Thursday, 22 September 2016

LÀM SAO ĐỂ TRẺ CÓ NỀN GIÁO DỤC TỐT TRONG MỘT TRẠI SÚC VẬT? (BS Hồ Hải)




Thursday, September 22, 2016


*

MỞ ĐẦU

Mấy hôm nay, do bộ giáo dục làm dự án gần 10.000 tỷ đồng cho việc áp dụng dạy tiếng Hán và tiếng Nga bắt buộc từ lớp 3 phổ thông trên toàn quốc là sinh ngữ hàng đầu phải học thay vì tiếng Anh. Đây là một quyết định quay lại thời bao cấp sau 30/4/1975 đã làm bao thế hệ bị bắt buộc học tiếng Nga rồi không để làm gì, ngoại trừ các hột giống đỏ học tiếng Nga để được tiền ngân sách du học Đông Âu. 

Hiện nay, những hột giống đỏ này đã về lại Việt Nam làm sân sau cho đảng để nắm nền kinh tế đất nước và tham nhũng như những ông bầu, chủ tịch tập đoàn các nắm đấm thép của đảng để ăn chia. Nó thể hiện một nền giáo dục có bàn tay lông lá của chính trị xen vào làm thui chột cả trí dục, đức dục và thể dục từ nhiều thế hệ Việt Nam, góp phần quyết định mọi tha hóa, và nhũng loạn Việt Nam hiện nay, cũng như làn sóng tỵ nạn giáo dục, tỵ nạn kinh tế của những gia đình khá giả có ý thức phải tự bảo vệ gia đình mình.

Rõ ràng, chính quyền cộng sản đang làm việc chăn dắt các thế hệ theo kiểu Trại súc vật của George Orwell đã viết hơn nửa thế kỷ trước, nhằm phục vụ mưu đồ thống trị và tham nhũng vô luật pháp của chúng, mà không hề quan tâm đến vận mệnh quốc gia dân tộc.

Bài viết này tôi xin đưa ra một phướng hướng mới, tiên tiến, mà ở Việt Nam các phụ huynh dù nghèo cũng có thể tự lo giáo dục cho con em mình ngay tại gia đình khi mà các phụ huynh đã lên tiếng Nếu các trường học ở Việt Nam đều dạy thí điểm tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con tôi nghỉ học!

GIÁO DỤC LÀ GÌ?

Một nền giáo dục tiên tiến đúng nghĩa là nền giáo dục lấy người học làm trung tâm. Một trường học danh tiếng là trường học dạy nhiều sinh ngữ trên thế giới. Nhưng sinh ngữ chỉ là môn học chọn lựa của học sinh, chứ không phải là môn bắt buộc như tôi đã viết trong bài Có nên đưa tiếng Hán vào trường học?

Giáo dục (tiếng Anh: education) theo nghĩa chung là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Bất cứ trải nghiệm nào có ảnh hưởng đáng kể lên cách mà người ta suy nghĩ, cảm nhận, hay hành động đều có thể được xem là có tính giáo dục. Giáo dục thường được chia thành các giai đoạn như giáo dục tuổi ấu thơ, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, và giáo dục đại học.

Về mặt từ nguyên, "education" trong tiếng Anh có gốc La-tinh ēducātiō ("nuôi dưỡng, nuôi dạy") gồm ēdūcō ("tôi giáo dục, tôi đào tạo"), liên quan đến từ đồng âm ēdūcō ("tôi tiến tới, tôi lấy ra; tôi đứng dậy"). Trong tiếng Việt, "giáo" có nghĩa là dạy, "dục" có nghĩa là nuôi (không dùng một mình); "giáo dục" là "dạy dỗ gây nuôi đủ cả trí-dục, đức-dục, thể-dục."

Quyền giáo dục được nhiều chính phủ thừa nhận. Ở cấp độ toàn cầu, Điều 13 của Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (1966) của Liên Hiệp Quốc công nhận quyền giáo dục của tất cả mọi người. Mặc dù ở hầu hết các nước giáo dục có tính chất bắt buộc cho đến một độ tuổi nhất định, việc đến trường thường không bắt buộc; một số ít các bậc cha mẹ chọn cho con cái học ở nhà, học trực tuyến, hay những hình thức tương tự.

Giáo dục là lò đúc nhân tài nếu làm đúng chức năng của nó. Và nó là thảm họa cho quốc gia chủng tộc nếu làm vì mục đích đen tối của chính trị gia như ở Việt Nam trong 76 năm qua, để có hôm nay đầy rác rưởi đang ngồi trên ngôi cao đày đoạ dân tộc!

Nên việc học tại nhà hay tại trường ở thời đại kinh tế tri thức ngày nay không còn là vấn đề khó, mà vẫn có những nhân tài kiệt xuất ở các quốc gia tiên tiến.

HOME SHOOLING CẦN SỰ TỔ CHỨC VÀ GẮN KẾT CỦA PHỤ HUYNH

Ở Hoa Kỳ và các quốc gia tiên tiến, nhiều thần đồng được tự học tại nhà. Do văn hóa sống nơi đất rộng người thưa, nên các phụ huynh tự lo việc học và dạy con mình ở nhà khi họ không muốn sống nơi đô thị ồn ào. Việc tổ chức Home Schooling - học tại gia - là việc họ đã làm từ nhiều thế kỷ, nhưng gần đây nhờ vào cuộc cách mạng thông tin nên hình thức này rất phổ quát. 

Các giáo viên dạy kèm tại nhà cho trẻ học theo mô hình Home Schooling mà không cần đến trường

Muốn học đúng nghĩa tại gia mà trẻ vẫn có bằng tú tài Hoa Kỳ, dư trình độ nhận học bổng của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên toàn cầu, thì đòi hỏi trẻ và gia đình trẻ phải hội đủ điều kiện sau đây:

1. Bản thân trẻ cần phải có: Học tiếng Anh từ khi còn 6 tháng tuổi, để trẻ có thể nghe, nói, tiếng Anh khi vào mẫu giáo, và đọc, viết đơn giản khi vào lớp 1.

2. Phụ huynh phải chuẩn bị:
2.1. Khả năng tự dạy con hoặc có giáo viên nước ngoài phụ đạo cho trẻ mỗi tuần ít nhất 2 ngày để giải thích, và giúp trẻ làm bài tập của chương trình home schooling.
2.2. Vì vấn đề tài chính thuê giáo viên bản xứ, mà phụ huynh ở Việt Nam thì hầu hết chưa đủ tài chính tự lo, nên cần mỗi phường, xã nơi cư ngụ phải có ít nhất 6 trẻ cùng học chung mỗi tuần 2 hôm, mỗi hôm 3 giờ đồng hồ có giáo viên bản xứ phụ đạo cho những gì trẻ học trong 1 tuần còn chưa hiểu. Vấn đề này sẽ giúp chia sẻ gánh nặng tài chính cho phụ huynh.
2.3. Các phụ huynh phải cùng nhau tổ chức chương trình hoạt động ngoại khóa cho trẻ, hoặc thuê giáo viên tổ chức cho trẻ, nên cần một nhóm phụ huynh như mục 2.2 để thực hiện việc này.
 Một số chương trình Home Schooling ở Hoa Kỳ dành cho trẻ không đến trường đượcc vẫn công nhận bằng cấp qua thi và nộp bài tập online, có nhiều trẻ hoàn thành tú tài chỉ trong 6 đến 9 năm học và vào Ivy League với học bổng toàn phần như:Acellus hay Calvert Education, v.v... Nếu các phụ huynh có tấm lòng thực sự với con mình thì ở trang Parents có đầy thông tin Home Scholling để chọn lựa. Tại sao các phụ huynh Việt không làm được cho con mình, mà ngồi than thở?

HOME SCHOOLING CÓ KHẢ THI Ở VIỆT NAM?

Từ sự hiểu đúng như trên, 2 năm qua, chính tôi đã tạo ra nhóm Ươm mầm tài năng Việt cho tất cả các trẻ có điều kiện gia đình cha mẹ là những người có học, am hiểu một chút về tự học qua internet trong cả nước. Nhóm phụ huynh này đã được 52 gia đình đang thực hiện chương trình Home Schooling cho con của mình tương đối tốt, nhưng họ chưa đủ số lượng ở mỗi địa phương thực hiện nhóm trẻ học theo chương trình giáo dục Hoa Kỳ, mà vẫn còn tản mạn ở từng gia đình một đúng nghĩa học tại nhà, song thiếu sự gắn kết các gia đình, nên làm các cháu quá tải, vì vừa phải học chương trình giáo dục của nhà nước, vừa học chương trình của Hoa Kỳ.

Phụ huynh vừa trông con vừa dạy con mình tại nhà mà không cần đến trường

Vấn đề khả thi của Home Schooling theo chương trình giáo dục Hoa Kỳ trong hooàn cảnh Việt Nam hiện nay cho các gia đình trung lưu không khó, nếu các phụ huynh đồng lòng, có tổ chức ở trên cùng địa bàn mình sống. Đây lại là đặc điểm yếu nhất của người Việt mà tôi đã viết trong bài Ai và làm gì cho phong trào bất tuân dân sự như sau:

Từ hơn 2600 năm lịch sử nước Việt, dân tộc ta đã trải qua hơn một nửa thời gian chiến tranh, nhưng đa phần là nội chiến, và chỉ khi nào đời sống người dân đến cùng cực mới có một nhân vật kiệt xuất ra đời để lãnh đạo toàn dân làm cuộc cách mạng xã hội. Nguyên nhân của 2 yếu tố nội chiến và chỉ đến khi cùng cực là do dân tộc tính người Việt có những cặp tính cách mâu thuẫn nhau sau đây:
1. Cần cù nhưng dễ thỏa mãn
2. Thông minh nhưng chỉ để đối phó tình huống.
3. Khéo léo nhưng chỉ nửa vời chứ không bền lâu.
4. Rất thích tụ tập mà không có sự liên kết để làm việc tập thể hiệu quả.
5. Hời hợt, xởi lởi mà lại không bền lâu. Nên hám lợi hơn làm việc có chất lượng.
6. Đoàn kết chỉ xuất hiện trong khó khăn.
7. Thành công thuận lợi luôn sinh ra đố kỵ. Nên hễ ai đó thành công sẽ lắm kẻ thù
8. Hám danh nhưng năng lực không có. Nên bằng cấp rất nhiều nhưng không làm được gì
9. Mọi việc làm rất nhanh nhưng không chất lượng

Tất cả những tính cách trên của người Việt là rào cản cho những đòi hỏi của một phong trào BTDS cần như sau:
1. Trường kỳ đấu tranh.
2. Chấp nhận hy sinh lúc khó khăn, và đoàn kết trong thành công.
3. Hạt nhân nòng cốt phong trào phải đầy năng lực.
4. Một lực lượng lớn quay quanh phong trào BTDS trường kỳ và ngày càng lớn mạnh.
5. Một chiến lược và chiến thuật đấu tranh ôn hòa, mưu trí và hiệu quả tránh tổn thất lực lượng.

KẾT

Tẩy chay dạy tiếng Trung và tiếng Nga bắt buộc, mà không được tự chọn học sinh ngữ trong trường học công lập là một phong trào bất tuân dân sự của người dân đối với chính quyền tham nhũng và vô luật pháp. Bất tuân dân sự không phải là việc của cá nhân, mà là của toàn dân. Nếu phụ huynh học sinh trong cả nước không ý thức điều này để khắc phục những yếu điểm cố hữu của dân tộc tính mà tôi viết ở phần trên, thì chính quyền cộng sản ở Việt Nam sẽ đem các thế hệ trẻ tương lai và hiện nay tiếp tục ra làm chuột lang cho những dự án để phục vụ mưu đồ tham nhũng, và thống trị dân tộc này như thống trị những con súc vật trong một nông trại để xẻ thịt ăn chia!

Asia Clinic, 11h15' ngày thứ Năm, 22/9/2016
Posted by BS Hồ Hải at 11:15 AM 





No comments:

Post a Comment

View My Stats