta như bị lạc lối không tìm thấy lối ra cho vấn đề kiện tụng. Hệ thống luật pháp Việt Nam nếu so sánh với Mỹ và Phương Tây xem ra cũng hợp lý và công bằng đấy chứ, nhưng chỉ là trên lý thuyết. Vì cơ chế chính trị độc đảng nên hầu như hệ thống này nhìn thì công bằng nhưng thực tế thì là mầm mống của những bất công. Hệ thống chỉ là cái vỏ bên ngoài còn cái ruột bên trong mới quyết định chất lượng của luật pháp. Từ cơ quan tư pháp đến hành pháp và lập pháp đều chỉ là một cánh tay nối dài của đảng cộng sản.

Thử tìm xem có ai từng là thủ tưởng, chủ tịch quốc hội, thành viên quốc hội và là thẩm phán trong hệ thống luật pháp này không phải là người của đảng cộng sản không? Quốc hội có thể có nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ thì tiếng nói khác nào muối bỏ biển, chỉ làm cho biển mặn thêm thôi. Một hệ thống từ trên xuống dưới đều là người của một nhóm nào đó thì lấy đâu ra công bằng cho những thành phần khác trong xã hội? Sự lỏng lẻo tức là thiếu nghiêm minh và công bằng nằm ở chỗ đó. Âu cũng từ cái lợi phe nhóm, đảng phái mà ra.

Với 3 khía cạnh trên, xã hội Việt Nam ngày hôm nay đang trở thành một xã hội nguy hiểm. Nguy hiểm cho dân tộc, nguy hiểm cho chính quyền và nguy hiểm cho lợi ích quốc gia. “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, có ai chứng minh được xem 3 cụm từ này có nằm trong tính chất của xã hội Việt Nam hiện nay hay không? Riêng tôi, một kẻ sinh ra và lớn lên trong lòng một quốc gia cộng sản, tôi không tìm thấy những điều đó.

-----------------------------
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats