Saturday, 6 August 2016

PHẢI ĐI MỚI GIỮ ĐƯỢC SỰ HIỆN HỮU CỦA CON ĐƯỜNG (Vũ Đông Hà - Danlambao)






Liệu tôi có thể đem câu nói của Nhà văn Elie Wiesel, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1986 - “Tôi thề sẽ không bao giờ im tiếng ngày nào mà bất kỳ ở đâu con người còn bị đau khổ và đày đọa. Chúng ta phải nhập cuộc. Thái độ bàng quan chỉ có lợi cho kẻ đàn áp. Im lặng là khuyến khích kẻ áp bức” để kêu gọi dân tôi nhập cuộc? 

Liệu tôi có thể mượn Martin Luther King “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt” để xóa bỏ được thái độ dùng dằng, lưỡng lự của người bạn giáo sư đại học khi thấy rằng mỗi lên tiếng bày tỏ lòng yêu nước có thể phải trả giá bằng những nắm đấm và bị đảng cho mất dạy?

Liệu tôi có thể đem nhà văn của Trại Súc Vật George Orwell ra để nói với người thân “trong thời đại của sự lừa dối phổ quát, nói lên sự thật trở thành một hành động cách mạng”, khi mà những ánh mắt ghẻ lạnh, những cái đầu quay đi của đại đa số dân tôi đã dành cho những-sự-thật-được-giương-lên giữa đường phố? 

Bao năm qua, đã bao nhiêu lần chúng ta phải đối diện với ánh mắt vô cảm của thế nhân, đã lặng lẽ ôm vào đêm nỗi niềm cô đơn của chính mình? Đã bao lần mỗi chúng ta chỉ còn muốn bám lấy cái-phao-hy-vọng-cá-nhân để bỏ lại sau lưng dòng sông nuôi dưỡng chúng ta hơn 4000 năm? Oan khiên nào đã trói chúng ta vào định mệnh của đất nước? Điều gì đã níu chặt ta lạ lùng dai dẳng? Tại sao chúng ta vẫn miệt mài đi tiếp con đường này? Mùi rơm, hương đất, cơn mưa, câu hò của Mẹ đã thúc giục ta gắn bó với mảnh đất này, hay dòng chảy 4000 năm nào đó vẫn còn luân lưu trong huyết quản mỗi người?


758 năm trước. Mười vạn hùng binh Mông Cổ vượt Lạng Sơn, tràn về Thăng Long. Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập bô lão, lấy quyết định của lòng dân nên hòa hay chiến. Hưng Đạo Vương gióng lên lời Hịch Tướng Sĩ nguyện phơi thân ngoài nội cỏ, da ngựa bọc thây. Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt nghĩ binh thư, âu lo vận nước. Trần Quốc Toản đem khí phách thêu vào ngọn cờ phá cường địch báo hoàng ân. 

758 năm trước. Diên Hồng. Bình Than. Tây Kết. Hàm Tử. Chương Dương. Vườn không nhà trống. Tiếng đập cùng nhịp điệu của những con tim Đại Việt, vua cũng như thần, thần cũng cũng như dân, làm nên con sóng Bạch Đằng. 

758 năm sau. Không nghe tiếng vó ngựa giày xéo. Không thấy những nhát gươm vung lên để đầu rơi lăn lóc. Không có những xóm ngùn ngụt khói lửa trong tiếng hò reo man rợ Nguyên Mông. Không có xác nghĩa quân da ngựa bọc thây. Chỉ xác cá la liệt phơi kín bờ. Chỉ biển Đông vắng lặng bóng ngư dân. Chỉ bùn đỏ rình rập tràn lan núi rừng. Chỉ những đạo quân lạ nghênh ngang cầm Mao tệ náo loạn khắp phố phường. Và những quan thiên triều phương Bắc ra vào Ba Đình như vào hố xí công cộng ở Bắc Kinh.

758 năm sau. Chỉ có tiếng rú của những chiếc xe dream thay cho vó ngựa. Phố phường ám khói thế cho xóm làng binh lửa. Mười vạn hùng binh nhường bước cho cả triệu món hàng ào ạt băng qua cửa khẩu. Thăng Long chỉ còn lại những chiếc lưng còng khom xuống từ ngai vàng hướng về phương Bắc: nên hòa hay bại. Bô lão Diên Hồng được trám chỗ bằng những cái đầu gật ở Hoàng Văn Thụ. Những hình xâm Sát Thát giờ chỉ còn là một chữ S bị cắt dọc hình hài: $. 

758 năm sau. Triều đình 19 thái thú con hoang, 200 tướng sĩ lợn, 3.6 triệu xe pháo cẩu say sưa ca bài đời đời biết ơn quân xâm lược, nghìn năm bảo tồn gia sản kẻ xâm lăng, ngày đêm tụng câu thần chú hèn với giặc ác với dân để được còn đảng còn mình. 

758 năm sau. 90 triệu cái đầu nhìn xuống đất. 90 triệu vong linh bị ngộ độc từ tinh thần đến thể xác mà vẫn lom khom thấy bóng rất anh hùng. 90 triệu đôi chân không biết bước. 90 triệu bàn tay bỏ phiếu theo lệnh triều đình để cái loa phường vang vang bài ca làm-chủ-đất-nước. Để du đãng đóng vai chánh án. Để đạo tặc mặc áo thầy tu. Để việt gian giảng bài ái quốc. Để kẻ cướp cầm quyền. 


Tự do bị cướp mất sẽ có ngày lấy lại, Nhân quyền bị bức tử có lúc cũng hồi sinh. Dân chủ bị bóp nghẹt rồi có lúc phục hồi. Nhân bản bị chà đạp cũng sẽ một ngày vươn vai đứng thẳng. Trí tuệ bị thui chột ắt có ngày nở hoa. Tất cả nằm trong tầm tay và ý chí tranh đấu của đại khối dân tộc đối với thiểu số độc tài cùng dòng máu. 

Nhưng mất nước thì biết bao giờ mới lấy lại? Dân nào sẽ làm chủ cho một quốc gia đã mất? Nhân quyền nào dành cho kẻ không quê hương? Tự do nào đến với những người đã bị cướp đi căn cước của mình? 

Vấn nạn của đất nước ngày hôm nay là tình trạng mỗi con người chỉ lo sợ mất miếng ăn, manh áo, công ăn việc làm hơn là âu lo giang sơn tổ quốc mất đi một vùng biên giới mịt mù, một vùng biển xa xăm. Điều bất hạnh cho một dân tộc sẽ xảy đến nếu tầm nhìn của đại khối chỉ là sự hài lòng với những nhỏ nhoi riêng tư có được mà không biết rằng cuộc đời mình đã bị tước đoạt muôn vàn thứ và coi những mất mát chung không phải là thiệt hại của riêng mình; không nhận thức rằng sự mất mát chung của dân tộc sẽ tiếp tục dẫn đến mất mát cho từng cá nhân, từng gia đình. 

Muốn lấy lại những gì đã mất thì phải biết những gì đã mất, đang mất và sẽ mất. Đất nước không chỉ mất đi mấy trăm kí lô mét vuông lãnh thổ, mấy nghìn kí lô mét vuông lãnh hải, hàng triệu cá tôm. Đất nước đang đứng trước hiểm họa hoàn toàn mất đi độc lập chính trị, tự chủ kinh tế. Nguy hiểm hơn, Dân tộc đang đứng trước biên giới tử sinh khi đại khối người dân đang đánh mất tinh thần phản kháng oai hùng của tiền nhân, chỉ còn lại những con người sống với niềm tự hào dân tộc hão, với tình trạng giống như những con cóc bị bỏ trong nồi nước đun sôi từ từ nhưng vẫn vô tư cho là cuộc đời mình đang ấm áp. 

Muốn lấy lại những gì đã mất thì phải lấy lại quyền làm chủ vận mệnh của chính mình và của đất nước cho mọi người dân. Đất sẽ tiếp tục bị xâm lăng, khai thác, tàn phá; biển sẽ tiếp tục bị tranh giành, thao túng, cướp đoạt, môi trường và con người sẽ bị đầu độc cho đến khi kiệt quệ, trở thành xác không hồn nếu nhà Việt Nam vẫn còn bị một thiểu số cộng sản dành quyền làm chủ, độc tôn quyết định vận mạng tổ quốc, nhưng sẵn sàng dâng hiến gia sản tổ tiên để củng cố địa vị cá nhân và guồng máy thống trị. 

Muốn lấy lại những gì đã mất thì phải biết rõ cái gì cần phải cho nó biến mất. Đó chính là đảng cộng sản Việt Nam. Chúng đã hết thời! Chúng thối nát! Chúng phải ra đi! 

Nhưng chúng sẽ chẳng bao giờ tự ra đi nếu chúng ta không tranh đấu để chấm dứt sự hiện hữu của chúng. Mọi nỗ lực tranh đấu chống ngoại xâm đều vô vọng khi tập đoàn nắm trong tay vận mạng của dân tộc là một lũ chư hầu. Đã không có được bản hùng ca Bạch Đằng Giang nếu vua nhà Trần không là Trần Thái Tông mà là Trần Ích Tắc. Đã không có được một Đống Đa kiêu hãnh nếu Lê Chiêu Thống bám trụ ngai vàng. Và chắc chắn sẽ mất nước nếu Nguyễn Phú Trọng ngày ngày quỳ gối ở Ba Đình cúi đầu hướng về phương Bắc. 

Vì thế: Chúng ta phải biết “sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt.” 

Vì thế: Chúng ta phải biết “trong thời đại của sự lừa dối phổ quát, nói lên sự thật trở thành một hành động cách mạng.” 

Vì thế: “Chúng ta phải nhập cuộc. Thái độ bàng quan chỉ có lợi cho kẻ đàn áp. Im lặng là khuyến khích kẻ áp bức.” 

Bạn hỡi hãy nhập cuộc. Hãy quẳng đi nỗi cô đơn và hãy nhìn vào con đường trước mặt bằng hồn nhiên như tuổi ấu thơ, như những bạn bè nhỏ bé người Thượng ngày xưa đi chân trần phăng phăng trên lối mòn nhẳn bóng, ngoằn ngoèo vốn đã hiện hữu từ tiền kiếp để nuôi sống nhiều thế hệ gánh gùi từ buôn làng về phố thị đổi chác. Hãy bình minh như những đôi chân nhỏ bé đã làm lùi bước cỏ hoang và gai góc trên lối mòn đó. Hãy thanh thản như những bước đi để góp phần nuôi dưỡng sự tồn tại của con đường sinh tử nghìn năm. 

Ngày hôm nay, những bước chân của anh em mình và bao người âm thầm khác cũng đang tiếp tục đi trên con đường phục hưng của tổ tiên từ tiền kiếp. Máu đổ, mồ hôi rơi, mệt nhoài, thở dốc nhưng vẫn luôn biết rằng phải đi mới rút dần khoảng cách, phải đi mới có thêm người nhập cuộc, phải đi mới giữ được sự hiện hữu của con đường. Nếu có lúc, mỗi chúng ta ngồi thừ người trước mịt mùng và cảm thấy cuộc đời tuyệt vọng như lũng sâu thì hãy coi đó như một buổi tối ngồi ở quán trọ ven đường, chờ nhìn cơn mưa giông buồn thảm ngoài hiên nhưng vẫn biết rằng mưa hoài rồi sẽ dứt. Chúng ta sẽ lại lên đường, bỏ lại quán nhỏ sau lưng và trời sẽ hừng sáng theo bước chân của người bạn bên cạnh đi về phía trước. 

VIDEO :
Chúng tôi muốn biết

07.08.2016







No comments:

Post a Comment

View My Stats