Sunday, 8 November 2015

Khi mặt nạ tự rơi xuống (Bùi Tín)





08.11.2015

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đón tiếp tại Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, ngày 5/11/2015.

Trước đây, nhiều người cho rằng trong chính sách đối ngoại, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam chia làm 2 nhóm, 1 nhóm giáo điều bảo thủ gắn bó với bành trướng Trung Quốc và 1 nhóm cấp tiến muốn xáp lại gần Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây.

Nhiều đảng viên cấp cao cũng tin ở sự phân hóa đó, kể cả nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế của Bộ Ngoại giao. Ở nước ngoài, nhà nghiên cứu Ngô Vĩnh Long ở Hoa Kỳ và luật sư Lý Tường Quang ở Úc cũng chung một nhận xét, và hy vọng nhóm cấp tiến sẽ áp đảo nhóm giáo điều. Anh bạn tôi giáo sư Jonathan London ở Đại học Hồng kông cũng có cách nhìn lạc quan như vậy.

Ông Tập Cận bình và vợ cùng một đoàn tùy tùng lớn đã đến Hà Nội trong cuộc đi thăm cấp Nhà nước. Thảm đỏ được trải ra, 21 phát súng đại bác gầm lên, những bắt tay chặt chẽ, đại tiệc mở ra với sơn hào hải vị. Người cầm đầu thế lực bành trướng, - kẻ vừa mới khẳng định tháng trước Hoàng Sa Trường Sa là thuộc lãnh thổ, chủ quyền không thể tranh cải của TQ từ thời cổ đại, được long trọng mời nói chuyện trước Quốc hội, trong đó 90% là đảng viên CS, 1 phần 3 là ủy viên Ban chấp hành TƯ đảng. Lời nói của chủ và khách không được truyền trực tiếp, cũng là điều cũng chưa từng có, vì họ còn biết sợ công luận, để còn tự kiểm duyệt đã.

Tất cả im thin thít, nghe ông Tập hiểu dụ theo lập trường bành trướng : chung chế độ, chung con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, trọng đại cục, gác tiểu tiết, cùng giải quyết tốt các bất đồng, thảo luận song phương… Ông ta không hề đả động đến Hoàng Sa, Trường Sa, đến cuộc chiến tranh biên giới, với hành vi binh lính Tàu tàn sát 20 vạn đồng bào ta thuộc 6 tỉnh biên giới, phần lớn là nhân dân, người già, con trẻ sơ tán trong rừng…

Cả Quốc hội đứng dậy vỗ tay dài hoan nghênh lời huấn thị. Không một ai dám ngủ gật như thường thấy; không một ai dám có một cử chỉ không đồng tình; không một đại biểu nào dám đứng dậy đi ra ngoài để tỏ thái độ, như thường thấy ở quốc hội các nước dân chủ khi bản thân không đồng tình.

Tất cả các chuyện trên nói lên điều gì? Trước hết là toàn thể lãnh đạo đảng CS Việt Nam, từ 16 ủy viên Bộ Chính trị, hơn 200 ủy viên TƯ, đến hơn 500 đại biểu Quốc hội (thực chất là Đảng hội) đều một lòng quy phục bọn bành trướng. Cả 4 ông tứ trụ đua nhau tỏ thái độ hân hoan chào mừng «khách quý», không một lời nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa, đến giàn khoan tàu Hải Dương 981, đến các vụ ngư dân ta bị phía TQ ngăn chặn, hành hung, tra tấn, giết hại ngay trong vùng biển Việt Nam.

Như thường lệ, phía Trung Quốc mở hầu bao viện trợ cho Việt Nam 1 tỷ Nhân dân tệ trong 5 năm, còn cho vay 250 triệu USD cho đường sắt; chẳng là bao khi hơn 6 Nhân dân tệ mới bằng 1 đôla, trong khi trong 9 tháng qua, họ đã thu lợi trong giao thương chênh lệch 2 chiều đến hơn 24 tỷ USD, rõ ràng là thả con săn sắt bắt con cá rô to đùng. Thế là mọi sự đã rõ. Đoàn TQ sang Việt Nam lần này chỉ có một mục đích chiến lược là chiêu dụ lãnh đạo Việt Nam, triệt để phá thế cờ «Thoát Trung và xích lại gần Tây Phương» đang có nguy cơ xảy ra, khi đang có sức ép khá mạnh trong giới trí thức, tuổi trẻ và toàn dân Việt Nam đòi lãnh đạo Việt Nam phải tận dụng thời cơ để xoay trục, đưa đất nước đi vào hướng dân chủ thật sự, hân hoan đón nhận sự mời gọi của các nước dân chủ, giàu mạnh, văn minh của thời đại.

Thế là mặt nạ của lãnh đạo CS Việt Nam đã tự rơi xuống. Họ chung một duộc, có những nhóm đối lập nhau, kèn cựa nhau để tranh ăn, nhưng về đối ngoại thì họ đồng lòng nhất trí chung một ông chủ, nhất quán theo con đường Bắc thuộc, mở ra từ tháng 9/1990 tại Thành Đô, qua 5 đời tổng bí thư: Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, chuyền cho nhau sự phản bội dân tộc Thành Đô, không mảy may thay đổi đến một ly suốt 25 năm ròng.

Mọi sự càng rõ thêm, đó là trong Bộ Chính trị có những ý kiến khác nhau, có người tỏ rõ lập trường giáo điều, bảo thủ, có người giả nói nhiều đến chủ quyền, dân tộc, đến dân chủ, pháp quyền, đến mối quan hệ « hữu nghị viển vông », « hòa bình mơ hồ »…chỉ là phân vai đóng kịch vừa tung hỏa mù lừa dân ta, vừa bịp thế giới để hòng thủ lợi từ mọi bên.

Thế là chuyến đi của Tập Cận bình là một phép thử nghiệt ngã. Vì sao Tập đòi sang Việt Nam khẩn cấp ngay trong năm 2015 này, nhất định vượt lên trước Tổng thống Barack Obama, e rằng chậm chân sẽ hỏng chuyện, trong khi tình hình trong nước của TQ là bi đát chưa từng có. Kinh tế bế tắc, chứng khoán rơi tự do, đồng Nhân dân tệ mất giá từng ngày, quỹ dự trữ ngoại tệ tuy lớn nhưng teo lại nhanh (có tuần lễ giảm 200 tỷ USD, có tháng giảm 860 tỷ). Tây Tạng, Tân Cương bất ổn lớn. Hồng Kông nổi lên xa rời lục địa qua «Phong trào ô dù» bất khuất, đòi dân chủ. Ở Đài Loan, Quốc dân đảng theo Bắc Kinh bị thua đau qua bầu cử, nhân vật thân Bắc Kinh Mã Anh Cửu bị mất ghế chủ tịch Quốc dân đảng.

Thế là mọi sự đã rõ. Lãnh đạo đảng CS Việt Nam đã bỏ ngoài tai những tuyên bố, khuyến nghị, can ngăn của trí thức yêu nước, đòi hỏi phải đứng vững trên lập trường dân tộc mà bình tĩnh, ôn hòa nói thẳng cho đoàn TQ rõ rằng chúng tôi khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam từ xa xưa, ít ra phải nói dù một lần câu nói đó trước mặt người lãnh đạo số một của TQ xem ông ta trả lời ra sao. Nhưng họ đã im lặng, đã tỏ ra hoàn toàn bạc nhược, quy hàng nhục nhã khi rước kẻ cướp vào nhà, còn tiếp đón linh đình chúng, không dám thốt lên một lời chính nghĩa, lại còn đàn áp làm đổ máu các chiến sỹ yêu nước ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang.

Đại Hội đảng CS XII thế là đã rõ, phải theo gậy chỉ huy của họ Tập, không cụ cựa nhúc nhích gì được.

