Sunday, 22 November 2015

TÍCH HỢP HAY PHÂN RÃ? (GS Tương Lai)






GS Tương Lai
CHỦ NHẬT, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2015

Công luận đang bức xúc về dự định của Bộ Giáo dục và Đào tạo “đưa môn lịch sử tích hợp vào môn công dân với tổ quốc là để tránh trùng lắp. Bộ còn dự kiến lồng ghép lịch sử vào các môn văn, địa lý” như lời ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đăng trên báo Tiền Phong. Một quyết định quá dại dột vào lúc mà ngành giáo dục đang gặp đại nạn với búa rìu của công luận “giận cá chém thớt” dồn vào sự mập mờ nước đôi do đớn hèn, khiếp nhược của một bộ phận những người cầm quyền hiện nay trước sự hung hãn, láo xược và nham hiểm của Tập Cận Bình.

Ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng như bộ sậu của ông đang chạm vào điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế Việt Nam: truyền thống yêu nước, ý chí quật khởi chống ngoại xâm lưu chảy mạnh mẽ trong huyết quản mỗi người Việt Nam. Đây là thời điểm cần làm bùng lên ngọn lửa mãnh liệt được hun đúc trong lịch sử dân tộc, thì các vị lại ngớ ngẩn định làm phân rã sức mạnh ấy bằng chủ trương “tích hợp” ấm ớ do các vị hiểu không đến đầu đến đũa. Bị ăn đòn của công luận là không oan một tí nào.

Đấy là tạm đặt sang một bên sự đồng loã, a tòng với những ý đồ thâm hiểm đang trăm mưu ngàn kế thực hiện chủ trương tiêu diệt văn hoá của một dân tộc quyết không chịu khuất phục, nhằm đồng hoá, biến thành chư hầu mà các thái thú Tàu cùng với những đạo quân xâm lược quyết liệt thực hiện “…hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loaị sách có câu “thượng đại nhân, khưu ất kỷ” …một mảnh, một chữ đều phải đốt hết…Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn…” như mật chỉ của Minh Thành tổ trao cho viên tướng viễn chinh Chu Năng ngày 21.8.1406.

Phải chăng trước khi định đưa ra sáng kiến tích hợp môn sử, các vị, và cũng tiện thể nhờ các vị nhắc các ông đương quyền đang dính dáng đến vận mệnh quốc gia kia hãy đọc lại, học lại lịch sử để kiếm được chút ít dũng khí giắt lưng khi phải ứng xử trước kẻ xâm lược.
>> Nghĩ về môn dạy Lịch sử hiên nay   

Bác bỏ “sáng kiến” ngớ ngẩn này, giáo sư Phan Huy Lê phê phán việc tích hợp như cách làm của Bộ Giáo dục sẽ “khai tử” môn lịch sử trên thực tế. Còn giáo sư Vũ Dương Ninh thì nói thẳng thừng “Tôi cho rằng đề án tích hợp môn lịch sử trong trường phổ thông là phản khoa học, phản dân tộc. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang khai thác môn lịch sử theo tư tưởng bành trướng thì lẽ ra Việt Nam càng phải đẩy mạnh môn học này để giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau”. Theo ông, “những người trong ban soạn thảo sách giáo khoa sử theo dự án tích hợp “có trình độ thấp kém và không có tầm, cũng như không phải là những nhà sử học”. Xem ra cũng khó có lời nào nặng ký hơn nữa cần trích dẫn thêm!

Sách tiếng Việt lớp 3: Kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào?
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhCBj82FpPwpdoWkUFCNY2in3wXMu2rkgPLyOoYqfckDihgNKn6JwpY0F_tmj7fmCdLa2ZQAC8BcuUH-hGDjjwNmKtYLQ-KhQeM3US0DilFjEvnMGh_SGqtrYnrDnojMKobivIlWGhLHa2H/s1600/4b4.jpg
“Hai Bà Trưng đánh ‘giặc lạ’”: Trước tâm hồn bé bỏng trong trắng của các cháu mà người lớn dám cắt xén, bưng bít sự thật lịch sử, thì đó là một cái tội không nhỏ. Cái tội này đối với tiền nhân, đối với lịch sử dân tộc còn to hơn nhiều.
Từ những năm tháng đầu tiên dưới mái trường, các thế hệ con cháu của chúng ta phải được học, được biết sự thật lịch sử này?!!

