15/09/2016
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Chín ghi nhận
những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình
hình thế giới:
-Reuters ngày 1/9/2016: “Đại Tá Tom Hanson- Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Lục
Quân Hoa Kỳ nói với Đài Phát Thanh Úc Châu rằng Úc phải lựa chọn liên minh chặt
chẽ với Hoa Kỳ hay mối liên hệ kinh tế gắn bó với Hoa Lục và thúc giục Canberra
phải có lập trường cứng rắn hơn với Hoa Lục tại Biển Đông.”
Dĩ nhiên lời phát biểu của một ông đại tá không phải
là tiếng nói chính thức của chính phủ, nhưng chắc chắn đã được cấp trên
ra lệnh cho nói như một “quả bóng thăm dò”. Anh Quốc và Úc Châu là đồng
minh chiến lược của Hoa Kỳ nhưng lại “đi hàng hai” bằng cách hợp tác
kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc cho nên giữ thái độ “im lặng là vàng”
trong một số vấn đề cần phải lên án Hoa Lục. Thế mới hay tiền bạc có thể chia rẽ
tình nghĩa vợ chồng, cha con, bạn bè, thầy trò và đồng minh. Úc và Hoa Lục đã
ký kết Thỏa Hiệp Mậu Dịch Tự Do ngày 17/6/2015 theo đó hai bên thanh toán
thương vụ bằng Úc Kim và đồng Nguyên, không cần Mỹ Kim. Thống kê năm 2011 cho
biết thương mại song phương giữa hai quốc gia là 141 tỉ Mỹ Kim. Chính vì thế mà
Ô. Trump đã nói huỵch toẹt rằng các đồng minh Hoa Kỳ đã chơi xấu, “free ride”
tức hưởng lợi, được Mỹ che chở mà không làm gì cả, nhưng đã bị đối thủ tấn
công, bẻ quẹo là Ô. Trump không hiểu biết gì về các vấn đề an ninh toàn cầu
- CNSNews
ngày 9/9/2016: “Hoa Kỳ vừa gửi thêm 400 quân tới Iraq để chuẩn bị
tổng tấn công lấy lại Mosul, nâng tổng số lính Mỹ ở Iraq lên 4460.” Bà Hillary
Clinton đưa ra sách lược giải quyết cuộc chiến Iraq kéo dài đã 13 năm bằng khẳng
định “không gửi bộ binh” ((No ground troops). Hoa Kỳ có cả ngàn
chuyên viên thượng thặng về chiến lược và chống khủng bố nhưng cuộc chiến Iraq
vẫn chưa có lối thoát danh dự cho Hoa Kỳ. “Iraq hóa chiến tranh” đã thất
bại. Đem quân ồ ạt vào như lúc Ô. Bush Con tấn công lật đổ Ô. Saddam Hussein
thì sợ thương vong cao, mất lòng dân, gửi biệt kích rồi tăng quân nhỏ giọt thì
cuộc chiến cứ “cù nhầy” mãi. Nhức đầu quá!
-UPI
ngày 9/9/2016: “Một công ty Nga loan báo họ sẽ cung cấp dịch vụ hỗ
trợ cho các máy bay trực thăng của Thái Lan và Nam Dương.”
-Washington Post ngày 15/9/2016: “Tổng Thư Ký
Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg dự trù sớm gặp gỡ Ngoại Trưởng
Nga Lavrov để tìm cách giảm bớt những rủi ro đụng độ với Nga.”
Có thể NATO đã ngửi thấy mùi Ô. Trump có thể thắng cử
và ông đặt ưu tiên “America First”- tức nếu có gì thì Âu Châu tự lo liệu
lấy cho nên tìm cách né tránh một cuộc chạy đua vũ trang hay đụng độ quân sự với
Nga mà chẳng đem lại lợi ích gì cho Âu Châu.
Tình
hình Syria:
-AFP
ngày 1/9/2016: “Iran- đồng minh quan trọng của Damascus thúc giục
Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc cuộc can thiệp quân sự vào Syrid đã kéo dài một tuần lễ và
nói rằng đó là sự vi phạm chủ quyền của Syria không thể chấp nhận được.”
-AFP
ngày 4/9/2016: “Quân đội chính phủ đã chiếm một trường huấn luyện
thiết giáp phía nam của Aleppo, lại một lần nữa bao vây những khu vực do phiến
quân chiếm giữ ở phía đông.” Trong khi đó Ô. John Kerry và Ô. Lavrov đã gặp
nhau vài lần nhưng chưa đi tới một thỏa thuận nào cho Syria. Ô. Putin và Ô.
Obama cũng đã gặp nhau bên lề G20 Hàng Châu nhưng cũng không tiến tới một giải
pháp nào. Ngày 8&9/9/2016 hai Ô. John Kerry và Lavrov lại gặp
nhau tại Genève để bàn về một giải pháp cho Syria. Theo ABC News ngày 8/9/2016,
quân đội Syria và đồng minh đã lấn chiếm thêm một số vị trí nằm ở phía đông
Aleppo và bảo vệ con đường tiến vào khu vực phía tây và dự trù mở cho dân chúng
đi lại.
Cách đây vài hôm, Ô. GaryJohnson- chủ tịch Đảng
Libertarian ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, khi báo chí hỏi về Aleppo, ông ngơ
ngác hỏi “Aleppo là gi?”. Thật tội nghiệp! Sự nghiệp chính trị của ông
này coi như chấm dứt và điều đó chứng tỏ không phải người Mỹ nào cũng thông
minh xuất chúng như chúng ta nghĩ. Aleppo đang là trung tâm điểm của thỏa hiệp
Nga-Mỹ. Nếu nửa phần còn lại (phía đông) Aleppo thất thủ, phe phiến quân
do Hoa Kỳ và đồng minh hỗ trợ coi như xóa sổ.
-AP
ngày 9/9/2016: “ Nga và Mỹ đã đạt được thỏa hiệp ngưng bắn cho
Syria sẽ được thi hành vào tuần tới, trùng hợp với một ngày lễ của Hồi Giáo. Một
số nhà bình luận cho rằng đây là chiến thắng của Moscow. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư
và Syria thì hoan nghênh thỏa hiệp này. ”
Tình
hình Biển Đông:
Hợp
ngày 3/9/2016: “Thủ Tướng Ấn Độ Modi đã ghé thăm Việt Nam nhân dịp
ông đến Trung -Quốc tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại Hàng Châu. Trong cuộc
hội kiến với Ô. Nguyễn Xuân Phúc, Ô. Modi nói rằng, Việt Nam là trụ cột quan trọng
trong Hành Động Hướng Đông của Ấn Độ đồng thời loan báo cấp thêm 500 triệu
đô-la tín dụng cho Việt Nam để tăng cường hợp tác quốc phòng. Hai bên cũng đã ký
12 hiệp định và các bản ghi nhớ, đồng thời cam kết đưa kim ngạch thương mại
song phương lên 15 tỷ đô-la năm 2020. Nhân dịp này Ô. Modi cũng đã ghé thăm
Chùa Quán Sứ mặc dù ông là một tín đồ Ấn Độ Giáo (Hindu). Tại đây ông nói rằng,
“Thế giới cần phải đi trên con đường hoà bình, đem lại hạnh phúc và thịnh vượng,
trong khi chiến tranh chỉ mang đến sự vĩ đại/phát triển tạm thời.” Hiện nay Ấn
Độ đang tranh giành ảnh hưởng lãnh đạo Phật Giáo thế giới với Trung Quốc, nhất
là Ấn Độ trở thành nơi che chở cho cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Về cuộc viếng
thăm này, VOA News 2/9/2016 đã trích dẫn lời bình luận của Giáo Sư Sukh Doe
Muni của Institute for Denfence Studies tại Tân Delhi như sau, “Sự viếng thăm của
vị lãnh đạo Ấn Độ là chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy Ấn Độ muốn biểu lộ sự thân thiện,
tình bạn, đoàn kết với Việt Nam, đặc biệt giữa lúc Việt Nam đang phải đối đầu với
nhiều áp lực trong vùng từ phía Trung Quốc.” (Professor Sukh Doe Muni, fellow
at the Institute for Defense Studies and Analyses in New Delhi, says the Indian
leader's arrival Friday comes as "the question of South China Sea has come
up in a big way." "Narendra Modi's visit actually is the strong
indication of India showing its friendship, camaraderie, solidarity with
Vietnam, particularly at the time when Vietnam is facing lots of pressure in
the region from China.)
-VOA
News ngày 3/9/2016: Trước Thượng Đình G-20 tại Hàng Châu, Tổng Thống
Obama trong một cuộc phỏng vấn với CNN đã nói/ám chỉ Trung Quốc rằng, “Liệu bạn
sẽ ký một thỏa hiệp yêu cầu tòa trọng tài quốc tế giải quyết những tranh chấp ở
Biển Đông, thực tế là bạn đã “to” hơn Việt Nam và Phi Luật Tân hoặc các quốc
gia khác….không có lý do gì bạn cứ đi chỗ này chỗ kia, phô trương sức mạnh. Bạn
phải tuân thủ luật pháp quốc tế.” RFI đã trích dẫn bản tin của Reuters như sau,
“Cuộc hội đàm giữa phái đoàn Trung Quốc và Hoa Kỳ kéo dài tới bốn giờ. Sau cuộc
gặp với chủ tịch Tập Cận Bình, tổng thống Barack Obama đã kêu gọi Bắc Kinh tôn
trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng “các nghĩa vụ” chiểu theo Công Ước Liên Hiệp
Quốc về Luật Biển (UNCLOS), để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Nguyên thủ
Hoa Kỳ cũng nhắc lại các cam kết của Washington đối với các đồng minh trong khu
vực. Còn chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh tiếp tục kiên quyết bảo vệ chủ
quyền và các quyền hàng hải của Trung Quốc ở biển Hoa Nam – tức Biển Đông. Lãnh
đạo Trung Quốc cũng nhắc lại là sẽ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình
thông qua đối thoại tham khảo với các bên liên quan, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ
đóng vai trò xây dựng trong hồ sơ/vấn đề này.” Tại Thượng Đỉnh Hàng Châu đã xảy
ra một số vụ lộn xộn như Ô. Obama phải xuống máy bay bằng cầu thang thoát hiểm
nên không có thảm đỏ, các phóng viên Mỹ bị ngăn chặn không được vượt qua hàng
rào an ninh, Bà Susan Rice- Cố Vấn An Ninh Quốc Gia can thiệp, cãi vã với nhân
viên an ninh Trung Quốc. Rồi lại vấn đề bao nhiêu nhân viên tháp tùng được vào
tham dự cuộc họp Obama-Tập Cận Bình.
Chính ra các viên chức Hoa Kỳ không nên cãi vã. Họ
là chủ, mình là khách. Nếu có gì không vừa ý thì ghi nhận và sau này phản đối
hoặc trình bày bằng đường lối ngoại giao hoặc “trả đũa” tức ông đón tôi thế
nào, tôi sẽ đón ông thế ấy. Xem lại đoạn phim ngắn (mà tiếng Việt lai Mỹ gọi là
clip), trong đó một bà trong phái đoàn của Ô. Obama cãi nhau với một viên chức
Trung Quốc, thật không đẹp tí nào, để đến nỗi họ nói, “Đất nước này là của
chúng tôi. Phi trường này là của chúng tôi.”
Theo tôi nghĩ, vấn đề lớn như Biển Đông không thể giải
quyết trong cuộc họp bên lề G20. Muốn giải quyết chắc chắn phải có “mật đàm”
theo kiểu Kissinger/Nixon ngày xưa. Hiện nay Trung Quốc là quốc gia duy nhất
trên hành tinh này, “nể Mỹ nhưng không sợ Mỹ”. Còn Mỹ thì “không nể Trung Quốc
nhưng lại sợ Trung Quốc”: Sợ đụng tới thì khủng hoảng kinh tế. Còn nếu chiến
tranh thì sợ hai bên đều hủy diệt.
-Reuters
ngày 4/9/2016: “Phi Luật Tân bày tỏ lo lắng và yêu cầu Tòa Đại sứ
Trung Quốc tại Phi Luật Tân giải thích về sự có mặt của một số lượng lớn tàu
thuyền của Trung Quốc tại gần Bãi Cạn Scarborough- khu vực tranh chấp giữa hai
nước tại Biển Đông.”
-AP
ngày 4/9/2016: Trước thềm Thượng Đỉnh ASEAN Vạn Tượng, Tổng Thống
Phi Luật Tân Duterte, trước khi đáp máy bay đi Lào, đã cảnh cáo, “Tổng Thống
Obama đừng có hạch hỏi tôi về việc giết người ngoài khuôn khổ luật pháp hoặc về
“đồ chó đẻ” tôi sẽ chửi thể cho mà coi. Tôi không phải bù nhìn của Mỹ. Rằng Mỹ
không chịu xin lỗi về những gì đã làm trong thời kỳ đô hộ Phi Luật Tân.” Đã có
trên 2000 người bị sát hại do có liên quan đến việc buôn bán hoặc sử dụng ma
túy để từ khi Ô. Duterte loan báo cuộc chiến chống lại ma túy tại đất nước ông
vào 30/6/2016.”
Chúng ta chờ xem ông tổng thống “Trương Phi” này xử
sự thế nào trước một diễn đàn quốc tế lớn như Thượng Đỉnh ASEAN. Tin giờ chót
cho biết Hoa Kỳ đã hủy bỏ cuộc gặp gỡ giữa Ô. Obama và Ô. Duterte. Thật đáng tiếc!
Chính ra Ô. Duterte không nên ăn nói thiếu đứng đắn như thế và nên lợi dụng cuộc
gặp gỡ bên lề để trình bày những gì mà Phi Luật Tân muốn. Còn Ô. Obama cũng đủ
khôn ngoan để không chạm tự ái ông tổng thống “Trương Phi” này. Lãnh đạo khôn ngoan
là cứ gặp, còn về nhà có thi hành hay không lại là chuyện khác. Lãnh đạo có bản
lãnh không sợ gặp bất cứ ai, không ngại bất cứ diễn đàn nào. Lúc nào cũng lịch
sự, nhỏ nhẹ nhưng bên trong là cả “một bồ kinh luân” như Khổng Minh phó hội
Giang Đông. Mình là nước nhỏ còn phải nương tựa vào ngoại bang để sống còn mà từ
chối lời mời của lãnh tụ một siêu cường vốn là đồng minh của mình…thì không phải
là hành động khôn ngoan. Hãy nhìn qua Cuba mà xem. Cuba chống Mỹ như thế nào cuối
cùng cũng phải bình thường hóa ngoại giao để đất nước có cơ hội tiến lên. Lãnh
đạo mà đặt tự ái lên trên quyền lợi của đất nước sẽ là thảm họa. Chính vì thế
mà đối với những vấn đề trọng đại của đất nước- tại Hoa Kỳ phải họp bộ tham
mưu, còn tại các quốc gia theo chế độ đại nghị phải họp đảng để quyết định.
Chưa làm tổng thống thì muốn nói gì thì nói. Đã làm tổng thống rồi, thì hầu như
các tổng thống Hoa Kỳ chỉ nói những gì, làm những gì đã được bộ tham mưu họp
bàn kỹ lưỡng, giống như một kịch sĩ nói, cười, khóc than trên sân khấu…giống hệt
như những gì đã được luyện tập theo kịch bản. Lãnh đạo một đất nước mà cương bậy,
nói năng bừa bãi thì…”tử chết tới bị thương”. Cuối cùng, theo AP ngày 6/9/2016,
Ô. Duterte đã bày tò sự hối tiếc đã tấn công cá nhân Tổng Thống Obama. “Dầu sao
“Ông Trương Phi” mà biết xin lỗi cũng là điều tốt. Vì đại cuộc đoàn kết Đông
Nam Á chúng ta có thể bỏ qua. Có lẽ rồi Ô. Obama cũng phải gặp Ô. Duterte mà
thôi và cuối cùng đã gặp nhau chóng vánh trước dạ tiệc do Thủ Tướng Lào khoản
đãi các vị nguyên thủ quốc gia. Ngoài ra, bên lề Thượng Đỉnh ASEAN, Ô. Duterte
đã nhận lời mời của Ô. Nguyễn Xuân Phúc viếng thăm Việt Nam.
-Reuters
ngày 5/9/2016: “Hội kiến bên lề thượng đỉnh G20, Chủ Tịch Tập Cận
Bình nói với Thủ Tướng Abe rằng Nhật Bản cần hành động thận trọng vể vấn đề Biển
Đông.” Đây có thể là điều nhắn nhủ của Hoa Lục rằng Nhật Bản chớ gửi chiến hạm
cùng Hoa Kỳ tuần tra ở Biển Đông. Trong khi đó cũng tại Hàng Châu, Tổng Thống
Putin nói rằng “Sự can thiệp của những cường quốc ngoài khu vực chỉ làm trở ngại
(hamper) cho việc giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông.” Rõ ràng lập trường
của Nga là chống lại sự can dự của Mỹ vào cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển
Đông
-Tổng
Hợp ngày 6/9/2016: Tổng Thống Pháp Hollande thăm Việt Nam. Trong cuộc
họp báo chung, Ô. Trần Đại Quang cho biết chuyến viếng thăm của tổng thống Pháp
đã khiến quan hệ Việt-Pháp chuyển qua giai đoạn mới và tạo xung lực giúp hợp
tác song phương hiệu quả hơn trên các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục. Hai lãnh
đạo nhất trí cần hướng tới tầm nhìn hợp tác dài hạn, quan hệ chính trị cần thắt
chặt hơn, tăng cường hợp tác quốc phòng, đối thoại, hợp tác an ninh trên biển
và trên không, tiếp tục thúc đẩy giáo dục, bảo đảm thành công hợp tác giữa Việt
Nam và Pháp tại Cần Thơ. Còn Theo BBC tiếng Việt, Tổng Thống Hollande loan báo
rằng trong chuyến thăm lần này, nhiều hợp đồng với các công ty Việt Nam đã được
ký kết như các hãng hàng không Việt Nam mua 40 máy bay của Airbus trị giá 6.5 tỷ
mỹ kim. Buổi chiều cùng ngày Ô. Hollande đã đi bộ thăm phố cổ Hà Nội, tiếp xúc
với một số cựu học sinh du học Pháp tại một quán cà-phê và được người dân tiếp
đón niềm nở nhưng không bằng Ô. Obama. Ô. Hollande cũng cảm thấy ấm lòng khi
nhìn thấy một số bảng hiệu thương mại ở khu phố mang tiếng Pháp…di sản của thời
thuộc địa. Khi Mỹ vào thì Pháp ra đi nhưng để lại khá nhiều dinh thự, cầu cống
mang tính lịch sử như Cầu Long Biên (Cầu Paul Doumer), Khách Sạn Metropole Hà Nội,
Phủ Chủ Tịch (Phủ Toàn Quyền), Tòa Đô Chính , Dinh Gia Long, Bưu Điện Sải Gòn
và nhất là Thành Phố Đà Lạt với Biệt Điện…Ông Hollande cũng khuyên sinh viên Việt
Nam nên du học Pháp. Tuy nhiên học ở Pháp không dễ như người ta tưởng.
