Ngô Nhân Dụng
August
9, 2016
Một tờ
báo mạng ở Châu Á mới đưa lên câu chuyện một nhà hàng tại Ðà Nẵng, Việt Nam, dựng
tấm bảng trước cửa, ghi “Không Bán Hàng Cho Người Trung Quốc” bằng chữ Việt và
chữ Trung Hoa. Bản tin kèm theo nhiều bức hình, thấy rõ tên quán ăn là Quán Ngọc
Quý 2. Nhà hàng này tự quảng cáo “Các Món Nhậu Bình Dân.” Tấm bảng cấm này có thể
trở thành một “Món Nhậu” mới lôi kéo khách, vì dân nhậu sẽ có một đề tài tha hồ
bàn tán lúc rượu vào lời ra.
Bản tin
về quán Ngọc Quý 2 nói rõ thêm, rằng lâu nay ai cũng biết các du khách Trung
Hoa lục địa không được tiếng là những người lịch thiệp, thanh nhã. Nhưng gần
đây cảnh một du khách Trung Quốc gây lộn với một người bán chuối là “giọt nước
làm tràn ly” khiến dân Ðà Nẵng phản ứng mạnh.
Câu
chuyện Bà Bán Chuối được nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái đưa lên Facebook ngày 27
Tháng Bảy năm 2016, được hàng chục ngàn người vào đọc trong một tuần. Ðoạn
video chiếu cảnh một thanh niên mua chuối, ăn mấy quả chuối rồi vừa nhai vừa
đưa trả tiền bằng tiền Tàu, do đó biết anh ta là người Trung Quốc. Bà già không
nhận, khách hàng nổi giận ném “trả lại” mấy cái vỏ chuối vào chiếc thúng bà đeo
trên quang gánh. Ông khách hàng mặc áo sơ mi ngắn, may ô chữ T, vừa xí xố mắng
mỏ, vừa giằng co, giật cả chiếc nón lá trên đầu bà cụ. Cuối cùng bà bán chuối
phải cầm đồng tiền Tàu cho yên thân!
Bà bán
hàng nhượng bộ, nhưng dân Việt Nam, nhất là dân Ðà Nẵng nổi giận. Chính quyền
Việt Nam tuyên bố sẽ trục xuất người khách kia về Tàu nhưng cho tới nay chưa có
tin tức nào, không biết tên họ anh ta là gì, làm gì ở nước ta. Anh ta có thể
không phải du khách mà là một công nhân đang làm việc cho mấy công ty Trung Quốc,
đuổi đi cũng rắc rối. Phản ứng của nhà hàng Ngọc Quý tiêu biểu cho nỗi giận dữ
của dân Việt Nam. Chính quyền không đuổi, nhưng người dân có quyền từ chối
không tiếp các khách hàng Trung Quốc!
Theo mạng
Shanghaiist thì vị chủ nhân của nhà hàng Ngọc Quý cho biết xưa nay ông vẫn đặt
khách hàng lên trên hết, và hoan nghênh mọi người Trung Hoa; mặc dầu nhiều khi
các người này gây lộn xộn làm phiền những thực khách khác. Khi ông can ngăn, họ
làm ra bộ không hiểu tiếng Anh. Ðiều phiền nhất là họ đòi trả tiền bằng đồng
nguyên, “nhân dân tệ” của Trung Cộng. Nhiều khi họ mặc cả đòi bớt tiền phải trả.
Chính
quyền Ðà Nẵng đã yêu cầu chủ nhân nhà hàng Ngọc Quý gỡ bỏ tấm bảng “Không Bán
Hàng Cho Người Trung Quốc.” Chắc ông chủ sẽ phải làm theo lệnh. Nhưng người dân
Ðà Nẵng thì hoan hô phản ứng hữu lý của ông, chắc dân nhậu sẽ tới ủng hộ!
Người
Trung Quốc đã gây nhiều tai tiếng xấu khi ra nước ngoài. Các mạng ở Bangkok đã
in hình cô gái người Tàu đi tiểu ngay trên sân Hoàng Cung. Một video khác của
người Thái, được truyền đi hai triệu lần, chiếu cảnh tại phi trường đang các du
khách Tàu chen lấn xô đẩy để giành đứng trước. Tại chùa Wat Rong Khun, tỉnh
Chiang Rai, người Thái than phiền mỗi lần có đám du khách Tàu vô là nhà vệ sinh
dơ bẩn. Vị thủ từ Chalermchai Kositpipat than rằng người Tàu họ phóng uế bất cứ
chỗ nào. Ông đã yêu cầu hướng dẫn viên du lịch giải thích mãi không được, ông
tính sẽ cấm du khách Tàu. Chính một hướng dẫn viên cũng than với nhà báo: “Họ
không chú ý đến lễ độ, họ khạc nhổ, nói cười ồn ào, nhiều khi họ để lại khu nhà
vệ sinh trong tình trạng khủng khiếp!”
Ở các
nước Á Châu, du khách Trung Quốc đã gây nhiều tai tiếng. Người Nhật Bản thấy du
khách Tàu tới đâu là dè dặt lo ngại, vì thấy họ ồn ào, vô kỷ luật và thiếu vệ
sinh. Một chuyến máy bay của công ty AirAsia, Thái Lan đã phải bay vòng trở lại
Bangkok sau khi một bà hành khách người Tàu nổi giận đổ ly nước nóng lên nữ tiếp
viên. Ngay ở trong nước Tàu, các du khách cũng “loạn.” Ðầu năm 2015, 25 người bị
bắt ở phi trường Côn Minh vì đã mở ba cánh cửa cấp cứu đòi ra ngoài máy bay của
hãng China Eastern Airlines, vì máy bay chậm trễ không cất cánh!
Nhưng
chúng ta có nên yết bảng “cấm du khách Trung Quốc” như ông chủ quán Ngọc Quý
hay không?
Ðặt câu
hỏi này với người Việt Nam, chắc nhiều người sẽ đồng ý là nên làm. Dân Việt
đang bất bình về nhiều chuyện đối với chính quyền cộng sản Trung Quốc và các
công nhân của họ đang tàn ngập nước ta, không riêng gì đối với các du khách được
những hướng dẫn viên du lịch người Tàu đưa đi thăm Việt Nam. Người Việt cũng có
thể coi đây là một hành động trả đũa. Vì ngay trong nước Trung Hoa, cũng có cửa
hàng để tấm bảng ngoài cửa viết bằng chữ Tàu và chữ Anh: “This shop does not
receive The Japaneses, The Philippines, The Vietnamese and Dog.” (Quán này
không nhận người Nhật Bản, người Philippines, người Việt Nam và Chó.” Tấm bảng
này đã được đưa lên mạng, truyền đi khắp thế giới! Ai trông thấy cũng phải kinh
ngạc, vì thái độ kỳ thị đối với một số người ngoại quốc như vậy không thể chấp
nhận được!
Trong thế
giới văn minh ngày nay, những người còn mang óc kỳ thị về màu da, chủng tộc,
tôn giáo, vân vân, đều bị khinh bỉ. Nhiều người dân Trung Cộng không biết,
không cảm thấy điều này. Một đoạn phim làm ở bên Tàu vào Tháng Năm năm 2016, để
quảng cáo bột giặt nhãn hiệu Qiaobi, (俏比, đọc theo tiếng
Việt là Tiếu Bỉ) đã gây phẫn nộ và làm trò cười khắp thế giới vì rõ ràng mang ý
kỳ thị màu da. Ðoạn phim ngắn mở đầu với hình ảnh một cô gái Tàu xinh đẹp cười
làm duyên, đôi mắt đưa tình; rồi tới cảnh một thanh niên bảnh bao người da đen
nhìn cô say đắm. Nhưng khi chàng tiến đến gần thì nàng lại âu yếm kéo đầu chàng
xuống, nhét cả người vào trong cái máy giặt, rồi đem đổ bột giặt Qiaobi vô máy.
Ðóng cái nắp máy giặt lại, nàng ngồi chễm chệ lên cái máy, miệng tủm tỉm cười.
Máy chạy một lát, nàng mở nắp ra, kéo đầu chàng lên, và người ta thấy chàng đã
được rửa sạch, biến thành một chàng “Hảo Hán” da vàng, bảnh trai không kém! Ðiều
đáng chú ý là cả công ty sản xuất lẫn nhà làm phim quảng cáo “không ngờ” là họ
mang óc kỳ thị! Sau khi đoạn phim trên được truyền đi hàng triệu lần, công ty sản
xuất mới biết là họ đã phạm lỗi nhục mạ tất cả mọi người da đen trên thế giới,
phải rút phim quảng cáo xuống!
Với
kinh nghiệm trên, người Việt chúng ta không thể bày tỏ ý kiến nào có ý kỳ thị một
sắc dân riêng biệt, dù đó là người Trung Quốc, người Pháp hay người Mỹ! Người
Việt Nam không nên khinh thường bất cứ sắc dân nào, vì chính chúng ta không muốn
bị kỳ thị! Khi vô tình kỳ thị bất cứ một sắc dân nào, chính người tỏ ý kỳ thị
cũng bị người khác khinh thường, vì còn mang trong đầu một thói xấu khi loài
người còn chưa tiến bộ!
Hơn nữa,
khi viết trên bảng nói không tiếp khách hàng “Trung Quốc nhân,” viết bằng chữ
Hán, thì những người gốc Trung Hoa khác cũng có thể cảm thấy bị kỳ thị. Hiện
nay những người Trung Hoa sống ở Ðài Loan, Singapore tuy cùng gốc gác tổ tiên
nhưng họ biết sống theo nền nếp văn minh cao hơn dân sống dưới chế độ Cộng Sản
rất nhiều. Tuy hai chữ “Trung Quốc” chính thức chỉ được dùng nói về lục địa
Trung Hoa, nhưng cũng có thể được hiểu lầm ra tất cả mọi người gốc Trung Hoa
khác, vì cái tên gọi này đã được quen dùng từ mấy ngàn năm nay, trước khi có chế
độ Cộng Sản.
Vì vậy,
các cửa hàng, quán ăn ở Việt Nam, nếu muốn tẩy chay các khách hàng bất lịch sự
từ lục địa Trung Hoa qua, chỉ nên viết một câu: Chúng tôi có quyền từ chối
không tiếp bất cứ khách hàng nào. Nhiều cửa hàng trên khắp thế giới vẫn treo những
yết thị như thế, không gây phản ứng nào cả. Nếu chủ nhân muốn tấm yết thị này
có ý nghĩa đúng như mình muốn, thì chỉ cần viết tấm bảng đó hoàn toàn bằng chữ
Trung Hoa. Khách hàng người nước khác nhìn thấy sẽ không hiểu gì cả; dân Trung
Hoa từ nước khác đến hiểu nhưng thấy đó là chuyện bình thường. Nhưng những người
dân Trung Hoa từ lục địa đến khi đọc được sẽ hiểu ngay. Cũng giống như người Việt
Nam nào cũng hiểu người ta nhắm vào mình khi bước vào một cửa hàng ở Nhật Bản
hay Thái Lan mà thấy tấm bảng viết “Ăn cắp là có tội,” đặc biệt chỉ viết bằng
chữ Việt! Khách hàng tinh ý sẽ giữ gìn tư cách để khỏi mang tiếng và có thể bị đuổi
ra ngoài! Tất nhiên, nếu các thực khách Trung Quốc khăng khăng không chịu bỏ đi
thì phải kêu cảnh sát! Lúc đó sẽ biết công an cảnh sát Việt Nam làm việc cho
dân hay là chỉ biết sợ Trung Cộng!
---------------
2 Comments
tấm bảng
nên viết lại: "Không Bán Cho Người
Lạ"
Mai
Kim TK
Nguyen • một ngày trước
Rất
hay. Cái gì "lạ" nghĩa là Trung Cộng. Báo chí Việt Nam trong nước
không dám kêu đích danh Trung Cộng mà chỉ dám đăng tin : Tàu cá Việt Nam bị
"tàu lạ" đâm chìm. Bây giờ "Không Bán Cho Người Lạ" có
nghĩa là không bán cho Trung Cộng. Hay lắm.
Tuồng cải
lương trước 1975 Lấy Chồng Xứ Lạ bây giờ có nghĩa là Lấy Chồng Trung Cộng. Hoan
hô bạn TK Nguyen
No comments:
Post a Comment