Monday, 16 November 2015

Thực chất của hành vi “Hỗ trợ đơn vị thi công” trong lĩnh vực đất đai (Luật sư Hà Huy Sơn)





Luật sư Hà Huy Sơn
17/11/2015

Những năm gần đây khái niệm “Hỗ trợ đơn vị thi công” được Ủy ban Nhân dân cấp huyện ở nhiều địa phương sử dụng để bao biện cho hành vi cưỡng chế thu hồi đất đai của người dân.

Luật Đất đai từ trước cho đến nay có quy định “Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất” và Luật Xử phạt hành chính năm 2012 có quy định “Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính”. Ngoài hai loại cưỡng chế này, trong lĩnh vực hành chính pháp luật không có quy định một hình thức cưỡng chế nào khác.

Để thực hiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính cưỡng chế phải đảm bảo hai yếu tố:
Về điều kiện: Phải có quyết định thu hồi đất hoặc quyết định xử phạt hành chính đã được ban hành.
Về thủ tục: Để cưỡng chế thực hiện hai loại quyết định hành chính nêu trên phải có quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền và tổ chức thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật.

Nếu không thỏa mãn điều kiện và thủ tục nêu trên thì mọi hành vi hành chính nhằm thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng trong lĩnh vực đất đai đều là bất hợp pháp. Mọi hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện không được coi là nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Luật Xây dựng năm 2014, điều 108 “Chuẩn bị mặt bằng xây dựng”, có quy định:

1. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

2.            Thời hạn giải phóng mặt bằng xây dựng phải đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt hoặc quyết định của người có thẩm quyền.

3.            Việc bàn giao toàn bộ hoặc một phần mặt bằng xây dựng để thi công theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng.

4.            Bảo đảm kinh phí cho bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có)”.

Hỗ trợ giải phóng mặt bằng” là mục tiêu hoặc kết quả của quá trình thu hồi đất bằng không cưỡng chế hoặc cưỡng chế chứ không phải là một phương pháp. Còn “Hỗ trợ đơn vị thi công” mà Ủy ban nhân dân cấp huyện ở nhiều địa phương đã làm, đang làm là một phương pháp huy động lực lượng để cưỡng chế giải phóng mặt bằng trái pháp luật.

Hà Nội, ngày 16/11/2015.
H.H.S.
Tác giả gửi BVN





No comments:

Post a Comment

View My Stats