-ibtimes
ngày 13/9/2016: “Trung Quốc và Việt Nam cam kết để những khác biệt
về Biển Đông qua một bên hầu tăng cường liên hệ song phương. Thủ Tướng Lý Khắc
Cường nói rằng hai quốc gia phải làm việc chung để duy trì hòa bình và ổn định
và kiềm chế căng thẳng trong vùng. Gặp gỡ Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
vào ngày 12/9/2016, Ô. Lý Khắc Cường xác nhận tranh chấp ở những vùng biển liên
quan đến tình cảm quốc gia của Trung Quốc và Việt Nam.“
Tôi phải “xin lỗi” ông Lý Khắc Cường (Miền Nam gọi
là “Thôi bỏ đi Tám!) Biển Đông chưa bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Hoa. Ông
dùng sức mạnh cưỡng chiếm biển đảo của người ta - Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988- rồi
hô hoán lên là có “tranh chấp” theo kiểu “vừa đánh trống vừa ăn cướp”.
Nhận
Định:
Trong hai tuần qua, dồn dập những tin xấu đến với
Hoa Kỳ:
1)Theo
Reuters ngày 7/9/2016, “Bên lề Thượng Đỉnh ASEAN tại Vạn Tượng, Thái Lan
cho biết họ ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc nhằm duy trì hòa bình trên biển chỉ
vài giờ sau khi Phi Luật Tân công bố hình ảnh rất nhiều tàu thuyền của Hoa Lục
xuất hiện gần Bãi Cạn Scarborough. Được hỏi liệu Thái Lan có về phe với Hoa Lục,
phát ngôn viên Thái Lan cho biết Thái Lan muốn thấy hòa bình được duy trì trong
quyền lợi của các quốc gia.”
Đây là lời tuyên bố “giội gáo nước lạnh” vào mặt Hoa
Kỳ, trong lúc Hoa Kỳ đang vận động các quốc gia Đông Nam Á đoàn kết để chống lại
sự bành trướng và quân sự hóa Biển Đông của Hoa Lục. Trong Chiến Tranh Việt
Nam, Thái Lan là “đệ tử” của Mỹ. U-tapao là căn cứ xuất phát B-52 oanh tạc Việt
Nam và Lào. Còn Udon nằm ở đông-bắc Thái Lan, là căn cứ không quân tiền phương
của Không Lực Hoa Kỳ và là bộ chỉ huy của Air America tại Á Châu để tiến hành
cuộc chiến tranh bí mật tại Lào và tung biệt kích vào Bắc Việt. Thái Lan cũng
đã gửi Sư Đoàn Mãng Xà Vương tham chiến bên cạnh quân đội Mỹ. Thế nhưng chỉ sau
1975 khi Mỹ “rút lui trong danh dự” khỏi Việt Nam, thì Thái Lan “trở mặt” với rất
nhiều lý do: Thái Lan là láng giềng của Trung Quốc đang trở thành một siêu cường
kinh tế toàn cầu và một sức mạnh quân sự đáng nể. Trung Quốc bây giờ không còn
giống như thời Mao Trạch Đông chỉ co cụm trong Lục Địa mà đã vươn toàn thế giới
trong lúc sức mạnh, cũng như ảnh hưởng của Hoa Kỳ mỗi lúc mỗi suy giảm. Một lý
do quan trọng nữa là Hoa Kỳ đi tới đâu đều giơ “ngọn roi nhân quyền “ ra để dọa
người ta cho nên người ta sợ nhưng không mặn mà và luôn luôn cảnh giác với
chính sách can thiệp và lật đổ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ lên án cuộc đảo chính của giới
quân phiệt Thái Lan năm 2014 khiến Tướng Payuth chan-Ocha tức giận và quay sang
chống Mỹ - không ra mặt nhưng công khai hợp tác cũng như ủng hộ Trung Quốc.
Nếu dưới sự lãnh đạo của Ô. Duterte, Phi Luật Tân
cũng lại “hòa hoãn” với Trung Quốc và Căm Bốt trở thành đàn em thân tín của Hoa
Lục thì ASEAN chỉ còn xác không hồn. Lúc đó, Việt Nam trở thành “đồng minh” duy
nhất của Mỹ tại Đông Nam Á để chống lại Trung Quốc. Bàn cờ thế giới biến chuyển
quá nhanh và đầy bất ngờ. Bất ngờ là vì một quốc gia mà Mỹ muốn biến thành “Thời
Kỳ Đồ Đá” nay lại là “người hợp tác toàn diện” với Mỹ. Còn Thái Lan- một “đệ tử”
lâu đời của Mỹ lại quay lưng với Mỹ.
Do những biến động cùa tình hình thế giới, do bối cảnh
địa lý chính trị, vì chiến lược an ninh và phát triển đất nước - ít ra cả trăm
năm nữa, không có lý do gì để Việt Nam “chống Mỹ” hoặc “không chơi” với Mỹ. Việt
Nam, do tình thế đã trở thành trọng điểm chiến lược trong chính sách “Xoay Trục”
của Hoa Kỳ. Chính vì thế mà ba tổng thống Mỹ đã tới thăm Việt Nam trong khi
chưa một tổng thống nào ghé thăm Thái Lan. Có thể chính vì thế mà Thái Lan ghen
tức chăng? Còn Ô. Ted Osius - có lẽ là vị đại sứ Mỹ thân thiện nhất với dân Việt
Nam- từ tiếp xúc với thanh nhiên, sinh viên, đạp xe đạp 1930 cây số từ Hà Nội
vào Sài Gòn…cho tới việc đưa mẹ và chị đi lễ Chùa Quán Sứ trong ngày Vu Lan Báo
Hiếu. Còn Ô. Đại Sứ Bunker thì trước năm 1975 được báo chí Miền Nam gọi là “Ông
Già Tủ Lạnh” vì sự nghiêm nghị, lạnh lùng, không cười, không nói, không tiếp
xúc với người dân hay bất cứ giới chức Việt Nam nào, ngoại trừ Tổng Thống Thiệu.
Thái Lan ngày nay kinh tế khá phát triển, nổi tiếng thế
giới qua kỹ nghệ “du lịch mua dâm” (sex tour) và Võ Tự Do (Kick boxing) hay còn
gọi là “Muay Thai”… theo chiều dài lịch sử, luôn luôn thành công trong chính
sách ngoại giao “gió chiều nào theo chiều ấy” hay “sớm nắng chiều mưa”. Thế
nhưng tình hình thế giới ngày nay vô cùng phức tạp, không biết rồi đây chính
sách “ngoại giao cây sậy” có còn hữu hiệu không khi mà sách lược “Xoay Trục”
hay “Tái Cân Bằng Lực Lượng” ở Châu Á của Mỹ bị tổn thương.
2)
Theo Reuters ngày 12/2/2016, “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte
kêu gọi Hoa Kỳ rút binh sĩ ra khỏi một đảo hẻo lánh nằm ở Mindanao vì sợ rằng sự
hiện diện của họ có thể làm phức tạp cho cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Hồi
Giáo nổi tiếng vì chặt đầu người Tây Phương. Ông Duterte được mọi người theo
dõi tuần qua vì những lời công kích Hoa Kỳ và Tổng Thống Obama, nói rằng lực lượng
đặc biệt Hoa Kỳ đang huấn luyện binh sĩ Phi Luật Tân tại đây là những mục tiêu
rất tốt cho nhóm khủng bố Abu Sayyaf có liên quan đến Nhà Nước Hồi Giáo (IS).
Ông Duterte nói rằng lực lượng đặc biệt này phải ra đi. Tôi không muốn rạn nứt
với người Mỹ, nhưng họ phải ra đi.”
Đây là tin rất xấu cho Hoa Kỳ. Hầu hết các quốc gia
như Iraq, A Phú Hãn, Ukraina, Yemen, South Sudan, lực lượng người Kurd, phiến
quân Syria, kể cả các quốc gia trong NATO như Anh, Pháp, Ý, Đức… đều hoan
nghênh lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ đến nước họ và chiến đấu bên cạnh họ. Lý do,
đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của Hoa Kỳ, xử dụng những vũ khí vô cùng tối
tân, kể cả những vũ khí bí mật và được yểm trợ bởi tất cả những phương tiện hiện
đại nhất từ trên không. Thế mà “ông tổng thống Trương Phi” này lại “mời họ đi
chỗ khác chơi”. Đây là dấu hiệu khởi đầu báo hiệu một giai đoạn khó khăn mới
trong bang giao Mỹ-Phi. Theo VOA News ngày 13/9/2016: “Tổng Thống Phi Luật Tân
Duterte hôm nay lại nói rằng chính quyền sẽ không cho phép quân chính phủ tuần
tra chung với lực lượng nước ngoài tại khu vực biển đang tranh chấp, hiển nhiên
xóa bỏ thỏa thuận với Hoa Kỳ của người tiền nhiệm (Tổng Thống Aquino). Ngoài ra
Ô. Duterte còn nói rằng ông tính chuyện tìm kiếm vũ khi từ Nga và Trung Quốc.”
Theo tôi, Ô. Duterte đang theo đuổi một chính sách
ngoại giao thật nguy hiểm. Rõ ràng Phi Luật Tân đang muốn hòa hoãn với Trung Quốc
và tìm cách đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Phi Luật Tân, tức bẻ gẫy sách lược “Xoay Trục” của
Hoa Kỳ. Trong khi Việt Nam dù hòa hoãn với Trung Quốc nhưng lại hợp tác toàn diện
với Hoa Kỳ và dùng sức mạnh của Hoa Kỳ để giữ yên Biển Đông tức không cản trở kế
hoạch “Xoay Trục”. Việt Nam cũng hiểu được vị thế xung yếu của Biển Đông nên
cũng đã hợp tác chiến lược với các đại cường như Nga, Nhật Bản và Ấn Độ để cân
bằng ảnh hưởng quốc tế. Xin Ô. Duterte nhớ cho, Đông Nam Á và Thái Bình Dương
là “sinh mệnh” của Hoa Kỳ và là nguồn sống của Nhật Bản, Nam Hàn. Không bao giờ
Hoa Kỳ để vùng này lọt vào tay bất cứ kẻ nào khác. Như tôi đã nói trong bài trước,
không một siêu cường nào có thể đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vùng Đông Nam Á mà trọng điểm
là Biển Đông. Nếu Phi Luật Tân đi ngược xu thế này thì Phi Luật Tân cũng “khó sống”
lắm chứ không phải chơi. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Phi Luật Tân không thể theo
đuổi sách lược vừa hòa hoãn với Trung Quốc nhưng vẫn giữ mối giao hảo với Hoa Kỳ,
vẫn cần sự hiện diện của Hoa Kỳ ở mức tối thiểu để bảo đảm Hoa Lục bất ngờ trở
mặt và nuốt trọn Biển Đông? Do yếu tố địa lý, Việt Nam có thể trung lập, nhưng
Phi Luật Tân cũng giống như Nhật Bản không thể trung lập mà cần có sự hỗ trợ của
Hoa Kỳ mới có thể giữ yên đất nước. Tôi không đồng ý việc Hoa Kỳ can thiệp quân
sự vào Iraq, Syria và Lybia, nhưng tôi ủng hộ và mong muốn Hoa Kỳ can dự vào vấn
đề Biển Đông bởi vì Biển Đông là vấn đề “cá lớn nuốt cá bé” và chà đạp luật
pháp quốc tế. Đông Nam Á không thể tự vệ nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ tại
đây. Chúng ta chờ xem phản ứng từ Hoa Thịnh Đốn như thế nào.
Đào
Văn Bình
(California ngày 15/9/2016)
(California ngày 15/9/2016)
No comments:
Post a Comment