08.11.2015
Hàng nghìn công nhân
công ty Pou Yuen ở Sài Gòn đã tuần hành để phản đối chính sách bảo hiểm xã hội
mới, tháng 3/2015. (Ảnh: Thanh Niên Công Giáo)
Vào
ngày 5 tháng 11 vừa qua, toàn bộ nội dung của Hiệp ước thương mại hợp tác xuyên
Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, viết tắt là TPP) đã được Tòa Bạch Ốc
phổ biến trên mạng thông tin đại chúngMedium và gửi đến địa chỉ điện
thư của nhiều công dân. Các cơ quan truyền thông lớn của Hoa Kỳ đã phổ biến
tin này. Đây là lần đầu tiên mà đại chúng được biết rõ chi tiết của hiệp ước
TPP sau bẩy năm thương thuyết trong vòng kín đáo.
Hiệp
ước TPP gồm có 30 chương và một số thỏa hiệp bên lề quy định trao đổi thương mại
giữa 12 quốc gia quanh vùng Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam, Malaysia,
Singapore, Brunei, Nhật Bản, Úc, Tân Tây Lan, Chile, Peru, Mexico, Hoa Kỳ và
Canada. Đây là một thỏa hiệp vùng lớn nhất được thành lập từ trước đến
nay. Trị giá hàng hóa trao đổi giữa 12 nước thành viên chiếm khoảng 40% nền
kinh tế thế giới. Indonesia đã ngỏ ý muốn tham gia TPP. Nam Triều Tiên đang cứu
xét. Trong trường hợp đó, Philippines cũng sẽ gia nhập TPP.
Hiệp
ước TPP sẽ loại bỏ hầu hết những thuế nhập cảng và những rào cản thương mại đối
với hàng hóa trao đổi giữa 12 nước thành viên. Tổng thống Barack Obama tuyên bố
rằng các nước buôn bán với Hoa Kỳ trong khuôn khổ TPP sẽ loại bỏ 18,000 loại
thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, kể cả thuế nhập khẩu xe hơi 70% của Việt Nam.
Điều này sẽ giúp cho Hoa Kỳ tăng gia xuất cảng và nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển.
Sau
khi Quốc hội Hoa Kỳ bất ngờ chấp thuận cho chính quyền Obama quyền đàm phán
thương mại nhanh (fast-track negotiating authority) hay còn gọi là quyền cổ động
thương mại (trade promotion authority) vào mùa hè vừa qua, chính phủ của 12 nước
thành viên đã đạt được thỏa ước về TPP vào ngày 5-10-2015. Thỏa ước này còn cần
phải được cơ quan lập pháp của các nước liên hệ chấp thuận mới có hiệu lực.
TPP
từng bị các tổ chức lao động Hoa Kỳ và nhiều nhà lập pháp thuộc Đảng Dân Chủ chống
đối mạnh mẽ vì lo ngại rằng công nhân Hoa Kỳ không thể cạnh tranh với công nhân
ở các nước chậm tiến do sự khác biệt về điều kiện làm việc và lương bổng và họ
sẽ phải đối phó với nạn thất nghiệp cao vì nhiều việc làm sẽ bị đưa ra nước ngoài.
Vào mùa xuân 2014, 153 dân biểu Hoa Kỳ đã công bố một văn thư đòi Văn phòng Đại
diện Thương mại Hoa Kỳ phải bảo đảm rằng quyền lao động phải được tôn trọng
trong TPP. Do đó Tổng thống Obama không quên nhấn mạnh rằng TPP bảo đảm
tiêu chuẩn lao động cao và mang lại lợi ích cho công nhân Hoa Kỳ.
Chính
quyền Obama hi vọng rằng những điều khoản bảo vệ quyền lao động trong Hiệp ước
TPP sẽ thu hút được sự ủng hộ của các nhà lập pháp Dân Chủ. TPP có riêng một
chương về lao động. Theo đó, tất cả mọi nước thành viên phải cho phép
công nhân thành lập công đoàn độc lập, quyền thương lượng tập thể, cấm cưỡng
bách lao động, sử dụng lao động trẻ em, và đối xử phân biệt trong việc làm. TPP
cũng đòi hỏi các quốc gia phải làm luật về điều kiện và môi trường làm việc. Những
vi phạm sẽ bị trừng phạt về thương mại. Ngoài thỏa hiệp chính Hoa Kỳ còn ký kết
một số thỏa hiệp song phương về quyền lao động và quyền con người với Việt Nam,
Brunei và Malaysia. Đây là những quốc gia đang mở mang, có mức lương bổng thấp.
Ông
Tom Malinowski, Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền
và Lao động, tuyên bố một cách quả quyết rằng phần lớn những hiệp định thương mại
chỉ là những hứa hẹn suông khi nói về nhân quyền, nhưng lần này Việt Nam có những
cam kết rất cụ thể để thay đổi luật lệ. Thỏa hiệp song phương đòi hỏi Việt Nam
phải cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập, có quyền đình công không
những về lương bổng, giờ làm việc, mà cả về điều kiện và quyền làm việc.
Những
công đoàn độc lập không bắt buộc phải tham gia vào liên đoàn lao động của chính
quyền nhưng những tổ chức này có thể liên kết với nhau và tìm trợ giúp của bất
cứ tổ chức lao động quốc tế nào như American Federation of Labor – Congress of
Industrial Organizations (AFL-CIO). Thỏa hiệp song phương còn đòi hỏi
chính quyền Việt Nam huấn luyện công nhân và chủ nhân về những thay đổi về luật
lao động. Một ủy ban độc lập gồm ba chuyên viên lao động của Hoa Kỳ, Việt Nam
và Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labor Organization) sẽ theo dõi sự
tuân thủ của Việt Nam đối với đòi hỏi về lao động. Ủy ban này sẽ thực hiện
những cuộc duyệt xét khi cần thiết. Kể từ ngày TPP chính thức có hiệu lực, Việt
Nam có năm năm để thi hành những giao ước về lao động. Nếu Việt Nam không thỏa
mãn những điều kiện về lao động giữa đôi bên trong thời hạn ấn định, Hoa Kỳ sẽ
từ chối những quyền lợi thương mại của Việt Nam.
Theo
Ông Mike Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, tương đương với cấp bộ trưởng, trực
thuộc Tòa Bạch Ốc, TPP thiết lập những tiêu chuẩn thương mại mạnh mẽ nhất so với
những hiệp định thương mại trong lịch sử. Tất cả những tiêu chuẩn đều có thể buộc
phải thi hành. Trước đây, các nước thành viên có luật lao động riêng. Nếu
luật riêng của một quốc gia không được thi hành, nước đối tác thương mại có quyền
thử thách.
Ông
John Sifton, Giám đốc vùng Á Châu thuộc tổ chức Human Rights Watch, cho rằng những
thỏa hiệp song phương chỉ có thể bắt buộc thi hành về mặt lý thuyết. Trên thực
tế thì không. Cũng theo Ông Sifton, hồ sơ của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa
Kỳ chứng minh điều này. Tong quá khứ, Hoa Kỳ chỉ kiện cáo được một quốc gia là
Guatemala về luật lao động.
Đối
với Việt Nam, Hoa Kỳ đã duy trì một chánh sách không thay đổi về lãnh vực lao động
trong bẩy năm vừa qua. Vào năm 2008, Việt Nam đã yêu cầu được hưởng Quy
chế ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences) của Hoa Kỳ để
có thể xuất cảng sang quốc gia này vài ngàn món hàng được miễn thuế nhập cảng.
Tuy nhiên vì Việt Nam không thỏa mãn điều kiện lao động, đặc biệt là quyền lập
công đoàn độc lập, nên Hoa Kỳ đã không chấp thuận yêu cầu của Việt Nam theo
khuyến cáo của các tổ chức lao động Hoa Kỳ và Ủy ban Hoa Kỳ Bảo vệ Người lao động
Việt Nam (US Committee to Protect Vietnamese Workers).
Tổng
Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐVN) là một tổ chức lao động duy nhất ở Việt
Nam, nằm trong Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Tổ chức
này do các đảng viên CSVN lãnh đạo. Nó được thành lập nhằm kiểm soát công nhân,
chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Thật vậy, TLĐLĐVN chưa bao giờ
phát động một cuộc đình công của công nhân và cũng chưa bao giờ hỗ trợ những cuộc
đình công tự phát của công nhân. Theo luật Việt Nam, tất cả những cuộc đình
công tự phát, không do TLĐLĐVN tổ chức, đều là bất hợp pháp và bị trừng trị theo
luật như phải bồi thường những thiệt hại do cuộc đình công gây ra.
