05.11.2015
Nhân
đọc lại bức thư Nguyễn Khải gửi Võ Phiến năm 1989, tôi tìm
đọc lại một vài tác phẩm của Nguyễn Khải, tình cờ bắt gặp bài “tuỳ bút chính trị”
ông viết năm 2006 với nhan đề “Đi tìm cái tôi đã mất”, một bài viết thú vị, phản
ánh tâm trạng bẽ bàng của một nhà văn theo đảng suốt mấy chục năm, đến cuối đời,
nhìn lại, thấy tất cả đều đổ vỡ và đều bế tắc.
Theo
cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại do
Hội nhà văn Việt Nam biên soạn và xuất bản vào năm 1997, Nguyễn Khải sinh năm
1930; vào bộ đội từ năm 16 tuổi; thoạt đầu, làm việc trong các tờ báo quân đội;
sau, chuyển sang Hội nhà văn. Ông từng là uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn
trong nhiều khoá, có thời gian là Phó tổng thư ký. Trong quân đội, quân hàm cuối
cùng của Nguyễn Khải là đại tá. Ông cũng là đại biểu Quốc Hội khoá 7. Về phương
diện văn học, Nguyễn Khải được xem là một trong những nhà văn xuất sắc nhất
trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước năm 1975 cũng như
trong cả nước sau năm 1975. Ông nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải
thưởng Hồ Chí Minh, một giải thưởng được coi là quan trọng và vinh dự nhất tại
Việt Nam.
Một
người như thế có thể được xem là thành công, rất thành công. Vậy mà, trong bài
viết “Đi tìm cái tôi đã mất”, chỉ thấy
toàn ngậm ngùi. Ngậm ngùi về chế độ. Và ngậm ngùi về sự nghiệp của chính mình.
Về
chế độ, Nguyễn Khải gọi thẳng chế độ xã hội chủ nghĩa là một chế độ “chuyên chế”,
ở đó, đảng thì được tuyệt đối hoá, giới lãnh đạo thì được thần thánh hoá, còn
dân chúng, kể cả giới văn nghệ sĩ, đều mất gần hết tự do; không ai được phép có
những suy nghĩ riêng; tất cả đều phải răm rắp đi theo những sự chỉ dẫn của đảng.
Không những chuyên chế, chế độ cộng sản còn đầy những nghịch lý: Một mặt, dù
lúc nào cũng đề cao vai trò của quần chúng, trên thực tế, họ lại rất khinh rẻ
quần chúng; mặt khác, dù lúc nào cũng lên án chủ nghĩa cá nhân, nhưng trên thực
tế, ở đâu và thời nào họ cũng có tệ nạn sùng bái cá nhân. Xây dựng trên những sự
nghịch lý như vậy, các chế độ cộng sản không khác những lâu đài trên cát, không
có chân móng gì cả, bởi vậy, vào cuối thập niên 1980, khi luồng gió dân chủ
tràn qua, tất cả đều đổ sập một cách nhanh chóng mà không ai tiếc nuối gì cả.
Đi
xa hơn việc phê phán chế độ, Nguyễn Khải còn phê phán cả chủ nghĩa Mác-Lênin, nền
tảng tư tưởng của chế độ cộng sản. Theo ông, cái chủ nghĩa ấy, với tham vọng cải
tạo thế giới và cải tạo con người, chỉ là những sự “hoang tưởng”, “nói cho
vui”, thậm chí chỉ là những sự tiên tri có tính chất “mê sảng, đồng cốt”. Nhiều
người tin tưởng vào những lời tiên tri ấy, về già, nhìn lại, chỉ thấy “một cái
kho chứa đủ thứ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì”.
May
mắn hơn các “đồng chí” của mình ở Nga và Đông Âu, chế độ cộng sản ở Việt Nam
chưa sụp đổ. Nhưng, theo Nguyễn Khải, nó biến tướng một cách dữ dội. Điều đó dễ
thấy nhất qua các gương mặt của các thành phần cán bộ: Tất cả đều tha hoá. Nguyễn
Khải nhận xét về các cán bộ trong một tỉnh ông về thăm: “Mặt người nào cũng đầy
những múi thịt, sần sùi, nói nhiều, cười to, lời lẽ nhạt nhẽo, dung tục, và
không bao giờ nhìn thẳng vào mặt mình để nói, cứ như là đang nói với một ai
khác ngồi cạnh mình hoặc ngồi sau mình”.
Chính
trị như thế, văn học cũng như thế. Chủ trương của cộng sản, qua các chuyến đi
thực tế và các buổi học tập chính trị, là tiêu diệt các giá trị cá nhân, các ý
tưởng và cảm xúc gắn liền với cá nhân. Để trong xã hội chỉ có một dòng tư tưởng
chính thống duy nhất. Nguyễn Khải nhận định: “Mất những cái đó thì còn sống tiếp
làm gì, còn viết tiếp làm gì”?. Chính vì vậy, trong văn học, nhiều người bỏ nghề;
một số người tiếp tục nhưng cương quyết đòi cất lên một tiếng nói riêng thì bị
cả chế độ xúm vào đánh, tạo nên những “vụ án văn tự” thảm khốc. Những người
khác, có lẽ trong đó có cả Nguyễn Khải, sợ hãi viết theo “đúng luật lệ”.
Nhưng
viết “đúng luật lệ” là sao? Là, “chỉ có hai chủ đề: căm thù và hy sinh. Cũng chỉ
có ba loại người được tôn vinh: Công, nông, binh. Cái thế giới mênh mông, nhiều
màu sắc ngày một thu hẹp và chỉ có hai màu: đỏ là quân ta, đen là quân địch”.
Hậu
quả của việc viết “đúng luật lệ” ấy là, về phía độc giả, càng ngày càng chán
văn học; về phía tác giả, họ cũng “tự chán mình”. Nhưng hậu quả tai hại nhất là
giới văn nghệ sĩ bị đánh mất cái tôi của mình. Thiếu cái tôi riêng tư và phong
phú ấy, tất cả các tác phẩm họ vắt óc ra để viết chỉ nhằm để phục vụ cho các mục
tiêu chính trị nhất thời. Khi các mục tiêu ấy qua đi, tác phẩm cũng biến mất. Tự
nhìn lại sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Khải không giấu được cảm giác ngậm
ngùi: “Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết
chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả ai còn nhớ tới mình nữa. Tôi là
nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy
lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ?”
Ừ.
Thì buồn. Buồn hơn nữa là việc giác ngộ của Nguyễn Khải khá muộn màng. Khi ông
nhận thức ra tất cả những sai lầm của chế độ cũng như những sai lầm trong việc
viết lách theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa hời hợt, giả tạo và giả dối ấy,
ông đã lớn tuổi, không còn khả năng suy nghĩ và sáng tác được nữa. Ông viết: “Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết, người rã
ra, đọc sách cũng nằm, đọc được mươi lăm phút, chữ nghĩa đã loè nhoè, chả rõ
mình đọc cái gì. Rồi ngủ. Ngủ như chim, một chớp mắt đã tỉnh, tiếp tục đọc nốt
cái nửa trang đọc dở vẫn cứ lờ mờ vì chả còn nhớ họ viết cái gì trong cái nửa
trang vừa đọc. Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ
thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi cũng nhận ra ngay đây là tấm bia mộ
sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc. Thế là lại buồn, ra
vào ngẩn ngơ cả tháng.”
Đọc
bài “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải, không thể không nhớ đến bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn minh hoạ” viết
năm 1987 của Nguyễn Minh Châu. Cũng sinh năm 1930 và cũng là đại tá trong quân
đội như Nguyễn Khải. Cũng được đánh giá là một trong những nhà văn xuất sắc nhất
trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như Nguyễn Khải. Và, cuối cùng,
cũng thất vọng ê chề về sự nghiệp văn học của mình như Nguyễn Khải.
Chỉ
có điều khác Nguyễn Khải: Trong khi Nguyễn Khải chỉ ngậm ngùi, Nguyễn Minh Châu
còn nghẹn ngào, đôi khi còn uất hận khi nhìn lại những ràng buộc khắc nghiệt của
chế độ đối với giới văn nghệ sĩ. Ông nhận định: “mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa,
văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn
mây cho những khuôn khổ đã có sẵn”. Hậu quả? “Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà
văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng.” Rồi
ông nghẹn ngào than: “Văn chương gì mà muốn
viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình
tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.” Rồi
ông kể: “Có một nhà văn đàn anh nâng chén
rượu lên giữa đám đàn em: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết
sợ!’, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ
xuống đất, giọt đổ vào lòng.”
Nghe
nói “nhà văn đàn anh” mà Nguyễn Minh Châu mới nhắc chính là Nguyễn Tuân. Cả mấy
thế hệ cùng rơi nước mắt khi viết lách cũng như khi nhìn lại sự nghiệp viết
lách của mình. Thảm.
---------------------------
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment