Wednesday 17 August 2016

CĂNG THẲNG NGA - UKRAINA : MOSCOW ĐÁNH LÁ BÀI HÒA DỊU (Tú Anh - RFI)





Tú Anh – RFI
Đăng ngày 16-08-2016

Tình hình Ukraina được thảo luận trong cuộc gặp gỡ ngày 15/08/2016 giữa hai ngoại trưởng Nga và Đức, tại Ekaterinbourg. Phía Matxcơva dường như muốn đấu dịu với tây phương sau khi được nhắc nhở đừng quên vai trò bảo trợ và tuân thủ thỏa thuận ngưng bắn Minsk. Ngoại trưởng Serguei Lavrov tuyên bố là không để rơi vào bẩy « xúc động ».

Từ Matxcơva, thông tín viên Jeanne Cavelier phân tích :

" Nga sẽ không cắt đứt bang giao với Kiev. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov kêu gọi đừng để bị giao động vì những sự cố tại Crimée. Trong cuộc hội kiến với đồng nhiệm Đức Franck-Walter Steinmeier thăm dò khả năng mở lại đối thoại theo công thức bốn bên (Normandie) gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraina, ngoại trưởng Nga tuyên bố « Đúng thế, cải thiện tình hình sã góp phần vào biện pháp giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng ngoại giao.

Phía Nga nghĩ rằng mục tiêu này chỉ có thể đạt được qua việc thi hành các biện pháp đã được ghi trong thỏa thuận Minsk với Đức và Nga mà phần lớn đã được Kiev thực hiện và được Paris và Berlin bảo đảm ».

Tuyên bố này cho phép hy vọng có một cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraina bên lề hội nghị G20 tại Thượng hải vào tháng 9. Không rõ chi tiết đề tài thảo luận nhưng chắc chắn sẽ nói đến những « âm mưu khuynh đảo của Kiev tại Crimée » mà ngoại trưởng Nga nói là ông có chứng cớ."

-------------------

Đăng ngày 15-08-2016 

Trong những ngày vừa qua, căng thẳng đột ngột leo thang tại bán đảo Crimée, đặc biệt với việc Nga triển khai các dàn tên lửa phòng không tối tân S-400. Le Monde ngày 14-15/08/2016 có bài phân tích về động cơ ẩn đằng sau phiêu lưu mới của Matxcơva và hậu quả.

Bài xã luận của Le Monde, với tựa đề « Cuộc chơi mạo hiểm của tổng thống Nga », mở đầu với nhận định : Những lo ngại của phương Tây, trước hết là Paris và Berlin là « có lý ». Bởi, «những hành động hung hăng của chính quyền Putin thách thức công khai Pháp và Đức, hai quốc gia đỡ đầu cho các thỏa thuận Minsk, được ký kết nhằm chấm dứt các xung đột đẫm máu tại miền đông Ukraina, với lực lượng ly khai được điện Kremli ủng hộ ». Một lần nữa phương Tây đặt câu hỏi : « Các mục tiêu thực sự của Matxcơva là gì ? ».

Một số người ngưỡng mộ Nga so sánh ông Putin với « một nhà chơi cờ tài ba, tính trước được nhiều nước cờ », tuy nhiên theo Le Monde, « tổng thống Nga có vẻ giống với một tay chơi xì phé, khéo léo nắm lấy các cơ hội mở ra để hạ các lá bài, kể cả dùng bài lừa ». Thừa nhận Putin là «một nhà chiến thuật đáng sợ », nhưng về mặt chiến lược, Le Monde cho rằng ông ta chỉ là một « kẻ đáng thương », nếu căn cứ vào bản tổng kết chính sách của Nga tại Ukraina ».

« Nỗ lực của điện Kremli cuối năm 2013, cản trở hiệp ước liên kết Kiev-Liên Hiệp Châu Âu vì lo sợ Ukraina hoàn toàn độc lập với Nga, đã làm bùng nổ ‘‘cuộc nổi dậy Maidan’’, khiến tổng thống thân Nga Yanukovitch phải chạy trốn », và một thế lực thân châu Âu nổi lên lên nắm quyền. « Việc Nga sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina – vùng lãnh thổ châu Âu đầu tiên bị sát nhập từ 1945 - dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc ». Matxcơva phải hứng chịu hàng loạt trừng phạt kinh tế nặng nề từ phương Tây. Cho đến nay, kinh tế Nga tiếp tục chịu các hậu quả. Tình hình cũng tương tự về ngoại giao. Chính quyền Obama tỏ ra rất ngờ vực, khả năng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ rất khó khăn.

Nga có thể « một lần nữa mất hết »
Theo Le Monde, riêng về phần các nước châu Âu, « một bộ phận khá đông các nước có truyền thống thân Nga, và cả một bộ phận cánh tả Đức và đa số cánh hữu Pháp » « hy vọng trừng phạt đối với Nga sẽ được nới lỏng, cho dù thỏa thuận Minsk không được thực thi ». Câu hỏi đặt ra là, «châu Âu cần phải làm gì trước căng thẳng gia tăng tại Ukraina ? ».

Xã luận Le Monde nhấn mạnh, « sức mạnh thực sự của Putin luôn luôn nằm ở những mặt yếu của các đối thủ ». Matxcơva hòa giải với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đúng vào lúc Erdogan xa lánh với Mỹ và châu Âu sau cú đảo chính hụt 15/07. Hay « việc phương Tây bất lực tại Syria » cho phép « Nga can thiệp quân sự tại nước này để cứu chế độ Assad và trở thành một thế lực không thể bỏ qua trong cuộc chiến Syria ».

Tuy nhiên, theo Le Monde, cuộc phiêu lưu mới của ông Putin tại Crimée lần này, không khác những lần trước. Matxcơva có thể « một lần nữa sẽ lại mất tất cả ».

Nga đánh lạc hướng
Về chủ đề khủng hoảng tại bán đảo Crimée, báo Libération có « Ukraina và Nga cùng giương súng ». Phóng sự của Libération cho biết, Nga hiện tập trung quân tại bán đảo Crimée, « leo thang quân sự » tại miền đông nam Ukraina « không phải là không thể ». Cho dù một cuộc « chiến tranh công khai » trong hoàn cảnh hiện nay là điều rất khó xảy ra, nhưng Matxcơva rất có thể sử dụng lý do « Ukraina gây căng thẳng » để đánh lạc hướng người dân Nga khỏi nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước. Trong một chuyến đi Crimée mới đây, thủ tướng Nga từng thú nhận « không còn tiền » cho bán đảo mới sát nhập vào Nga, bất chấp các hứa hẹn hồi 2014 với người dân Crimée.

Nhà chính trị học Anh Timothy Ash nêu thêm một giả thuyết khác, đó là việc làm căng thẳng gia tăng tại bán đảo Crimée có thể là một hành động của Matxcơva nhằm làm gây khó khăn cho nền kinh tế Ukraina, vốn mới bắt đầu phục hồi. Theo nhà chính trị học Anh, đối với Nga, thành công của Ukraina là « không thể chấp nhận được », trong lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Nga ra khỏi khủng hoảng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats