Saturday, 14 November 2015

Tập Cận Bình, Mã Anh Cửu, và... Thái Anh Văn (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Friday, November 13, 2015 1:01:51 PM

Hai người đứng đầu hai nước Trung Hoa gặp nhau Thứ Bảy tuần trước ở tại một quốc gia cũng do người Trung Hoa thành lập sau khi chính quyền thuộc địa Anh rút đi. Ông Tập Cận Bình, chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc hẹn hò với ông Mã Anh Cửu, tổng thống Trung Hoa Dân Quốc ở Singapore. Ðiều đáng chú ý nhất là hai chính quyền của cả hai ông Tập và Mã đều tự nhận chính phủ họ nắm quyền trên tất cả nước Trung Hoa, gồm cả Ðài Loan. Người này phải coi người kia là “phiến loạn” và “tiếm quyền.” Hai ông cũng là chủ tịch các đảng Cộng Sản Trung Quốc và Trung Hoa Quốc Dân Ðảng. Hai đảng này từng giành giật lục địa Trung Hoa vào đầu thế kỷ 20, cuộc nội chiến làm chết hàng triệu người.

Những bạn đọc dưới 50 tuổi có thể không biết sự tích cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 30 năm đó, vì sống dưới chế độ Cộng Sản ở Việt Nam họ không được học lịch sử. Trung Hoa Quốc Dân Ðảng đã lật đổ chế độ nhà Mãn Thanh vào năm 1911, Thống Chế Tưởng Giới Thạch thống nhất nước Trung Hoa vào năm 1927, cầm đầu Trung Hoa Dân Quốc. Trung Quốc Cộng Sản Ðảng (gọi là Trung Cộng) nổi lên làm cách mạng vô sản, bị chính quyền Quốc Dân Ðảng đánh dẹp từ thập niên 1920. Nhiều lần hai bên hưu chiến vì quân Nhật Bản tấn công nước Tàu, năm 1937. Ðến năm 1945 Nhật thua Mỹ, phải rút đi, hai bên Quốc Cộng đánh nhau tiếp. Năm 1949, quân Quốc Dân Ðảng thua, chạy ra đảo Ðài Loan. Nhưng họ coi đó chỉ là tình trạng tạm thời, sẽ có ngày quay về “quang phục lục địa.” Từ năm 1950, Trung Cộng đã nhiều lần nã trọng pháo sang đe dọa đánh Ðài Loan nhưng không bao giờ dám đánh thật. Ðạn pháo chỉ bắn tới những hòn đảo như Kim Môn, Mã Tổ do Quốc Dân Ðảng kiểm soát, cách lục địa chỉ vài ba chục cây số. Trong 20 năm gần đây, hai bên bắt đầu trao đổi thương mại, người Ðài Loan đầu tư vào Trung Quốc nhiều nhất, nhì, ngang ngửa với Singapore. Hai chính quyền vẫn tự coi họ là chính phủ của một nước Trung Hoa thống nhất, sẽ có ngày thống nhất. Nhưng đa số dân chúng Ðài Loan thì đã chán cái vở tuồng Tàu kịch giả dối đó. Họ chỉ muốn tự coi mình là một nước Ðài Loan độc lập, cũng theo một bản Hiến Pháp dân chủ giống như xứ Singapore.

Trong bối cảnh đó, hai ông chủ tịch hai đảng Quốc, Cộng gặp nhau ngày 7 tháng 7 năm 2015 có tính cách lịch sử. Trước năm 1949 hai đảng đã giết nhau trong khoảng 30 năm. Hiện giờ Trung Cộng vẫn bày hỏa tiễn nhắm bắn sang Ðài Loan. Lần sau cùng hai ông chủ tịch đảng gặp nhau là vào ngày 27 tháng 8 năm 1945, khi Mao Trạch Ðông bay về Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch bàn chuyện đoàn kết trong gần hai tháng, nhưng chỉ mấy tháng sau khi chia tay là lại đánh nhau chí chết. Năm đó, Mao đòi người trung gian hòa giải là ông đại sứ Mỹ đem máy bay đến tận chiến khu Diên An đưa Mao về Trùng Khánh, vì họ Mao lần đầu tiên đi máy bay, vẫn sợ bị ám hại.

Năm 1945, Tưởng Giới Thạch bị đại sứ Mỹ ép mãi mới chịu gặp Mao Trạch Ðông. Năm nay, Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình đều tự ý gặp nhau, không ai ép uổng. Nguyên nhân chính là họ đều muốn vở tuồng “một nước Trung Hoa” tiếp tục diễn càng lâu càng tốt, trong khi ý dân Ðài Loan đang nghiêng về khuynh hướng độc lập!

