Friday, 20 November 2015

Mỹ mở đường cho Việt Nam mua máy bay P-3 Orion (Người Việt Online)





Người Việt Online
Thursday, November 19, 2015 7:16:17 PM

HÀ NỘI (NV) - Máy bay tuần tra biển, săn tàu ngầm của Mỹ P-3 Orion nhiều phần sẽ là võ khí ưu tiên được nhà cầm quyền Hà Nội điều đình mua nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh hàng hải.

Các loại võ khí chống tàu mặt nước và tàu ngầm của một chiếc P-3C Orion của Hải Quân Mỹ. (Hình: US Navy)

Một số báo mạng ở Việt Nam đề cập chuyện này sau khi Tòa Bạch Ốc loan báo gỡ bỏ thêm một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, qua một thông báo đưa ra trong ngày 17 Tháng Mười Một.

Thông báo này đề cập hai chuyện. Thứ nhất, giúp Việt Nam tăng cường năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, chỉ huy và kiểm soát cho các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật trên biển. Thứ hai, gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương trên biển cho Việt Nam.

Cả hai điều vừa kể, hội đủ điều kiện để Hà Nội có thể mua một số máy bay tuần tra biển, săn tàu ngầm đã qua sử dụng P-3 Orion, hiện đang nằm ụ cả trăm chiếc phơi nắng phơi sương ngày đêm tại căn cứ không quân Davis-Montham, thuộc thành phố Tucson, Arizona.
Máy bay tuần tra săn tàu ngầm P-3 Orion được trang bị các thiết bị điện tử cho nhu cầu do thám, săn tìm, giám sát đồng thời mang theo nhiều loại võ khí tấn công khác nhau từ hỏa tiễn, thủy lôi, mìn và bom.

Hà Nội từng chú ý tới loại máy bay này từ mấy năm qua nhưng kẹt lệnh cấm vận bán võ khí sát thương không được gỡ bỏ vì không chịu cải thiện nhân quyền.

Cho tới nay, người ta mới thấy một ít tin chính thức qua lời Ngoại Trưởng John Kerry khi ông đến Hà Nội cuối năm 2013, và qua một viên chức tòa Ðại Sứ Mỹ tại Hà Nội, là Washington cung cấp cho Việt Nam $18 triệu để mua một số tàu tuần tra cao tốc cỡ nhỏ do một công ty tại tiểu bang Louisiana đóng.

Bản thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc nêu trên cho hay Hoa Kỳ sẽ cấp viện cho Việt Nam $19.6 triệu năm 2015 để tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển và sẽ cấp thêm $20.5 triệu cho năm 2016, nhưng phải chờ được Quốc Hội phê chuẩn.

Tuy nhiên, bản thông cáo báo chí đó không đề cập gì đến loại võ khí sát thương nào sẽ bị giới hạn không bán hay sẽ bán khi viết rằng: “Gỡ bỏ lệnh cấm bán các phương tiện sát thương liên quan trên biển để giúp Việt Nam phát triển khả năng trên biển và khuyến khích phối hợp với các lực lượng khác của khu vực.”

Hồi Tháng Tư, 2013, một viên chức hãng Lockheed Martin được tạp chí quốc phòng IHS Jane's trích dẫn lời tiết lộ rằng Việt Nam muốn mua sáu chiếc P-3 Orion, và yêu cầu này dường như đang nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ.

Nhiều lần, chính phủ Mỹ lập lại đòi hỏi Việt Nam cải thiện nhân quyền như điều kiện để mở rộng hơn lệnh cấm bán võ khí sát thương trong khi Hà Nội luôn luôn nhấn mạnh yêu cầu gỡ bỏ toàn diện.

Con số máy bay P-3 Orion Mỹ sẽ có thể bán cho Việt Nam với những trang bị gì hiện cũng vẫn là những dấu hỏi.

Năm ngoái, có tin Washington có thể bán cho Việt Nam máy bay P-3 mà không có võ khí sát thương đi kèm. Nay với bản thông cáo báo chí, có vẻ như bao gồm cả võ khí, nhưng Mỹ có chấp thuận bán cho Việt Nam cả máy bay kèm theo võ khí hay không, cũng là điều còn mở ngỏ.

P-3 Orion là máy bay tuần tra, giám sát hàng hải và săn tàu ngầm bán phản lực với bốn động cơ cánh quạt do công ty Lockeed Martin sản xuất.

Máy bay này dài 35.6 m, sải cánh 30.4 m với tải trọng cất cánh tối đa đạt 64,400 kg. Phi hành đoàn của P-3 Orion gồm 11 người, giúp vận hành máy bay, các thiết bị săn tàu ngầm, và giám sát.

Vận tốc tối đa của P-3 Orion lên tới 750 km/h trong khi tốc độ hành trình duy trì ở mức 610 km/h.

Phạm vi hoạt động tối đa của máy bay là 8,950 km trong khi cao độ tối đa là 8,600 m. Phi cơ có khả năng hoạt động liên tục trong 16 giờ nhằm tăng cường tối đa khả năng tuần tra hàng hải và săn tàu ngầm.

P-3 Orion có 10 giá treo dưới các cánh, cho phép máy bay gắn các thiết bị tuần tra, giám sát hoặc võ khí. Các giá treo có thể mang hỏa tiễn chống chiến hạm, ngư lôi, thủy lôi và các loại bom bao gồm cả bom hạt nhân nổ dưới nước Mk 101 Lulu và bom hạt nhân B57 của Mỹ. Tuy nhiên, cả hai loại bom hạt nhân này đều đã bị loại khỏi hoạt động của Mỹ.

Với mục tiêu săn tàu ngầm và tuần tra hàng hải nên P-3 Orion được trang bị hệ thống radar và thiết bị dò sonar cực mạnh, giúp phát giác tàu ngầm, tàu chiến địch. Phần đuôi máy bay gắn thiết bị dò từ tính MAD, giúp khám phá tàu ngầm di chuyển sâu dưới mặt biển. Thiết bị này dễ bị nhiễu động nên nó được đặt ở phần đuôi máy bay, cách xa các thiết bị khác.

Một trong những võ khí đặc biệt của P-3 Orion là các phao sonar giúp tăng cường khả năng định vị tàu ngầm của máy bay. Sau khi rời máy bay, một phần phao sonar sẽ chìm xuống biển và bung ăng ten để nghe ngóng tín hiệu từ tàu địch. Hai phao chủ động và thụ động giúp xác định chính xác vị trí tàu ngầm đối phương.

Ngoài ra, P-3 Orion còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử AN/ALQ-78, giúp phát hiện, đánh chặn và định vị tín hiệu của đối phương. Máy bay cũng có khả năng phân tích nguồn năng lượng bức xạ điện từ phát ra từ radar kiểm soát hỏa lực của địch để xác định nguy hiểm.

Hiện có 435 chiếc Orion P-3 do Lockheed Martin sản xuất đang phục vụ trên thế giới, thuộc 21 chính phủ. Hải quân Mỹ đang thay thế P-3 bằng máy bay tuần biển hiện đại hơn là P-8 Poseidon do Boeing sản xuất. Cũng vì vậy mà người ta thấy hàng đoàn P-3 Orion xếp hàng phơi nắng phơi sương giữa sa mạc tại Arizona. (TN)

-----------------
Bài liên quan :

Người Việt Online
Thursday, November 19, 2015 7:14:53 PM 

WASHINGTON, DC (NV) - Hoa Kỳ đã quyết định nới lỏng thêm lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Nay, Việt Nam có thể mua những vũ khí giúp gia tăng năng lực bảo vệ an ninh hàng hải từ Hoa Kỳ.

Trong một thông cáo đưa ra hôm 17 Tháng Mười Một về việc hỗ trợ Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia - những đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ - gia tăng năng lực bảo vệ an ninh hàng hải của họ và của khu vực, Hoa Kỳ xác định, riêng với Việt Nam, ngoài việc sẽ bán những vũ khí giúp Việt Nam gia tăng năng lực bảo vệ an ninh hàng hải, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ để Việt Nam gia tăng các hoạt động thám sát, thu thập thông tin tình báo trong lĩnh vực hàng hải. Ngoài ra, Mỹ sẽ giúp các cơ quan quản lý hàng hải của Việt Nam gia tăng năng lực kiểm soát và chỉ huy.

Hoa Kỳ cũng sẽ gia tăng số lượng các đợt huấn luyện trên biển giữa hai bên. Tuy nhiên, trước mắt, những đợt huấn luyện này vẫn chỉ tập trung vào lĩnh vực cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo. Tiền viện trợ cho Việt Nam để đạt mục tiêu vừa kể dự trù sẽ tăng từ $19.6 triệu trong năm 2015 lên $20.5 triệu trong năm 2016.

Dẫu còn nhiều bất đồng với Việt Nam về nhân quyền, các viên chức chức ngoại giao của Hoa Kỳ, kể cả ngoại trưởng, liên tục khẳng định quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ chỉ sâu sắc và bền vững hơn, nếu Việt Nam đạt được những tiến bộ về nhân quyền và pháp quyền hơn nữa. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn từng bước nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Tháng Mười Một năm ngoái, cùng lúc với việc công bố quyết định dỡ bỏ một phần qui định cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xác định: “Vì các lợi ích đối ngoại, an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và vì các lo ngại về nhân quyền mà việc xuất cảng các thiết bị quốc phòng mang tính sát thương, cũng như các dịch vụ quốc phòng cho Việt Nam, được cho phép trên cơ sở xem xét từng trường hợp nhằm tăng cường an ninh và tuần thám trên biển.”

Nay thì Việt Nam có thể mua các vũ khí sát thương để dùng vào việc gia tăng năng lực bảo vệ an ninh hàng hải của mình và của khu vực. Mong muốn nhiều năm của chính quyền Việt Nam - có thể mua vũ khí của Hoa Kỳ - đã được đáp ứng một phần đáng kể.

Người ta tin rằng, cách hành xử của Trung Quốc tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy Hoa Kỳ liên tục nới lỏng lệnh cấm vận bán vũ khí đối với Việt Nam.

Hồi Tháng Tám năm ngoái, khi trình dự thảo nghị quyết về an ninh hàng hải tại Châu Á - Thái Bình Dương, có hai dân biểu, một Cộng Hòa và một Dân Chủ, giải thích tại sao họ đề nghị bán vũ khí cho Việt Nam. Ðó là khi cố tình dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trong khu vực, Trung Quốc đang thách thức các lợi ích cơ bản của Hoa Kỳ như đe dọa quyền tự do lưu thông cả trên không lẫn trên biển, gây mất ổn định và đe dọa hòa bình trong khu vực.
Cũng vì vậy, Hoa Kỳ phải tiếp tục can dự một cách tích cực ở khu vực để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của nền hòa bình và thịnh vượng mà khu vực này được thừa hưởng trong sáu thập kỷ vừa qua.

Trong quan hệ với Việt Nam, dự thảo này khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ cần thiết lập và thực hiện một chính sách, sao cho phản ánh được cả tiến bộ lẫn thách thức còn tồn tại trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, cũng như các lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Hoa Kỳ, bằng cách mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, thông qua việc bán hoặc chuyển giao thiết bị quốc phòng trong chiều hướng thích hợp với sự phát triển và duy trì khả năng phòng thủ chống ngoại xâm của Việt Nam. (G.Ð.)






No comments:

Post a Comment

View My Stats