Friday 19 August 2016

TRUMP & SANDERS GÃI ĐÚNG CHỖ NGỨA (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
August 16, 2016

Một người bạn tôi viết email nhận xét về hiện tượng ông Donald Trump nổi bật lên, chiếm huy chương trong cuộc chạy đua 16 người, giành được vai trò ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa: “Ý thức người dân ở Mỹ tương đối khá cao mà vẫn còn số đông khá lớn dễ bị lung lạc. Khi chạm phải những lãnh tụ nói mạnh, gãi đúng chỗ ngứa và bất mãn của họ, là họ sẵn sàng tôn làm lãnh tụ ngay.”

Quả thật, ông Trump đã “gãi đúng chỗ ngứa” và giải tỏa nỗi “bất mãn” của rất nhiều người Mỹ. Câu hỏi là: Những “chỗ ngứa và bất mãn” đó là gì? Tại sao chúng xuất hiện trong mùa bầu cử năm nay ở Mỹ?

Nhìn vào thành phần những cử tri Cộng Hòa ủng hộ Donald Trump, người ta thấy phần lớn là những người Mỹ da trắng, không tốt nghiệp đại học. Họ cũng bất mãn vì lợi tức không tăng, thường lo lắng khó kiếm việc làm. Ông Trump hứa hẹn với họ ba điều để giúp họ dễ kiếm việc hơn và lương bổng sẽ cao hơn: Ngăn chặn bớt hàng nhập cảng; bắt các xí nghiệp Mỹ đưa về nước những công việc làm trong ngành chế tạo (manufacturing jobs) mà họ đang đem ra nước ngoài; và đuổi các di dân bất hợp pháp, giảm bớt số di dân khác. Cả ba biện pháp này đều nhằm đối phó với những hậu quả của một hiện tượng đã lên mạnh từ thập niên 1990: Toàn cầu hóa kinh tế.

Sau khi các chế độ Cộng Sản sụp đổ hoặc đầu hàng chạy theo kinh tế tư bản, các nước trên thế giới trao đổi với nhau nhiều hơn. Số hàng hóa, dịch vụ, sức lao động và nguồn vốn đầu tư tự do đi qua các biên giới dễ dàng, nhanh chóng tăng lên rất nhanh. Nhờ tự do mậu dịch, kinh tế rất nhiều nước đã phát triển cao hơn, như lý thuyết kinh tế đã tiên đoán (Xin coi bài “Tự do mậu dịch ai cũng lợi” ngày 29 Tháng Bảy, 2016).

Nhưng không phải tất cả ai ai cũng được lợi. Thế nào cũng có một số người bị thiệt, vì không thích ứng kịp khi cơ cấu nền kinh tế thay đổi, cũng như khi kỹ thuật thay đổi. Trong kỹ thuật cũng như trong tổ chức sản xuất, có những tiến bộ “xóa bỏ trật tự cũ,” thay đổi quá lớn khiến nhiều người thiệt thòi. Việc sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất giúp cho xe hơi tốt hơn và giá rẻ hơn, nói chung “ai cũng lợi,” trừ những công nhân mất việc làm vì bị máy thay thế. Toàn cầu hóa kinh tế cũng gây ảnh hưởng giống như vậy. Khi nước Mỹ mở cửa, tự do mua bán với các nước khác, nhiều người Mỹ mất việc, hay lo lắng, bất mãn vì không có việc làm vừa ý.

Tuy nhiên, họ là một “thiểu số.” Một cuộc nghiên cứu dư luận của hãng Gallup, Tháng Hai năm 2016, cho thấy 33% dân Mỹ coi tự do mậu dịch là một mối đe dọa đối với họ, trong khi 58% nhìn thấy đó là cơ hội tốt. Số người lạc quan này tăng lên từ từ trong bảy năm qua, khi kinh tế Mỹ phát triển sau cuộc khủng hoảng năm 2007. Nhưng khi nói đến các trường hợp cụ thể thì nhiều người phân vân hơn. Một cuộc nghiên cứu khác của công ty Gallup cũng cho biết có tới 43% người Mỹ trả lời rằng họ không biết đầy đủ về những lợi ích hay thiệt hại của các hiệp ước tự do mậu dịch NAFTA hoặc TPP. Ðứng trước cái gì mình không biết rõ thì ai cũng dè dặt, nghiêng về hướng bi quan. Ông Donald Trump ở đảng Cộng Hòa cùng ông Bernie Sanders (thường gọi là Bernie) trong đảng Dân Chủ đã thu hút con số 43% này, khi họ công kích các thỏa ước trên, đặc biệt là hiệp ước Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership) mà Việt Nam là một trong 12 quốc gia ký kết. Những người Mỹ chống tự do mậu dịch thường nghĩ đến nước Tàu. Từ khi nước Tàu được gia nhập WTO đến nay, Mỹ giảm thuế nhập cảng theo tiêu chuẩn quốc tế, ước chừng 12 triệu công nhân Mỹ đã mất việc vì không cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cố ý loại Trung Quốc ra ngoài TPP, người ta vẫn chống. Nhiều cuộc nghiên cứu đã tiên đoán nước Mỹ được lợi nhiều khi TPP được thi hành. Tổng sản lượng nội địa sẽ tăng thêm gần 1% mỗi năm, trong 15 năm sau đó. Một nền kinh tế cao như nước Mỹ nếu mỗi năm tăng thêm 2% đã là nhiều, thêm gần 1% cũng quá tốt rồi. Nhưng dù đa số dân Mỹ được lợi với TPP, một số nhỏ hơn vẫn lo chính họ phải lãnh những thiệt thòi, mà đó cũng là sự thật.

Kinh tế toàn cầu hóa đã “xóa bỏ trật tự cũ,” đặc biệt là trong “dây chuyền sản xuất.”
Ngày xưa, người ta sáng chế, vẽ kiểu và lập quy trình chế tạo các sản phẩm với giả thiết rằng quá trình sản xuất sẽ được thi hành trong một nhà máy, một khu công nghiệp, rộng lắm là một thành phố, rồi có thể tản ra trong một nước. Với nền kinh tế toàn cầu hóa, địa bàn hoạt động lan ra khắp thế giới, bất cứ nước nào trên thế giới. Một thứ “máy” như iPhone, được vẽ kiểu ở Mỹ, rất nhiều bộ phận được chế tạo ở Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, và các nước Châu Âu. Rồi các bộ phận được đem qua cho các công nhân Tàu ráp lại. Trong giao dịch thương mại quốc tế, số bộ phận như vậy đã gia tăng, chiếm 22% năm 1980 lên tới 29% năm 2000. Những thứ gọi là “nhập lượng trung gian” (intermediate inputs) chiếm 56% các hàng hóa trao đổi trên thế giới trong năm 2005.

Việc sự toàn cầu hóa dây chuyền sản xuất phát triển nhanh chóng nhờ các tiến bộ kỹ thuật trong các ngành thông tin và vận tải.

Một biến đổi kỹ thuật trong ngành vận tải đã giúp cho việc mở rộng dây chuyền sản xuất là việc sử dụng những công tên nơ (container, người Việt ở Nga và Ðông Âu gọi là “công”). Thiết trí các bến cảng đã thay đổi, những tầu chuyên chở cũng thay đổi để sử dụng “công” trong nghề vận tải đường biển. Kinh tế toàn cầu hóa được đẩy mạnh nhờ sáng kiến này. Chính nó lại giúp cho việc sử dụng “công” gia tăng rất nhanh. Tất nhiên, nhiều công nhân làm nghề bốc dỡ hàng đã mất việc, nhưng các bến tàu cũng không còn lo bị tê liệt vì họ đình công nữa! Số công được dùng trên thế giới đã tăng trung bình gần 10% mỗi năm, từ 57 triệu năm 1985 tăng lên đến 499 triệu năm 2008. Trong năm 2009, số lượng giảm xuống vì kinh tế toàn cầu suy yếu, nhưng ngay sau đó gia tốc vọt thêm gần 11% mỗi năm, tới năm 2012 tổng số lên tới gần 610 triệu.

