Hoàng Ninh
15/11/2015
Paris,
Đêm Thứ Sáu, ngày 13/11/2015…
Paris
náo nhiệt đêm nay lại càng náo nhiệt với trận cầu trên sân vận động Stade de
France giữa đội tuyển nước chủ nhà và đội Đức. Nhưng sự náo nhiệt đó nhanh
chóng biến thành bi thương hỗn loạn bởi sự tấn công của những kẻ khủng bố gần
như đồng thời tại 7 địa điểm mà đối tượng của chúng là dân thường. Thế giới
chia sẻ đau thương với nhân dân nước Pháp, căm giận và lên án tội ác ghê tởm
đó, nhưng trong đau thương đó, thế giới sẽ phải nghiêng mình không chỉ trước nỗi
đau mà cả sự cảm phục tinh thần của nhân dân Pháp – Tinh thần đoàn kết và niềm
tự hào dân tộc.
Phản
ứng tự nhiên của con người trước cảnh hỗn loạn và bạo lực, nhất là trong đêm tối,
đó là tìm cho mình một nơi trú ngụ an toàn. Khi ngoài đường phố, những nơi công
cộng đang rất hỗn loạn và không ai dám chắc rằng sẽ chỉ có chừng ấy vụ tấn công
thì việc đóng chặt cửa và ở trong nhà là điều thường thấy. Nhưng lạ thay, người
dân Paris không những mở cửa để đón những người đang mắc kẹt ngoài đường phố mà
còn đăng lên mạng internet để những người bên ngoài, trong đó có rất nhiều
khách du lịch, có thể dễ dàng hơn trong việc tìm được nơi ẩn nấp an toàn. Các
du khách đã gọi đó là “Tình người trong cơn hoạn nạn” và nó đích thực là thứ
tình cảm đáng trân trọng nhất. Tại Stade de France, sau khoảng lặng trong đau
thương và sợ hãi, điều mà không ai có thể ngờ tới, nhất là những kẻ muốn gieo rắc
đau thương và nỗi sợ đêm nay – bản hùng ca La Marseillaise vang lên trong đoàn
người rời khỏi sân vận động. Mọi người hát quốc ca Pháp để truyền nhau tinh thần
đoàn kết, nó trở thành thông điệp để nước Pháp nói với cả thế giới rằng: nước
Pháp không run sợ trước bạo lực mà sẽ mạnh mẽ và đoàn kết hơn.
Trở
lại Nhật Bản hơn 4 năm về trước, khi cơn sóng thần tàn phá một vùng rộng lớn,
giết chết gần 20.000 người, cả thế giới phải ngả mũ cảm phục tinh thần người
dân nơi đây. Không hề có hỗn loạn hay cướp bóc, mà thay vào đó là trật tự, tinh
thần rắn rỏi, tình người và trách nhiệm công dân. Hình ảnh em bé xếp hàng nhận
đồ ăn cương quyết không nhận vị trí ưu tiên phía trước hay cảnh người dân bỏ mặc
những bọc tiền ở bãi biển, hối hả đi giúp mọi người đã cho thấy một hình ảnh vĩ
đại của Tinh thần Nhật Bản.
Giá
trị của một dân tộc không phản ánh bằng những thứ xa hoa trong cung điện, những
chiếc xe hạng sang cho quan chức, cũng không phải là bao nhiêu vũ khí tối tân
mà là văn hóa của dân tộc đó. Sẽ là bao nhiêu dùi cui, súng đạn để bắt ép hàng
nghìn người giữ trật tự trong bạo lực, sẽ là cần bao nhiêu cảnh sát để không xảy
ra cảnh cướp bóc trong thiên tai và chiến tranh? Sẽ không thể có tên bạo chúa
nào dám chắc được con số cần có.
Một
xã hội văn minh với nền tảng tự do dân chủ, những công dân được giáo dục về giá
trị làm người không chỉ qua sách vở nhà trường mà còn qua những tấm gương giữa
đời thường, những người lãnh đạo với trách nhiệm và lòng tự trọng, những bậc
cha mẹ gương mẫu về tình yêu thương và đạo đức làm người. Giá trị nhân phẩm của
mỗi con người được tôn trọng tự nó hun đúc lên lòng vị tha đối với người khác,
quyền công dân được tôn trọng và thực hiện tự nó hun đúc lên tinh thần dân tộc.
Tất cả những điều đó tạo nên những con người văn minh trong một xã hội văn
minh.
Tôi
viết ra những điều này trong không khí tang thương của nước Pháp và thông tin về
động đất gây sóng thần vừa xảy ra tại Nhật Bản, sự xúc động về hình ảnh đau
thương và cao đẹp khiến tôi rơi lệ. Đâu đó trên thế giới này vẫn xảy ra cảnh giẫm
đạp dẫn tới thảm họa không đáng có, vẫn có cảnh cướp bóc trong thiên tai bão
lũ, vẫn có cảnh chính quyền vô cớ đánh đập, giết hại chính công dân của họ.
Nhưng quyền con người với những giá trị của tự do dân chủ chắc chắn sẽ còn lan
tỏa mạnh mẽ để chiếu sáng những góc tối còn lại trên thế giới này và rằng những
điều tốt đẹp sẽ đến với dân tộc nào thực lòng quyết tâm theo đuổi nó.
H.N
Tác
giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment