Thursday 18 August 2016

SỰ KIỆN YÊN BÁI NGÀY 18/8/2016 : MỘT CƠN ÁC MỘNG CHO ĐẢNG CSVN (Việt Hoàng - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ năm, 18 Tháng 8 2016 17:48

Huy chương vàng Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng được báo chí Việt Nam (VN) miêu tả như là phát súng gây “chấn động năm châu bốn biển”. Điều này cũng có phần sự thật vì đây là lần đầu tiên VN có được huy chương vàng tại một thế vận hội thể thao lớn nhất hành tinh. Chúng ta đều tự hào về anh Hoàng Xuân Vinh. VN được báo chí thế giới biết và nhắc đến cũng nhờ kỳ tích lịch sử này.

Dư âm của phát súng “chấn động địa cầu” mà anh Hoàng Xuân Vinh đạt được chưa kịp lắng xuống thì những phát súng mới của “xạ thủ” Đỗ Cường Minh, đương kim Chi cục trưởng kiểm lâm Yên Bái nhắm vào hai vị quan to nhất đầu tỉnh Yên Bái lúc 8 giờ ngày 18/8/2016 đã thật sự gây ra một cơn chấn động kinh hoàng cho Đảng cộng sản VN (ĐCSVN) và người dân VN. Kết quả là cái chết của ba người: Phạm Duy Cường (Bí thư tỉnh ủy Yên Bái), Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) và Đỗ Cường Minh.

Đáng lẽ ra đây phải là một tin buồn vì ít nhất có ba người thiệt mạng, kéo theo ba người vợ mất chồng, nhiều đứa trẻ mất cha và nhiều gia đình mất người thân tuy nhiên trên mạng xã hội, thay vì chia buồn cùng các nạn nhân thì dư luận lại “hả hê” trước những cái chết đó. Đặc biệt hơn cả là dư luận dường như “thông cảm” với “xạ thủ” Đỗ Cường Minh hơn hai nạn nhân là quan to kia. Công bằng mà nói thì khuôn mặt của “xạ thủ” Đỗ Cường Minh nhìn “lương thiện” và có cảm tình hơn hai ông quan đầu tỉnh.

Đây là một cú sốc nặng của chính quyền VN, lần đầu tiên xảy ra một vụ “thanh toán” kinh hoàng như vậy trong nội bộ đảng mà hung thủ lẫn nạn nhân đều là quan chức cao cấp của chính quyền tỉnh Yên Bái. Ban Tuyên giáo đợt này sẽ rất khó khăn để nghĩ ra một lý do cho vụ thảm sát. Vì tình? Vì tiền? Vì buồn bực chuyện gia đình? Bất mãn cá nhân? ...Tất cả đều khó thuyết phục.

Đâu là nguyên nhân của vụ án kinh hoàng này? Có lẽ là người ngoài cuộc sẽ không bao giờ biết được. Phải có một lý do gì đó cực kỳ nghiêm trọng và không thể giải quyết được nên ông Cường mới chọn giải pháp “trạng chết, chúa cũng băng hà”, có thể ông ta đã bị hai ông Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn đẩy đến bước đường cùng.

Nhà văn Nam Cao “bỗng dưng” sống lại với tuyệt phẩm Chí Phèo:“Cả làng Vũ Đại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm, không thiếu kẻ mừng ra mặt! Có người nói xa xôi: "Trời có mắt đấy, anh em ạ!" Người khác thì nói toạc: "Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có cần phải đến tay người khác đâu". Mừng nhất là bọn kỳ hào ở trong làng. Họ tuôn đến để hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn lý Cường bằng những con mắt thỏa mãn và khiêu khích. Ðội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ, trước mặt bao người: "Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn". Ai chả hiểu "người ta" đó là chính ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ: "Thằng mọt già ấy chết, anh em mình nên ăn mừng". Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: "Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu...”.

Dư luận trên mạng xã hội cho rằng nguyên nhân vụ án có thể liên quan đến việc phá rừng nghiêm trọng xảy ra bấy lâu nay tại Yên Bái, giờ đã đến lúc bị chính quyền mới của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sờ gáy, hai ông Bí thư tỉnh ủy và Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy muốn đổ hết tội lên đầu ông Đỗ Cường Minh khiến ông Minh tuyệt vọng nên hành động như vậy.

Theo chúng tôi thì có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất chính quyền mới đang tiến hành một chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” theo kịch bản của Tập Cận Bình bên Trung Quốc nhưng theo phiên bản VN. Vụ Trịnh Xuân Thanh (phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang), Vũ Huy Hoàng (cựu bộ trưởng Công thương) … là những ví dụ. Chính phủ mới đang chặt dần vây cánh của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nhiều quan chức sẽ bị sờ gáy là đương nhiên. Chối tội, đẩy tội cho người khác để thoát thân là việc phải làm của những kẻ đang ở thế mạnh và nạn nhân của nó là chính cấp dưới, là những người từng chung một chiến hào. Phát súng tuyệt vọng của Đỗ Cường Minh có thể là giọt nước tràn ly.

Lý do thứ hai là kinh tế VN đang gặp khó khăn, các khoản vay quốc tế đã chấm dứt. Chiếc bánh ngân sách và đầu tư ngày càng nhỏ lại trong khi đó nhu cầu “ăn bánh” lại ngày càng tăng bởi lý do “ăn quen, nhịn không quen”. Giá của các “ghế” ngày càng cao nên nhu cầu “thu hồi vốn” ngày càng lớn. Ngày xưa cái bánh to nên dễ chia bây giờ cái bánh nhỏ lại nhưng nhu cầu vẫn cao nên dẫn đến việc tranh giành và xâu xé lẫn nhau. Đây là diễn biến tất yếu của một chế độ độc tài toàn trị trên con đường sụp đổ.

Thật ra những gì đang xảy ra tại VN cũng không có gì là lạ. Trong chương 7: Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai) chúng tôi có nhận định:

“Bốn điều kiện cần và đủ của cuộc cách mạng dân chủ"

Lịch sử các cuộc vận động chính trị lớn tại các quốc gia qua các thời đại cho thấy có bốn điều kiện vừa cần vừa đủ để một cuộc cách mạng -hiểu theo nghĩa tích cực của một sự thay đổi toàn diện của cả chế độ lẫn định hướng quốc gia- thành công:

Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Dĩ nhiên không bao giờ có điều kiện nào được thực hiện xong 100% cả, nhưng tới một mức độ chín muồi nào đó ta có thể coi một điều kiện là đã đạt được.

Nhìn vào bối cảnh hiện tại của đất nước chúng ta có thể khẳng định là hai điều kiện đầu đã có. Toàn dân đã chán ghét chế độ và đang nôn nóng chờ đợi thay đổi. Khát vọng dân chủ ngày càng lên cao trong dân chúng; hơn thế nữa sự chuyển hóa về dân chủ ngày càng được nhìn như một lẽ tự nhiên và một sự bắt buộc, càng trì hoãn chừng nào càng gây thiệt hại cho đất nước chừng đó. Không những dân chúng mà cả một số lượng đông đảo cán bộ và đảng viên cộng sản cũng đang mất kiên nhẫn trước sự trơ lì của ban lãnh đạo cộng sản.

Mặt khác, Đảng Cộng Sản cũng đã ruỗng nát. Cán bộ đảng viên đã mất hết mọi tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và nhìn ban lãnh đạo đảng như những đầu sỏ tham nhũng, ngược lại ban lãnh đạo đảng cũng đánh giá đa số đảng viên là gian trá, thiếu khả năng và phẩm chất. Những xung đột rất trầm trọng đã xảy ra ngay giữa các cấp lãnh đạo cao nhất. Tâm lý ngự trị trong đảng là thi nhau giành giật, mạnh ai nấy sống. Đảng Cộng Sản đã mất ý chí và sức sống của một đoàn thể. Khối ba triệu đảng viên cộng sản hiện nay không còn là một chính đảng mà là một giai cấp thống trị chia rẽ.

Điều kiện thứ ba cũng đã gần đạt được. Đại bộ phận quần chúng, kể cả đảng viên cộng sản, đều đã đồng ý rằng chế độ chính trị tương lai của Việt Nam bắt buộc phải là một thể chế dân chủ đa nguyên, dành chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người; mọi người đều đã đồng ý rằng nền kinh tế của Việt Nam phải là kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng, lấy cạnh tranh làm sức mạnh và lấy lợi nhuận làm chất kích thích. Hơn thế nữa chúng ta còn ý thức được rằng phải thực hiện cuộc cách mạng dân chủ này bằng đường lối bất bạo động, trong tinh thần hòa giải dân tộc. Chúng ta chỉ còn thiếu một dự án chính trị rõ ràng và minh bạch, đặt ra những vấn đề lớn của đất nước cùng với những hướng giải quyết. Trong tinh thần đó dự án chính trị này là một đóng góp.

Sau cùng chúng ta cũng đã thấy xuất hiện những cố gắng kết hợp quan trọng. Một số những khuôn mặt tranh đấu, thuộc những quá khứ chính trị khác nhau cũng đang dần dần trở nên quen thuộc nhau và với quần chúng. Ý thức về sự cần thiết bắt buộc của đấu tranh có tổ chức cũng ngày càng được nhiều người chia sẻ. Những điều kiện cho một sự tập hợp các lực lượng dân chủ đang trở nên ngày càng thuận lợi hơn.

Như vậy việc còn lại phải làm là hoàn tất điều kiện thứ ba, nghĩa là đạt tới đồng thuận trên một dự án chính trị, và xây dựng điều kiện thứ tư, nghĩa là hình thành một kết hợp dân chủ có tầm vóc. Có thể nói chúng ta đã đi được ba phần tư lộ trình dẫn đến dân chủ. Nhưng đoạn đường còn lại, xây dựng một tập hợp chính trị làm tụ điểm cho khát vọng dân chủ, cũng là đoạn đường cam go nhất. Lý do là vì chúng ta gặp phải một liên minh gắn bó giữa, một bên, là chính sách đàn áp thô bạo của một đảng cầm quyền cực kỳ lì lợm và, bên khác, là sự thụ động của một dân tộc đã rã hàng sau quá nhiều thất vọng và thương tổn, một sự thụ động được khuyến khích bởi chính sự thiếu vắng một kết hợp dân chủ có tầm vóc”.

ĐCSVN không còn lý tưởng, họ duy trì quyền lực chỉ bằng vũ lực. Nhìn vào lực lượng công an “còn đảng còn mình” hùng hậu nhiều người cứ nghĩ là chính quyền VN đang mạnh. Thật ra họ đang yếu, rất yếu. Trong hai chân chống để duy trì một chế độ là “thuyết phục” và “khuất phục” thì chân “thuyết phục” là quan trọng hơn cả. “khuất phục” luôn là chân phụ và chỉ có thể dùng với một nhóm người nhỏ trong những trường hợp đặc biệt. ĐCSVN hiện nay đã thất bại gần như hoàn toàn trong việc “thuyết phục” người dân VN. Họ đang đi một chân và là chân phụ nên không thể đi lâu và đi xa. Một sự kiện khá đặc biệt là ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải công khai xin lỗi người dân khi đoàn xe của ông đi vào phố đi bộ tại Hội An, Đà Nẵng.

Chính quyền VN đang sống những ngày cuối cùng trong tuyệt vọng khi họ phải gia tăng hành động “khuất phục” bằng vũ lực đối với người dân VN. Bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, càng áp bức thì sự phản kháng sẽ càng mạnh mẽ. Việc người dân VN tấn công công an và cảnh sát đã trở thành “cơm bữa”. Bạo lực đã và đang bùng phát một cách dữ dội trong xã hội VN, giờ đây nó đã lan đến các cấp lãnh đạo chính quyền.

Tiền bạc (như chúng tôi từng phân tích) chưa bao giờ là chất keo kết dính con người lại với nhau trong một tổ chức dù là một hội đoàn dân sự nhỏ hay cao nhất là một tổ chức chính trị. Tất nhiên là như vậy, nếu không thế thì các tổ chức maphia hay các đảng cướp sẽ lên nắm chính quyền chứ không phải các tổ chức chính trị.

Tư tưởng, lẽ phải, lời nói sự thật có sức mạnh vô biên của nó. Bốn ngàn năm tồn tại của chế độ phong kiến trên thế giới đã phải sụp đổ vì sự xuất hiện của các nhà tư tưởng và triết gia lỗi lạc trong thế kỷ 18, thế kỷ Khai Sáng hay còn gọi là thế kỷ Ánh Sáng. Một phong trào tư tưởng luôn đi trước và dẫn đường cho các cuộc cách mạng.

Chủ nghĩa cộng sản và tư tưởng Mác-Lênin đã bị cả nhân loại lên án là tội ác chống lại loài người và bị vứt bỏ vào sọt rác của lịch sử từ lâu. Tuy nhiên nó vẫn còn thoi thóp và sống lay lắt những ngày tháng cuối cùng tại VN. Sỡ dĩ nó sống lâu và dai dẳng như vậy vì trí thức VN nói riêng và người dân VN nói chúng vẫn chưa khai thông được tâm lý rằng chúng ta có thể đánh bại nó bằng sự dẫn dắt của một tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn, yêu nước và có viễn kiến.

Trí thức VN vẫn chưa làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình là “hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng”.

Việc làm cấp bách nhất trong lúc này là khai thông tư tưởng cho những người tranh đấu và cho quần chúng VN rằng thay vì ngồi chờ chế độ cộng sản tự sụp đổ thì chúng ta hãy dấn thân và tham gia một cách chủ động vào quá trình đó. Trí thức VN phải lên tiếng và ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ có tiềm năng. Phải mang các giá trị tư tưởng nhân văn và tiến bộ của các dự án chính trị nghiêm túc đến với người dân để hai điều kiện cuối của một cuộc cách mạng dân chủ sớm thành hiện thực: “Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới”.

Việt Hoàng




No comments:

Post a Comment

View My Stats