Tiến bộ tin học, Internet, các mạng xã hội là yếu tố thứ hai giúp cho việc toàn cầu hóa dây chuyền sản xuất. Một cuộc nghiên cứu thời trang ở Mỹ hoặc Châu Âu khiến người ta vẽ ngay một kiểu quần hay áo mới. Họa hình có thể được chuyển ngay trong vài phút qua một nhà xuất cảng ở Hồng Kông. Ngay sau đó, tin tức được chuyển qua một công ty sản xuất ở Ðài Loan. Công ty này thiết lập quá trình sản xuất rồi loan báo ngay cho những cơ xường của họ trong lục địa Trung Quốc. Trong một, hai ngày, món hàng mới có thể đã được gửi qua những cửa hàng ở London hay New York.

Những tiến bộ kỹ thuật trên giúp cho cuộc sống của mọi người tiêu thụ. Nhưng toàn cầu hóa dây chuyền sản xuất cũng làm cho nhiều người thất nghiệp. Vì thế, nhiều công nhân đã chống tự do mậu dịch.

Nhưng nước Mỹ được lợi nhiều nhất trong hiện tượng toàn cầu hóa. Trong khi lao động các nước khác chế tạo những thứ “nhập lượng trung gian.” Một cái iPhone khi bán giá 500 đô la, chỉ có vài đô la trả cho các công nhân lắp ráp, nhưng 40% trả cho công ty Apple.

Nhưng việc phân bố những lợi ích trên không đồng đều. Các thành phố như vùng Vịnh San Francisco ở Mỹ là nơi có rất nhiều người lao động được tưởng thưởng vì sử dụng trí não của họ sáng chế ra các sản phẩm mới. Thành phố New York hoặc London được lợi vì các trung tâm ngân hàng ở đó chuyển tiền vốn cho các nghiệp vụ đầu tư và xuất nhập cảng. Số người đó được tăng lương khiến cho chênh lệch về lợi tức ngày càng lớn hơn, ở Mỹ cũng như các nước tiên tiến khác.

Những người được hưởng lợi ít nhất, và bị thiệt thòi nhiều nhất, là những công nhân ít học, không có kỹ thuật cao. Họ cảm thấy toàn cầu hóa chỉ lợi cho một số những công ty lớn. Họ nghĩ rằng giới lãnh đạo chính trị, cả hai đảng, đã bỏ rơi họ. Những cử tri da trắng, trung lưu nhưng ít học thấy họ khó kiếm được việc làm, mà nếu con cái họ không vào đại học thì cũng sẽ chung số phận. Lợi tức của lớp người này không tăng nhanh bằng những người học cao hơn. Nếu điều chỉnh để loại bỏ số lương tăng vì lạm phát thì “lợi tức thật” của họ, từ năm 1999 đến 2014 đã giảm mất 19%. Ðó là lý do khiến cho ông Donald Trump cùng ông Bernie Sanders đã thu hút được nhiều người ủng hộ.

Có phải họ “dễ bị lung lạc” vì các nhà chính trị lớn tiếng hay không? Không, họ bỏ phiếu theo đúng quyền lợi của gia đình họ. Tiếng nói lớn của những ông Trump và Bernie là tiếng nói của họ. Họ sẽ khiến các nhà chính trị khác phải lắng nghe. Chính phủ Mỹ sẽ không thể bỏ quên họ được nữa. Nước Mỹ phải có những chương trình kinh tế, xã hội, huấn luyện, giúp cho hàng triệu người mất việc vì kinh tế toàn cầu hóa, để họ sẽ kiếm được việc làm. Chế độ tự do dân chủ tạo cơ hội giúp cho người dân lên tiếng trong các mùa bầu cử. Nhưng ông Trump và Bernie đã “gãi trúng chỗ ngứa,” cho nên được nhiều người ủng hộ.
  




No comments:

Post a Comment

View My Stats