Ông Mã Anh Cửu lên làm tổng thống Ðài Loan từ năm 2008, đã cố gắng đạo diễn tấn tuồng này. Chính phủ của ông ký hơn 20 thỏa hiệp trao đổi kinh tế, thương mại; lần đầu tiên mở đường bay trực tiếp giữa “hai nước,” và số du khách từ lục địa qua Ðài Loan tăng vọt lên. Năm ngoái, Mã Anh Cửu đưa ra trước Quốc Hội Ðài Loan dự thảo một hiệp định trao đổi “phục vụ mậu dịch,” tức là trao đổi các dịch vụ giữa hòn đảo với lục địa. Chính quyền đã ký kết, nghĩ rằng Quốc Hội sẽ thông qua dễ dàng vì Quốc Dân Ðảng chiếm đa số. Nhưng sinh viên Ðài Loan đã kêu gọi dân chúng biểu tình phản đối, gây nên phong trào Hoa Hướng Dương. Cuối cùng Quốc Hội phải ngưng không bàn về hiệp định đó nữa. Dân Ðài Loan thắng, Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình thua.

Năm tới, dân Ðài Loan sẽ bầu cử tổng thống, Trung Cộng mong Quốc Dân Ðảng thắng cử vì đảng đối lập Dân Chủ Tiến Bộ theo khuynh hướng Ðài Loan độc lập. Trong cuộc gặp gỡ ở Singapore tuần trước, Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu bắt tay rất lâu cho báo chí của hai bên chụp hình, quay phim. Hai bàn tay nắm nhau kéo dài 81 giây đồng hồ! Tập Cận Bình nói ngọt ngào để dụ dân Ðài Loan: “Chúng ta là anh em dính liền nhau bằng máu với thịt dù xương bị gẫy; chúng ta là một gia đình, giọt máu đào hơn ao nước lã!” Mã Anh Cửu thì chỉ nói: “Chúng tôi gặp nhau lần đầu nhưng thấy như là bạn cũ tái ngộ!” Nhưng trong khi nói chuyện, cả hai người đều tránh, không ai gọi ai là chủ tịch hay là tổng thống!

Cuối cùng, cuộc hội kiến Tập-Mã chỉ mang tính chất tượng trưng mà không đưa tới một quyết định mới nào trong chính sách giao thương giữa hai nước, cũng không hy vọng giúp Quốc Dân Ðảng sang năm giữ lãi được chức tổng thống. Hai bên chỉ đồng ý thiết lập một đường dây “điện thại nóng” để tránh những xung đột bất ngờ. Các hỏa tiễn trên bờ biển Trung Cộng vẫn hướng về phía Ðài Loan, dù ông Mã Anh Cửu nói ông Tập Cận Bình hứa sẽ không bắn! Mặc dù ở thế yếu hơn, ông Mã Anh Cửu cũng có một cử chỉ có nhiều ý nghĩa: Ðem tặng ông Tập Cận Bình mấy chai rượu sản xuất tại đảo Kim Môn! Người ta có thể hiểu Mã khuyên Tập rằng: Ðừng bắn sang đảo Kim Môn nữa, chỉ phí đạn, mà lại không có rượu uống! Dân Ðài Loan có thể hiểu có lời khuyến cáo khác: “Chỉ có hòn đảo Kim Môn nhỏ xíu mà 60 năm qua không cướp nổi; đừng dại dột tính chuyện xâm lăng!”

Tuy cuộc hội kiến Mã-Tập không đưa tới kết quả nào đáng kể, nhưng lại rất có ý nghĩa. Hai ông chủ tịch đảng cùng chủ trương chỉ có “một nước Trung Hoa,” cùng chung một ngôn ngữ, một lịch sử văn hóa, và quyền lợi kinh tế có thể bổ túc với nhau có lợi cho cả hai bên. Nhưng sau sau cuộc gặp gỡ, một công việc rất tầm thường là họp báo lại cho cả thế giới thấy một khác biệt căn bản giữa hai bờ eo biển Ðài Loan!

Theo chương trình thì sau cuộc hội kiến mỗi ông chủ tịch sẽ họp báo trong 30 phút, trong lúc báo chí cả thế giới rất tò mò muốn tìm hiểu cuộc hội kiến lịch sử này. Nhưng Tập Cận Bình không tiếp nhà báo mà chỉ cho một thuộc cấp đứng ra gặp. Và ông Trưởng Chí Quân (Zhang Zhijun, ), bộ trưởng “Ðài Loan Sự Vụ” đã đọc một bản tuyên bố viết sẵn dài dòng, sau đó đọc bài trả lời cho mấy câu hỏi viết trước. Ông ta khéo chọn ba câu hỏi của một nhà báo Ðài Loan, một nhà báo lục địa, một nhà báo Mỹ, nhưng không cho phép báo nào khác, mà cũng không trả lời các câu hỏi ứng khẩu! Ðó là cách họ vẫn cai trị dân Trung Hoa từ năm 1950 đến nay!

Ngược lại, Mã Anh Cửu, một người do dân chúng bầu lên, phải tự đứng ra họp báo và trả lời tất cả các câu hỏi, nhiều câu hỏi hắc búa. Một ký giả Trung Ương Xã, thông tấn xã của nhà nước Ðài Loan, đã hỏi thẳng: “Thưa tổng thống, ông nói rằng đã bàn với ông Tập Cận Bình sẽ giảm thái độ thù nghịch giữa hai bên, nhưng dân Ðài Loan còn rất lo lắng về các hỏa tiễn trên bờ biển nhắm vào họ. Ông có yêu cầu ông Tập Cận Bình là phải di chuyển các hỏa tiễn đó đi hay không?” Mã Anh Cửu đã trả lời một cách mơ hồ rằng Tập Cận Bình hứa các hỏa tiễn đó nhắm về hướng khác!

Tất nhiên, khi các chính trị gia họp báo, họ không thể trả lời những câu hỏi khó khăn, chỉ tìm cách lảng tránh. Nhưng đó cũng là mục đích của các cuộc họp báo công khai! Nó cho dân chúng thấy sự thật, là các nhà lãnh đạo do họ bầu lên đã phải lảng tránh! Ðó là một diễn trình tự nhiên trong các xã hội dân chủ! Tự do báo chí không có ý nghĩa nào hết, nếu nhà báo không được phép đặt những câu hỏi khó trả lời, và nếu các nhà báo không được phép đẩy các nhà chính trị vào tình thế phải nói lảng, nói sai và nhiều khi nói mâu thuẫn!
Dân Ðài Loan có thể hãnh diện về cuộc họp báo của ông Mã Anh Cửu. Người Ðài Loan thấy họ đang sống trong một chế độ dân chủ tự do; dân có quyền đặt câu hỏi và chính quyền phải minh bạch, công khai. Ngược lại, dân lục địa, nếu được biết chuyện này, sẽ cảm thấy tủi hổ vì họ vẫn bị đảng Cộng Sản bịt mắt, bịt tai, không cho nghe, cho thấy cái gì mà đảng không thích!

Dân Tàu trong lục địa cũng không được đài ti vi nhà nước tường thuật về cuộc họp báo của ông Mã Anh Cửu. Chỉ có mạng Weibo chiếu cho các công dân mạng coi. Chính quyền Cộng Sản sợ các ký giả quốc tế và ông Mã nói ra những điều mà họ vẫn cấm dân chúng không được nói. Có lẽ điều họ lo sợ nhất là dân chúng dưới quyền của họ được chứng kiến một cảnh tượng hiếm có: Các ký giả tấn công một ông tổng thống do dân bầu lên mà không ký giả nào sợ, cũng không ai bị bắt sau khi tận tình “quay” nhà lãnh đạo! Ðó là dấu hiệu của một lối sống dân chủ tự do mà dân trong lục địa chứ bao giờ được thấy! Dưới chế độ Cộng Sản suốt 60 năm, họ chỉ thấy những màn trình diễn nhạt nhẽo của bọn người cầm quyền khi ra trước công chúng. Sau những tai họa như động đất ở Tứ Xuyên hay kho hóa chất nổ ở Thiên Tân, bọn cầm quyền cũng tránh không tiếp xúc với báo chí! Nếu được coi đầy đủ cuộc họp báo của Mã Anh Cửu, người dân lục địa sẽ tự hỏi: Cùng là người Trung Hoa, cùng nói một thứ tiếng, mà sao họ với người Ðài Loan phải sống dưới hai chế độ khác hẳn nhau như vậy?

Nhưng ông Mã Anh Cửu cũng không nâng được uy tín đảng của mình trước cuộc bầu cử đầu năm tới. Ứng cử viên đảng Dân Tiến, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen, 蔡英文), 59 tuổi, hiện vẫn được đa số dân Ðài Loan ủng hộ và chắc sẽ thắng. Bà tốt nghiệp đại học ở Ðài Loan, rồi theo học các đại học Cornell ở Mỹ và London School of Economics ở Anh. Năm 1993, bà đã làm việc với chính quyền Quốc Dân Ðảng, giúp cựu Tổng Thống Lý Ðăng Huy soạn bản chính sách giao thiệp với Bắc Kinh. Năm 2000 bà được mời làm bộ trưởng trong một chính phủ của đảng Dân Tiến, lo công việc giao thiệp này, với tư cách “không đảng phái.” Năm 2008 bà được bầu làm chủ tịch đảng Dân Tiến, năm 2012 đã được đảng này đưa ra ứng cử tổng thống, ứng cử viên tổng thống đầu tiên thuộc phái nữ trong lịch sử Trung Hoa; nhưng năm đó bà thua ông Mã Anh Cửu.

Bà Thái Anh Văn dù sang năm đắc cử chắc cũng không dám tuyên bố Ðài Loan là một quốc gia độc lập. Kinh tế Ðài Loan vẫn gắn liền với lục địa. Nhưng một thế hệ mới sẽ lãnh đạo Ðài Loan trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Người dân trong lục địa sẽ tiếp tục du lịch và qua làm ăn ở Ðài Loan. Họ chứng kiến cuộc sống phồn thịnh nhờ chế độ tự do dân chủ. Dân chúng lục địa sẽ thay đổi. Liệu Tập Cận Bình có dám gặp bà Thái Anh Văn hay không?






No comments:

Post a Comment

View My Stats