Friday 16 September 2016

CHUYẾN CÔNG DU CUỐI CÙNG CỦA TT OBAMA (Mai Loan)




Thứ Năm, ngày 15 tháng 9 năm 2016
.
TT Obama đến Hàng Châu để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 (hình Reuters)

hững người không thích ông Obama (và con số này không nhỏ trong giới truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại) có lẽ sẽ không thiếu những hình ảnh và chứng cứ mới nhất để chê bai ông tổng thống người da mầu này xuyên qua những chi tiết về chuyến công du mới nhất của vị tổng thống Hoa Kỳ tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh diễn ra liên tiếp tại Hàng Châu ở Trung Cộng (của khối G-20 gồm các nước có nền kinh tế hàng đầu) và sau đó là tại Vạn Tượng (Vientiane) của Lào (nhân cuộc họp của khối ASEAN gồm 10 nước tại Đông Nam Á).

Nếu lên diễn đàn truyền thông PJ Media, chúng ta có thể đọc một bài nhận định của tác giả Claudia Rosett đưa ra cái nhìn thiếu thiện cảm về chuyến công du này (xuyên qua một vài tiểu tiết về nghi thức đón tiếp thiếu trang trọng và lịch sự của nước chủ nhà là Trung Cộng).

Tác giả Rosett cho rằng khi lên cầm quyền vào đầu năm 2009, ông Obama đã hứa hẹn rằng chính sách điều hành của ông sẽ đem lại sự nể trọng cho Hoa Kỳ trên toàn cầu (sau thời gian suy sụp uy tín vì chính quyền Bush Con rất ngạo mạn nhưng lại sa lầy và thiệt hại hao tốn quá nhiều trong cuộc chiến tại Iraq). Tuy nhiên trong hơn 7 năm qua, người ta chỉ thấy một chính sách lãnh đạo từ ở hàng phía sau (“leading from behind”) để sát cánh cùng với cộng đồng thế giới, rồi nào là bỏ bê các đồng minh, nhưng lại chiều lòng và hoà hoãn với các kẻ thù để dẫn đến hậu quả là xé tan nước Mỹ ra từng mảnh.

Để chứng minh cho lập luận này, tác giả đã đưa ra thí dụ về chuyến công du mới đây của ông Obama sang dự hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức tại thành phố Hàng Châu của Trung Cộng. Bà Rosett viết rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dùng nghi thức ngoại giao trang trọng bằng cách trải thảm đỏ để đón tiếp nhiều vị lãnh tụ đến tham dự chẳng hạn như các vị nguyên thủ quốc gia của các nước Anh, Úc, Đức và Nga. Tuy nhiên, vinh dự này lại không được dành cho TT Obama của Hoa Kỳ.

Báo chí trong những ngày qua có tường thuật đến chi tiết là phía ban tổ chức ở Bắc Kinh đã không đưa ra được một chiếc thang cuốn có trải thảm đỏ gắn vào cổng chính của chiếc phi cơ Air Force One để TT Obama có thể bước xuống trước ống kính của các phóng viên đang chờ sẵn. Thay vào đó, ông Obama phải dùng một chiếc thang nhỏ từ trong lòng của chiếc máy bay để bước xuống.

[Chiếc cửa phụ này nằm ở phía đuôi máy bay thường chỉ được dùng mỗi khi TT Obama đáp xuống những phi trường được coi là không có an ninh đầy đủ, chẳng hạn như khi ông đến thủ đô Kabul của A Phú Hãn (Afghanistan), để tránh mất nhiều thì giờ xuất hiện nơi công cộng nhằm để bảo vệ an ninh dễ dàng và kỹ lưỡng hơn khi ông đi bộ đến những chiếc xe hơi bọc thép đang chờ sẵn, hầu tránh khỏi những cuộc tấn công bất ngờ của kẻ địch. Tuy nhiên, trong trường hợp của Trung Cộng, đương nhiên là không có màn lo sợ về chuyện an ninh này, và tất cả những vị nguyên thủ quốc gia khác khi đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 này đều được đón tiếp long trọng với chiếc thang lớn có trải thảm đỏ đặt ở ngay giữa của chiếc cổng máy bay.]

