Monday, 2 November 2015

Một số vấn đề liên quan đến quyền lợi VN qua tuyên bố của Tòa PCA ngày 30/10 (FB Trương Nhân Tuấn)






1/ Bạn bè hỏi rằng liệu phán quyết của Tòa có làm thiệt hại đến chủ quyền của VN tại TS hay không ?

Tôi thiển nghĩ các phán quyết của Tòa, qua các phiên họp sơ bộ vừa qua hay các phiên xử chính thức sau này, sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền của VN tại các vùng lãnh thổ ở Biển Đông (quần đảo HS và TS).

Trong vụ kiện (Phi đơn phương kiện TQ), ta có thể nói rằng thẩm quyền của Tòa bị giới hạn trong các việc diễn giải và cách áp dụng bộ Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tòa không có thẩm quyền phán xét các vấn đề (mà TQ bảo lưu năm 2006) như tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp phát sinh từ việc phân định ranh giới hải phận… Thực ra những tranh chấp này mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến các khủng hoảng ở Biển Đông. Tuy vậy, trong thẩm quyền (hạn hẹp này), Tòa cũng có thể ra những phán quyết, một mặt làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến tình trạng pháp lý của một số thực thể địa lý thuộc TS, mặt khác, trong chừng mực, chế ngự bớt những tham vọng quá lố của TQ ở Biển Đông.

Trong hồ sơ kiện của Phi, nội dung yêu cầu Tòa phán 15 điều.
Điều thứ 4, Phi yêu cầu Tòa phán các đá Vành Khăn, đá Su bi và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là những « bãi cạn lúc chìm lúc nổi » (theo điều 13 UNCLOS).

Điều thứ 6, tương tự, Phi yêu cầu Tòa phán các đá Huy Gơ (Hughes), đá Ga Ven (Gaven) và đá McKennan là những « bãi cạn lúc chìm lúc nổi » (theo điều 13 UNCLOS).

Điều thứ 7, Phi yêu cầu Tòa phân biệt các đá Chữ Thập (Fiery Cross), đá Châu Viên (Cuarteron) và đá Johnson, chúng là « đảo » hay là « đá » theo điều 121 (UNCLOS) ?

Ba điều yêu cầu Tòa của Phi ở trên quan hệ đến tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý ở Biển Đông. Theo thông cáo báo chí 30-10, Tòa cho biết « có thẩm quyền » để ra phán quyết ở các yêu cầu này.

Các đá Subi, đá Huy Gơ, đá Ga Ven, Đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Vành Khăn nằm trong danh sách yêu sách chủ quyền lãnh thổ của VN. Trên thực tế các đá này bị TQ chiếm hữu (từ các năm 1988 và 1995) và hiện đang được nước này xây dựng thành những đảo nhân tạo quan trọng.

Cho dầu phán quyết của Tòa như thế nào, tình trạng pháp lý các đá này được xác định, thì yêu sách chủ quyền của VN vẫn không bị thuơng tổn. Theo tôi, phán quyết của Tòa sẽ đem lại lợi lộc không chỉ cho Phi mà còn cho VN. Tình trạng pháp lý các đá này được xác định, hành vi ngang ngược của TQ từ bấy lâu nay (ở Biển Đông) sẽ bị lột mặt nạ trước dư luận thế giới.

2/ Về việc VN nên đi kiện TQ hay không ?

Theo tôi, VN bắt buộc phải đi kiện TQ. Vấn đề là kiện cái gì, kiện ở đâu và khi nào thì đi kiện ?

Từ thập niên 70 đến nay, lời nói và hành vi của TQ luôn đi ngược với nhau.
Miệng họ nói giải quyết bằng thuơng thuyết và hòa bình nhưng họ chiếm HS của VN năm 1974 và các đá thuộc TS của VN năm 1988 bằng vũ lực.

Họ nói tôn trọng tuyên bố chung (DOC), trong đó có cam kết không làm thay đổi hiện trạng, không làm tình hình căng thẳng. Trên thực tế TQ đã có vô số các hành vi không chỉ làm thay đổi hiện trạng mà còn gây căng thẳng với các nước chung quanh đồng thời đe dọa an ninh của khu vực và thế giới. Một số việc như đơn phương ra lệnh cấm biển, không cho ngư dân các nước chung quanh (như VN, Phi…) đánh cá trong những ngư trường truyền thống của họ. Hoặc cho giàn khoan 981 vào thám hiểm ngay trên thềm lục địa của VN. Hoặc các việc cắt cáp tàu Bình Minh, bao vây bãi Cỏ Mây… Từ năm ngoái đến nay họ lại cho xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá làm thay đổi hiện trạng, làm môi trường biển bị thiệt hại nặng nề…

TQ nói là một việc, làm là một việc khác. Vì vậy khả năng họ chiếm các đảo TS bằng vũ lực là có thực.

VN phải đi kiện TQ. Không thể để vấn đề « để lâu hóa bùn ». Vấn đề là kiện cái gì ?

Theo tôi VN có nhiều cơ hội để đi kiện TQ.
Một số ý kiến của tôi (đề nghị VN kiện TQ) đã được công bố. Tôi cũng viết một lá thư mở gởi TT Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các phương pháp hóa giải những « điểm yếu » của hồ sơ VN.
Các bài đó đăng trên blog của tôi ở đây :

Mọi người sẽ thấy VN nên kiện TQ về cái gì và lúc nào thì kiện ? Dĩ nhiên, cơ hội đã qua thì không trở lại.

Một số bạn bè học giả trong nước cho biết rằng ý kiến của tôi đã được các tổ hợp luật sư (Mỹ và Pháp) cố vấn cho VN ghi nhận và khuyến cáo VN nên lấy các ý kiến này để làm nền tảng hồ sơ. Tức là các ý kiến của tôi có một giá trị nhứt định. Dầu vậy tôi không hề được một sự trả lời bất kỳ nào của các cơ quan đại diện nhà nước VN, mặc dầu lá thư của tôi gởi là đích danh TT Nguyễn Tấn Dũng.

Diễn tiến nội dung vụ kiện của Phi tại CPA là một bài học vô giá cho VN hôm nay. VN cần nghiền ngẫm mọi ngõ ngách luật học để chờ cơ hội khai thác sau này.

3/ Điều quan trọng nhứt trong nội dung công bố của Tòa PCA ngày 30-10 vừa qua, theo tôi, không phải là 7 điểm Tòa tuyên bố có thẩm quyền, mà là những điểm mà Tòa bảo lưu vì có dính líu đến « quyền lịch sử », « danh nghĩa lịch sử » và « vịnh lịch sử », là những lập luận TQ sử dụng để bào chữa cho yêu sách đường 9 đoạn của họ.

Những điều Tòa bảo lưu trong thông báo 30-10 không có nghĩa là Tòa sẽ không xét xử. Những kết quả (hay quyết định của Tòa) trước nay là kết quả của các buổi họp « sơ bộ ». Thời gian tới Tòa sẽ có các phiên họp (kín) nói về « nền tảng » của lập luận hai bên, trong đó các vấn đề nói trên sẽ xét lại.

Tòa có thẩm quyền xét xử tính hợp pháp của yêu sách đường chữ U chín đoạn của TQ hay không tùy thuộc vào lập luận của Phi (và VN).

4/ Bài viết sau đây của tôi nói về « quyền lịch sử » của TQ đã đăng từ lâu. Hôm nay đăng lại để mọi người thấy rằng lập luận của TQ rất mong manh, vì không đặt trên một lý thuyết luật học nào. Tôi cũng sẽ cho đăng lại một số bài viết có quan hệ đến các lập luận của TQ (về đường chữ U) trong thời gian tới.

*
NHANTUANTRUONG.BLOGSPOT.COM







No comments:

Post a Comment

View My Stats