Hiến
pháp của Việt Nam đề cao quyền lao động, nhưng tất cả những luật lệ của Việt
Nam đặt ra chỉ nhằm triệt tiêu quyền lao động này. Điều 25 của Hiến pháp 2013
viết rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông
tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui
định.” Trên thực tế người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không có tất cả những
quyền tự do này. Pháp luật đặt ra trên nguyên tắc là để thi hành những quyền
này, nhưng thực tế là để giới hạn chúng. Thí dụ Nghị định 38/2005/NĐ-CP bắt buộc
những cuộc tập họp trên 5 người phải có giấy phép của chính quyền. Ngoài
ra, Việt Nam không có một hội tư nhân độc lập nào cả. Tất cả các hội đoàn đều
thuộc nhà nước hay bị chi phối bởi nhà nước và phải nằm trong Mặt trận Tổ quốc.
Khoảng
90,000 công nhân đã biểu tình tại Sài Gòn vào tháng 3, 2015 để phản đối Luật bảo
hiểm xã hội mới không cho phép công nhân được lãnh bảo hiểm xã hội một lần. Luật
mới này đã được Quốc hội thông qua vào ngày 20-11-2014 (Hình: Lao Động).
Việt
Nam đã phải chấp nhận trên nguyên tắc sửa đổi luật lệ để cho phép thành lập
công đoàn độc lập và sửa đổi các quyền lao động khác để được thu nhận vào TPP,
tuy nhiên cần phải đợi Việt Nam thi hành ra sao. Chúng ta e ngại rằng nhà nước
Việt Nam sẽ cho các đảng viên Cộng sản len lỏi vào hàng ngũ công nhân để lũng
đoạn. Họ đã từng áp dụng xảo thuật này để thành lập các tổ chức Phật giáo quốc
doanh và xã hội đen. Tuy nhiên đối với miếng cơm manh áo của công nhân, CSVN
khó có thể tung hoành trong môi trường lao động. Miếng cơm manh áo đã thật sự tạo
ra sức mạnh lớn lao cho giai cấp lao động Việt Nam hiện nay đã trưởng thành.
Vào tháng Ba vừa qua, 90,000 công nhân đã biểu tình tại Sài Gòn không phải để
yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc hay đòi tăng lương, mà để phản đối Luật bảo
hiểm xã hội. Chính quyền đã phải đồng ý thay đổi luật.
Việt
Nam trông đợi được hưởng lợi rất nhiều từ TPP nhờ cấu trúc lương thấp và một lực
lượng lao động trẻ có học gồm 53 triệu người, chiếm vào khoảng 60% dân số. TPP
sẽ mang nhiều đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và sẽ tạo nhiều cơ hội cho Việt
Nam để đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách chuyển từ xuất cảng nguyên liệu và những
sản phẩm sử dụng tối đa lao động sang những hàng hóa chế biến có trị giá gia
tăng cao.
Công
ty dịch vụ tài chánh và ngân hàng đa quốc gia Hong Kong – Shanghai Banking
Corporation (HSBC) của Anh quốc ước tính rằng gia nhập vào TPP sẽ làm tăng tổng
sản phẩm nội địa của Việt Nam tới 20% vào năm 2020.
Vào
năm 2013, trị giá thương vụ của Việt Nam đối với Trung Quốc chiếm 19% trên tổng
số thương vụ của Việt Nam đối với thế giới, một con số đáng kể nhưng không quá
đáng. Con số với Liên Hiệp Âu Châu là 12.7%, Hoa Kỳ là 11%, Hàn Quốc
10.3% và Nhật 9.6%. Về vốn đầu tư, phần của Trung Quốc chỉ chiếm 2.2% tổng
số đầu tư nước ngoài vào Việt Nam so với Nhật là 13.6%, Đài Loan 12.9%,
Singapore 11.8%, Nam Triều Tiên 11.8%, và Hoa Kỳ 5%. Sau khi gia nhập
TPP, Việt Nam sẽ buôn bán với những quốc gia thành viên của TPP nhiều hơn và vốn
đầu tư của những nước này sẽ càng đổ vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Do đó, Việt
Nam sẽ bớt lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
Quyết
định gia nhập TPP là một quyết định hoàn toàn hợp lý đối với Việt Nam. Sức mạnh
kinh tế sẽ giúp Việt Nam xây dựng sức mạnh quân sự để bảo vệ nhân dân và sự
toàn vẹn lãnh thổ. Cải tổ luật lao động là bước đầu giúp Việt Nam thoát ra khỏi
thế giới man ri mọi rợ để bước vào thế giới văn minh của nhân loại.
----------------------------
Các
bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment