Tuesday 10 November 2015

Từ rạng rỡ hạnh phúc của Miến Điện nhìn lại Việt Nam (Trần Tiến Dũng/Người Việt)





Trần Tiến Dũng/Người Việt
Tuesday, November 10, 2015 11:24:59 AM

SÀI GÒN (NV) -  Từ Chủ Nhật 8 tháng 11, dư luận Việt Nam đều thấy từ các trang mạng, Facebook... tràn ngập hình ảnh, bài viết về hạnh phúc của người dân đất nước Miến Điện trong cuộc bầu cử dân chủ sau hàng thập niên sống dưới ách độc tài quân phiệt.

Người Việt Nam chia vui với người ta và buồn cho phận mình! Trong cảm xúc này, có khi cũng cần phải nhìn lại hành trình đau thương mà dân tộc Miến Điện đã vượt qua bóng tối để có ngày chào đón ánh mặt trời Dân Chủ Tự Do.

Người dân Miến Điện trước kết quả bầu cử mà phần thắng đang thuộc về dân chủ và tự do. (Hình: AP/Photo

Bóng tối ở Miến Điện thật sự nặng nề từ cuộc đàn áp đẫm máu ngày 08-08-1988, do nhóm các tướng lĩnh trong Hội đồng quốc gia phục hồi luật pháp và trật tự (SLORC) chỉ huy quân đội thực hiện, nhằm đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân đòi dân chủ.

Hàng trăm sinh viên, các nhà sư và những người chống đối khác đã bị giết, hàng nghìn người bị cầm tù. Bất chấp tình hình này, bất chấp lãnh tụ của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) - bà Aung San Suu Kyi - đã bị giam giữ tại nhà từ tháng 7-1989, đảng NLD trong cuộc bầu cử 05-1990 do chính quyền của SLORC tiến hành, vẫn giành được 329/491 ghế trong quốc hội. SLORC đã ra lệnh hủy bỏ kết quả bầu cử này và trực tiếp chiếm quyền.

Tháng 7-1997, SLORC đổi tên thành Hội đồng quốc gia vì hoà bình và phát triển (SPDC), tháng 5-2008, thông qua hiến pháp mới theo chế độ lưỡng viện và đa đảng. Song trên thực tế, hiến pháp thừa nhận quyền lực bất khả xâm phạm của quân đội bằng việc quy định quân đội được giữ cố định 110/440 ghế của quốc hội và 56/224 ghế của nghị viện liên bang; chính quyền tiếp tục củng cố quyền lực của các tướng lĩnh, loại bỏ các đảng đối lập - trong đó có NLD, vận dụng Luật hình sự 1996 để đàn áp tiếp.

Đất nước Miến Điện ngày càng tiêu điều mọi mặt vì độc tài và tham nhũng. Trong khi đó hầu như không thể chấm dứt được chiến tranh xung đột sắc tộc và nguy cơ ly khai của một số bang. Sự lũng đoạn của Trung Quốc về kinh tế và chính trị ở mức nguy hiểm. Cái nghèo và lạc hậu càng gay gắt thêm do sự cấm vận kéo dài của phương Tây - vì các lý do đàn áp 1988, đảo chính 1990  xóa bỏ kết quả bầu cử và vì vi phạm nhân quyền, tàn sát và bỏ tù nhiều người chống đối…

Không có con đường Tự Do-Dân Chủ nào trải toàn hoa hồng, cũng như không chế độ độc tài nào chấp nhận lui vào hậu trường mà không gây cảnh máu xương tù tội cho một dân tộc quyết chí đấu tranh vì các quyền cơ bản con người.

Nói cách khác, nếu không vượt qua ngọn núi sợ hãi do các chế độ độc tài áp đặt, điều đó có nghĩa tự mình giết chết ý thức muốn sống đúng phẩm giá con người để cam chịu làm nô lệ cho nhóm thiểu số của một đảng chính trị độc tài.

Bài học vì sự thay đổi của giới tướng lĩnh từng tiếm quyền ở Miến Điện cũng không có cơ may nào thành hiện thực ở Việt Nam. Độc tài quân sự ít ra không có giáo điều để đánh tráo sự thật hoàn toàn khác hẳn với độc tài cộng sản.

Ngày 30-3-2011, tổng thống Thein Sein nhậm chức, với cam kết trung thành với hiến pháp 2008 và thực hiện: Lộ trình dân chủ 7 bước nhằm xây dựng Myanmar dân chủ và hiện đại. Bước đi đầu tiên của tổng thống Thein Sein là giải thể SPDC (thực chất là hội đồng tướng lĩnh đầy quyền lực, có tiền thân là SLORC), ban bố các biện pháp cải cách.

Dư luận tin rằng, Tổng thống Thein Sein và công đức dọn dẹp các thế lực hắc ám để rộng sân cho các đảng chính trị dân sự đối lập và thân chính quyền cùng tham gia tranh cử, điều này, mới thật sự là đòn bẩy chính yếu đưa tiến trình dân chủ Miến Điện đến đỉnh thắng lợi.

Một đại nhân như ông Thein Sein chấp nhận thất bại trong cao thượng và tôn trọng sự chọn lựa của người dân qua tuyển cử Tự Do, do chính ông và đảng của ông đồng ý, việc này hầu như không thể có ở Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba.

Nhưng cũng thử đưa ra một viễn cảnh là trong bốn quốc gia đang sống dưới chế độ chuyên chế trên, quốc gia nào có khả năng sẽ có một cuộc tuyển cử Tự Do? Câu trả lời chỉ có thể là Trung Quốc, bởi dù sao thành trì độc tài ghê gớm và căn tính phục tùng phong kiến cố hữu của dân Hoa Lục cũng đã có điểm son đột phá hướng đến dân chủ bằng máu, đó là sự kiện Thiên An Môn.

Nhiều người Việt quan tâm bày tỏ: Liệu sau khi thắng cử, bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD có đoàn kết được dân tộc và thay đổi được đất nước Miến Điện như kỳ vọng?

Với một chính quyền dân sự chính danh vừa được người dân Miến Điện chọn lựa, sự thay đổi để phát triển không còn là điều hứa hẹn, bởi một khi quyền chọn lựa thật sự ở trong tay người dân, điều hiển nhiên là không phải để bảo đảm cho một chính quyền cụ thể nào cả, mà tối thượng là sự bảo đảm toàn diện cho nền dân chủ đa nguyên và sự phát triển.

Biết bao thế hệ người Việt bị thể chế chuyên chế đánh tráo các giá trị dân chủ; nên dễ hiểu và thông cảm khi họ lo sợ các sự kiện ôn hòa- xáo trộn nền chính trị hiện hành sẽ không dẫn đến được bến bờ ổn định nào, thà cứ giữ phận cam chịu nhận ban phát sự ổn định chính trị từ nhóm thiểu số độc tài để mãi kéo dài căn bện thoái hóa trầm kha sống dở chết dở.

Từ sự kiện rạng rỡ trong hạnh phúc cả đất nước Miến Điện sau thắng lợi toàn diện của tiến trình cải cách dân chủ, nhìn lại Việt Nam, không cần phải kích hoạt hy vọng về một nền dân chủ thật sự ở Việt Nam, mà cần đối mặt với sự thật.

Không gì đủ sức mạnh để tướt đoạt trong tay một dân tộc quyền chọn lựa nền dân chủ đa nguyên mà chỉ có dân tộc đó tự từ bỏ quyền thiêng liêng của mình.





No comments:

Post a Comment

View My Stats