Bỏ qua thời cơ lớn để kết bạn bền lâu với thế giới dân chủ đang ngăn chặn rất có hiệu quả sự trỗi dậy hung hãn của TQ, bao giờ Việt Nam mới có lại một dịp tốt như vậy ? Hoa Kỳ đã làm hết sức mình, còn rộng lòng đón Nguyễn Phú Trọng vào Tòa Bạch Ốc để thuyết phục. Chưa bao giờ có nhiều quan chức cấp cao Mỹ đến Việt Nam như mấy tháng qua, nào bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng, cố vấn an ninh, dân biểu, thượng nghị sỹ… để lôi kéo, thuyết phục, còn rộng rãi để Việt Nam gia nhập TPP, nhưng tất cả đã uổng công vô ích. Do đó Tổng thống Obama đã quyết định hoãn không thời hạn cuộc đến thăm Việt Nam, hiểu rằng có đến sớm cũng chỉ mất công vô ích và vô duyên. Hoa Kỳ vẫn sẽ cho tàu đến vùng biển Đông định kỳ 3 tháng 2 lần, chỉ là vì tự do thông thương quốc tế, như ở bất kỳ vùng biển quốc tế nào.

Trước hiểm họa mất nước, thì chúng ta nên làm gì? Chẳng lẽ cam tâm cúi đầu chịu đựng? Không thể thế được. Biện pháp duy nhất trước tình hình khẩn cấp đặc biệt của đất nước là các trí thức, luật sư, nhà báo, học giả, nhà hoạt động xã hội… có uy tín hãy chung sức lập ra một Tòa án Lương tâm Đặc biệt để xét xử Nghi án Phản quốc, với những nghi phạm là Bộ Chính trị, các tổng bí thư 5 khóa liên tiếp sau sự kiện Thành Đô, yêu cầu các nhân vật liên quan trực tiếp này phải lên tiếng trình bày rõ cho công luận xã hội họ đã liên quan ra sao. Những nghi phạm cốt lõi còn sống là Đỗ Mười, nguyên thủ tướng rồi tổng bí thư; Lê Đức Anh, nguyên chủ tịch nước; và Nguyễn Chí Vịnh, nguyên cán bộ lãnh đạo Tổng Cục II – An ninh. Nếu họ không chịu lên tiếng trình bày theo yêu cầu của Tòa án Lương tâm Đặc biệt, Hội đồng xét xử có thể dựa trên 2 bằng chứng có giá trị là bản hồi ký của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn cơ Thạch, bản hồi ký dài Nhớ lại và suy nghĩ của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ để biện luận. Cơ sở luận tội là Hiến pháp, pháp luật hiện hành và công pháp quốc tế.

Những nhân chứng còn sống có thể nhiều, như nguyên Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh; nguyên Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang; nguyên Trung tá Vũ Minh Trí thuộc Tổng cục II; tướng Lê Duy Mật, nguyên tư lệnh mặt trận Lão Sơn; nguyên Lãnh sự Dương Danh Di ; nhà ngoại giao Đặng Xương Hùng hiện sống ở Thụy Sỹ; cùng các chiến sỹ, sỹ quan cựu binh miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa từng tham gia các trận chiến Hoàng Sa, Trường Sa, và một số đảng viên CS phản tỉnh.

Dựa trên kết luận Luận tội, nhân dân Việt Nam có quyền tuyên bố Mật ước Thành Đô là vô giá trị, vì tiến hành sau chiến tranh khốc liệt, dưới sự hăm dọa và áp lực trong sào huyệt bành trướng, mờ ám sau lưng nhân dân 2 nước, chưa hề được quốc hội 2 nước thông qua.
Tuy là tòa án lương tâm của công luận xã hội, không có giá trị cưỡng chế thi hành như vụ xét xử Laval và Pétain năm 1945 ở Pháp, nhưng vẫn có giá trị dựa trên nguyên lý «Toàn bộ quyền lực thuộc về xã hội, về toàn dân», nên bản án và kết luận của Tòa án Lương tâm Đặc biệt rất có tác dụng trên mặt trận truyền thông và công luận, có giá trị răn đe lớn những kẻ phản dân hại nước, có tội với tiên tổ, hiện tại và các thế hệ mai sau.

Rất mong ý kiến này được bà con trong và ngoài nước trao đổi rộng rãi thêm.

Phải chăng đây là biện pháp đấu tranh dư luận thực tiễn, trong tầm tay, có thể làm sáng tỏ tình hình, bồi dưỡng lòng yêu nước, nâng cao chí khí đấu tranh, chuyển nỗi sợ cường quyền của nhân dân thành nỗi sợ chính nghĩa của nhóm cầm quyền bán nước tham nhũng, mở ra con đường sống Tự do, Dân chủ và Hạnh phúc cho toàn dân Việt.

--------------------------
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats