Monday, 15 August 2016

CHÍNH SÁCH KINH TẾ QUYẾT ĐỊNH AI VÀO TÒA BẠCH ỐC ? (TS Phạm Đỗ Chí)





TS Phạm Ðỗ Chí
August 14, 2016

LTS – Bài của tác giả viết cho các cử tri Mỹ gốc Việt cho kỳ họp với các ứng viên tranh cử TT tại Las Vegas do VVA tổ chức ngày 12 tháng 8. Tòa soạn đăng lại nguyên văn với sự đồng ý của tác giả Phạm Ðỗ Chí.

***
Cuộc tranh cử Tổng Thống (TT) Hoa kỳ bước vào sôi nổi và có tính cách “chất lượng” hơn tuần này (từ 8/8/16) khi cả hai ứng cử viên đảng Dân Chủ (DC) và Cộng Hòa (CH) có bài phát biểu quan trọng về chính sách kinh tế của đảng mình và mang các nét đặc trưng cá nhân.

Thật vậy từ khi các ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump được đại hội hai đảng chính thức chọn lựa, hai bên chỉ tranh luận bằng các chỉ trích cá nhân quen thuộc từ đầu mùa tranh cử, đôi khi trở thành nhàm chán cho các cử tri và đa số quần chúng lưu tâm. Hơn nữa, mỗi ứng viên được biết rõ với các yếu kém cá nhân và không tạo ra được sự thán phục uy tín hay cảm tình cá nhân trong cử tri như thời các ông Ronald Reagan hay chính chồng bà Hillary là Bill Clinton.

Bà Clinton thuộc nữ giới với nhiều địa vị cao trong các chính quyền và có tài ăn nói hùng biện cá nhân, nhưng lại vướng nặng về chuyện gian dối trong việc dùng hệ thống email cá nhân riêng lúc là Ngoại trưởng thời nhiệm kỳ đầu của TT Obama. Ông Trump là một doanh nhân giàu có thành công về bất động sản, có tài ăn nói diễu cợt nhưng hay đốp chát (bullying) địch thủ và người khác, nổi tiếng hay “vạ miệng” và đã bị chính TT Obama quy lỗi “không thích hợp làm TT”. Trong tuần trước, ông Trump đặc biệt chìm xuồng ngay trong nội bộ đảng với lời tuyên bố “sai chính trị” về người cha một chiến binh Mỹ gốc Hồi giáo và khi lúc đầu từ chối không ủng hộ các lãnh đạo đảng CH, hai ông Ryan và Mc Cain trong các cuộc bầu cử tiểu bang. Kết quả là trong cuộc thăm dò cử tri (poll) mới nhất tuần đó, Trump đã thua Clinton tới 10 điểm–một khoảng cách được coi là khá xa và bị chính giới lãnh đạo đảng CH coi như làm mất nhiều hy vọng để ủng hộ Trump vào Nhà Trắng và muốn nỗ lực chỉ giúp các ứng viên CH tranh cử lấy đa số ghế trong 2 viện Quốc hội (QH).

Tuy nhiên, từ thứ hai 8/8, các diễn tiến đi vào khúc quanh khi ông Trump có bài diễn văn quan trọng ở thành phố thủ phủ xe hơi Detroit, được sửa soạn kỹ lưỡng về chính sách kinh tế (KT) của chính phủ CH nếu đắc cử. Và ngay trong tuần này, thứ năm 11/8, bà Clinton đã phản pháo sớm ngay với bài diễn văn của mình ở một thành phố kỹ nghệ Pennsylvania, nhằm đả kích các chương trình đề ra của Trump và nêu các chính sách KT của riêng đảng DC.

Các điểm nổi bật của hai bài diễn văn là gì và liệu sẽ ảnh hưởng ra sao tới cục diện cuộc tranh cử tháng 11?

Quan điểm của người viết bài, có tính chủ quan nhìn dưới góc cạnh một kinh tế gia, là chính sách và tác động dự báo lên nền KT Mỹ là yếu tố quyết định thắng bại cho phần còn lại của cuộc tranh cử và kết quả tháng 11. Trừ phi ông Trump tiếp tục lỗi nặng về phát ngôn bừa bãi và phải buộc rút lui giữa đường hay mất ủng hộ của chính đảng mình, hay bà Clinton vướng thêm vào một tiết lộ mới nào thật nhậy cảm về chính trị hay an ninh quốc gia trong các emails riêng của bà khiến bà bị quy trách nhiệm hình sự. Nhưng có lẽ cả hai trường hợp đều khó xảy ra. Cử tri sẽ nhìn vào chính sách KT của hai ứng viên TT  và các diễn biến KT từ nay đến 11/8/16 để quyết định!

Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm hẳn lại, GDP chỉ tăng 1.50% vào quý II/2016 vừa qua, do cả yếu tố tâm lý ngại chi tiêu của dân chúng còn sót lại từ cuộc khủng hoảng 2007-08 vừa qua–theo lời giải thích mới đây của ông vua đầu tư chứng khoán Warren Buffet! Nhưng Trump lại coi đây như tiền đề cho chính sách phục hồi KT Mỹ và cả thời kỳ vàng son dĩ vãng của Hoa kỳ trong tâm tưởng quen thuộc loại “cliche” của ông–“making America great again”! Do đó ông đưa ra chương trình lớn là phục hồi nền sản xuất manufacturing của Hoa kỳ và đem công ăn việc làm về lại Mỹ, thay vì chính sách “outsourcing” đẩy sản xuất ra khỏi Mỹ–nhất là sang Trung hoa, cơ xưởng sản xuất công nghiệp thế giới với giá lao động rẻ cộng thêm các thao túng hối suất đồng Nhân dân tệ, từ gần 3 thập niên qua.

Trump coi hiện tượng này là bất lợi cho công nhân Mỹ, và là chính sách bất thường cần đảo ngược ngay trong nhiệm kỳ hy vọng sắp tới của đảng CH. Linh hồn của chính sách này là cuộc “cách mạng giảm thuế suất”, sẽ cho giảm hẳn thuế doanh nghiệp (“corporate tax”) từ 35% xuống 15%, và đơn giản hệ thống thuế cho nhập lại 3 thuế suất thu nhập cá nhân chỉ còn là 12%, 25% và 33%. Ông hy vọng đây sẽ là biện pháp “vĩ đại” nhất để khuyến khích đầu tư vào Mỹ và chi tiêu cá nhân Mỹ, giữ lại các hãng Mỹ lớn sản xuất sinh lời ở Mỹ thay vì đem sang Tàu–thí dụ điển hình là hãng Apple chuyên sản xuất ở bên ngoài nhất là Trung hoa và giữ hẳn trên 200 tỷ USD bên ngoài để trốn thuế, thay vì đem về Mỹ đầu tư lại và tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ. Ông chủ trương xét lại các hiệp ước thương mại lớn như NAFTA, hay TPP chờ ban hành để bảo vệ công nghiệp và lao động Mỹ. Ngoài ra ông cũng tuyên bố thêm các biện pháp phụ và xét lại các luật lệ (“regulations”) tăng cường sản xuất công nghệ ở Mỹ, phục hồi các thành phố công nghiệp lớn như Detroit…

Ngược lại, trong bài diễn văn chiều 8/11 của bà Clinton, bà coi chính sách kêu gọi giảm thuế của Trump như dựa vào lý thuyết lỗi thời của “trickle-down economics”(chủ thuyết kinh tế có hiệu ứng nhỏ giọt “lọt sàng xuống nia”) (1), giảm thuế chưa chắc có thể làm Hoa kỳ tăng trưởng nhanh hơn và tạo công ăn việc làm nhiều hơn. Thật vậy, bà còn kể là một trong các cố vấn KT của bà đã duyệt lại kỹ và giải thích chương trình KT của Trump có thể “gây suy thoái cho KT Mỹ” (?!) sẽ làm mất đi 3 triệu việc làm, so với chương trình đảng DC của bà sẽ giúp tăng 11 triệu việc làm trong nhiệm kỳ tới.

Căn bản cho những tuyên bố của bà Clinton là KT Mỹ đang rất tốt đẹp với những thành quả 8 năm dưới thời TT Obama, thí dụ bang Pennsylvania đang phát triển về công nghiệp tốt đẹp như một hãng lớn địa phương mà Bà đi thăm trong ngày trước khi đến bục đọc diễn văn KT này, chứ nền KT Mỹ nói chung không “xấu xí” hay bi quan như ông Trump vạch ra. Vì vậy bà và nhóm cố vấn KT riêng có vẻ đã không thấy cần thiết đưa ra một chương trình toàn diện để tái cấu trúc KT Mỹ (“redress America”) như một số người mong từ các tuyên bố sửa soạn cho bài diễn văn KT của đảng DC được chờ đợi từ vài ngày qua.

Do đó bà Clinton đã không đưa ra một chương trình cải cách “lớn” như của Trump, mà chỉ đặt trọng tâm vào việc tăng cường phát triển KT Mỹ thêm bằng những chi tiêu chính phủ lớn về hạ tầng (“infrastructure spending”) để sửa sang lại toàn bộ hệ thống cầu đường Mỹ đã xuống cấp cần thay hay sửa chữa; nhưng bà hay các cố vấn không nêu rõ sẽ tài trợ những chi tiêu chính phủ thuộc loại “khủng” như vậy từ đâu, trước các khó khăn đã biết của ngân sách Mỹ và món nợ công khổng lồ từ nhiều thời chính phủ qua, nhất là sau 8 năm của ông Obama với các chương trình chi tiêu vĩ đại quen thuộc của đảng DC cho vấn đề chi dụng “entitlements”. Bà cũng không nhắc đến việc tiếp tục hay hỗ trợ “Obamacare” ra sao dưới chính phủ tương lai nếu có của Bà, với các chi tiêu phúc lợi lớn và hiệu quả cho y tế công vẫn chưa rõ hẳn dưới nhận định của các chuyên gia y tế xã hội ngay thời Obama?

Bà Clinton đã không đả động đến chương trình cải cách thuế khóa lớn của Trump–như đa số chuyên gia hiểu biết chờ đợi. Bà chỉ nói vắn tắt là giảm thuế như Trump đề nghị có tính cách bảo thủ, chỉ làm lợi cho giới giàu có hay trung lưu với thu nhập cao, tạo thêm bất công trong phân bổ lợi tức quốc gia, trong khi đám đông không được ảnh hưởng. Do đó chính sách của đảng DC vẫn tiếp tục đường lối quen thuộc là chú trọng vào dân túy, tạo công việc và phúc lợi kinh tế xã hội cho đám đông. Đặc biệt bà nhấn mạnh đến việc giảm nợ cho khối đông cá nhân như các cựu sinh viên vay mượn lớn thời đi học nay thiếu phương tiện hoàn nợ. Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cấp tín dụng để khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ Hoa kỳ, như nền tảng (“core”) cho phát triển KT theo chương trình của Bà.

Điểm tương đồng nổi bật và có lẽ duy nhất của hai chính sách là hướng dần kinh tế Mỹ về chủ nghĩa bảo hộ tương đối–thiên về bảo vệ sản xuất trong nước nhằm kéo lại công ăn việc làm cho lao động Mỹ, ngăn bớt sự cạnh tranh từ hàng nhập cảng. Ông Trump thì đòi xét lại NAFTA và coi hiệp định mới Xuyên Thái Bình Dương TPP là một thảm họa (“disaster”); bà Clinton là Ngoại trưởng cũ của TT Obama chủ trương đưa ra TPP thì nay quay lưng lại, cũng đòi xét lại toàn diện TPP nếu không có thể bỏ hẳn.

Lập trường “chung” này không có gì lạ nếu hiểu rõ chỉ là phản ảnh tình trạng bất mãn của giới trung lưu và lao động Mỹ từ gần 3 thập niên qua, với thu nhập dựa trên giá cố định (“real income”) tăng rất chậm do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, trái ngược hẳn với thu nhập thực tế tăng vọt của cùng giới trung lưu và thương nhân lên hàng “đại gia” trong các nước mới nổi (“emerging markets”), hưởng lợi rõ rệt từ gia tăng thương mại quốc tế và toàn cầu hóa. (2)

Tuy nhiên điều quan trọng nhất về chính sách kinh tế cần được nhấn mạnh trong cuộc tranh cử này là tuy cả hai ứng viên TT “bắt mạch” đúng tâm trạng bất mãn của giới trung lưu và nhu cầu chính trị cần đem lại việc làm cho nhân công Mỹ, nhưng phần “chữa bệnh” lại có vẻ sai khi muốn giảm cạnh tranh thương mại và thay vào đó chủ nghĩa bảo hộ sản xuất–bài học kinh tế học căn bản của mọi thời đại, sẽ làm thương mại quốc tế trì trệ hay sút giảm đưa đến tăng trưởng kinh tế thụt lùi cho chính Hoa kỳ và cả thế giới.

Đây là khuynh hướng thế giới đáng lo ngại, thể hiện từ khi ông Trump nổi bật trong các cuộc tranh cử sơ bộ (“primaries”) ở Mỹ cũng như hiện tượng Brexit mới đây ở nước Anh. Chúng ta cần trở lại vấn đề này trong một bài khác.

Ngoài vấn đề cốt lõi trên, trong các cuộc trao đổi tương lai với đại diện hai đảng hay chính hai ứng viên TT, các câu hỏi chất vấn chính sách có thể xoay quanh vài vấn đề lớn khác như sau:

  1. Câu hỏi chính về chính sách KT tương lai của Hoa kỳ có thể xoay quanh tác động của chương trình cải cách thuế do Trump đề nghị lên tăng trưởng GDP và tạo công việc. Cả ông Trump cũng không giải thích rõ ràng sẽ làm sao để tránh điều hay bị chỉ trích là “trickle-down economics” (chủ thuyết lọt sàng xuống nia) của đảng CH từ thời dân biểu CH Newt Ginrich. Thật sự, kinh tế Mỹ có thể sẽ bùng mạnh vì chi tiêu đầu tư kinh doanh và cá nhân, dù thuế suất giảm nhưng tăng trưởng GDP cao sẽ đẩy thu nhập kinh doanh và cá nhân tăng cao, sẽ cho thu thuế nhiều hơn và không làm tăng thất thu ngân sách (“budget deficit”) nhất là sau 2-3 năm! Sẽ đem việc làm về Mỹ và giúp thay đổi chiến lược của các hãng như Apple lo giữ lợi nhuận cao hàng trăm tỷ đô la ngoài nước Mỹ trốn thuế!

  1. Bà Clinton đã không nêu rõ các cố vấn KT của Bà đã dùng phương pháp kinh toán (“econometric simulation”) thực nghiệm ra sao để đưa ra kết quả và lời tuyên bố quan trọng là chính sách do Trump đề xuất sẽ gây suy thoái kinh tế và sẽ làm mất 3 triệu việc làm, và ngược lại chính sách đảng DC sẽ giúp tạo thêm 11 triệu việc làm mới?

  1. Trong chính sách đề nghị cải cách thuế sâu rộng của đảng CH, tại sao ông Trump không bàn đến vài cải cách thể chế quan trọng như tư hữu hóa sở thuế IRS, đặt ra ngoài chính phủ việc thu thuế hàng năm (giống các hãng thu thuế nhà đất cho chính phủ địa phương ở nhiều tiểu bang Mỹ) để tăng thu nhập chính phủ và tăng hiệu quả, tránh việc lo lót trốn và tránh thuế như hiện nay! Và có thể tư nhân hóa cả Post Office nữa để tăng hiệu quả và giảm chi phí gửi và đưa thư trong toàn quốc?

  1. Câu hỏi chính cho chính sách chi tiêu của bà Clinton là lấy tiền từ đâu để chi tiêu lớn vào tu bổ hạ tầng (“infrastructure spending”) nước Mỹ, ảnh hưởng trên ngân sách vài năm tới sẽ ra sao? Đây là câu hỏi “ngàn năm” cho đảng DC?

  1. Câu hỏi lớn có ảnh hưởng đến Trung hoa và Việt nam là cần các chi tiết chính sách rõ về hiệp định TPP chờ QH Mỹ phê duyệt, sẽ có tu bổ các điều khoản đã thỏa thuận hay bỏ hẳn? Vấn đề nhân quyền sẽ tiếp tục được đặt ra trong các giao dịch thương mại với hai nước này như thế nào và sẽ ảnh hưởng đến chính sách thương mại Mỹ ra sao với 2 nước này?

  1. Chính sách bảo hiểm y tế Obamacare sẽ được tiếp tục không, hay sẽ thay đổi ra sao cho hợp lý hơn? Các chương trình phúc lợi xã hội dưới hai chính phủ tương lai CH hay DC sẽ như thế nào?

  1. Sau hết nhưng không kém phần quan trọng nhất, chính sách Hoa kỳ về Biển Đông sẽ ra sao, và đòn bẫy kinh tế tài chính lên Trung hoa sẽ như thế nào để ngăn bớt hay chặn hẳn chính sách bành trướng chính trị và quân sự của Trung hoa ở vùng đang khủng hoảng nghiêm trọng đó, trong quan tâm hàng đầu của khối cử tri người Việt gốc Mỹ?


Các ghi chú:

(1) Chủ thuyết cho rằng cứ lo phát triển kinh tế, sau đó các lợi ích sẽ tự phân phối, chảy dần cho người nghèo. Trong khi quan điểm ngược lại– của đảng Dân chủ, cho rằng nếu làm vậy thì gây bất bình đẳng, cần phải có sự phát triển công bằng, không để thị trường tự điều tiết.

(2) Đây là kết luận của một nghiên cứu rất quan trọng do kinh tế gia Branko Milanovic của World Bank làm năm 2012, dựa theo một hình thống kê nổi tiếng mang tên Đồ thị Con Voi về Toàn Cầu Hóa (“Globalization ‘Elephant Chart'”), đưa đến kết luận là những người thất lợi (non-winners) trong ba mươi năm toàn cầu hóa 1988-2008 lại chính là giới trung lưu trong các nước phương Tây, trong khi đem lại phép lạ phát triển tột độ cho các nước mới nổi và nhiều triệu các “đại gia” trong các xã hội đó! Kết luận này và tác động lên KT Mỹ cũng như giới trung lưu và các tầng lớp khác cần được thảo luận thêm như đã nói ở trên.

---------------------
Tác giả là người Mỹ gốc Việt thuộc đảng Cộng Hòa, và cũng đã góp một số ý kiến riêng về chính sách kinh tế tương lai cho các cố vấn của ứng viên TT Donald Trump, nên bài viết này nhằm gợi ý về chính sách kinh tế cho các cử tri Mỹ gốc Việt trong các tranh luận bầu cử sắp tới, không hoàn toàn khách quan và có ý nghiêng về chính sách đảng Cộng Hòa. Tác giả có học vị Tiến Sĩ Kinh Tế từ Wharton School, University of Pennsylvania, từng là chuyên viên cao cấp IMF, Washington D.C.




No comments:

Post a Comment

View My Stats