Tuesday, 24 November 2015

"Terror in Little Saigon": Hãy nhìn qua lăng kính pháp luật (Dương Hoài Linh)





Dương Hoài Linh
Tác giả gửi tới Dân Luận
24/11/2015

Vụ "Terror in Little Sai Gon" của AC Thompson đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng NVHN. Có hai luồng ý kiến khác nhau về thủ phạm ám sát 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt. Một phía cho rằng có động cơ, hành động từ phía sau nhằm bôi nhọ cộng đồng và "mặt trận". Phía kia quan niệm rằng nạn nhân là có thật và việc lật lại vụ án, đưa ra trước công luận thủ phạm tước bỏ "quyền tự do ngôn luận" của các nhà báo là chính đáng.

Bản thân tôi cũng rất muốn nhìn thấy thủ phạm được đứng trước vành móng ngựa. Và tôi tin chính quyền, luật pháp nước Mỹ cũng muốn như thế. Bằng chứng ư? Hãy cứ nhìn vụ scandal ở nhà tù Guantanamo và vụ bê bối doping của Lance Armstrong thì rõ. Luật pháp nước Mỹ không cần ai phơi bày cái xấu của họ mà chính thể chế của một nhà nước tam quyền phân lập và một nền pháp trị đã làm điều này. Nếu không có những thể chế này, nước Mỹ đã sụp đổ từ lâu bởi tham nhũng, lạm dụng quyền lực, bởi mafia... chứ không ngày một hùng mạnh như hôm nay.

Thế nhưng tại sao nước Mỹ vẫn tồn tại những vụ án không thể đưa ra lời giải như các vụ ám sát Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, J. Kennendy hoặc vụ ám sát nhà hoạt động nhân quyền như M. Luther King... Và rất nhiều các vụ ám sát vẫn còn trong vòng bí mật khác? Mặc dù họ là nước có nền khoa học hình sự hiện đại nhất thế giới?

Phải hiểu rõ điều này: việc xóa tan dư luận bằng cách bỏ tù một nghi phạm của một vụ ám sát khác với việc minh định rằng thủ phạm đích thực của vụ án có ở ngoài vòng pháp luật hay không? Trước một vụ án, tử hình một con người, đưa một kẻ nào đó vào tù không đồng nghĩa là thủ phạm đã bị trừng trị. Có khi kẻ bị trừng trị chỉ là nạn nhân của một nền luật pháp tùy tiện. Tất nhiên là loại trừ các trường hợp thủ phạm bị bắt quả tang với vật chứng, nhân chứng đầy đủ.

Trong khi Việt Nam nổi tiếng với cách phá án nhanh nhất thế giới. Chỉ trong vòng 24 hoặc 48 giờ là có thể khoanh vùng đối tượng. Vô phúc một đối tượng có tiền án nào đó lỡ đi ngang hiện trường gây án hoặc sống trong bán kính gần hiện trường thì dù không làm vẫn bị các đồng chí CA mang về dùng biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh khai thác buộc đối tượng nhận tội. Ra tòa thì luật sư coi như bỏ, chỉ có viện kiểm sát tha hồ "khua môi, múa mép'. Mục đích là gì? Chỉ là trấn an dư luận, khiến dư luận tin rằng dưới chế độ ta, kẻ thủ ác bao giờ cũng sa lưới pháp luật và công lý bao giờ cũng được thực thi.

Trong khi đó ở các xã hội pháp trị, khoa học hình sự càng cao thì việc kết án một con người càng khó. Họ sẵn sàng tha lầm hơn kết án lầm. Do vậy có rất nhiều vụ án vì không đủ bằng chứng nên tòa phải thả ngay tại tòa. Và cảnh sát buộc phải chờ bắt nóng đối tượng với bằng chứng đầy đủ mới truy ra các vụ án trước đó.

Vì vậy đối với các vụ án ám sát tổng thống Mỹ hay các nhà báo gốc Việt, nước Mỹ thừa sức tìm một ai đó để gán tội và xây dựng các lý thuyết giải thích một cách tương đối hợp lý để xóa tan dư luận. Nhưng họ không làm như thế mà vẫn cứ để các giả thuyết tồn tại từ năm này sang năm khác. Bởi vì có một thực tế là nếu thủ phạm chỉ ra tay một lần, rồi xóa các dấu vết thì FBI có ba đầu sáu tay cũng "bó tay".

90 % các nhà báo bị ám sát trên toàn thế giới không tìm ra thủ phạm. Đó là sự thật do Trung tâm Thông tin của Liên Hợp Quốc cho biết vào năm 2013. Con số này nói lên điều gì? Pháp luật không bảo vệ được các nhà báo là một vấn nạn nhức nhối. Nhưng pháp luật cũng không thể tùy tiện đưa bất cứ ai đó vào tù khi không có đủ bằng chứng.

Hơn 30 năm đã trôi qua trong vụ "Mặt trận", các dấu vết về DNA, dấu tay, vũ khí đều đã bị phi tang. Cái còn lại trong vụ án 5 nhà báo bị sát hại là nhân chứng. Nhưng với thời gian như thế, việc các nhân chứng (nếu có) khi đối chất trước tòa bị các luật sư hỏi vặn vài câu là bí, đó là điều dễ đoán trước. Ta cũng phải thừa nhận rằng, đối với các vụ ám sát mà cùng chỉ về một hướng như thế, việc FBI cài người vào tổ chức bị nghi ngờ để tìm bằng chứng trưng trước tòa là điều phải có. Nhưng khi FBI đóng hồ sơ, cũng có nghĩa là họ đã bất lực. Điều đó tất nhiên phải trông chờ thủ phạm ra tay trong một vụ án khác. Nếu thủ phạm đã "cải tà quy chính" thì chỉ có nước hỏi ông trời.

Khi quan tòa chưa gõ búa thì không ai bị coi là kẻ có tội. Tất cả mọi người đều có quyền nghi ngờ Việt Tân nhưng không có quyền kết luận. Trong điều kiện hiện nay thì buộc tội Việt Tân hoặc là một cơ hội cho Việt Tân giải oan là một thực tế rất khó. Cho nên rất có lý do để cho rằng bộ phim nghiêng về tuyên truyền, tạo ra dư luận nhiều hơn. Và nói như một nữ thẩm phán Colorado trong vụ Người Dơi James E. Holmes, thủ phạm bị bắt nóng nhưng thời gian xét xử phải mất 3 năm 37 ngày (số năm tù 3 ngàn 300 năm) thì:
"Thủ phạm dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải bị kết án bởi một tòa án chứ không phải bằng dư luận."






No comments:

Post a Comment

View My Stats