Chẳng nhẽ Bộ GD&ĐT muốn thách thức sự bức xúc của xã hội sao? Hay các vị muốn đẩy lên thêm một mức nữa sự phẫn nộ của lòng dân từ chuyện biến cái Hội trường “Diên Hồng”, biểu tượng của ý chí quật khởi và tinh thần yêu nước truyền thống Việt Nam trong toà nhà Quốc Hội mới xây dựng khang trang kia, thành cái Hội trường “chư hầu” ghi dấu ấn nhục nhã của sự tuân phục nhu nhược, đớn hèn trước tên trùm xâm lược còn xảo quyệt gấp bội phần Hột Tất Liệt thế kỷ XIII xưa kia? Hay các vị định làm cho người ta nhớ lại chuyện Đức Quốc xã của Hitle dựng lên vụ đốt nhà Quốc hội Đức tháng 2.1933? “Trình độ” và “tầm” của các vị, như từ ngữ của Gs Ninh vừa dẫn, chắc chẳng mon men dính dáng gì đến âm mưu tày liếp này.

Nói cho cùng kỳ lý, có thể là ai đó đã âm thầm “lĩnh chỉ” của những thế lực “thiên triều” dấu mặt và nấp bóng để mớm cho những ý tưởng dại dột thiếu cân nhắc. Cũng đại khái như việc người ta định dựng tượng “Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) với chiều cao dự kiến là 36m” tại Khu Du lịch tâm linh – biển Vĩnh Châu để vị tướng Tàu này trấn giữ Biển Đông theo “sáng kiến” ngu xuẩn và xảo quyệt của Công ty CP Thương mại sản xuất bao bì Thành Lợi (có trụ sở tại TP.HCM) mà báo “Một Thế Giới” vừa đưa tin! Nếu vậy thì là chuyện quá lớn rồi đấy, công luận cảnh giác ném đá tới tấp vào đầu các vị là có nguồn cơn của nó. Các vị hãy ngẫm mà tự suy xét.

Tranh mộc  bản “Trưng Vương trừ giặc Hán Tô Định

Nhưng xem ra, có một lý do đơn giản hơn nhiều là các vị không hiểu được nổi một nguyên lý sơ đẳng: “lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được. Và nếu không có ý thức đó thì sẽ không thể có nền văn hoá độc đáo, không thể có nền văn minh thật sự”.1 Vì thế mà các vị lại “tích hợp” để “tránh trùng lắp” vào thời điểm này thì chính là các vị đang “tích hợp” sự phẫn nộ của lòng dân đối với những tội đồ của lịch sử khiến cho vận nước chao đảo vì những mưu toan và thủ đoạn xâm lược của tên hung đồ thế kỷ XXI láng giềng cùng chung ý thức hệ XHCN. Rõ ràng các vị không hiểu nổi là các vị đã trượt quá đà, quá xa vấn đề tưởng là thuần tuý chuyên môn, học thuật.

Nhưng nếu chỉ là học thuật, chuyên môn thì thực ra, tổng thể hóa nhiều sắc thái của kiến thức và nghiên cứu khoa học, kết quả đan xen vào nhau, trở thành nhau của nhiều ngành, nhiều phương pháp khoa học trong nhiều kết quả đạt được khi sự chuyên biệt hóa, bên cạnh mặt mạnh của nó, ngày càng bộc lộ những nhược điểm khá rõ khiến giới học thuật đang định hình một phương pháp nghiên cứu hướng tới sự nhất quán trong đa dạng, tổng thể hóa trong phong phú. Liệu khi các vị ở Bộ GD&ĐT định “tích hợp và lồng ghép” môn lịch sử và khẳng định như ông Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng bộ môn lịch sử phải là bắt buộc nhưng không nhất thiết “bắt buộc thì phải độc lập, vì đây là hai việc khác nhau. Về phản ánh chưa có tiền lệ tích hợp Lịch sử vào môn học khác, thì tôi cho rằng không phải cứ có tiền lệ thì mới đổi mới” thì có phải là các vị đang theo xu hướng nói trên? Mà nào chỉ bây giờ, đã từng có sự chỉ đạo sự “tích hợp” đó rồi kia mà.

Thì đây, xin dẫn ra một ví dụ : Trong ‘hệ thống sách ngữ văn lóp 10 bao gồm sách giáo khoa, sách giáo viên và tài liệu bồi dưỡng, chỉ đạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa”, người soạn sách đã hướng dẫn giáo viên phải “Kết hợp, tích hợp giáo dục môi trường khi giảng bài “Đại cáo bình Ngô”: lúc lên án tố cáo tội ác kẻ thù, tác giả tố cáo hành động hủy diệt môi trường sống. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời-Nặng thuế khóa sạch không đầm núi(…), với những câu văn trên, Nguyễn Trãi là “người xưa của ta nay” trong vấn đề bảo vệ môi trường”. Chẳng những thế, người biên soạn còn hùng hồn hơn: “Giáo viên cần lưu ý cho học sinh rằng, bằng linh cảm thiên tài, Nguyễn Trãi đã đề cập vấn đề môi trường sống”. Phải chăng đây là “Tích hợp các môn học là xu hướng của giáo dục hiện đại, được áp dụng thành công tại các nước. Phương thức này làm cho môn lịch sử “tăng giá trị hơn và tuân theo logic đào tạo công dân Việt Nam có kiến thức sâu hơn” như vị thường trực Ban chỉ đạo Đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015 nói với BBC ngày 19.11.2015?

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, vì thế xin không nói về cái có vẻ “học thuật” này, mà chỉ bàn đôi câu về lý do bức xúc của các giáo sư sử học và của công luận về cái gọi là “tích hợp” kiến thức môn lịch sử vừa nói. E là các vị đã chọn đúng cái thời điểm “đang khi lửa tắt cơm sôi, lợn kêu, con khóc…” để “đòi tòm tem”, đưa ra một giải pháp thiển cận nhưng lại khoác cho nó chiếc áo khoa học nửa mùa trong bộn bề những lúng túng bế tắc của cái “quốc sách” rối như gà mắc tóc trên bình diện vĩ mô!

Quả thật, động đến lịch sử là động tới vấn đề nhuốm màu “quốc sự” đang khơi dậy cơn sóng phẫn nộ vốn “tích hợp” rất sâu trong lòng mỗi người dân yêu nước, trong tâm thế Việt Nam hôm nay. Đó là sự “tích hợp lòng phẫn nộ” từ một đường lối tệ hại quá quắt vì hệ luỵ của nó không thể thấy hết ngay được là sẽ làm băng hoại sức mạnh Việt Nam bao đời chỉ để chiều lòng cái ông bạn vàng cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa – ông chủ xảo quyệt, thâm hiểm với mật ước Thành Đô, để hung hãn đàn áp, đánh đập, bỏ tù những ai đòi phải khắc sâu tội ác của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động.

Vì cái hệ thống của ý thức hệ XHCN đã sụp đổ chỉ có thể lưu lại trong bảo tàng nhưng người ta cố trì kéo để giữ cái ghế quyền lực đang lung lay tận gốc mà táng tận lương tâm đục bỏ những tấm bia ghi tên các liệt sĩ, phá bỏ tượng người nữ anh hùng đánh giặc xâm lược trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc năm 1979. Cũng vì cái ý thức hệ đã mất hết sức sống đó mà người ta chỉ đạo báo chí và công luận phơi ra trước mắt thế giới sự nhục nhã đớn hèn của sự lươn lẹo gọi tàu thuyền xâm lược Trung Quốc là “tàu lạ” khi mà bạn bè quốc tế đang dõi theo phản ứng của Việt Nam để liệu thế vào cuộc. Và rồi chỉ mới mươi ngày trước đây thôi, cùng với việc trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình tại Hội trường Diên Hồng trong toà nhà Quốc Hội mà từ Chủ tịch đến các ông nghị mang danh là “Cơ quan quyền lực cao nhất”, là những “đại biểu của dân” đồng loạt vỗ tay chào mừng kẻ thù để rồi sau đó lại cao đàm khoát luận về những chuyện “đại sự” liên quan đến “đại cục”- “cái cục lớn” mà họ Tập đã không ngần ngại văng ra khi quay đít từ Hội trường Diên Hồng lên tàu bay sang Singapore!

