Thursday, 19 November 2015

Vụ án Ba Sàm: Xử hay thả? (Nam Nguyên - RFA)





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-11-19

Blogger "Anh Ba Sàm" Nguyễn Hữu Vinh.   File photo

Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt ở Hà Nội đã hơn 18 tháng qua, tội danh cáo buộc là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Vụ án này được giới luật gia mô tả là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. Những khả năng nào sẽ xảy đến cho Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự của ông.

Sắp hết thời hạn điều tra

Cho tới ngày 18/11/2015 chưa có thông tin khi nào tòa án sẽ xét xử vụ Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự, mặc dù đã hết ba lần gia hạn điều tra mỗi lần 4 tháng. Như vậy Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể đã áp dụng lần gia hạn điều tra cuối cùng thêm 4 tháng nữa với lý do đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp này thì ngày 5/1/2016 sẽ là thời điểm hết hạn điều tra.

Trả lời Nam Nguyên, Luật sư Trần Quốc Thuận thuộc nhóm các luật sư biện hộ cho blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đề cập tới những khả năng có thể xảy đến với vụ án này:

“Nếu đưa ra xét xử mà có chứng cứ, các cơ quan điều tra chứng minh được là có tội. Nếu những chứng cứ đó hợp pháp va tranh tụng rõ ràng thì họ có quyền kết án và tuyên án. Trong trường hợp không điều tra được không kết luận được, các cơ quan điều tra không chứng minh được thì về nguyên tắc đúng ra họ phải đưa điều tra bổ sung, nhưng bây giờ thời hạn điều tra bổ sung theo luật đã hết thì họ sẽ phải đình chỉ vụ án rồi trả tự do. Còn một phương án nữa là họ tuyên bố không phạm tội, có thể có ba khả năng đó.”

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Đăng Quang cán bộ công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội, cũng là một nhà hoạt động có nhiều kiến nghị cải cách, cho rằng chưa có vụ án nào kéo dài như vụ này mà chưa đưa ra xét xử được. Theo lời Đại tá Quang, cơ quan điều tra chưa chứng minh được nghi phạm Nguyễn Hữu Vinh đã vi phạm luật pháp như thế nào, chưa chứng minh được những tội đã vi phạm, cho nên nó đã ảnh hưởng tới thời hạn đưa ra xét xử trước tòa. Bản kết thúc điều tra cũng như cáo trạng không có sức thuyết phục và chưa chứng minh được tội phạm mà nghi can Nguyễn Hữu Vinh đã phạm phải.

Nghị sĩ Sabine Bätzing-Lichtenthäler thuộc Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức gặp gỡ Bà Lê Thị Minh Hà, vợ blogger Anh Ba Sàm (giữa), hôm 31/10/2014 tại Berlin, Đức Quốc trong lúc Bà Hà đi vận động cho chồng.

Đáp câu hỏi là hiện nay Việt Nam đang nỗ lực cải cách pháp luật cho phù hợp với yêu cầu hội nhập, liệu có khả năng Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự được trả tự do, phát xuất từ việc không đủ chứng cớ cũng như vấn đề vi phạm thủ tục tố tụng hình sự. Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, nhận định:

“Điều này nằm ngoài hiểu biết cũng như tưởng tượng của tôi. Trực tiếp cách đây khoảng một tuần, chính bản thân tôi đã gặp cơ quan an ninh, tôi có đề nghị rằng nếu không chứng minh được tội phạm thì tốt nhất là đình chỉ điều tra và trả tự do cho anh Nguyễn Hữu Vinh. Đấy là điều tốt nhất và các bên đều thắng. Nhưng tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng hiện nay không bao giờ có thể dám làm những điều đó, bởi vì quyền lực trong tay có lẽ người ta không chịu thua… rồi thì người ta sẽ đưa ra một cái cớ khác để kéo dài thời gian tạm giam tạm giữ.”

Không thể buộc tội?

Sự kiện Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự bị bắt giữ khẩn cấp ngày 5/5/2014 và truy tố như một vụ án chính trị được dư luận trong ngoài nước đặc biệt chú ý. Ông Nguyễn Hữu Vinh, 59 tuổi có bút danh Ba Sàm, ông là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Vinh từng là sĩ quan công an và có gốc gác lớn, thân phụ là ông Nguyễn Hữu Khiếu từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.

Theo cáo trạng được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gởi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội ngày 5/11/2015, thì sau 4 lần điều tra bổ sung, Viện này vẫn giữ nguyên cáo trạng, truy tố ông Nguyễn Hữu Vinh và đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra, ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt vì đã đăng tổng cộng 24 bài viết trên hai trang mạng Dân Quyền và Chép Sử Việt, được cho là thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Vinh. Những bài viết này Công an cho là có nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, làm mất lòng trong nhân dân về cơ quan Nhà nước cũng như tổ chức xã hội và công dân vi phạm qui định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự. Khung hình phạt của tội danh này là từ 2 năm tới 7 năm tù.

Theo giới luật gia quan tâm tới vụ án, công an đã không thể chứng minh ông Nguyễn Hữu Vinh là người quản lý hai trang mạng Dân Quyền và Chép Sử Việt, dù đã phải mời chuyên gia nhà mạng FPT giúp điều tra chuyên môn. Nếu như ông Nguyễn Hữu Vinh chỉ là người vào xem những bài vở trên hai trang mạng đó, thì không thể buộc tội ông.

Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, tất nhiên Hà Nội thừa nhận pháp luật nhân quyền cơ bản, không thể kết tội một người nếu không chứng minh được người đó có tội. Giới chuyên môn đưa ra một thí dụ nổi bật về vấn đề vi phạm tố tụng hình sự trong vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Đó là trong số 24 bài trên trang Dân Quyền và Chép Sử Việt, có bài liên quan tới Trung tướng Huỳnh Kông Tư, giới chức cao cấp của Bộ Công an và chính ông Huỳnh Kông Tư lại đứng ra điều tra vụ án có bài viết liên quan. Đây là vấn đề rất đơn giản gọi là xung đột lợi ích, người có liên quan đến một vụ án không thể tham gia tố tụng.

Hiện nay có 6 luật sư tham gia biện hộ cho anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, gồm luật sư Trần Văn Tạo nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và các luật sư Trịnh Minh Tân, Hà Huy Sơn, Nguyễn Hà Luân, Nguyễn Tiến Dũng.

Tất cả các vị luật sư đã sẵn sàng vào cuộc trong một vụ án điển hình liên quan tới quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và tự do có chính kiến của người Việt Nam.







No comments:

Post a Comment

View My Stats