Ai đã mở cửa để đưa Tổng thống Mỹ Barack Obama vào
Myanmar trong chuyến công du lịch sử ngày 19-11-2012? Ai mở đường đưa Myanmar đến
cuộc bầu cử dân chủ tự do đầu tiên sau 25 năm vào 3 năm sau, ngày 8-11-2015? Ý
chí lãnh đạo là điều không thể phủ nhận nhưng điều quan trọng nhất khiến Myanmar
chọn con đường dân chủ chính là ý chí thoát Trung!
Điều gì đã khiến Myanmar thay đổi tư duy đối ngoại
khi can đảm quyết định tách khỏi quỹ đạo tưởng chừng bất di dịch với Trung Quốc
để ngả theo trục phương Tây? Chính là sự tái nhận thức sáng suốt về quyền lợi
và chủ quyền quốc gia. Hơn nửa thế kỷ được “bảo kê” bởi Bắc Kinh, Myanmar đã ngậm
đắng nuốt cay chịu nhiều thiệt thòi. Trung Quốc ngày càng gây sức ép thao túng
kinh tế và vơ vét tài nguyên Myanmar, từ dầu khí, đồng, gỗ teak, đá quí đến sản
vật nông nghiệp… Họ mua vô số đất đai để làm nông trại nhưng thuê mướn nhân
công từ Trung Quốc. Nói cách khác, đất Myanmar dần được “chuyển quyền sở hữu”
sang người Trung Quốc. Dân Trung Quốc tràn xuống cố đô Mandalay (thành phố lớn
thứ hai Myanmar) nhiều đến mức cư dân địa phương có câu nói đùa rằng “Chỉ cần
dân Tàu khạc nước dãi thì cũng đủ ngập để cho người Mandalay bơi rồi!”.
Trung Quốc đổ rất nhiều tiền với vô số dự án đầu tư
vào Myanmar. Tháng 9-2010, Bắc Kinh tuyên bố cho vay 4,2 tỉ USD với lãi suất
zero trong 30 năm để “giúp” Myanmar xây đập, đường sá, hỏa xa và phát triển
công nghệ thông tin. Tuy nhiên, “chơi” với Bắc Kinh, Naypyidaw chỉ nhìn thấy
thiệt. Họ thấy rõ thủ đoạn “thả con tép bắt con tôm” của Trung Quốc. Tháng 3-2010,
tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) cho biết mậu dịch song phương hai nước đạt
2,9 tỉ USD vào năm 2009, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và từ (gần bằng)
zero vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, cái gọi là “song phương” thực chất hầu
như chỉ là một chiều: năm 2009, xuất khẩu Trung Quốc sang Myanmar đạt 2,3 tỉ
USD nhưng xuất khẩu ở chiều ngược lại chỉ vỏn vẹn 646 triệu USD (Asia Times
19-10-2011)…
Nói thêm một chút về địa chính trị. Là nước lớn thứ
hai Đông Nam Á với 1/3 (trong tổng chu vi 1.930 km) hình thành nên một bờ biển
liên tục chạy dọc vịnh Bengal và biển Andaman, Myanmar đóng vai trò như một ngã
tư chiến lược, về biển lẫn đất liền, tạo thành một điểm kết nối giữa Thái Bình
Dương và Ấn Độ Dương. Nắm được Myanmar là nắm được một ưu thế địa chính trị
quan trọng. Trung Quốc đã nhìn thấy tầm chiến lược địa chính trị Myanmar, nơi
có biên giới tiếp giáp với họ dài đến 2.000 km, từ rất lâu. Suốt thập niên 1960
rồi 1970, Trung Quốc luôn phủ bóng lên lịch sử Myanmar.
Đầu thập niên 1991, Trung Quốc thậm chí đưa cố vấn
quân sự sang nước này. Từ ảnh hưởng chính trị, họ bắt đầu tạo ảnh hưởng kinh tế.
Như bài viết trên Asia Times (19-10-2011) của Bertil Lintner (nguyên phóng viên
Far Eastern Economic Review, tác giả một số quyển sách về Myanmar), từ thập
niên 1980, Trung Quốc đã có ý định xây con đập Myitsone. Điều này đã thể hiện
trong một bài viết mang tựa “Mở rộng về phía Tây Nam – ý kiến một chuyên gia”,
đăng trên tờ Beijing Review số tháng 9-1985. Bài viết này đề cập khả năng tìm một
lối ra cho con đường mậu dịch đối với các tỉnh Nam Trung Quốc (Vân Nam, Tứ
Xuyên) vốn bị “khóa” cô lập trong đất liền bởi yếu tố địa lý, bằng cách khai
thông ngả Myanmar để ra Ấn Độ Dương. Bài viết cũng nhắc đến việc xây các tuyến
hỏa xa Myitkyina và Lashio ở Đông Bắc cũng như sông Irrawaddy để làm tuyến vận
chuyển cho hàng xuất khẩu Trung Quốc. Đến thập niên 1990, Myanmar đã gần như trở
thành một tỉnh của Trung Quốc, khi được Bắc Kinh tập trung đầu tư với vô số dự
án hạ tầng.
Mục tiêu Bắc Kinh là biến Myanmar thành một bàn đạp
vệ tinh, một vùng đệm giúp hỗ trợ phát triển kinh tế cho các tỉnh Tây và Nam
Trung Quốc. Nói cách khác, đầu tư hạ tầng cho Myanmar là đầu tư cho tương lai
phát triển cho chính khu vực phía Nam và Tây Trung Quốc, để không chỉ có thể
giúp các tỉnh này san bằng khoảng cách thu nhập với các tỉnh giàu có phía Đông
của họ mà còn tạo nên ưu thế cạnh tranh kinh tế với láng giềng Ấn Độ. Đó là một
phần của “chính sách hai đại dương” mà giới chính trị học thuật Trung Quốc cổ
súy (phải làm chủ cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương). Thế là loạt dự án hạ tầng
bắt đầu hình thành, từ một xa lộ dẫn đến một hải cảng mới toanh trị giá nhiều
triệu đôla, phục vụ việc xuất khẩu hàng sản xuất ở các tỉnh phía Tây và Nam
Trung Quốc; đến một tuyến ống dẫn hơn 1.600 km đưa dầu Trung Đông và châu Phi đến
các nhà máy lọc ở Vân Nam; đến một tuyến ống dẫn nữa đưa khí đốt Myanmar đến thắp
sáng cho Côn Minh và Trùng Khánh; đến hơn 20 tỉ USD đầu tư cho một tuyến hỏa xa
cao tốc giúp việc đi lại xưa kia mất hàng tháng nay có thể chỉ còn không đến một
ngày; rồi đến năm 2016, sẽ có một hệ thống đường sắt đi suốt từ Yangon đến Bắc
Kinh hoặc thậm chí tới Delhi rồi từ đó sang châu Âu…
Quan trọng hơn cả là việc sử dụng Myanmar làm trạm
trung chuyển dầu hỏa từ Trung Đông và châu Phi vào sâu trong nội địa Trung Quốc,
giúp né được “cửa ải” Malacca. Do lệ thuộc tuyệt đối nguồn dầu nước ngoài với
80% dầu nhập được đưa về ngang Malacca, một trong những eo biển nhộn nhịp nhất
thế giới mà nơi hẹp nhất chỉ rộng 2,7 km, Trung Quốc rất lo sợ một khi xảy ra
xung đột, Malacca có thể bị đóng cửa và nguồn cung ứng dầu bị ách tắc. Cho nên,
bằng mọi cách phải thiết lập được tuyến ống dẫn ngang Myanmar.
Một cách tổng quát, trước khi xảy ra cú bắn pháo hiệu
của Tổng thống Thein Sein vào tháng 9-2011 (về việc tạm ngưng xây đập
Myitsone), hay nói chính xác hơn là trước khi Naypyidaw thay đổi quan điểm đối
ngoại, Myanmar là sân sau của Bắc Kinh, là đất nhà của hàng chục ngàn di dân
Trung Quốc, là thị trường chuyên tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, là nơi giới
doanh nghiệp Trung Quốc mặc sức tác oai tác quái. Nếu nói không quá thì sinh mạng
kinh tế Myanmar gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.
Một sự nhìn nhận lại vai trò và ảnh hưởng Trung Quốc
đã âm thầm diễn ra. Năm 2004, theo bài viết của Bertil Lintner trên YaleGlobal
(5-11-2012), trung tá Aung Kyaw Hla – nhà nghiên cứu thuộc Học viện quốc phòng
Myanmar – bắt đầu thực hiện một khảo sát chi tiết. Bản báo cáo tuyệt mật dày
346 trang này, với tựa “Một nghiên cứu về quan hệ Myanmar-Hoa Kỳ”, đã phác họa
những chính sách bắt đầu được áp dụng nhằm có thể cải thiện quan hệ với
Washington đồng thời giảm lệ thuộc Bắc Kinh. Nội dung báo cáo nói rằng, việc
xem Trung Quốc là một đồng minh ngoại giao và nhà bảo trợ kinh tế đã tạo ra một
“tình huống khẩn cấp” đe dọa sự độc lập quốc gia. Báo cáo viết rằng, chỉ bằng
cách cải thiện quan hệ với Mỹ, Myanmar mới có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ tài
chính từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, giúp đất nước lần hồi thoát
khỏi “chủ nghĩa khu vực”, nơi họ phải lệ thuộc vào ý chí và quan hệ với những
láng giềng trực tiếp trong đó có Trung Quốc, để “bước vào một kỷ nguyên mới của
toàn cầu hóa”…
Có thể tóm gọn lý do khiến Myanmar từ bỏ “hũ mật
Trung Quốc” để uống “chén đắng phương Tây” – nếu nhìn ở góc độ thường được xem
là “an toàn chính trị” đối với một chế độ – qua một nhận định của Nay Zin Latt,
cố vấn chính trị của Tổng thống Thein Sein: “Trước đây, muốn hay không, chúng tôi phải chấp nhận tất cả những gì mà
Trung Quốc đề nghị. (Bây giờ), khi lệnh cấm vận được (phương Tây) tháo dỡ, điều
đó sẽ tốt hơn cho mọi người ở Myanmar”. Nói cách khác, Myanmar hiểu rằng,
chỉ với thiện chí thật sự cải tổ theo đường hướng có lợi dân tộc, họ không chỉ
có thể tự cởi trói và thoát được “án” cấm vận mà nhờ đó còn hạn chế lệ thuộc
Trung Quốc, về lâu dài.
Ý nghĩa lớn nhất trong câu chuyện dân chủ của
Myanmar là vấn đề địa chính trị không phải là rào cản lớn nhất để lấy đó làm
cái cớ biện dẫn cho sự cúi đầu làm chư hầu. Chỉ 19 năm sau khi lập quốc từ bàn
tay không với một nhúm người tha phương từ khắp nơi thế giới quần tụ lại, không
có gì trừ ý chí dân tộc mãnh liệt, Israel đã kiên cường chống chỏi sự vây bủa
khốc liệt và chiến thắng trước những con hổ dữ Arab trong cuộc chiến 7 ngày. Và
đến nay, Israel vẫn luôn bị đe dọa và vẫn tiếp tục lớn mạnh hơn trong sự đe dọa
thường trực đó, bất luận yếu tố lịch sử lẫn yếu tố địa lý vô cùng phức tạp, bởi
còn xen lẫn bởi yếu tố tôn giáo.
Đừng lấy cái gọi là “lời nguyền địa lý” và “lời nguyền
lịch sử” để tự gánh lên vai cái lối ngụy biện hàm hồ về việc “chúng ta không
còn con đường nào khác là phải chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc!”. Đó là cái não
trạng mặc cảm khiếp nhược của những kẻ hèn hạ, bao biện cho tư duy chính trị của
những kẻ bán nước hèn hạ bội lần. Làm thế nào có thể thoát Trung khi còn có kiểu
suy nghĩ tăm tối như vậy? Làm thế nào có thể thoát Trung khi mà vẫn không chấp
nhận một nền chính trị dân chủ như Myanmar hay Philippines, để người dân có thể
bày tỏ ý nguyện thoát Trung và nhìn thấy được kết quả từ ý chí thoát Trung đồng
nhất của dân tộc thông qua lá phiếu?
_____
Một phần bài viết này trích từ hồ sơ hai kỳ khoảng 5.000 từ đã đăng vào
năm 2012 dưới bút danh “Nguyễn Cao Trí” (tên của con trai tôi).
No comments:
Post a Comment