Saturday, 6 August 2016

DU LỊCH NGA THỜI HẬU CỘNG SẢN (Trịnh Thanh Thủy)





5.08.2016

Moscow, thành phố "tuyết vào mùa hè”

Khi nói đến hai từ Liên Xô hay Xô Viết dường như người Việt tị nạn không có cảm tình gì cho lắm, hay phải nói là ghét. Ngay cả người dân ở những quốc gia Âu Châu ngày trước từng thuộc khối Liên Bang Xô Viết cũng vậy. Đối với họ, tuy ngày nay đất nước họ đã được độc lập, nhắc đếnLiên Xô, nỗi căm phẫn bỗng bùng lên trên khuôn mặt và giọng nói của họ. Đó là những cảm nghĩ tôi ghi nhận được qua các hướng dẫn viên du lịch, khi tôi đi thăm vài quốc gia Đông Âu.

Từ lâu tôi nghe khách du lịch kể rằng Nga rất đẹp lại có một nền văn minh lâu đời, đa văn hoá, nhất là sự phát triển sung mãn vào thời Trung Cổ. Lịch sử Nga trải qua nhiều thăng trầm, những biến cố chính trị không ngừng thay đổi theo từng thời đại. Từ vương quyền sang cộng sản rồi đổi mới và dân chủ hơn. Cuối cùng Liên Xô tan rã và trở thành một nước cộng hoà. Để biết người dân Nga nghĩ sao về thời hậu cộng sản, tôi quyết định đi Nga.

Trước khi vào Nga, du khách phải có Visa. Thủ tục xin Visa của nước này vẫn còn rườm rà, phức tạp, lệ phí lại cao. Từ Hoa Kỳ vào Nga, nếu nhờ các cơ quan dịch vụ làm visa cho, giá Visa có nơi lên đến khoảng 320 Đô hoặc hơn. Đã thế ở phi trường Nga, khi vào trình diện hải quan, tôi vẫn bị đứng chờ lâu hơn bất cứ quốc gia nào tôi từng đi qua. Họ phải xem lại hồ sơ trong máy tính, đến hơn 40 phút dù tôi đã trình hộ chiếu và Visa. Nhìn bộ mặt “hình sự” của cô nhân viên hải quan bảo “wait” sau mỗi lần tôi hỏi sao lâu thế, tôi thấy ứa gan. Cô ta cứ mặt lạnh như tiền, không một nụ cười, từ đầu đến cuối, mặc tôi sổ tiếng Anh thế nào cũng kệ, cô chỉ một chữ, “wait” bắt du khách mang hộ chiếu Hoa Kỳ đứng đợi. Trong khi các người mang hộ chiếu nước khác, chỉ mất khoảng 10 phút hỏi han rồi cho qua. Nhìn quầy hàng vắng tanh, không còn ai, chỉ mình tôi đợi, tôi bắt đầu lo. Không biết máy của họ hư hay bộ di trú Nga đang làm khó người mang quốc tịch Mỹ? Lúc này tôi bỗng thấm thía mối thù truyền kiếp Nga Mỹ. Sau này khi ra khỏi Nga bằng đường bộ, theo thủ tục, cả đoàn du lịch phải xuống xe bus, từng người một lại phải đi qua hải quan tốn thêm khoảng 15, 20 phút chờ đợi. Khi ấy tôi mới biết tính chậm chạp, máy móc cũ kỹ, là chuyện thường ngày của Nga. Trong khi các nước lân cận Nga như Estonia, Lithuania, Latvia là các quốc gia thuộc khối Baltic, qua biên giới vào nước họ chỉ cần 5 phút mà chẳng cần Visa hay hạch hỏi gì hết. Đi ra thì cứ đi không cần trình báo chi cho mất thì giờ.

Lúc người đẹp hải quan giơ tay ngoắc ngoắc tôi lại, chỉ chỉ, bắt ký vào dưới một tờ giấy tương tự tờ giấy phép cho nhập khẩu, khi ấy tôi mới được cho đi. Hú vía. May, giờ là thời hậu cộng sản!!!. Ra đến phía ngoài để gặp hướng dẫn viên của phái đoàn du lịch, tôi bị trễ hơn một tiếng đồng hồ. Cùng với chuyến bay tới Moscow trễ 2 tiếng (trễ và phục vụ kém là đặc điểm của hãng hàng không Nga Aeroflot), tổng cộng, tôi bị trễ hơn 3 tiếng đồng hồ.

Tôi đến thành phố Moscow của Nga hay Cộng Hoà Liên Bang Nga vào một ngày cuối xuân. Trời mát và nhiều mây. Gió lộng thổi những lọn bông xoay tròn bay trong không trung, đáp tới tấp vào mọi nơi mà nó có thể đáp. Dân Nga gọi chúng là “Pukh” có nghĩa là những chùm bông hay những chòm râu. Những chùm bông trắng trông như bông vải hay bông gòn rất nhẹ nhưng không nõn như tuyết mà xin xỉn, dinh dính, bay loạn xạ trong không khí, bám vào tóc, vào áo len người đi đường. Chúng dính chặt vào cửa lưới, cửa sổ, quán cà phê lộ thiên, ai vô phúc há miệng ngáp hay nói chuyện sẽ lãnh đủ những lọn bông lao vào cuống họng. Người dân Moscow gọi đùa rằng, đấy là những trận bão tuyết mùa hè “summer snow” và họ đối phó nó một cách chịu đựng bằng cách đóng chặt cửa sổ, lúc nào cũng đeo kiếng mát, mang theo khăn tay để lau nếu nó bám vào mặt, vào người, và luôn tay phủi chúng xuống đường.

Bông Pukh bay ở Moscow như tuyết

Em bé chơi với bông Pukh

Mùa này là mùa xuân, mùa của “Pukh”. Sau khi những cây Balsam Poplar cái đơm nụ, hàng trăm nụ nâu mùi thơm ngọt biến thành những búp hạt. Khi chín, nó tách ra và thả vào không khí hàng triệu triệu chùm bông trắng sẵn sàng bám chặt vào bất cứ gì trên đường bay của chúng. Chúng cũng là kẻ thù của những người bị bệnh dị ứng. Đứng giữa trời Moscow nước mắt, nước mũi tôi bắt đầu tuôn chảy. Cảm giác khó chịu đưa đến việc tôi thắc mắc, sao thành phố này lại chịu thảm hoạ mưa bông, sao chỉ ở đây mà không nơi nào khác?

Câu trả lời tại sao là đầu đề của nhiều sự suy đoán và của những huyền thoại. Tuy nhiên một lý do chính yếu thấy rõ nhất là Moscow có đến 300 tới 400 ngàn cây Balsam Poplar mà phần lớn chúng đều là cây cái !!! Điều cơ khổ là rất khó phân biệt giữa cây đực và cây cái, người ta chỉ biết nó là cây cái cho đến mùa xuân khi nó ra hoa mà thôi. Câu hỏi tiếp theo phải hỏi là, sao Moscow lại có quá nhiều cây Balsam Poplar, sao chỉ toàn cây cái?

Một cắt nghĩa rất hợp lý được đặt ra ở đây có thể đổ lỗi cho Stalin. Năm 1930, ông ta đã hạ lệnh cho trồng loại cây này với nỗ lực làm xanh thành phố. Không biết do lầm lẫn hay bất cẩn mà nhà nước đã cho trồng toàn cây cái. Đến năm 1960, khi lãnh tụ Khrushchev ra lệnh thay thế những chung cư cũ bằng những chung cư cao tầng thì người ta càng thích trồng loại cây này nhiều hơn. Có lẽ vì nó cho nhiều bóng mát, lúc nào cũng xanh tươi mà lại cao tới hơn 60 feet, hợp với nhà cao tầng.

Như định mệnh, cuối cùng, dân chúng Moscow phải chịu đựng cơn "bão tuyết mùa hè" cũng phiền toái như cơn bão tuyết mùa đông. Họ đợi nó đến mỗi năm như đợi thuế hay đợi cái chết vậy. Nếu bạn bị bệnh dị ứng, du lịch Nga vào mùa xuân nhớ mang theo thuốc dị ứng phòng ngừa.

Tôi và đoàn được HDV(Hướng dẫn viên) dẫn đi xem thành phố và khu vực trung tâm quanh Quảng Trường Đỏ. Đỏ ở đây, theo tiếng Nga không có nghĩa hoàn toàn là “đỏ” mà còn có nghĩa bóng là “đẹp”. Những di tích lịch sử lâu đời từ thế kỷ thứ 16 đều quy tụ ở đây, nhất là ngôi thánh đường Chính Thống Giáo St Basil, đầy màu sắc rực rỡ. Kiến trúc này có 9 toà tháp với mái vòm hình giọt nước mắt, người Việt mình hay gọi là mái vòm củ hành hay củ tỏi. Năm 1555, để kỷ niệm chiến thắng ở Kazan và Astrakhan, bạo chúa Ivan (Sa Hoàng đầu tiên của Nga) đã ra lệnh cho kiến trúc sư Barma và Postnik Yakovlev xây dựng nên nhà thờ. Truyền thuyết kể rằng sau khi nhà thờ hoàn thành, Ivan Bạo chúa đã ra lệnh cho hai kiến trúc sư phải tự chọc thủng mắt mình để họ không bao giờ có thể tạo ra được tác phẩm tuyệt vời hơn trong tương lai. Năm 1990, nhà thờ St. Basil chính thức trở thành một phần di sản văn hóa thế giới cùng điện Kremlin và Quảng trường Đỏ do UNESCO công nhận.

Thánh đường St. Basil

Ngôi thánh đường St. Basil được nối liền với Điện Kremlin (Cẩm Linh) và Viện Bảo Tàng Lịch Sử. Gần đấy Lăng Lenin màu đỏ được xây vào khoảng giữa quảng trường có 3 tầng hình vuông theo kiến trúc kim tự tháp cụt. Xác Lenin còn ở đó nhưng có lẽ ít ai muốn viếng thăm. Hầu hết các bức tượng của nhân vật này ở Nga, đã bị kéo sập, giờ chỉ còn vài bức sót lại như một di tích lịch sử cho thời đại cộng sản bị sụp đổ, mà tôi thấy được ở trong hệ thống xe điện ngầm Metro ở Moscow.

Tôi được xem một nghi thức đổi gác của Trung đoàn cận vệ Tổng thống Nga tại Quảng Trường được tổ chức hàng tuần ở trước điện Kremlin. Nghi lễ có bắn súng và diễn binh với lực lượng vệ binh thật hùng hậu.

Đổi Gác Trước Điện Cẩm Linh

Nếu bạn là người mê thích viện bảo tàng thì viện bảo tàng The Kremlin Amory Museum sẽ gây cho bạn một ấn tượng khó quên. 

Viện bảo tàng Armory

Armory là nhà bảo tàng lâu đời (1508) và có uy tín nhất của Moscow. Nó cũng là niềm tự hào của nước Nga. Dưới thời các Sa Hoàng đây là nơi mua sắm và lưu giữ các chiến, quân cụ và các bảo vật quý giá. Ngoài các binh khí, áo giáp, quân phục, chiến xa, du khách sẽ choáng váng với những bộ sưu tập quần áo, trang sức và xe ngựa của các Sa Hoàng Nga và nước ngoài. Nơi này còn trưng bày các trang phục đăng quang của các vị nữ hoàng, đại đế thời xưa, lễ phục của các quí tộc và giám mục tôn giáo (Orthodox Bishop). Điều đặc biệt là các trang phục này đều thêu, dát vàng hay cẩn bảo thạch, kim cương. Chúng được thiết kế, may vá rất tỉ mỉ bằng các tay thợ thủ công bậc nhất Nga. Một chiếc áo lễ phục có thể nặng tới vài chục kí lô. Các cống vật, tặng vật, đồ trang trí tuyệt xảo, ngai vàng, vương miện, cẩn đầy ngọc và đá quý tiết lộ đời sống quyền uy và xa hoa của các bậc vương giả, quý tộc của đế quốc Nga thời đó.

Mũ Mão Thời Nga Hoàng

Áo cưới của Nữ Hoàng Catherine II

Tôi chạnh lòng nghĩ đến đế quốc Nga dưới thời các Sa Hoàng đã vơ vét và mang về biết bao là vàng bạc, ngọc ngà, từ các nơi. Bao nhiêu là xương máu và nước mắt dân lành đã đổ xuống cho các ngai vàng và sưu tập của các bảo tàng lịch sử này. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân mà người dân bất mãn các Sa Hoàng. Một duyên cớ giúp cho cuộc cách mạng của người cộng sản Bolshevik thành công và nước Nga bước vào xã hội chủ nghĩa cho tới năm 1991, thì sụp đổ để thành một nước cộng hoà như ngày nay.

Chúng tôi có hỏi người HDV về cảm nghĩ của người dân Nga nói chung về thời hậu cộng sản. Câu trả lời của ông ta có ý đại khái thế này. Thời các Sa Hoàng, người dân không có cái gì, vì tất cả đều thuộc về triều đình. Thời Cộng sản, nhà nước và Đảng giàu mạnh, nhưng dân thì hoàn toàn vô sản. Trong khi thời Cộng Hoà ngày nay, cái gì cũng có, nhưng dân không có tiền mua. Chỉ có khác biệt ở chỗ thời cộng sản đi đâu cũng phải xin phép, ngày nay muốn đi đâu thì đi, tự do.

Trịnh Thanh Thủy

Chú thích của người viết:
Tất cả những nhận xét của người viết trong hồi ký này có tính chủ quan và các trải nghiệm có thể chỉ xảy ra cho riêng người viết nên xin độc giả lưu ý và thông cảm.

Tài liệu tham khảo :
Moscow Journal; Take Cover, Everybody! Spring, Alas, Is in the Air





No comments:

Post a Comment

View My Stats