Nguyễn Tiến Hưng
Cựu Tổng trưởng VNCH, gửi cho BBC từ Mỹ
31
tháng 10 2014
Bầu
không khí trong phòng họp thật nặng nề. Các thành viên đến họp đều đã biết rõ sẽ
có những tranh luận hết sức gay go.
“Ông Diệm không phải là một giải pháp tốt.
Pháp và Mỹ đã cố gắng chứng minh ngược lại, nhưng chúng ta đã thất bại.
"Lợi dụng lúc (Đại sứ Mỹ) Collins đi vắng,
ông ta đã cho nổ súng và đã thắng thế nhưng cũng chẳng đóng góp gì được cho một
giải pháp lâu dài. Quan điểm chống Pháp của ông ta là cực đoan, Diệm không những
bất tài mà còn là một người điên (Fou).”
Đây là
lời phát biểu của Bộ Trưởng Các Quốc Gia Liên Kết, ông Henri Laforet. Chỉ trích
việc Mỹ luôn luôn thay đổi lập trường đối với ông Diệm, Laforet tiếp tục: “Hai
bên Mỹ-Pháp chúng ta đã đồng ý với nhau là chỉ ủng hộ ông Diệm một thời gian
cho tới tháng giêng vừa qua (tháng 1, 1955), lúc đó nếu ông Diệm vẫn cứ thất bại
thì ta phải kín đáo tìm người thay thế. Nhưng điều này đã không xảy ra,” Mỹ đã
không tìm người thay thế ông Diệm.
“Vấn đề là trước tình thế hiện nay ta phải
làm gì,” Ngoại trưởng Foster Dulles trả lời, “và tình hình hiện nay là đang có
một phong trào cách mạng dấy lên ở Việt Nam.”
"Cách mạng gì đâu, Laforet cãi lại,
“Chính cái gọi là ‘Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia’ lại đang bị Việt Minh
chi phối vì Phó Chủ tịch Hồ Hán Sơn là một sĩ quan cũ của Việt Minh.”
Dulles
phản biện: “Nếu ông cho rằng một người
trước đây đã cộng tác với Cộng sản thì bây giờ vẫn là Cộng sản thì chưa đủ lý
do để kết luận…vì nếu lý luận theo kiểu ấy thì chính ông Bảo Đại cũng có thể là
Cộng sản.”
Thấy
hai bên căng thăng quá, Ngoại trưởng Anh Harold MacMillan xen vào và đề nghị ‘Thôi ta hãy hoãn cuộc họp lại để nghỉ ngơi
đã rồi sẽ bàn tiếp.” Đó là đối thoại trong một cuộc họp tay ba Pháp-Mỹ-Anh ở
Paris bắt đầu từ ngày 7 tháng 5, 1955 sau khi Ủy Ban Cách Mạng họp tại Dinh Độc
Lập ngày 29 tháng 4 ủng hộ Thủ tướng Diệm.
Tới lúc
này, sau khi ông Diệm ổn định được tình hình ở Sàigòn thì Mỹ mới dứt khoát ủng
hộ.
Trước
đó, ngay từ khi ông Diệm vừa về nước, Pháp đã thuyết phục được Mỹ cũng đồng ý để
loại trừ ông đi.
Chỉ một
tuần lễ trước cuộc họp này, Đại sứ Mỹ ở Sàigòn còn làm áp lực để Ngoại trưởng
Dulles ký mật điện dẹp ông Diệm (như đề cập dưới đây). Pháp muốn bám víu vào Miền
Nam nhưng lại gặp phải một ông thủ tướng có tinh thần siêu quốc gia nên chắc chắn
là phải tìm mọi cách loại bỏ để thay thế bằng một người lãnh đạo thân Pháp.
Hoàn cảnh
ở Miền Nam thì lại thuận lợi: Quốc trưởng Bảo Đại vẫn còn ở Cannes, quân đội Việt
Nam còn nằm trong Liên Hiệp Pháp, và Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội, Tướng Nguyễn
Văn Hinh (con trai của cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm) là một sĩ quan cũ trong
Không quân Pháp. Cảnh sát thì do Bình Xuyên nắm giữ; ngay cả lực lượng an ninh
‘Sureté’ cho văn phòng phủ Thủ Tướng Diệm cũng do Cảnh sát gửi đến. Như vậy là
ông Diệm đang ở trong hang cọp rồi.
Pháp,
Mỹ và Ngô Đình Diệm
Trong một
tài liệu mật ghi số 1691/5 (ngày 15 tháng 4, 1955), Bộ Quốc Phòng Mỹ thẩm định
là có hai yếu tố làm căn bản cho tất cả những tính toán của Pháp ở Việt Nam, đó
là Pháp nhất quyết:
Giữ vai
trò lịch sử lâu dài của mình tại Việt Nam; và Bảo vệ những đầu tư quá lớn của
Pháp về kinh tế, tài chính tại nơi đây.
Bởi vậy,
Bộ nhận xét rằng: vấn đề quyền lợi của Pháp là yếu tố quyết định cho tất cả những
diễn tiến chính trị tại nơi này. Pháp toan tính hành động ra sao?
Bằng
hai biện pháp:
Tìm
cách loại trừ ông Diệm hoặc bằng một cuộc đảo chính, hoặc bằng cách thuyết phục
ông Bảo Đại truất chức ông Diệm; và bất hợp tác với Mỹ trong việc huấn luyện
quân đội Quốc Gia Việt Nam
Pháp
‘lobby’ Đại sứ Mỹ tại Paris và Sàigòn
Muốn dẹp
ông Diệm thì cũng không khó vì lực lượng của Pháp rút từ Miền Bắc vào Nam còn rất
hùng hậu. Chỉ có một trở ngại, đó là chính sách của Mỹ đối với ông này.
Tuy
nhiên, vào lúc ấy thì sự ủng hộ của Mỹ đối với ông Diệm cũng chưa có gì là rõ
ràng. Bởi vậy, Pháp tin rằng mình có thể tìm cách hạ uy tín ông Diệm. Dễ nhất
là ‘lobby’ với Đại sứ Mỹ ngay tại Paris và Sàigòn.
Tại
Paris
Ông Diệm
chấp chính tháng 7 thì tháng 8, Đại sứ Mỹ ở Paris là Douglas Dillon đã đánh điện
về Washington báo cáo về cuộc họp với ông Guy La Chambre, Bộ trưởng Các Quốc
Gia Liên Kết. La Chambre nêu ra ba đặc điểm sau đây để phê phán ông Diệm. Đại sứ
Dillon báo cáo:
Paris, Ngày 4 tháng 8, 1954
Kính gửi: Ngoại Trưởng
“Cuối tuần qua tôi có nói chuyện với ông La
Chambre một cách hết sức thẳng thắn. Ông ta cho rằng tương lai của chính phủ Việt
Nam sẽ tùy thuộc vào ba yếu tố sau đây:
Chính phủ ấy phải thực sự đại diện nhân dân;
Phải tổ chức cải cách điền địa cho sớm; và Phải sửa soạn truất phế ông Bảo Đại
để thành lập một nước Cộng Hòa trong mấy tháng tới.
“Ông La Chambre nghĩ rằng chính phủ Diệm
không (“tôi xin nhắc lại là không”) đủ khả năng để thi hành bất cứ điểm nào
trong ba điểm này...”
Dillon
Dillon
báo cáo thêm: (i) về điểm thứ nhất: ông
La Chambre lưu ý Hoa Kỳ là theo thông tin nhận được thì ông Diệm sẽ không thể
có khả năng đại diện nhân dân vì ông ấy không có được sự cộng tác và ủng hộ của
các phe phái Miền Nam; (ii) về điểm thứ hai và thứ ba: “vì quá trình của ông Diệm
là quan lại, nên ông ta sẽ phản đối cả việc cải cách điền địa cả việc truất phế
ông Bảo Đại.”
Bởi vậy,
La Chambre đề nghị “Để Miền Nam có được một cơ may thắng thế trong kỳ tổng tuyển
cử toàn quốc thì cần phải có ngay một chính phủ mới.” Đề nghị này là ‘gãi đúng
chỗ ngứa’ của Mỹ vì Mỹ đang lo ngại về cuộc tổng tuyển cử Bắc-Nam (1956) theo
như Hiệp Dịnh Geneva 1954. Ông La Chambre đề nghị ông Nguyễn Văn Tâm làm Thủ Tướng.
Tại
Sàigòn
Ngày 26
tháng 8, Đại sứ Mỹ Donald Heath được mời dùng bữa tiệc tại nhà một người triệu
phú Pháp tên là Jacques Raphael-Leygues. Tới nơi ông ta mới biết rằng thực ra
đây chỉ là một cuộc hội họp chính trị.
Tham dự,
ngoài Tướng Nguyễn Văn Hinh, có lãnh đạo của các lực lượng giáo phái và một số
quan chức Pháp. Trong bữa tiệc, mọi người tố cáo ông Diệm là người bất tài lại
không chịu điều đình với các giáo phái.
Một người
đã hỏi thẳng ông Đại sứ Heath: “Nếu chúng tôi xúc tiến để thay thế chính phủ Diệm
thì ông có đồng ý hay không?” Ngay ngày hôm sau, ông Heath đánh điện về
Washington: “Chúng ta phải để ý theo dõi tìm một lãnh đạo khác.”
Tổng
Tham Mưu Trưởng công khai chống Thủ Tướng
Tháng 8
thì như vậy, tới tháng 9 thì ‘hầu như ngày nào cũng có tin đồn về đảo chính.’
Cơ quan
tình báo Hoa Kỳ CIA báo cáo liên tục là có dư luận tại Việt Nam là Pháp đang đứng
đằng sau một âm mưu lật đổ ông Diệm.
Tướng
Hinh công khai chống lại Thủ Tướng Diệm, và còn khoe “Tôi chỉ cần nhấc cái ống
điện thoại lên là có thể dẹp được Diệm rồi.”
Nghe vậy,
ngày 11 tháng 9 ông Diệm đi tới một quyết định táo bạo: chỉ thị cho Tướng Hinh
‘đi nghỉ để nghiên cứu’ trong sáu tuần và phải xuất ngoại nội trong hai mươi tư
giờ.
Mặc dù
đã có lệnh, Tướng Hinh bất chấp, ‘ông mặc áo sơ-mi đi chiếc xe môtô thật bự
ngang nhiên chạy vòng quanh đường phố Sàigòn.’
Một tuần
sau, ông cho phổ biến lời tuyên bố về việc ông bất tuân lệnh ông Diệm và một điện
tín ông đã gửi thẳng cho Quốc trưởng Bảo Đại yêu cầu can thiệp.
Cùng
ngày, ông Diệm tuyên bố là ông Hinh đã nổi loạn. Ông Hinh cho xe thiết giáp bảo
vệ tư dinh của mình, đồng thời phái một lực lượng tới bao vây Dinh Độc Lập.
Trong thời gian sáu tuần tiếp theo, tình hình đi tới chỗ bế tắc.
Ngày 20
tháng 9, có tới 15 ông Bộ Trưởng trong nội các ông Diệm đồng loạt từ chức. Quân
đội của ông Hinh cũng đã sẵn sàng chờ lệnh để tấn công.
Trước sự
cương quyết của ông Diệm, Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ gửi một công điện chỉ thị cho Đại
sứ Heath và Tướng O’Daniel là phải “nói không úp mở (với Pháp và Tướng Hinh) rằng
Hoa Kỳ sẽ không dự trù hoặc triển hạn những viện trợ lâu dài cho quân đội Việt
Nam nếu còn một chút nghi ngờ gì về sự trung thành của vị Tổng Tham Mưu Trưởng
và các sĩ quan cao cấp.”
Tướng
Hinh ra đi ngày 13 tháng 11, 1954.
Đại
sứ Mỹ: “Chỉ ủng hộ ông Diệm vài tuần nữa thôi”
Nhưng
chưa xong. Tướng Hinh ra đi tháng 11 thì tháng 12, Tổng Thống Eisenhower cử ông
Joseph Lawton Collins (một danh tướng trong Đệ Nhị Thế Chiến) làm Đặc sứ tại Việt
Nam.
Vừa tới
Sàigòn, ông Collins đã được Tư lệnh Pháp là Tướng Paul Ély thuyết phục chống
ông Diệm. Collins là chiến hữu của Ély trong thế chiến.
Bây giờ
hai ông tướng lại gặp nhau trên chiến trường Miền Nam. Ngày 6 tháng 12, 1954,
Collins gửi công điện ‘Sàigòn 2103’ về Washington nói về sự “nản lòng của tôi đối
với tình hình đen tối tại nơi đây.” Ông cho rằng “khả năng của ông Diệm yếu
kém” và đề nghị “Mỹ chỉ nên ủng hộ ông ta thêm vài tuần nữa thôi, sau đó nếu
tình hình không tiến bộ, Mỹ nên có những biện pháp khác.”
Đề nghị
năm bước để loại bỏ ông Diệm.
Ngày 9 tháng
4, 1955 ông Collins gửi Ngoại Trưởng Dulles một điện văn dài, đề nghị giải quyết
toàn bộ cuộc khủng hoảng tại Sàigòn.
Đề nghị
này: thứ nhất, sắp xếp việc ông Diệm ‘từ chức;’ thứ hai, thẩm định hậu quả của
việc từ chức, được tóm tắt như sau:
Mật
Điện số 4448
Ngày 9
tháng 4, 1955
…..
Thứ nhất,
việc sắp xếp cho ông Diệm từ chức gồm 5 bước đi:
Giải
quyết vấn đề rút Cảnh sát và Công an ra khỏi tay Bình Xuyên, hoặc bằng một nghị
định do ông Diệm ký rồi ông Bảo Đại, Pháp, Mỹ ủng hộ; hoặc cho ông Bảy Viễn một
cơ hội để chính ông ta tự nguyện đề nghị như vậy;
2. Thuyết
phục ông Diệm từ chức, và nếu ông này không chịu thì yêu cầu ông Bảo Đại truất
chức; Tìm người thay thế ông Diệm làm Thủ tướng, rồi ông Bảo Đại gọi người này
sang Paris để tham khảo.
Khi trở
về Sài Gòn, người này sẽ tham khảo với mọi phía để thành lập tân chính phủ;
Đi tới
một thỏa thuận về một giải pháp đối với các giáo phái; và sau cùng,Vận động để
các giáo phái chấp nhận giải pháp trên.
(Vì giới
hạn của bài này, chúng tôi không viết về phần thứ hai, “thẩm định hậu quả của
việc ông Diệm từ chức”).
Đề nghị
xong, ông Collins lên đường về Washington để thuyết phục TT Eisenhower và Ngoại
trưởng Dulles dẹp ông Diệm.
Ai
thay ông Diệm
Ngày 22
tháng 4, 1955 ông Collins dùng bữa ăn trưa với Tổng thống. Sau đó ông gặp Ngoại
trưởng Dulles cùng với các đại diện Bộ Quốc Phòng và Trung Ương Tình Báo để
thuyết phục.
Ông nhắc
lại quan điểm của ông một cách mãnh liệt và cứng rắn hơn trước là Mỹ phải thay
thế ông Diệm và phải có kế họach hành động ngay tức khắc. Collins đề nghị ông
Phan Huy Quát lên thay thế ông Diệm. Trước áp lực mạnh mẽ của Collins, vừa là đặc
ủy của Tổng Thống, vừa là đại sứ, lại là chứng nhân có mặt tại chỗ để nhận xét,
nên sau cùng ông ta đã thắng thế.
Mật
điện thay thế Thủ Tướng Diệm
Không
phải đợi tới ngày 24 tháng 8, 1963 mới có mật điện ủng hộ các tướng lãnh đảo
chính mà ngay từ tám năm trước đó cũng đã có mật điện sắp xếp việc dẹp ông Diệm:
Bộ
Ngoại Giao
Ngày 27
tháng 4, 1955
“Tướng
Collins và Ely phải thông báo cho ông Diệm biết rằng vì lý do ông không thành lập
được một chính phủ liên hiệp có cơ sở rộng rãi và ông bị người Việt chống đối,
chính phủ Hoa kỳ và Pháp không còn đủ tư thế để ngăn ngừa việc ông phải từ chức.
Những đức tính yêu nước của ông vẫn có giá trị tiềm năng lớn đối với Việt Nam,
và chúng ta hy vọng rằng ông sẽ hợp tác với bất kỳ chính phủ mới nào được chỉ định…
“ Chúng
tôi tạm đề nghị một tân chính phủ như sau:
1) Về Nội
Các: quyền hành pháp đầy đủ sẽ được trao cho ông [Trần Văn] Đỗ hoặc ông [Phan
Huy] Quát làm thủ tướng và phó thủ tướng;
2)Thành
lập một Hội Đồng Tư Vấn từ 25 tới 35 người đại diện cho các phe nhóm gồm cả các
Giáo Phái…và
3)Thành
lập một Quốc Hội Lâm Thời, một cơ chế gần như một Quốc Hội Lập Pháp….”
Dulles
Nhưng với
sự may mắn lớn lao, mật điện này lọt ra ngoài, Thủ tướng Diệm biết đuợc nên
trong khoảnh khắc đã cho lệnh tấn công Bình Xuyên (lúc ông Collins còn đang
trên đường về Sài gòn), và đã lật ngược được thế cờ.
Tháng
5, 1955: cuộc họp nảy lửa tại Paris
Giải
quyết được vấn đề Bình Xuyên cũng chưa xong.
Tình
hình tiếp tục căng thẳng. Ba cường quốc quyết định họp lại ở Paris để bàn tính
như trích dẫn ở phần đầu.
Tranh
luận thật là gay go, kéo dài tới 5 ngày ( từ 7 tới 12, tháng 5, 1955). Để kết thúc,
đến lượt Thủ tướng Pháp Edgar Faure hỏi thẳng Ngoại trưởng Dulles: “Ngài nghĩ
thế nào nếu Pháp rút hết và triệt thoái Quân đội viễn Chinh ra khỏi Đông Dương
sớm nhất có thể?”
Để xoa
dịu, ông Dulles bình luận rằng “Việt Nam không đáng để Hoa kỳ cãi nhau với
Pháp, cho nên nếu như rút lui và cắt bỏ viện trợ cho Việt Nam mà giải quyết được
vấn đề thì Hoa kỳ sẵn lòng.”
Mỗi
ngày họp xong, ông Dulles đánh điện tín về Washington để thông báo kết quả. Ông
viết cả việc Thủ tướng Faure gọi ông Diệm là người điên, và mở ngoặc chữ “Fou”.
Về việc
ông Faure hăm dọa sẽ rút hết quân đội Pháp khỏi Việt Nam, trong lúc nghỉ giải
lao ông Dulles gọi điện thoại về Washington để tham khảo ý kiến.
Ông cho
rằng “Ông Faure đã đưa ra một tối hậu thư, và như vậy, bây giờ Mỹ phải lựa chọn
giữa việc tiếp tục ủng hộ ông Diệm và việc Pháp rút quân sớm.”
Lúc ấy
quân đội Quốc Gia Việt Nam còn non yếu, vậy nếu Pháp rút hết và Bắc Việt tấn
công thì làm sao đây? Tổng Tham Mưu Hoa Kỳ trả lời: “Chính phủ Diệm có khả năng
lớn nhất để có thể thiết lập được ổn định nội bộ, một điều cần thiết cho an
ninh Việt Nam. Bởi vậy, việc Pháp rút lui tuy tuy rằng sẽ làm cho Miền Nam bớt ổn
định, nhưng rồi các biện pháp của Mỹ trong khuôn khổ SEATO sẽ giúp cho Miền Nam
được an toàn cũng không kém gì sự có mặt tiếp tục của quân đội Pháp.”
Ủy Ban
Kế Hoạch của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia bình luận thêm “Việc Pháp rút lui lại
giúp cho Hoa Kỳ hết bị dính vào dấu vết của thực dân (‘taint of colonialism’)
và chấm dứt khả năng nguy hiểm là Pháp sẽ làm một sự đổi chác với Việt Minh.”
Khai
sinh nền Cộng Hòa
Như vậy,
nếu như tháng Tư năm 1975 đã thật đen tối thì tháng Tư năm 1955 cũng hết sức
gay go (cách nhau đúng 20 năm).
Về thời
điểm này, tác giả nổi tiếng Joseph Buttinger là người có mặt tại chỗ đã viết lại:
“Kể cả trong những tuần lễ trước cuộc đảo
chánh và ám sát ông vào năm 1963, TT Diệm cũng đã không bị gian lao, cay đắng bằng
trong tháng 4, 1955.”
Ngoài
khủng hoảng Bình Xuyên và sự việc là cả hai tư lệnh Pháp - Mỹ đã cấu kết để dàn
dựng loại bỏ ông, Thủ tướng Diệm còn trăn trở hơn nữa về một vấn đề lương tâm.
Khi Quốc
trưởng Bảo Đại ra lệnh cho ông sang Pháp để tường trình thì ông đã sửa soạn ra
đi nhưng mọi người ủng hộ ông đã nhất quyết can ngăn.
Theo một
báo cáo của Đại tá Edward Landsdale (sau này lên Tướng), người cố vấn và rất gần
gũi Thủ tướng Diệm thì có ba lần chính Landsdale đã chứng kiến cảnh đau đớn dằn
vặt của ông Diệm (“he cried over my shoulder”).
Một
trong ba lần đó là khi ông Diệm phải miễn cưỡng chấp nhận việc truất phế Quốc
trưởng Bảo Đại. Theo như Tướng Trần Văn Đôn (người trong cuộc) thì ông “Bảo Đại
dự định khi Ngô Đình Diệm ra khỏi nước thì cách chức liền, đưa Lê Văn Viễn, tư
Lệnh Bình Xuyên lên làm Thủ tướng” (Việt Nam Nhân Chứng, trang 124).
Sau cuộc họp quan trọng tại
Paris, quân đội Pháp bắt đầu rút khỏi Việt Nam. Sự chiếm đóng của quân lực Pháp
từ Hiệp ước Patenôtre năm 1884 tới đây đã hoàn toàn chấm dứt.
Sang
Thu 1955 Thủ tướng Diệm ở vào cái thế mạnh. Đối nội, ông đã chấm dứt được sự đe
dọa của Cảnh sát, và Quân đội Quốc Gia đã tuân lệnh ông quét sạch lực lượng
Bình Xuyên. Sau đó ông được Đại Hội các đoàn thể chính đảng bầu ra nhất mực ủng
hộ.
Thêm nữa,
ông có hậu thuẫn mạnh mẽ của gần một triệu người di cư. Đối ngoại thì ông Diệm
đã cương quyết chống trả và khuất phục được kế hoạch dẹp tiệm của cặp
Ély-Collins, bây giờ lại được Washington nhất mực ủng hộ.
Ngày
26 tháng 10, Thủ tướng Diệm tuyên bố thành lập một chế độ ‘Cộng Hòa,’ và trở
thành Tổng Thống đầu tiên.
Tên
chính thức của nước Việt Nam đổi từ ‘Quốc Gia Việt Nam’ sang ‘Việt Nam Cộng
Hòa,’ nhưng bài quốc ca và quốc kỳ không thay đổi. Sau này, chính TT Eisenhower
còn nhắc lại về những gian lao trước lúc khai sinh Nền Cộng Hòa Việt Nam:
Thưa Tổng Thống,
"Chúng tôi đã chứng kiến sự can đảm và
táo bạo mà Ngài và nhân dân Việt Nam đã biểu dương để đạt tới độc lập trong một
tình huống nguy hiểm đến độ mà nhiều người đã coi như là vô vọng. Chúng tôi còn
ngưỡng mộ khi tình trạng hỗn loạn ở Miền Nam đã nhường chỗ cho trật tự, và tiến
bộ đã thay thế cho tuyệt vọng, tất cả với một tốc độ quá là nhanh chóng...” (Thư TT Eisenhower gửi
TT Diệm ngày 22 tháng 10, 1960).
***
[Trong
khuôn khổ hạn hẹp, bài này không thêm phần ghi chú]
Tiến
sỹ Nguyễn Tiến Hưng cũng là tác giả cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy.
---------------------------------
Tin
liên quan
-----------------------
Mặc Lâm, biên tập viên RFA | TS Bùi Kiến
Thành
2015-10-29
2015-10-29
No comments:
Post a Comment