Từng dán mắt vào màn hình tivi tường thuật tại chỗ để mong tìm ra một biểu tỏ tối thiểu của lòng tự trọng, tự tôn dân tộc qua ánh mắt, vẻ mặt, một cử chỉ đứng bỏ ra, mà nếu người ta phòng xa đã khoá lại thì đứng lại cuối hội trường nhưng tuyệt đối không thấy một ai, kể cả bóng dáng của những người vốn không có ý kiếm chác thêm một nhiệm kỳ nữa như đã từng nói ra với bạn bè!

Vậy thì, để hiểu cho được cái cục lớn này, xin các vị hãy nghe chính một học giả Trung Quốc, ông Nguỵ Kinh Sinh, nói về điều này: “Ngay bây giờ, bàn tay của Tập Cận Bình đang thò vào mũi tên tẩm độc nằm trong túi của ông ta, ông khao khát muốn bắn thử nó vào các nước láng giềng. Thật vậy, ông không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Không phải ông không thể chờ vì do môi trường quốc tế, nhưng vì do hoàn cảnh bên trong của Trung Quốc…”. Đây là trích trong bài viết nhằm giảng giải về lịch sử cho Henry Kissinger người mà Nguỵ Kinh Sinh phê là “không đọc sách và đưa ra những bình luận mù tịt vì không biết lịch sử” khi ông ta lớn tiếng bênh vực cho những kẻ bạo ngược: họ nói rằng họ muốn “Thao quang dưỡng hối” (Tao yang guang hui) – để ẩn mình chờ thời…mà không hiểu được ý nghĩa thực sự của thành ngữ Trung Quốc nổi tiếng này, cứ nghĩ rằng nó có nghĩa là đem cất các vũ khí vào trong kho và thả các con ngựa chiến về núi. Trong thực tế, ý nghĩa thực sự của thành ngữ này là: ẩn giấu các mũi tên vào trong túi, giả bộ như hòa bình và chờ đợi cho đến khi đúng thời điểm để tiêu diệt kẻ thù.[Xem toàn văn bài viết trong bản ĐIỂM TIN SỐ 25 này]

Thưa với quý vị, các vị vừa mới trải thảm đỏ đón chào vị thượng khách với “bàn tay đang thò vào mũi tên tẩm độc nằm trong túi của đang khao khát muốn bắn thử nó” vào chính dân tộc Việt Nam ta đấy. Chính vì thế, chưa lúc nào niềm tin của dân lại bị đổ vỡ trước những đối sách mập mờ của một bộ phận những kẻ nắm quyền lực đang qúa khiếp sợ trước nanh vuốt của Tập Cận Bình trước thềm Đại hội XII nhằm áp đặt được những thân tín của y có mặt trong đội ngũ quyền lực sắp tới để dễ bề thao túng, ngăn cản tiến trình dân chủ hoá đang là xu thế không sao đảo ngược được.Thì chính trong bối cảnh đó mà Bộ GD&ĐT đưa ra sáng kiến “tích hợp môn sử” để góp phần làm “phân rã” nhân tâm hơn nữa mà về khách quan, dù muốn hay không, dù bập vào mưu ma chước quỷ của chiêu phải võ Tàu thâm hiểm hay đơn thuần chỉ là dại dột và thiển cận trong đầu óc và tầm nhìn thì cũng phải quyết liệt chỉ ra.

Có nhiều thủ đoạn làm phân rã nhân tâm, một trong những cái đó là huỷ hoại, xuyên tạc để bôi nhọ lịch sử hoặc bẻ cong tính chân thực khách quan của lịch sử theo lợi ích của triều đại đang trị vì, của những kẻ đang nắm quyền cai trị. Đây không hề là chuyện gì mới khó hiểu, mà hầu như đã trở thành quy luật được lặp đi lặp lại trong suốt cả tiến trình lịch sử từ xưa tới nay. Cũng chính vì thế, sách giáo khoa lịch sử từ phổ thông đến đại học sau năm 1945, rõ nhất là sau 1954 ở Miền Bắc XHCN là sử Đảng, những tri thức về giai đoạn lịch sử trước 1930 cũng được viết bởi sự chiếu rọi qua lăng kính của Đảng. Chẳng thế mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng lên tiếng “Cách mạng tháng 8 năm 45 đánh đổ thực dân phong kiến là chuyện tất yếu phải làm để giành lại độc lập cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng rồi theo trớn đó mà chửi phong kiến tùm lum thì vô tình đã chửi cha ông mình chứ còn gì nữa! Thử hỏi các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi diệt quân Minh xâm lược và lên ngôi vua thì đều là “phong kiến” cả chứ gì? Liệu có ai dung túng cho chuyện xúc phạm đến ông cha? Thế mà cứ thoải mái chửi phong kiến thì khoa học cái nỗi gì”?

Nhưng có lẽ chuyện xúc phạm đến ông cha tệ hại nhất mà Ông Sáu Dân chưa kịp nói chính là chuyện bán rẻ chủ quyền quốc gia để giữ lấy cái ý thức hệ XHCN đồng nghĩa với cái ghế quyền lực đang là một nỗi đau lịch sử quá lớn. Dễ hiểu tại sao đã có vị giáo sư sử học nọ la toáng lên là “sách giáo khoa quá chậm trễ việc đưa vấn đề chủ quyền Hòng Sa và Trường Sa” cứ như ông ta chẳng có dính dáng tí chút trách nhiệm nào trong chuyện này khi im thin thít không dám cụ cựa gì trước chỉ thị của “cấp trên” để yên bề ghê gẩm, chức danh. Thôi thì cũng phải thông cảm với giáo sư trong chuyện “khó xử” của bối rối tâm trạng “nỗi mình thêm ngại nỗi nhà” này đâu chỉ có riêng ông. Cho nên, phải chấn chỉnh lại việc dạy sử, học sử là chí phải đấy ạ.

Nhưng muốn như thế thì phải “tích hợp” chuyện chấn chính những chỉ thị áp đặt của cái cấp trên muốn hứng lấy “cái cục lớn” của Tập Bành trướng Đại Hán mà ban phát cho các nhà làm sử, viết sử, dạy sử khiến họ lại ban phát cái nọc độc ấy cho trẻ con Việt Nam đang được “tích hợp” đủ chuyện để rồi lâm vào tình trang “phân rã” vô phương cứu chữa khi lấy việc tôn thờ ý thức hệ XHCN, đặt nó trên Tổ Quốc, trên Dân tộc để rồi đặt Cương lĩnh của Đảng lên trên Hiếp pháp, thách thức tính công minh của lịch sử.

Quả là lịch sử không thiếu những danh nhân làm rạng rỡ khí phách và lòng tự tôn dân tộc, song cũng không quá hiếm những tội đồ với những mưu toan đen tối hoặc hèn nhát, run sợ trước sức mạnh tưởng như áp đảo của kẻ thù, đã sớm đầu hàng để mong giữ lấy lợi quyền cho riêng mình. Những biến thái của những hiện tượng mang tính quy luật nói trên thì thiên hình vạn trạng, bản chất thì không khác nhau mấy song cách thể hiện thì cũng lắm vẻ, nhiều màu. Càng không thiếu cách “mượn màu chiêu tập” để mà “mập mờ đánh lận con đen” bằng việc bọc ra ngoài những toan tính đó những ngôn từ hào nhoáng từng ăn sâu vào não trạng của không ít người.

Nhưng rồi, thói quỷ biện của ngôn từ kiểu người ta đang làm chỉ có thể đánh lừa được một số người, đánh lùa được một số người hay nhiều người trong một lúc, những sẽ không thể đánh lừa được mọi người trong mọi lúc được. Những sự kiện được phơi bày trong thời gian qua khiến những người tỉnh táo, rồi từ họ mà nhiều người được cảnh tỉnh, công luận sáng suốt được đánh thức để mà nhớ lại những tấm gương tày liếp của những tội đồ lịch sử muôn đời bị nguyền rủa, sử sách còn ghi lại để răn dạy con cháu hôm nay. Người ta nhớ lại, đọc lại lịch sử mà chẳng cần các vị ở Bộ GD&ĐT “tích hợp” để nhận ra rằng, thời Trần oanh liệt như vậy song cũng đã có những hoàng thân, quốc thích đang đảm trách những việc lớn vì hèn nhát, sợ giặc nhưng lại nuôi mộng đế vương nên đã mưu toan cúi đầu hàng giặc, phản bội tổ quốc. Những cái tên như Trần Nhật Hiệu, Trần Di Ái, Trần Lộng, Trần Kiện, Trần Ích Tắc đi vào lịch sử bằng những vết nhơ không bao giờ gột sạch. Đại Việt Sử Ký toàn thư dẫn lời bình của Ngô Sĩ Liên “Nhật Hiệu là đại thần cùng họ với vua. Giặc đến, khiếp sợ hèn nhát, không có kế sách chống giữ, lại còn kiếm cách xui vua mình chạy đi ở nhờ nước khác thì còn dùng hắn làm tướng làm gì”, đấy là sử gia bàn về hai chữ “nhập Tống” khi thế giặc mạnh tràn vào mà Hiệu đã “dùng ngón tray chấm nước viết lên mạn thuyền” cho vua xem.

Dẫn lịch sử để nói rằng, đôi mắt của nhân dân nhìn ra rất rõ những “hoàng thân, quốc thích” thời đại mới đang toan tính những gì. Mà làm sao không thấy được trước hành động được “chỉ đạo từ trên” là quyết liệt đục bỏ bia liệt sĩ ghi ơn những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía Bắc năm 1979. Liệu có phải chủ trương và hành động thất nhân tâm này là minh chứng của việc cung cúc thực hiện “mật chỉ” của Minh Thành Tổ năm 1406 đục bỏ những tấm bia “do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn” được biến thái với mật ước Thành Đô 1990?

Đặt hai sự việc cạnh nhau mới thấy khủng khiếp cho cái hệ luỵ không sao lường hết được của những sự kiện lịch sử vừa dẫn ra. Lịch sử có sức mạnh diệu kỳ vì nó đánh thức tiềm năng đang ủ kín trong tâm thức của từng con người, định hình bản sắc và diện mạo của nó trong cốt cách dân tộc vốn được hun đúc từ khí thiêng sông núi đặng làm nên tổ quốc. Đánh mất lịch sử, xoá mờ lịch sử là đánh mất bản sắc và diện mạo của con người Việt Nam như nó vốn có và cần có. Nói vậy bởi vì, một quá khứ gần và một quá khứ xa, ở những chừng mức nào đó, đang hoà quyện vào nhau trong cuộc sống hiện tại của mỗi đời người. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, con em chúng ta phải được học cách để nhận biết sự hoà quyện đó. Cho nên vun đắp bản sắc và diện mạo con người, hình thành nhân cách là sự dày công của lịch sử đâu phải một sớm một chiều. Nhưng làm suy thoái và hủy hoại nó thì chẳng mấy chốc. Chẳng thế mà ông cha ta từng răn dạy: “Thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó…”2. Nỗi lo chuyện dạy sử và học sử đang chiếm lĩnh tâm trí những người có hiểu biết vốn nặng lòng vì sự nghiệp của ông cha, đang day dứt vì thực trạng của đất nước.

Lại nữa, phải đặt chuyện này trong bối cảnh ở Trung Quốc lịch sử đang được khai thác quyết liệt và vận dụng tinh vi nhằm phục vụ cho mưu đồ xâm lược, bành trướng của Tập Cận Bình. Hãy đọc những dòng sau đây của Bill Hayton, học giả đang làm việc tại CSIS trong bài “Những diễn tiến ở Biển Đông: Góc nhìn về Philippines, Malaysia và xa hơn” : Nguyên nhân gốc rễ của những hành động của các bộ phận này ở Biển Đông là phiên bản lịch sử vốn đã trở thành chính thống trong các trường học và các học viện Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo đó Biển Đông đã thuộc thẩm quyền của Trung Quốc “từ thời xa xưa.”

Tôi cho rằng có quá nhiều bài phân tích về các tranh chấp này dành sự chú ý quá ít cho mức độ nghiêm trọng mà Trung Quốc đặt để cho yêu sách lịch sử của họ. Tôi đã lập luận ở những nơi khác rằng phiên bản lịch sử này dựa trên việc đọc sai bằng chứng, giải thích sai, và thậm chí dịch sai. Tuy nhiên, đó lại là một yếu tố thúc đẩy cốt lõi đằng sau các hành động của Trung Quốc trên biển. Nó đáng được chú ý nhiều hơn nữa. Việc dạy sai kéo dài về yêu sách lịch sử của Trung Quốc chỉ tạo ra một cảm giác bất bình trong dân chúng vốn làm cho các tranh chấp càng trở nên rất khó giải quyết hơn.[Xem toàn văn bài viết trong bản ĐIỂM TIN SỐ 65 này]

Lịch sử bị bẻ cong, bị xuyên tạc, rồi “việc dạy sai kéo dài về yêu sách lịch sử” như Bill Hayton vừa nói lại đã được Trung Quốc đưa vào sách giáo khoa lịch sử để dạy cho học sinh từ rất lâu trong khi ở Việt Nam thì im hơi lặng tiếng theo sự “chỉ đạo của trên”. Lại “chỉ đạo từ trên”! Chỉ mới gần đây thôi, sau phát biểu của Thủ tướng về việc khẳng định và đưa vào sách giáo khoa vấn đề xác lập chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì người ta mới bắt đầu bàn tính. Thì lại nảy nòi ra chuyện “tích hợp” môn sử!

Xem ra có thể có một cái gì mờ ám trong mưu toan “tích hợp” để làm phân rã truyền thống yêu nước, ý chí quật cường chống ngoại xâm “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” mà bọn xâm lược muốn làm mờ đi để tiện bề xếp đặt. Nếu vậy thì vấn đề không còn là vấn đề của Bộ GD&ĐT mà đã nằm trong một kế sách có dáng dấp chiến lược vĩ mô cần phải chỉ ra một cách minh bạch “rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay” để đề phòng tình huống “có tai họa nảy sinh mà không biết đề phòng” như lời chỉ dạy của Lê Quý Đôn.

Nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII từng chỉ rõ: “Việc trong thiên hạ không ngoài hai điều “lý”và“thế”. Và hai điều ấy lại luôn dựa vào nhau. Biết “lý” mà không biết “thế” thì chưa đủ làm nên việc; hiểu “thế” mà không biết “lý” thì định không ra việc…. Kinh Dịch nói, biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có “một”[lý] thôi. Chí lý thay chữ“một”. Lấy chữ “một” ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chín châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá vẫn đều rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy”.

Vì thế, ông cho rằng: “Các việc mà người xưa xử trí, có việc tưởng thế là phải mà hóa trái; có việc tưởng thế là mất mà lại hóa được; có tai họa nảy sinh mà không biết đề phòng; có việc không ngờ mà lại thành công; có khi do muộn mà hỏng việc; có khi do sớm mà tai họa. [Nguyên do] chỉ vì“lý” và“thế” ở ngay trước mắt mà khó nhận ra”3.

Vậy thì “cái ở ngay trước mắt mà khó nhận ra” trong chuyện “tích hợp” để “phân rã” này đang là chuyện của thời đại, chuyện sẽ đi vào lịch sử chứ không chỉ là dạy sử và học sử.

Ngày 22.11.2015
Tương Lai

(Tác giả gửi BVB)
________

1- Fernand Braudel. “Tìm hiểu các nền văn minh”. NXBKHXH Hà Nội 1992, tr.28
2- Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ triều Nguyễn, thế kỷ XIX
3- Lê Quý Đôn. “Quần thư khảo biện” NXBKHXH. Hà Nội 1995, tr.465, 466 và 468.








No comments:

Post a Comment

View My Stats