Đã thế, sau đó còn có màn một viên chức của Tầu Cộng còn ngăn chặn và la lối vài người trong phái đoàn tháp tùng TT Obama, trong đó có cả một phụ tá báo chí của Toà Bạch Ốc và ngay cả bà Susan Rice, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ, cũng bị ngăn cản khiến cho một nhân viên an ninh của Sở Bảo Vệ Yếu Nhân (US Secret Service) phải can thiệp. Khi bị phản đối bởi phái đoàn của Mỹ rằng đây là sinh hoạt bình thường của nghi lễ đón tiếp tổng thống và điều này đã được giàn xếp và thông qua từ trước, viên chức Tầu Cộng này còn la lối và quơ tay chỉ trỏ một cách hung hăng bằng tiếng Anh rằng “Đây là nước của chúng tôi. Đây là phi trường của chúng tôi.”Phóng viên của Reuters viết rằng không rõ là viên chức này có biết rõ về bà Susan Rice là phụ tá cao cấp nhất tháp tùng ông Obama hay lầm tưởng rằng đó là một nhà báo nữ nào đó.

Tác giả Claudia Rosett kết luận rằng rõ ràng đây là một màn đánh phủ đầu nhằm hạ nhục ông Obama một cách công khai và lộ liễu để cho mọi người trên thế giới đều thấy, nhất là so với hình ảnh mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dành cho vị nguyên thủ quốc gia của Nga là Vladimir Putin một cách trọng thể hơn nhiều.    

Thật ra, đây không phải là lần đầu ông Obama đã được đón tiếp một cách thiếu trang trọng trong cương vị của một vị lãnh đạo đệ nhất siêu cường trên thế giới. Theo nhà báo Mark Landler trong một bài phân tích đăng trên tờ New York Times hồi đầu tuần thì những sự việc diễn ra trong chuyến công du lần này khiến nhiều người nhớ lại những hình ảnh của chuyến công du đầu tiên của ông khi sang thăm Trung Cộng vào năm 2009 sau thời gian ngắn ông vừa mới lên cầm quyền.

Trong chuyến viếng thăm lần đó, phía Trung Cộng đã từ chối cho chiếu trên truyền hình cuộc trò chuyện của ông Obama dưới dạng town-hall meeting (một hình thức hội họp rộng mở cho mọi người tham dự). Đã thế, ban tổ chức còn chơi màn đưa người nhà của mình là những phần tử trung kiên của đảng Cộng Sản ngồi đầy trong phòng họp để tránh cho những tiếng nói độc lập có thể được cất lên để đặt câu hỏi. Sau đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng kiểm duyệt luôn một cuộc phỏng vấn của TT Obama dành cho một tờ báo tiếng Hoa. Vào lúc ấy, nhiều người cho rằng lối hành xử thô lỗ thiếu ngoại giao này như là một dấu hiệu hung hăng của một cường quốc đang lên và muốn khoe mẽ trước một vị tổng thống non trẻ còn thiếu kinh nghiệm và Hoa Kỳ chỉ là một siêu cường đang xuống dốc.

Tuy vậy, trong những cuộc viếng thăm sau đó, phía Hoa Kỳ cũng thúc đẩy nhà cầm quyền ở Trung Cộng phải chấp nhận một số những nhượng bộ, đặc biệt là trong lãnh vực cần để cho giới truyền thông có thể tiếp xúc dễ dàng và thoải mái hơn với các giới chức lãnh đạo trong những cuộc gặp gỡ này nhằm thực hiện nhiệm vụ truyền thông của họ một cách tự do và đứng đắn. Và phía Mỹ cũng đạt được một số những thành quả đáng kể, chẳng hạn như trong chuyến viếng thăm của ông Obama vào tháng 11/2014, phía Trung Cộng đã phải đồng ý chấp nhận cho giới báo chí được quyền đặt câu hỏi thẳng với lãnh tụ Xi Jinping (Tập Cận Bình) nhân cuộc họp báo chung của ông với TT Obama tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh.

Theo nhà báo Mark Landler, rõ ràng là trong chuyến công du lần này của TT Obama, phía nhà báo không có dấu hiệu gì gây khó khăn cho quốc gia chủ nhà để đặt ra những câu hỏi nhức nhối, dẫu rằng trong thời gian gần đây Trung Cộng đang gặp nhiều khó khăn trên trường quốc tế, điển hình như là phán quyết của Toà Án Trọng Tài Quốc Tế hoàn toàn bất lợi cho phía Tầu Cộng liên quan đến tham vọng giành chủ quyền trên Biển Đông.

Tuy nhiên, có lẽ do bản tính hoặc thói quen của một chế độ độc tài chuyên chính đã kéo dài từ lâu, phía nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn áp dụng một chính sách kiểm soát nghiêm ngặt đối với giới truyền thông ngoại quốc trong việc loan tải và tường thuật những diễn biến trong suốt cuộc họp thượng đỉnh G-20 lần này. Điển hình như trong cuộc gặp gỡ riêng tư giữa hai lãnh tụ họ Xi và Obama khi hai người đi bộ thư giãn sau buổi ăn tối vào thứ Bảy sau đó, các nhân viên an ninh của Tầu Cộng đã đột ngột quyết định cắt giảm số phóng viên của Hoa Kỳ được tháp tùng theo, từ 6 người xuống còn 3, để rồi sau đó lại quyết định cắt xuống nữa và sau cùng chỉ để cho một nhà báo duy nhất được cùng đi theo.

Theo lời tường thuật của nhà báo thì một viên chức của Trung Cộng đã nói rằng “đây là sự sắp xếp của chúng tôi” để biện minh cho thái độ thay đổi đột ngột này, và phía viên chức Mỹ cũng đã phản pháo rằng “thế nhưng cách sắp xếp của các anh cứ thay đổi xoành xoạch”, không che giấu được một thái độ hay phản ứng thiếu tự tin và thẳng thắn.

Dĩ nhiên, TT Obama không thể nào không biết những trò tiểu xảo hay nhố nhăng này của một quốc gia chủ nhà thiếu lịch sự và ngoại giao tối thiểu trong phép cư xử thông thường. Qua ngày Chủ Nhật hôm sau, khi được giới truyền thông phỏng vấn về những va chạm này, ông Obama đã nhắc lại rằng đây không phải là lần đầu mà phía Trung Cộng đã có những hục hặc liên quan đến vấn để bảo toàn an ninh cũng như ngăn cấm giới truyền thông trong những chuyến công du của ông đến quốc gia này. Tuy nhiên, lần này thì “những kẽ hở đó đã để lộ ra nhiều hơn bình thường”, ám chỉ rằng những căng thẳng va chạm đó có phần lộ liễu hơn là những gì thường thấy. Tuy nhiên, ông Obama vẫn xác nhận rằng những chi tiết đó không hề ảnh hưởng chút nào đến mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai quốc gia và còn chua thêm rằng: “Tôi sẽ chẳng thèm quậy thêm vào mục tiêu hay ý nghĩa của những chuyện như vậy.” 

Tuỳ theo cách nhìn của mỗi cá nhân, người ta có quyền nhận xét hay phê phán về thái độ của TT Obama xuyên qua những vụ va chạm này, hoặc những hình ảnh lẻ tẻ khác liên quan đến những chuyến công du của ông khi gặp gỡ các lãnh tụ khác (chẳng hạn như khi ông cúi rạp mình trước một số các vị quốc vương các nước khác). Những người như bà Claudia Rosett trên diễn đàn PJ Media và những người không ưa thích ông Obama thì cho rằng đó là hành động làm giảm phẩm giá của một vị lãnh tụ đệ nhất siêu cường, khiến cho uy tín của Hoa Kỳ bị sút giảm trầm trọng và nhiều quốc gia trên thế giới không còn kiêng dè hay nể sợ nữa.

[Ấy là chúng ta chưa kể đến một chi tiết khác nữa cũng rất lý thú là ông tổng thống mới lên của Phi Luật Tân là Rodriguez Duterte cũng có những lời lẽ còn thô lỗ và tục tằn hơn nữa dành cho ông Obama. Khi được một phóng viên hỏi rằng ông sẽ trả lời TT Obama ra sao về những cáo buộc là chính quyền Phi đã đồng lòng cho giết chết khá bừa bãi hàng ngàn những tay buôn bán ma tuý trong mấy tháng qua, bất chấp những nguyên tắc về luật lệ cần phải xét xử công minh trước khi trừng phạt, ông Duterte đã nói rằng ông không có gì phải ngại hay tránh né cả. Ông còn đưa ra lời cảnh cáo trước cho TT Obama là đừng có nên bày đặt tìm cách chất vấn vì ông ta sẽ chửi thẳng vào mặt. Ông Duterte nói rằng ông là nguyên thủ của một quốc gia có chủ quyền, ông chỉ phục vụ người dân Phi Luật Tân, và ông nói huỵch toẹt rằng “Putang ina” (có nghĩa là “đồ chó đẻ” theo tiếng Tagalog) là ông sẽ chửi thề nếu như ông bị chất vấn. Khách quan mà nói, ông Duterte cũng đã dành những ngôn từ thô lỗ, tục tằn và thiếu văn hoá này cho những lãnh tụ khác, trong đó có ông Ban Ki-moon là Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc cũng như Đức Giáo Hoàng Francis, dù rằng Phi Luật Tân là một quốc gia có đa số dân chúng là người theo Thiên Chúa Giáo La Mã và rất sùng đạo!]  

Tuy nhiên, có lẽ ông Obama không màng đến những thứ tiểu tiết đó. Là một tổng thống Mỹ đầu tiên xuất thân từ hàng ngũ những người thiểu số da đen mà cách nay hơn trăm năm tổ tiên họ còn là dân nô lệ, hơn ai hết ông Obama phải hiểu rõ và chấp nhận những lời dèm pha, chế riễu hoặc mắng chửi khinh miệt một cách thậm tệ từ nhiều thành phần dân chúng ô hợp ở Mỹ trong thời gian qua, nhất là từ ngày ông mới lên cầm quyền khiến cho nhiều phần tử da trắng rất căm tức và không thể nào chấp nhận nổi. Điều trớ trêu nghịch lý là nhiều người cố tình quên rằng kết quả thắng cử đó là quyết định của đa số cử tri trên toàn quốc đã hai lần bầy tỏ sự lựa chọn của họ một cách quang minh chính đại để ông có thể thắng cử khá vẻ vang trong hai năm 2008 và 2012. Chẳng thế mà nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ của khối Cộng Hoà tại Thượng Viện, ngay sau khi ông Obama vừa mới nhậm chức vào đầu năm 2009, đã không ngần ngại nói với mọi người rằng nhiệm vụ của họ là phải làm sao biến thời gian nhậm chức của vị tổng thống này chỉ kéo dài có một nhiệm kỳ mà thôi, bất chấp những nghi thức ngoại giao và phép lịch sự tối thiểu là ông phải tôn trọng lá phiếu của người dân và phải cùng hợp tác với phe hành pháp trong nhiệm vụ điều hành đất nước.

Có lẽ với trình độ học vấn khá cao (khi cả hai vợ chồng ông đều tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng (thuộc loại Ivy League ở Mỹ) và sau đó còn tốt nghiệp thêm bằng Tiến sĩ Luật từ trường Đại học Harvard), và nhờ thế cũng hấp thụ được một kiến thức sâu rộng nên ông Obama đã không cần phải “khoe mẽ” để chứng tỏ sự thông minh và tài năng của mình. Nếu không có tài năng thì tại sao từ một luật sư “vô danh tiểu tốt” ở Chicago bỗng nhiên bất ngờ giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử nghị sĩ liên bang tại Illinois vào năm 2004, để rồi sau đó bốn năm lại đánh bại được đối thủ đáng ngại hơn nhiều là Hillary Clinton trong nội bộ đảng Dân Chủ vào năm 2008 để rồi dễ dàng hạ gục được ông John McCain trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm đó.

Hơn ai hết, TT Obama, cũng giống TT Bill Clinton trước đó, đều biết rằng lịch sử sẽ phán xét về họ một cách khách quan và công bằng hơn khi nhìn về những thành quả mà họ đã đạt được trong 8 năm trời. Còn những dư luận ồn ào của hiện tại với những lời lẽ chống đối kịch liệt sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng sau một thời gian khi mọi sự lắng đọng hơn và mọi người có thể bình tâm hơn để phán xét các nan đề nghiêm trọng của đất nước trong thời gian họ chấp chính. [Vào thời điểm năm 1998, mọi người đều ồn ào và sôi nổi bàn tán về chuyện TT Bill Clinton bị Quốc Hội truy tố và xét xử liên quan đến chuyện lem nhem tình dục với cô Monica Lewinsky, nhưng sau đó không lâu thì người ta mới càng thấy rõ bộ mặt đạo đức giả tệ hại hơn nữa của hầu hết những vị dân biểu trong nhóm công tố buộc tội ông Clinton khi phát giác ra rằng gần như tất cả bọn họ đều có những hành động ngoại tình, bỏ bê vợ con còn xấu xa, tệ hại và đáng trách hơn nhiều. Giờ đây thì hầu như đa số người dân đều không nói gì đến chuyện tai tiếng với cô Lewinsky này mà chỉ nhìn về ông Clinton dưới con mắt đầy tốt đẹp hơn nhiều khi phải công nhận rằng ông đã tạo được một thành tích rất khả quan sau 8 năm cầm quyền, nhất là khi người ta so sánh với 8 năm cầm quyền bết bát và tệ hại của TT Bush Con.]

Với chuyến công du sau cùng của ông sang Châu Á diễn ra chỉ hơn 4 tháng trước khi hết nhiệm kỳ, có lẽ bộ tham mưu ở Toà Bạch Ốc muốn sửa soạn cho chuyến đi dài 8 ngày của ông Obama nhằm nhấn mạnh đến nỗ lực của ông trong thời gian qua muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Á Châu, trong đó có hai chủ đề quan trọng có thể hiện thực được là đẩy mạnh việc ký kết Hiệp ước Trao Đổi Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (thường quen gọi là TPP), và kế đó là việc ký kết Thoả ước với Trung Cộng về khí hậu toàn cầu (để giảm bớt việc thải các khí đốt ô nhiễm môi trường gây hâm nóng địa cầu).

Vì thế cho nên trước khi rời khỏi lục địa Hoa Kỳ, các viên chức ở Bạch Cung đã nhấn mạnh đến thông điệp này khi loan báo về một số những cuộc gặp gỡ của TT Obama tại Lake Tahoe ở tiểu bang Nevada, và sau đó là tại hòn đảo Midway Atoll ở tiểu bang Hawaii để thảo luận về các chủ đề bảo toàn năng lượng, đồng thời loan báo một số những sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy mạnh việc sản xuất năng lượng một cách trong lành hơn nhằm giảm bớt những hậu quả tai hại về khí hậu chẳng hạn như nạn cháy rừng và hạn hán thường xảy ra trong những năm gần đây.  

Sau đó, ông Obama sẽ nhấn mạnh đến việc thảo luận riêng với lãnh tụ họ Tập của Trung Cộng nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng Đỉnh G-20 của các quốc gia kinh tế hàng đầu hiện nay. Ngoài việc bàn thảo về nhiều đề tài liên hệ đến quyền lợi chung của khối này, lãnh tụ của hai siêu cường Mỹ-Hoa theo dự trù sẽ có cuộc nói chuyện riêng để cùng đưa ra những kết luận cập nhật của mỗi nước trong việc tiến tới thi hành Thoả ước Paris, hy vọng có thể được thực thi bắt đầu từ cuối năm nay. Tưởng cũng nên nhắc lại là Thoả ước Paris là kết quả thoả thuận của 195 quốc gia tham dự Hội Nghị về Thay Đổi Khí Hậu Toàn Cầu đã cùng nhau ký kết vào cuối năm 2015 trong mục đích giảm nguy cơ hâm nóng địa cầu. Tuy vậy, Thoả ước này không có tính cưỡng hành, mà chỉ đề ra những chỉ tiêu cụ thể đòi hỏi mỗi nước phải cắt giảm số lượng khí thải với một tỉ lệ rõ ràng cho từng quốc gia một.

Điều ngạc nhiên ngoài dự tưởng của mọi người là TT Obama đã đạt được thành quả tốt đẹp và to lớn này khi ông và lãnh tụ họ Tập đã cùng nhau đồng ý ký kết vào thoả thuận này, dù rằng cả hai bên đã tranh cãi và hục hặc nhau trên nhiều vấn đề nghiêm trọng khác trong thời gian qua, trong đó có việc Hoa Kỳ cáo buộc về việc xâm nhập và tấn công trên mạng lưới ảo (cyber war) từ những tin tặc ở Trung Cộng cũng như những tranh chấp trên Biển Đông mà phía Bắc Kinh ngang nhiên lấn át các nước khác và xem thường công pháp quốc tế.

Bởi vì ngay ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng Đỉnh G-20 này, cả hai ông Obama và Xi Jinping đã có một buổi lễ riêng bên lề hội nghị để thông báo việc họ ký kết và sau đó trao lại những bản văn này cho ông Ban Ki-moon là Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc. Nội dung những bản văn này xác nhận rằng cả Hoa Kỳ lẫn Trung Cộng chấp nhận những bước kế tiếp để thi hành Thoả ước Paris.

TT Obama và lãnh tụ Xi Jinping cùng bắt tay trước cuộc gặp gỡ tại Hàng Châu, Trung Cộng (hình AP)

Với sự đồng ý của Hoa Kỳ và Trung Cộng, vốn là hai quốc gia có số lượng khí thải độc hại cao nhất (do nhu cầu sản xuất kỹ nghệ của hai cường quốc kinh tế hàng đầu), tiến trình thi hành Thoả ước Paris từ nay có thể diễn ra sớm hơn mong đợi. Hiện nay mới chỉ có 26 nước đã thông qua và chấp nhận Thoả ước này, và cần phải có 55 nước cùng chấp nhận thì nó mới được áp dụng. Tuy nhiên, một khi Hoa Kỳ và Trung Cộng cùng đồng ý thì số lượng các nước cùng nhập cuộc theo sẽ tăng lên rất nhanh. Thoả ước Paris cũng đòi hỏi số lượng những nước cùng tham dự phải có số lượng khí thải lên đến 55% trên toàn cầu thì mới có đủ sức mạnh để có hiệu quả. Nhưng chỉ riêng hai nước Mỹ và Trung Cộng gộp lại cũng đã tạo ra đến 38% tổng sản lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Và do đó số lượng các quốc gia khác cùng đồng ý với Hoa Kỳ và Trung Cộng lần này cũng có số lượng khí thải vượt qua mức 55% này.

Trong buổi lễ tuyên bố về thoả thuận này, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hoa đã đưa ra những lời nhận định đầy khôn ngoan và khiêm cung. Ông Obama đã phát biểu: “Đây là một cuộc chiến mà không có bất cứ một quốc gia nào, dù là mạnh mẽ đến mấy, cũng có thể tự mình gánh vác. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy rằng đây là thời điểm mà chúng ta cuối cùng đã quyết chí cứu vãn hành tinh này.” Còn ông Xi Jinping thì nhận định rằng ông hy vọng là nhiều nước khác sẽ bắt chước theo và những tiến bộ mới mẻ trong khoa học có thể sẽ giúp cho nhiều nước đạt được những chỉ tiêu đòi hỏi, và kết luận khá sâu sắc rằng: “Khi mà con đường cũ không giúp chúng ta tiến xa thêm được nữa, thì chúng ta phải nên tìm tới những khám phá mới mẻ hơn.”  

Các viên chức của Toà Bạch Ốc cho rằng việc hai bên đã nhanh chóng đạt được thoả thuận này là một tinh thần hợp tác không ngờ đã xảy đến giữa hai chính quyền ở Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh. Để đẩy mạnh cho việc thực thi thoả thuận này, họ đã đề ra một thời hạn chót là đến năm 2030 thì Trung Cộng phải tìm cách ngăn chặn không cho mức lượng khí thải carbon tiếp tục gia tăng hàng năm. Về phía Hoa Kỳ, chính phủ Mỹ sẽ tuân thủ theo chỉ tiêu là sẽ cắt giảm số lượng khí thải độc hại này ít nhất là 26% trong vòng 15 năm sắp tới.

Sự đồng ý về thoả thuận cắt giảm khí đốt độc hại này (dĩ nhiên sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp và thuận lợi hơn cho nhân loại trong tương lai) tuy vậy cũng chưa thể khoả lấp được những căng thẳng giữa hai quốc gia này trên nhiều hồ sơ tranh chấp khác. Điển hình là việc Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chỉ trích Trung Cộng trong chính sách bao che hay chủ động trong việc để cho tin tặc xâm nhập vào các hệ thống hay mạng lưới thông tin trên Internet và máy điện toán, cũng như trong chính sách đàn áp nhân quyền của Trung Cộng. Đó là chưa kể đến chính sách và tham vọng của nhà cầm quyền Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông, với cái gọi là đường 9 đoạn hay 9 vạch, chắc chắn không làm cho đôi bên hài lòng, nhưng vẫn chưa tìm ra một giải pháp tương nhượng hay thoả hiệp mà cả hai có thể cùng chấp nhận.

Nhưng đó là một đề tài sâu rộng hơn mà chúng ta có thể bàn tiếp trong một dịp khác. 

MAI LOANanhtuantaberd74@gmail.com




No comments:

Post a Comment

View My Stats