Wednesday, 18 November 2015

TỪ SỰ KIỆN AN GIANG NGHĨ VỀ NỀN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA (LS Đặng Đình Mạnh)





LS Đặng Đình Mạnh
Posted by adminbasam on 18/11/2015

Câu chuyện “nghịch dại” của hai người, một giáo viên và một nhân viên điện lực ở An Giang đang tạo nên sự quan tâm rộng rãi của công chúng, đặc biệt là với cư dân mạng xã hội. Người trước thì “dám” chia sẻ trên trang FB cá nhân của mình về thông tin quan đầu tỉnh khi vị này bị Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm do yếu kém trong quản lý đất đai kèm theo lời bình “nhìn cái mặt kênh kiệu”, người sau thì “nghịch dại” bằng cái click like hưởng ứng … Cả hai đều phải lãnh quyết định xử phạt hành chính mỗi người năm triệu đồng với lý do rất “pháp luật” là đã có hành vi “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác” !

Tuy chỉ là câu chuyện về hành xử cá nhân xuất phát từ trang mạng xã hội ảo, nhưng ngoài đời thật đã bị quy kết thành một hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả bị chế tài bằng hình thức phạt tiền. Điều này đã tạo sự quan tâm to lớn của công chúng là điều dễ hiểu khi mà ai cũng giật mình vì thấy mình đã từng có hành vi tương tự như vậy, thậm chí không chỉ một mà nhiều lần trên trang mạng ảo.

Có hai điều đáng lưu ý về vấn đề này, tùy theo góc độ nhìn nhận: Công chúng và Chính quyền.

Đối với công chúng là điều cực kỳ thú vị trong cách quan tâm của họ, bởi lẽ, mỗi người dường như đều trở thành những luật sư cực kỳ hùng biện khi phê phán sự chế tài vô lý của chính quyền tỉnh. Trong trường hợp hai người dân bị phạt tiền kia khởi kiện chính quyền ra tòa án hành chính, tôi tin rằng mỗi một cư dân mạng đều có thể bào chữa thành công cho thân chủ mà không cần phải quá dụng công ! Họ chỉ cần đặt vài câu hỏi đơn giản:

– Thông tin quan đầu tỉnh bị Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm do yếu kém trong quản lý đất đai là thật hay giả ? Đương nhiên câu trả lời là “thật”! Kết luận: Uy tín và danh dự của quan đã bị ảnh hưởng do sự yếu kém có thật của chính quan và đã được cơ quan thanh tra làm rõ, chứ nào phải tại dân ?

– Lời bình “nhìn cái mặt kênh kiệu” là một lời cảm thán hay có thể xem là hành vi vi phạm vì xúc phạm uy tín, danh dự người khác ? Nếu là hành vi vi phạm thì căn cứ pháp lý nào để xác định ? Tìm ra được căn cứ mới lạ ! Kết luận: Không có cơ sở pháp lý !

– Nhấn like một post có phải là hành vi vi phạm pháp luật không ? Nếu có, thì yêu cầu xử lý đối với Mark Zuckerberg trước, vì anh ta thiết kế nút Like để “gài bẫy” người sử dụng FB ở Việt Nam.

Tôi đã tưởng tượng đến hình ảnh kết thúc phiên tòa ấy trong tiếng vỗ tay của người dự khán và tất nhiên, gương mặt người khởi kiện tươi cười bên cạnh các luật sư tài ba chính là những người bạn cư dân mạng xã hội của họ.

Nhưng về phía chính quyền, công chúng không thể không lo lắng khi nhìn sự việc dưới lăng kính về nền hành chính quốc gia.

Diễn biến sự việc như sau : Không biết có “lệnh” hay không ? Mà lập tức đã huy động được cả hai cơ quan của tỉnh : Sở TT&TT cùng Công an tỉnh lao vào cuộc truy tìm người đã click like bài viết bị cho là ảnh hưởng đến ông chủ tịch tỉnh trên trang FB. Chưa hết, sau khi có kết quả truy tìm cả hai hệ thống Đảng và chính quyền tiếp tục được huy động vào cuộc để kỷ luật ba người có liên quan!?

Rõ ràng, qua diễn biến đó ta không thể hình dung được cái gọi là sự vận hành một nền hành chính quốc gia bình thường! Chưa dám nói đến một nền hành chính lương hảo! Vì lẽ, nó giống như diễn biến một cuộc thanh toán hết sức tùy tiện của băng nhóm giang hồ vậy, mà trong đó, đại ca tối cao không ai khác chính là ông quan đầu tỉnh. Mọi người chỉ có thể hoan hô, ca ngợi đại ca chứ không có quyền nói ông ta xí trai hay có cái thẹo lồi sau lưng … Nếu ai vi phạm thì phải bị trừng trị vì sự mạo phạm đó!

Theo nguyên tắc, trong một nền hành chính quốc gia được hình thành từ ba thành tố : Công sở, công vụ và công chức. Tất cả (nhấn mạnh) đều vận hành theo quy định chặt chẽ của pháp luật, mà trong đó, công chức chính là những người thừa hành pháp luật một cách chuyên nghiệp.

Câu hỏi thường đặt ra là khi nhận lệnh từ thượng cấp có nội dung không có cơ sở pháp luật, thậm chí trái pháp luật thì công chức sẽ hành xử như thế nào ? Câu trả lời luôn luôn là công chức phải hành xử theo quy định pháp luật, trong trường hợp này thì lệnh của thượng cấp không được xem là công vụ có giá trị thi hành ! Chính nguyên tắc này bảo vệ pháp luật nói chung và bảo vệ người công chức nói riêng, tránh những sự lạm dụng hệ thống công quyền vào các mục đích không hợp pháp.

Trở lại câu chuyện ở An Giang, có thể thấy ngay việc “nâng quan điểm” về sự chia sẻ thông tin có thật trên trang mạng xã hội cùng với lời bình cảm thán bình thường thành hành vi vi phạm là một sự quy kết hàm hồ, đầy cảm tính ! Đến cả chuyện click like cũng chịu chung hình phạt thì sự hàm hồ và cảm tính đã tăng gấp nhiều lần hơn.

Vì hàm hồ, cảm tính thì một người có thể chủ quan nhầm lẫn chứ công chúng không thể tin rằng cả một loạt các công sở, công chức của chính quyền cấp tỉnh đều có thể cùng nhầm lẫn rằng một lệnh vô lý lại là một công vụ được … Biết thế, nhưng những công chức thừa hành vẫn mẫn cán sẵn sàng “chiều” theo “lệnh” không có cơ sở pháp luật để chính mình trở thành những con cờ di động theo hướng phản hành chính thì thật là đáng nói, thiếu tính chuyên nghiệp và bản lĩnh công chức !

Rõ ràng, ở đó như không có tồn tại nền hành chính quốc gia của một chính thể cộng hòa được vận hành bằng thuế đóng của người dân, ở đó như có Vua cai trị, có các cận thần để sai bảo và có dân đen làm nô lệ cống nạp sản vật.

Hôm nay, An Giang vận hành cả một nền hành chính tỉnh uốn mình theo lệnh vô lý để làm khó quyền lợi của dân, không ai dám cả quyết rằng nó có thể là tiền lệ để ngày mai họ có thể làm khó đến quyền lợi quốc gia hay không ?

Đó là điều công chúng lo lắng.

Tham khảo thêm bằng bức tranh biếm họa trên tạp chí Times of London ngày 23/10/2015, về sự kiện vợ chồng Ông Tập Cận Bình đến thăm Anh Quốc để được “chiêm ngưỡng” quyền hạn của dân đối với chính quyền trong một quốc gia văn minh là như thế nào ?








No comments:

Post a Comment

View My Stats